Soi học

Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh 06. 06. 16 - 8:26 am

Đặng Thái biên soạn

Đã bao giờ bạn tự hỏi: tại sao chúng ta lại gọi là đậu Hà Lan chứ không phải bất kì tên gọi nào khác? Trong lịch sử thế giới, đã có những quốc gia trở nên giàu mạnh và duy trì vị trí hàng đầu trong cả thế kỷ. Nếu như thế kỷ 20 thuộc về hai siêu cường Liên Xô và Hoa Kỳ, thế kỷ 19 chứng kiến sự thống trị của đế quốc Anh và thế kỷ 18, cả châu Âu phục tùng nước Pháp thì sớm hơn nữa, vào thế kỷ 17, Hà Lan đã từng đạt đến đỉnh cao về mọi mặt trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta đã quen thuộc với cụm từ “phép màu Đông Á” chỉ sự phát triển thần kỳ của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc trong thế kỷ hai mươi nhưng có lẽ vẫn còn xa lạ với “phép màu Hà Lan”. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự tiến bộ phi thường của Hà Lan, từ một vùng đất chịu sự cai trị của đế quốc Tây Ban Nha trở thành một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới mà lịch sử gọi dưới cái tên “kỷ nguyên vàng của người Hà Lan”.

Phiên gác đêm, Rembrandt van Rijn, 1642, sơn dầu trên vải, 379.5 x 453.5 cm. Đây được coi là một kiệt tác hội họa của Hà Lan và thế giới. Bức tranh thể hiện quyết tâm của quân và dân Hà Lan nhằm chống lại người Tây Ban Nha cai trị.

Vì sao “đất thấp”?

Trong tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, đất nước và dân tộc này thường được gọi dưới cái tên Hà Lan (trong thư tịch cổ của ta gọi là Hòa Lan), do phiên âm từ Holland (Hô-lan). Nhưng thực tế, Hà Lan chỉ là một phần của quốc gia, nơi có những thành phố, cảng biển lớn nhất, tập trung sức mạnh kinh tế và quân sự. Người dân gọi đất nước của họ là Nederland (Ne-đơ-lan) tức là “vùng đất thấp” do phần lớn diện tích lãnh thổ nằm thấp hơn mực nước biển, những người không sống ở các tỉnh thuộc vùng Hà Lan không muốn bị gọi là người Hà Lan. Ngày nay trong quan hệ quốc tế, người ta thường dùng Netherlands trong tiếng Anh hoặc Pays-Bas trong tiếng Pháp đều có nghĩa là “vùng đất thấp”. Tuy vậy trong bài này, ta tạm dùng Hà Lan để chỉ Nederland vì đây là từ ngữ đã quen thuộc với người Việt Nam.

Đại đội, Frans Hals và Pieter Codde, 1633-1637, sơn dầu trên vải, 209 x 429 cm. Binh lính cầm cờ và đeo dải băng màu da cam. Màu cam được gắn liền với Hà Lan và đạo Tin Lành vì đó là màu của Hoàng gia Hà Lan tức là triều Nhà Orange (Cam). William xứ Orange là một quý tộc đã lãnh đạo chiến tranh cách mạng giành độc lập của Hà Lan và hậu huệ của ông duy trì vị trí đứng đầu nhà nước Hà Lan đến tận ngày nay.

Nhà nước tư sản đầu tiên

Năm 1579 chứng kiến một sự chia rẽ sâu sắc ở Hà Lan dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.

Ngày 6. 1. 1579, các tỉnh miền nam (nước Bỉ sau này) tuyên bố trung thành với triều đình và giáo hội Công giáo Tây Ban Nha. Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 23. 1. 1579, bảy tỉnh miền bắc đã kí Hiệp ước Utrecht (U-trếch) để cùng bảo vệ nhau và chống lại sự cai trị của người Tây Ban Nha. Sự kiện này là kết quả của những mâu thuẫn và xung đột từ lâu: chính quyền muốn áp đặt một tôn giáo duy nhất là Công giáo trong khi phần lớn dân chúng miền bắc lại theo đạo Tin Lành vì sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Kháng Cách, nhằm tách khỏi Giáo hội La Mã tham nhũng và bảo thủ. Đồng thời sưu cao thuế nặng và sự bóp nghẹt kinh tế của nhà nước đã khiến dân chúng và tầng lớp thương nhân bất bình. Hai năm sau, 1581, các tỉnh liên hiệp miền bắc tuyên bố độc lập và chính thức phủ nhận sự cai trị của vua Tây Ban Nha. Nước Cộng hòa Hà Lan, nhà nước tư sản đầu tiên trên thế giới ra đời. Nhưng nhà nước non trẻ còn phải chiến đấu trong gần 70 năm nữa cho đến tận năm 1648 mới được triều đình Tây Ban Nha chính thức công nhận độc lập, đồng thời một loạt hòa ước được kí trong năm này đã thiết lập một trật tự chính trị mới ở châu Âu.

Sau Hiệp ước đình chiến năm 1609, Cộng hòa bảy tỉnh liên hiệp (màu cam) tạm thời có được độc lập. Tỉnh Holland nằm ở phía ngoài, giáp biển. Tỉnh thứ tám là Drenthe do quá nghèo nên không có đại biểu ở chính phủ trung ương. Ở giữa màu vàng là vùng đất thuộc nước Cộng hòa do giành được trong chiến tranh. Phần miền Nam (màu tím) chính là hai nước Bỉ và Luxembourg ngày nay.

Công ty đa quốc gia đầu tiên và việc phát hành cổ phiếu đầu tiên của nhân loại

Cộng hòa Hà Lan, với những cảng biển lớn và tầng lớp tư sản giàu mạnh lại được hưởng nhiều quyền tự do mà một tôn giáo mới, một chế độ mới ưu việt hơn mang lại, đã phát triển kinh tế nhanh chóng. Rất nhiều thợ thủ công lành nghề theo đạo Tin Lành đã rời khỏi miền Nam công giáo về định cư tại thương cảng Amsterdam (Am-xtéc-đam), cùng với đó những trí thức, người giàu có và người Do Thái bị Công giáo đàn áp ở khắp Trung và Nam Âu đã đồ về miền bắc Hà Lan.

Với nguồn nhân lực chất lượng cao, chính phủ mới đã đưa ra chính sách kinh tế thông thoáng và cực kỳ tiến bộ đó là tập trung vào thương mại, đặc biệt là ngoại thương. Do đó Công ty Đông Ấn Hà Lan được thành lập vào năm 1602. Đây được coi là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và cũng là công ty đầu tiên trong lịch sử nhân loại phát hành cổ phiếu. Thị trường chứng khoán Amsterdam được hình thành và tổ chức của nó rất giống với những thị trường chứng khoán mà ta thấy ngày nay.

Trong sân của sàn chứng khoán Amsterdam, 1653, Emanuel de Witte, sơn dầu trên gỗ, 49 x 47.5 cm

Tiếp theo đó năm 1609, Ngân hàng Amsterdam (tiếng Hà Lan: Amsterdamsche Wisselbank) thành lập, ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới đã giúp chính phủ điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng hiệu quả. Các nhà buôn dễ dàng có tiền để đóng tàu và chiếm ưu thế gần như áp đảo trong việc vận chuyển thương mại ở châu Âu. Phương thức huy động vốn mới mẻ qua giao dịch chứng khoán rộng rãi và hệ thống tài chính công hợp lý đã giúp Công ty Đông Ấn Hà Lan có dư dả tiềm lực để theo đuổi một mục tiêu lớn lao hơn nữa: độc quyền buôn bán với châu Á. Những quốc gia phong kiến ở Viễn Đông lúc này vẫn duy trì hệ tư tưởng Nho giáo với trật tự xã hội: “sĩ-nông-công-thương” đã coi thường giá trị kinh tế của thương mại. Các triều đình phong kiến nắm vai trò độc quyền ngoại thương và bế quan tỏa cảng, không giao tiếp với bên ngoài. Một đoạn trích từ nhật ký của các thương nhân Hà Lan đến buôn bán ở Việt Nam lúc bấy giờ (1):

“Hôm nay, chúa (Trịnh) ban yến cho mấy quan cai bộ để dò hỏi họ luôn thể xem ý kiến họ đối với chúng tôi ra sao? Họ trả lời tốt lắm; đồng thanh cho rằng người Hoà Lan đáng tin hơn người Trung Hoa, người Bồ Đào Nha và các dân tộc khác đã qua đây. Họ còn thuật lại những lời tâu ấy cho chúng tôi nghe; nhưng chúng tôi đã thừa biết rằng họ nói thế để mua chuộc cảm tình chúng tôi, chứ thật ra họ vẫn cấm dân sự buôn bán với chúng tôi, và họ giữ lấy tất cả số tơ trong xứ để bán lại rõ thật đắt.”

Nhưng người Hà Lan không dễ dàng bỏ cuộc, họ vừa đánh (các chúa Nguyễn) vừa kiên trì thuyết phục chính quyền (các chúa Trịnh) và thậm chí thỏa hiệp, đồng ý cống nạp (bao gồm cả gả vợ, như trường hợp vua Lê Thần Tông) cho các triều đình Đông Á để đổi lấy quyền buôn bán những sản vật mà châu Âu không hề có. “Của một đồng, công một nén”, những thứ gia vị, tơ lụa và gốm sứ châu Á mang về châu Âu trở thành những món hàng xa xỉ, lợi nhuận rất cao mà nhu cầu gần như vô hạn. Thành ngữ Hà Lan hiện đại có câu: “Đắt như hạt tiêu” là vậy. Vì thế, bất chấp đường sá xa xôi, núi sông hiểm trở, các tàu buôn Hà Lan vẫn lũ lượt tiến về châu Á. Họ đã thương lượng được với Mạc Phủ của Nhật để mở một cảng xuất nhập khẩu duy nhất trên một hòn đảo bé xíu tên là Dejima ở bờ biển Nagasaki và họ là những người phương Tây duy nhất làm thương mại với người Nhật trong suốt hai thế kỷ.

Một tàu lớn của Hà Lan và thuyền buổm nhỏ phía sau, Ludolf Bakhuizen, 1694, sơn dầu trên vải, 55.8 x 76.2 cm.

Vừa buôn bán vừa chiếm đóng

Trong hai trăm năm tồn tại của mình, công ty Đông Ấn Hà Lan đã chuyên chở giữa châu Á và châu Âu khoảng 2.5 triệu tấn hàng hóa bằng 4785 con tàu cùng với một triệu người châu Âu. Công ty này đã vượt mặt tất cả các đối thủ cạnh tranh của nó trong đó có công ty Đông Ấn Anh đứng thứ hai với lượng hàng hóa chỉ bằng một phần năm. Xét về mặt kinh tế, với lợi tức chia cho cổ đông là 18% mỗi năm trong hai trăm năm liên tục thì thành công của công ty này là vô tiền khoáng hậu.

Nhưng công ty đặc biệt này không chỉ dừng lại ở làm ăn kinh tế. Ban lãnh đạo của nó đã nhanh chóng đề xuất ý tưởng chiếm đóng những vùng đất quan trọng trên hải trình từ châu Âu sang châu Á và thực dân hóa những vùng nguyên liệu ở Viễn Đông nơi mà bộ máy chính quyền còn yếu. Nó dần hoạt động độc lập như một dạng chính phủ lưu động khi mà nó cũng có thể tuyên bố chiến tranh, bắt giữ tù bình, đàm phán hiệp ước, đúc tiền và thành lập thuộc địa. Tên của nó được đặt cho một thuộc địa khổng lồ ở Đông Nam Á: “Đông Ấn Hà Lan” (Dutch East Indies) chính là nước Indonesia sau này. Nhiều nhà hàng của người Indonesia ở nước ngoài vẫn còn đặt theo tên Batavia, tức là tên người Hà Lan đặt cho thủ phủ của thuộc địa, tiền thân của thành phố Jarkarta ngày nay.

Người Hà Lan đã có thuộc địa, thường là những vùng đất nhỏ quanh thương cảng ở khắp nơi trên thế giới: Nam Phi (mũi Hảo Vọng), Sri Lanka , Đài Loan, Bắc-Trung-Nam châu Mỹ. Những hành trình trên biển của người Hà Lan đã mang đến cho nhân loại những phát kiến địa lý quan trọng, trong đó có việc tìm ra châu Đại Dương và lưu lại hai cái tên đến tận ngày nay “New Zealand” (Zeeland là một trong bảy tỉnh liên hiệp) và hòn đảo lớn nhất đồng thời là một bang của Australia: “Tasmania” (đặt tên theo nhà hàng hải Abel Tasman).

Một tấm bản đồ thể hiện hai vùng đất mới được tìm thấy là Tân Hà Lan và Tân Tây Lan còn chưa vẽ được trọn vẹn bờ biển.

Riêng với châu Mỹ và vùng biển Caribbean (Ca-ri-bê), một công ty thứ hai được thành lập là công ty Tây Ấn Hà Lan, chuyên tập trung trồng mía dưới hình thức đồn điền để sản xuất đường. Lúc bấy giờ người châu Âu mới bắt đầu biết dùng đường trong ăn uống nên nhu cầu tăng vọt. Khi nguồn nhân lực trồng mía ở châu Mỹ khan hiếm, công ty này đã kiêm luôn việc buôn bán nô lệ da đen từ bờ Tây châu Phi. Việc đường ăn dần trở thành thứ hàng hóa giá trị nhất sau ngũ cốc trong thương mại châu Âu đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Hà Lan.

(còn tiếp)

*
(1) Bản dịch của Nguyễn Trọng Phấn

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

14:43 Monday,6.6.2016 Đăng bởi:  mai
Cảm ơn bạn Đặng Thái, bài viết thật công phu. Chờ đọc tiếp kỳ sau của bạn. Về Dejima bạn nào quan tâm có thể tìm đọc tiểu thuyết The thousand autumns of Jacob de Zoet của David Mitchell lấy bối cảnh này. Truyện vừa love story vừa fantasy, thriller lại có cả lịch sử văn hóa rất chi là hấp dẫn, mở đầu bằng một màn...đỡ đẻ. Mình thích nhất là những chi tiết mô tả c
...xem tiếp
14:43 Monday,6.6.2016 Đăng bởi:  mai
Cảm ơn bạn Đặng Thái, bài viết thật công phu. Chờ đọc tiếp kỳ sau của bạn. Về Dejima bạn nào quan tâm có thể tìm đọc tiểu thuyết The thousand autumns of Jacob de Zoet của David Mitchell lấy bối cảnh này. Truyện vừa love story vừa fantasy, thriller lại có cả lịch sử văn hóa rất chi là hấp dẫn, mở đầu bằng một màn...đỡ đẻ. Mình thích nhất là những chi tiết mô tả các thông dịch viên của Nhật thời kỳ này. 
10:05 Monday,6.6.2016 Đăng bởi:  Candid
Ở Việt Nam thời chúa Nguyễn, chúa Sãi và cháu chúa Sãi 2 lần đánh tầu của "giặc Hiển Quý" giặc giàu sang, Hà Lan.
...xem tiếp
10:05 Monday,6.6.2016 Đăng bởi:  Candid
Ở Việt Nam thời chúa Nguyễn, chúa Sãi và cháu chúa Sãi 2 lần đánh tầu của "giặc Hiển Quý" giặc giàu sang, Hà Lan. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả