Đi & Ở

Điệp vụ đầu năm: dê hay cừu, có râu hay không râu 22. 03. 16 - 10:33 am

Candid

Tháng Giêng là tháng lễ hội, tháng đi chùa. Như mọi năm, bạn bè nô nức rủ, người thì rủ về xứ Đông, xứ Đoài đi xem thi pháo, đấu vật, chém lợn (nói đến đây bèn hạ giọng khe khẽ không lại bị bà con ném đá), người lại rủ chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, và năm nay mốt mới là chùa Ba Vành để cầu tài, cầu lộc. Tôi không có niềm tin tôn giáo, bản tính vốn dại, thích tìm nơi vắng vẻ, nên ai rủ cũng lắc. Chỉ mong có người rủ đi uống rượu kiểu rủ rỉ, lặng lẽ mà chả ai rủ đi…

Thế là bèn xách xe máy, máy ảnh chọn đại một hướng bất kỳ ra khỏi Hà Nội. Trên đường đi có thể ghé vào một vài ngôi chùa nào đấy không đông người lắm để vãn cảnh. Năm nay chuyến đi đầu tiên của tôi hướng về phía Kinh Bắc. Đường xá bây giờ tốt hơn ngày xưa rất nhiều nên thời gian đi khá nhanh. Rời đường cao tốc, tôi bám lấy đê sông Đuống mà đi. Dọc theo sông là các địa danh quen thuộc Bút Tháp, Đông Hồ, đền Kinh Dương Vương… Rời đê, tôi rẽ để khép thành vòng tròn điểm cuối cùng tôi dừng trước khi quay về Hà Nội là chùa Dâu.

Chùa Dâu, hình từ trang này

Chùa Dâu là một trong bốn ngôi chùa Tứ Pháp thờ 4 vị thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Tôi không theo đạo Phật nên sách vở cũng không nhớ rành, chỉ mang máng rằng, trước khi đạo Phật vào nước ta thì dân Việt vốn theo tín ngưỡng bản địa, một dạng Shaman giáo, thờ các vị thần liên quan đến nông nghiệp như thần mây, thần mưa… Ngoài ra vốn do dân Việt lúc đấy theo chế độ mẫu hệ nên các vị thần đều là nữ thần. Khi đạo Phật theo chân các nhà sư từ khu vực là Ấn Độ bây giờ đến Việt Nam, đạo Phật đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa để tạo thành hệ thống bốn ngôi chùa Tứ Pháp, trong đó chùa Dâu là Pháp Vân thờ thần Mây. Ngoài ra chùa Dâu còn gắn liền với sự tích Man Nương. Tôi tuy gắng đọc nhiều nhưng không nhớ được bao nhiêu, đành trích tạm wiki ra về sự tích Man Nương và chùa Dâu.

“Truyền thuyết kể rằng thuở xưa bà là một người con gái rất sùng đạo, năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây.

Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền.

Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư. Ông dùng cây tầm xích (gậy tích trượng) gõ vào cây dâu ở cạnh chùa; cây dâu tách ra, thiền sư để đứa trẻ vào trong, cây lại khép vào. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây gậy và dặn khi nào hạn hán thì đem gậy cắm xuống đất để cứu nhân dân. Khi vùng Dâu bị hạn hán ba năm liền, nhớ đến lời dặn của ông, Man Nương đã đem cây gậy thần cắm xuống đất. Ngay lập tức nước phun lên, cây cối, ruộng đồng lại tươi tốt và chúng sinh thoát nạn hạn hán.

Tiếp đó có trận mưa to, cây dâu bị gió bão quật đổ xuống sông Thiên Đức (sông Dâu) rồi trôi về Luy Lâu. Khi đó, Thái thú Sĩ Nhiếp cho quân lính vớt lên để làm nóc điện Kính Thiên, nhưng không ai lay chuyển nổi. Man Nương đi qua liền xuống sông, buộc dải yếm vào và bảo “Có phải con mẹ thì đi lên theo mẹ”, lập tức kéo cây lên dễ dàng. Sĩ Nhiếp thấy thế kính sợ, tuyển mười người họ Đào tạc tượng Tứ pháp là Pháp Vân-Pháp Vũ-Pháp Lôi-Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Gió, Sấm, Chớp để thờ. Bốn bức tượng phật đó được đặt ở bốn ngôi chùa khác nhau ở trên cùng một khu vực là Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng. Khi thợ tạc tượng gặp trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Sĩ Nhiếp cho người vớt nhưng không tài nào vớt được. Man Nương liền đi thuyền ra giữa sông thì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng. Khối đá ấy được gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng).”

Quay lại việc vãn cảnh chùa. Đến chùa Dâu, tôi rất ấn tượng bởi hai pho tượng Ngọc Nữ và Kim Đồng, bởi nghệ thuật tạo hình của người thợ nào đấy ngày xưa đã tạo nên những vẻ đẹp của người Việt cổ. Ngoài ra, tôi ấn tượng bởi một bức tượng cừu đá nằm bên tòa tháp Hòa Phong ngoài sân chùa. Thông thường ở chùa, tượng các con vật thường gặp là rùa, là nghê, là sư tử, voi… chứ tôi chưa từng thấy tượng con cừu nào. Có lẽ vì cừu là con vật khá xa lạ với người Việt Nam, ngoài đời ở Việt Nam tôi cũng chỉ thấy cái đùi cừu là cùng chứ chưa từng thấy nguyên cả con.

Cừu chùa Dâu, góc này thấy rõ bộ râu

Con cừu ở chùa Dâu khá là cổ, người ta cho rằng nó được làm khoảng thế kỷ thứ 2, thời kỳ nhà Hán đang đô hộ Việt Nam. Do tuổi đời lâu thế nên tượng bị mòn nhẵn phần đầu và phần lưng. Có lẽ bao thế hệ trẻ con đã ngồi cho mòn lưng nó… Lần đầu đến chùa Dâu, khi thấy tượng cừu tôi cũng tò mò, nhưng khi biết về sự tích chùa, về vị sư Khâu Đà La, tôi nghĩ rằng có lẽ thời xưa, khi các vị sư Ấn Độ khi đến tu ở đây, họ cho tạc tượng con cừu vì cừu là con vật quen thuộc với họ. Nghĩ thế nhưng tôi không hiểu vì sao mình chưa từng tìm hiểu sâu thêm về chuyện này. Năm nay đến chùa Dâu, khi nhìn thấy tượng con cừu nằm lẻ loi, tôi quyết định phải thử tìm kiếm thông tin xem sao.

Rất may Google chưa tính phí, nên chỉ vài đường cơ bản, tôi đã phát hiện ra đây không phải tượng cừu duy nhất mà có một tượng khác nằm cách đấy không xa, một con cừu cũng lẻ loi nữa nằm ở đền thờ Sĩ Nhiếp, cách đấy 3 km. Như theo đoạn trích trên từ Wiki, Sĩ Nhiếp có liên quan đến việc xây dựng chùa Dâu. Từ câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác. Câu chuyện trở nên thú vị, đối với tôi.

Cừu lăng Sĩ Nhiếp, cũng có bộ râu

Sĩ Nhiếp là ai, thôi lại giở wiki ra copy & paste:

Sĩ Nhiếp có tên tự là Uy Ngạn (威彥), tổ tiên là người Vấn Dương nước Lỗ… Sĩ Nhiếp đỗ hiếu liêm, được bổ Thượng thư lang, vì việc công bị miễn chức, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ Mậu tài, bổ làm Huyện lệnh Vu Dương, sau đổi làm Thái thú ở quận Giao Chỉ, được tước Long Độ Đình Hầu (龍度亭侯), đóng đô ở Liên Lâu (tức Long Biên).

Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư:

“Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người”.

Năm Bính Ngọ (226), Sĩ Nhiếp mất, thọ 90 tuổi. Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu tổng cộng 40 năm (187 – 226).

Con cừu ở lăng Sĩ Nhiếp đúng là cùng một chất liệu đá, cùng một kiểu hoa văn, cùng một kiểu tạo dáng. Theo tôi nghĩ dứt khoát phải cùng là một cặp như lệ thường. Nhưng nếu là cùng một cặp, ban đầu chúng được đặt ở đâu, ở chùa Dâu hay lăng Sĩ Nhiếp và tại sao lại mỗi con một chỗ.

Theo Google, tôi tìm được vài tích liên quan đến đôi cừu. Có tích cho rằng Sĩ Nhiếp có hai con cừu, khi ông mất đi hai con cừu lưu lạc, một con lạc đến chùa Dâu, một con tìm được về lăng Sĩ Nhiếp. Lại có tích khác cho rằng cừu là do một vị sư Ấn Độ mang vào và chúng cũng bị lạc nhau. Rồi có tích kể rằng con cừu chùa Dâu ngỗ nghịch nên bị trời phạt đánh cho sụn lưng phải quỳ ở chùa Dâu để tu. Tất thảy đều chỉ là sự tích dân gian. Lang thang google, tôi thấy có nhiều người cho rằng cừu không phải là do Sĩ Nhiếp (người nước Lỗ) mang vào, cũng không phải do các vi sư Ấn Độ mang vào, mà là do người Hồ. Cũng từ wiki có đoạn

Viên Huy, vốn là quan nhà Hán bấy giờ đang ở Giao Châu, gửi thư cho Thượng thư lệnh nhà Hán là Tuân Úc năm Đinh Hợi, Hán Kiến An năm thứ 12 (207). Lá thư viết:

“Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được. Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư, truyện. Phàm những chỗ biên chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu Tả Thị truyện, (tôi) đem hỏi, đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy, ý tứ rõ ràng, chặt chẽ. Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà cũng không hơn được”.

Người Trung Quốc xưa mà nay cũng thế, tự cho mình là trung tâm trời đất, xung quanh là man, di, rợ cả, kẻ nào cũng phải cúi đầu triều cống. Các tộc dân phía Bắc của Trung Quốc và dân Tây vực đều bị coi thường gọi là rợ Hồ. Từ Hồ trong câu thơ “Ngựa Hồ hứng gió bắc/ Chim Việt đầu cành Nam” là chỉ những dân tộc này. Tôi đọc thấy nghiên cứu của một người chỉ ra tục thờ cừu vốn bắt nguồn từ các nền văn minh cổ xưa như Ai Cập, con cừu đực được gọi là Ram, trong các tượng Sphinx của Ai Cập có rất nhiều tượng cừu. Cừu được coi là con vật thiêng trong các nền văn minh khác như La Mã. Với đạo Thiên Chúa con cừu cũng là một con vật thiêng, khi Chúa sinh ra bên cạnh có cừu, những người theo đạo Thiên Chúa coi mình là con chiên (cừu) của Chúa… Từ La Mã theo con đường tơ lụa, những người Hồ vốn là những thương nhân buôn bán đã mang con cừu vào Trung Quốc rồi từ đó vào Việt Nam.

Thông tin khá thú vị, tuy nhiên cũng chưa đủ để thuyết phục. Tôi tò mò tìm hiểu tiếp về con cừu và văn hóa Trung Quốc. Hóa ra với người Trung Quốc, chữ Dương được dùng để chỉ cả cừu và dê. Khi cần phân biệt cụ thể, người Trung Quốc dùng thêm định tố phía trước để phân biệt, ví dụ “Sơn Dương” (山羊) để chỉ dê và “Miên Dương” (綿羊) để chỉ cừu. Năm Mùi với người Việt Nam là năm con dê nhưng với người Trung Quốc gần đây tôi vẫn đọc thấy tranh cãi năm Dương (Yang) là năm của con dê hay cừu. Phần chữ Hán này có lẽ phải nhờ các cao thủ như bác Riêng & Chung chỉ giáo. Lúc này câu hỏi lại trở thành: Vậy con vật ở chùa Dâu là cừu hay dê?

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức tượng đã nghĩ ngay ra là con cừu. Các tài liệu trên mạng tôi tìm thấy đều cho đấy chính là tượng cừu chứ không ai nghĩ là tượng dê.

Vẫn liên quan đến Sĩ Nhiếp, sử gia Ngô Sĩ Liên viết:

Tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại đắp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ gọi là “Tiên Sĩ Vương”. Có lẽ là khí tinh anh không nát, cho nên thành thần vậy

Người Hán có tục chôn của cải, tượng, đồ dùng theo người mất nên mộ Hán thường được xây bằng gạch rất to. Ở Việt Nam và vùng Luy Lâu có rất nhiều mộ Hán. Liệu rằng tượng cừu, có vốn phải một đôi tượng chôn theo mộ Sĩ Nhiếp, sau khi bị đào mộ mới thất lạc một con sang chùa Dâu. Nếu vậy thì ở Trung Quốc, những ngôi mộ đời Hán có hiện vật bằng đá nào tương tự.

Tôi kiểm tra suy luận của mình bằng Google, thì ra kết quả rất nhanh. Từ trang này đưa tin việc khai quật một ngôi mộ Đông Hán ở Thành Đô khoảng thế kỷ thứ II, III, người ta tìm thấy một tượng dê bằng đá chôn theo, như thế này:

Hình từ trang này. Tượng dê được tạo hình nằm cũng như tượng ở chùa Dâu và Sĩ Nhiếp. Cặp sừng cong vòng.

 

Một tượng dê Hán khác

Tôi bèn xem kỹ lại bức tượng cừu ở chùa Dâu. Dưới cằm bức tượng cũng là một chòm râu dê mà từ trước giờ tôi không để ý.

Cừu chùa Dâu, góc này thấy rõ bộ râu

So sánh với tượng Cừu Hán cùng thời kỳ tôi tìm thấy trên mạng, những bức tượng cừu đều được tạc không có râu.

.

 

.

Như vậy rất có thể tượng ở chùa Dâu và Sĩ Nhiếp là tượng dê, vốn được tạc để chôn theo mộ Sĩ Nhiếp, rồi có thể một biến cố nào đấy làm lưu lạc một con đến chùa Dâu.

Loanh quanh tìm hiểu cũng hết ngày, đầu năm lên chùa không cầu lộc, chẳng cầu tài, chỉ có chuyện đến vậy.

Ý kiến - Thảo luận

13:07 Friday,9.3.2018 Đăng bởi:  Candid
Còm của Soi bị lag nên không rõ còm được hay chưa bèn còn lại. Tưởng mới 1 năm hoá ra đã 2 năm. Thời gian nhanh thật. Năm nay em không ở Việt Nam để đi chùa đầu năm nữa. Hy vọng vẫn có chuyện để kể cho các bác ở nơi xa.
...xem tiếp
13:07 Friday,9.3.2018 Đăng bởi:  Candid
Còm của Soi bị lag nên không rõ còm được hay chưa bèn còn lại. Tưởng mới 1 năm hoá ra đã 2 năm. Thời gian nhanh thật. Năm nay em không ở Việt Nam để đi chùa đầu năm nữa. Hy vọng vẫn có chuyện để kể cho các bác ở nơi xa. 
23:42 Wednesday,7.3.2018 Đăng bởi:  rieng&chung
Thấm thoát đã 2 năm. Nay em mới tận tay sờ con cừu có râu bằng đá dưới chân tháp Hòa Phong. Thực tình đi chùa Dâu mà không hề nhớ ra vụ cừu-dê này, nhưng bước chân vào vừa thấy nó thì buột miệng "đây rồi", và chụp ảnh lia lịa. Tối về lật đật lên Soi tìm bài của bác Candid. Hóa ra đã có bao nhiều thứ hay ho bác viết và còm men của mọi người.
Về bà Dâu, bà
...xem tiếp
23:42 Wednesday,7.3.2018 Đăng bởi:  rieng&chung
Thấm thoát đã 2 năm. Nay em mới tận tay sờ con cừu có râu bằng đá dưới chân tháp Hòa Phong. Thực tình đi chùa Dâu mà không hề nhớ ra vụ cừu-dê này, nhưng bước chân vào vừa thấy nó thì buột miệng "đây rồi", và chụp ảnh lia lịa. Tối về lật đật lên Soi tìm bài của bác Candid. Hóa ra đã có bao nhiều thứ hay ho bác viết và còm men của mọi người.
Về bà Dâu, bà Đậu. Màu tượng khiến em liên tưởng nước da đồng hun của người Ấn. Khuôn mặt bà Dâu khá đặc biệt: lông mày cong dài, sống mũi cao vồng, mặt cười tươi tắn, gò má nổi đầy, khuôn miệng gọn đẹp, hai môi dày dặn. Rất không giống mặt người VN, mà nhiều nét giống tranh tượng Phật. Một số minh tinh Ấn Độ cũng phảng phất nét mặt như vậy.
Tóc bà Trắng (ngồi bên tay trái phía dưới bà Dâu) cũng không phải tóc thường, mà nhiều đụn như đầu Phật. Kể cũng lạ. Bà Đỏ ngồi phía đối diện thì có vải che đầu nên không biết hình thái thế nào. Cậu bé thuyết minh tham quan không giải thích được.
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả