Ăn uống

Nhìn nồi, hũ gốm ngoại, thấy khó cho gốm Việt 14. 05. 16 - 7:54 am

Pha Lê

Nhiều khi muốn ủng hộ đồ nội địa nhưng mà sao… khó quá.

Nhắc tới đồ gốm, nhiều người nghĩ đến chén đĩa ly tách bình trà. Nhà này cũng có kha khá mấy món đồ gốm nội địa ấy xen lẫn gốm cũ của Nhật, coi như ủng hộ thương hiệu Việt, mà toàn mua không trả giá, có lần bị người quen mắng nhưng biết sao giờ, tính giống bố vậy rồi.

Cái đĩa chữ nhật cho món cá nướng trong bài “Thích ăn cá thì nên tự phi lê” của tôi chính là đĩa gốm Việt Nam.

Nhưng hễ ra khỏi phạm vi chén đĩa là chán ôi thôi chán. Trời nóng quá tính làm nhiều loại rau ngâm chua. Nhà này không ưa dùng nhựa, hũ thủy tinh dùng mãi nhàm và lắm hũ thủy tinh cỡ lớn có nắp cũng nhựa, nên định bụng mua hũ gốm đúng y truyền thống.

Mà kiếm hoài không thấy cái nào được, từ hũ muối dưa, các kiểu bình rượu vò rượu Bát Tràng. Mẫu mã thô sơ không sao hết, vấn đề ở chỗ nhìn mớ bình cứ thấy chán, cảm giác mọi thứ rất máy móc, không có nghiên cứu, không có nâng niu, không cảm thấy rằng người sản xuất ra chúng có tí xíu gì đấy là nghĩ về mình – người tiêu dùng.

Đi tìm thấy la liệt bình gốm to (trưng trang trí nhà) với mấy hũ họa tiết lằng ngoằng. Hình từ trang này

 

Loại này quảng cáo là để muối dưa, nói là của Bát Tràng (tin không đây?), nhưng người bán không nói tráng men kiểu gì, gốm là đất lấy từ đâu, phải Bát Tràng thật không. Nắp không khít, nhưng không khít cũng được, vấn đề là miệng hũ to đều với thân thế thì lấy vải bịt lại cho vừa che vừa thông hơi thôi cũng khó. Hình từ trang này

 

Vài cái chum to hơn (chắc chủ yếu để ngâm rượu) khó mà mua về ngâm rau. Có loại chum bé hơn, nhưng nhìn mấy bạn la liệt thế này, kiểu dáng lại máy móc quá… Hình từ trang này

Hũ ngâm tráng hay không, có tráng thì tráng kiểu gì, có chất nào hại môi trường không, hũ thô sẽ thế nào. Các kiểu hũ muối chua không được quá kín, nhưng làm sao để con nọ con kia không chui vào, giảm thải mốc… chẳng thấy hướng dẫn mà người bán cũng… không biết. Bảo quản nó làm sao, cũng chẳng biết luôn.

Bực bội chạy sang dòm mấy hũ, thố ngâm chua của Đức (nổi tiếng có món bắp cải muối, trữ ăn được cả năm), ôi thôi đẹp. Hũ làm bằng chất liệu gốm ở vùng nào, tráng bằng gì, an toàn cho sức khỏe và môi trường ra sao. Thiết kế rất truyền thống, mộc mạc nhưng mà tỉ mẩn, thấy ngay rằng người sản xuất ra chúng rất quý chúng. Nào là miệng hũ gốm thiết kế như vầy để không khí lưu thông, thoát ra bên ngoài được, và rau muối chua sẽ rất ngon. Tuy nhiên nó còn có chỗ để cho nước vào, ngăn kiến và côn trùng, ngăn không cho quá nhiều ô-xy lọt vô bên trong. Hũ bán kèm cuốn sách hướng dẫn cách bảo quản, cộng thêm vài công thức muối chua rau củ! Kinh hơn là họ cho luôn hai cục đá chèn, muối xong rau thì lấy hai cục ấy đè xuống.

Cái hũ gốm ngâm chua rau củ của Đức. Nửa muốn hạn chế nhập, không mua. Nửa còn lại nghĩ dùng nó được lâu, muối dưa tốt hơn mấy chục năm thì không bị tình trạng mua về rồi hư, bỏ, thải rác ra thiên nhiên! Gốm là từ vùng nào, tráng kiểu gì, làm tay hay máy (hũ này là làm tay nhé), thiết kế miệng là để cho khí thoát ra ngoài nhưng vẫn ngăn được côn trùng. Các hũ gốm Đức đều có bán trên trang Amazon

Khỉ, vừa nhìn vừa nhớ tới lần cô Hoa (giúp việc nhà tôi) muối dưa, cô vớ lấy bịch ni-lông, cho nước vào, cột lại rồi bỏ bịch ni-lông vô hũ để chèn rau. Tôi nhìn thấy là nhăn mặt, nhưng bảo cô đi lựa mấy cục đá to về chèn cho nó đỡ thải ni-lông ra thiên nhiên thì ngại. Cô muối nhiều để nấu tiệc, mà kêu cô đi lựa viên đá to cũng không biết nói ra chỗ nào mua (cá cảnh? vật liệu xây dựng? công ty bán cây, làm vườn?) Mà thời gian đâu để cô lựa. Bên Đức họ bán sẵn luôn hai cục đá vừa khít miệng bình, dùng cho đỡ hao môi trường.

Một hũ gốm ngâm muối rau củ khác của Đức, cũng làm tay, cũng có đá chèn bán kèm. Thế này họ hét 130 Đô, chưa tính phí chuyển về Việt Nam. Mình mà làm ra được chất lượng bằng họ, bán giá ngang hay thấp hơn chút thôi là thật tốt cho các nghệ nhân gốm, giúp họ có bao nhiêu thu nhập, giữ được nghề.

Nồi gốm cũng thế. Niêu tộ nước mình bán mà không ai biết nó thuộc loại men thô men tráng gì, tráng bằng chất gì. Không hướng dẫn bảo quản, dùng sao cho đúng và bền, rửa sao cho đặng. Mua niêu tộ về nấu không được lâu, hơi tí hư, nứt.

Niêu đất kho cá của mình, dùng được mà không bền, bảo quản sao cho bền chẳng thấy phổ biến, rửa như thế nào cũng chẳng nói. Hình từ trang này

Ngó sang ông Nhật, nồi gốm donabe sao mà đẹp thế. Nồi gốm của Đức nhìn thô hơn mà vẫn đẹp, nồi của Colombia ôi thích mê. Nhưng thích nhất là họ quý sản phẩm mình làm ra. Nhật bảo nồi donabe bằng đất sét vùng này, vùng này là xịn nhất, các vùng khác không bằng nhưng xài vẫn tốt. Ông Colombia không có tiền tráng men an toàn cho sức khỏe và môi trường như ông Đức nên nặn ra nồi thô, không tráng. Tuy nhiên nghệ nhân của vùng đã dùng hòn đá chà cho cái nồi thiệt nhẵn, nhìn bóng loáng như loại đã tráng rồi. Nồi nào cũng có hướng dẫn bảo quản ra sao, rửa thế nào, dùng sao cho bền, lần đầu dùng nên làm gì. Mà chúng bền thật! Cái nồi gốm donburi Nhật của mẹ đến giờ vẫn còn y nguyên.

Nồi gốm Colombia, họ chà kiểu gì mà nó đen bóng như quần Lãnh của bà ngoại tôi hồi xưa. Gốm làm tay, không hề tráng men. Có thể nấu nồi gas, bỏ và lò nướng ở nhiệt độ cao đều được, bán kèm hướng dẫn bảo quản và cách chùi rửa, sử dụng. Sờ vào nồi này là đi toi trăm đô. Hình từ trang này

 

Nồi đất donburi của Nhật không bóng lẫy nhưng xinh ơi là xinh, nấu lẩu, làm món hầm kiểu Tây cũng ổn do nồi này chịu nhiệt, bỏ vào lò nướng dưới 300 độ không sao. Tất nhiên có kèm theo hưỡng dẫn bảo quản, sử dụng sao cho bền. Hình các nồi gốm Nhật từ trang này

 

Vài nồi donburi đi kèm theo dĩa gốm xinh xinh, như vậy người mua có thể dùng nó làm nồi hấp.

 

Còn donburi này thuộc loại có thể bỏ than vào…

 

… và dùng nó như lò nướng than để nướng thịt, hải sản, rau.

 

Các loại donburi Nhật công nghiệp (dùng vẫn rất tốt) như trên giá từ 100 đến 180 Đô, còn loại làm tay như trong hình này thì bét nhất cũng phải 400.

Rất tếu, thấy mấy ông Tây xộc vô hỏi xem nếu họ lỡ làm khét đồ ăn trong nồi gốm donburi thì chà rửa thế nào, chị Nhật bèn trả lời ngay: Tốt nhất là đừng có làm khét. Chúng tôi bỏ bao tâm huyết ra sản xuất cái nồi, nên khi dùng bạn hãy chú ý một chút!

Ý kiến - Thảo luận

17:36 Thursday,7.5.2020 Đăng bởi:  Hương
Xem kênh youtube của cô thôn nữ Vân Nam TQ, thấy họ muối chua toàn dùng bình gốm có rãnh nước trên miệng để ngâm thôi, thích mấy cái bình ấy dã man, vừa sạch sẽ, vừa đảm bảo.
Seach trên GG thì VN có mỗi Yên Lam làm bình đó.
Muốn khóc quá.
Cũng luôn muốn ủng hộ hàng VN đấy, cơ mà hàng VN từ hàng thủ công đế sản xuất đại trà đều rất thô sơ. như đũa tre này,
...xem tiếp
17:36 Thursday,7.5.2020 Đăng bởi:  Hương
Xem kênh youtube của cô thôn nữ Vân Nam TQ, thấy họ muối chua toàn dùng bình gốm có rãnh nước trên miệng để ngâm thôi, thích mấy cái bình ấy dã man, vừa sạch sẽ, vừa đảm bảo.
Seach trên GG thì VN có mỗi Yên Lam làm bình đó.
Muốn khóc quá.
Cũng luôn muốn ủng hộ hàng VN đấy, cơ mà hàng VN từ hàng thủ công đế sản xuất đại trà đều rất thô sơ. như đũa tre này, quạt giấy này... handmade mà còn không bằng hàng Tàu, Nhật sản xuất hàng loạt.
haizzz... 
18:59 Monday,20.4.2020 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Nhung
Mình muốn mua vại muối dưa
muốn được điện thoại tư vấn
SĐT : 0989843039
mình muốn được gửi hình về vại , nồi lẩu, nồi đất ....
...xem tiếp
18:59 Monday,20.4.2020 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Nhung
Mình muốn mua vại muối dưa
muốn được điện thoại tư vấn
SĐT : 0989843039
mình muốn được gửi hình về vại , nồi lẩu, nồi đất .... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả