Gẫm & Bình

Thế nào là nghệ thuật đương đại? (phần 1): Vài chia sẻ khi đứng trên hàng rào…18. 06. 16 - 12:26 pm

Bàng Nhất Linh

“Tôi không đồng ý với những điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh.” Voltare nói như vậy từ khá lâu rồi. Ở đây không có ai chết cả, chỉ muốn nói với bạn/bác Dove (trong cmt của bài này), cá nhân em luôn cho rằng: tôn trọng sự khác biệt trong lối nghĩ, và cổ vũ cho đối thoại – là biểu hiện của một môi trường nghề nghiệp, rộng hơn là một thiết chế xã hội khỏe mạnh và văn minh.

.

Sự thực là, thấp thoáng có một khoảng chênh nào đó giữa những người thực hành và những người xem và yêu nghệ thuật. Lâu nay có cảm giác trong môi trường nghệ thuật Việt Nam, đôi lúc hai phía như những người ở hai bên của một cái hàng rào. Em đơn giản chỉ muốn góp một chỉ dấu nhỏ, như tiếng nói của một người đứng trên cái hàng rào ấy. Những mong từ chỉ dấu đó, những thực hành nghệ thuật của các đồng nghiệp và của chính mình sẽ có thêm những người bạn từ những người xem.

1. Khái niệm “Nghệ thuật đương đại

Đi từ khái niệm “nghệ thuật đương đại”, “đương đại” là một từ có số phận khá kỳ lạ ở Việt Nam. Ban đầu nó được gắn cho những hoạt động nghệ thuật mới, lạ, ngoài lề… và thường bị hắt hủi như Lọ Lem… Và cũng như Lọ Lem, ngoảnh đi ngoảnh lại một ngày nó “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trở thành một từ thời thượng, truyền thông và thậm chí các cơ quan nhà nước bỗng rất sính dùng nó…

Trên thực tế, môi trường nghệ thuật Việt Nam khá đặc biệt, bởi nó diễn ra đồng thời các thực hành nghệ thuật mang nguyên lý hay tư tưởng từ cổ điển, hiện đại, tới hậu hiện đại… tất cả cùng tồn tại đan xen nhau. Đôi khi chỉ cần còn đủ sức khỏe để vẽ tranh nặn tượng hoặc đơn giản là có thể hát được bài “Vì tôi còn sống” của em Tiên Tiên, bạn đương nhiên được mặc định là đang làm “nghệ thuật đương đại”.

Nói một cách ngắn gọn, khái niệm “nghệ thuật đương đại” ở Việt Nam lâu nay đơn thuần được hiểu một cách nôm na dưới khía cạnh “thời gian” – những gì “đương” diễn ra, trong khi trong dòng chảy chung của nghệ thuật thế giới, nó được hiểu như một định danh dưới khía cạnh tư tưởng, nguyên lý sáng tạo trong mối liên hệ giữa các trào lưu nghệ thuật. Điều này có nghĩa là một tác phẩm “nghệ thuật đương đại” về mặt tư tưởng, triết học, nguyên lý sáng tạo… khác với một tác phẩm “nghệ thuật hiện đại” mặc dù chúng có thể cùng được thực hiện trong một ngày, bởi hai nghệ sỹ nhà ngay sát vách nhau và cùng thích nghe Tiên Tiên.

Đến đây phải nói thêm rằng việc chỉ ra sự khác biệt này không phải để phân loại sự hơn kém giữa cái này với cái kia mà nó chỉ là một động tác chỉ ra “cái khác” chứ không phải “cái hơn kém”, và không ngoài mục đích giúp cho người xem hiểu hơn về môi trường nghệ thuật. Như khi nói “các phương tiện giao thông đương đại” chúng ta hiểu rằng đang nói đến “xe máy, ô tô, máy bay…” mà không phải là xe ngựa. Trên thực tế, “xe ngựa” không hề kém “máy bay”, nhưng nó thuộc về một niên biểu thời gian khác, nó có giá trị riêng và đã hoàn thành vai trò ở niên biểu của nó; ngay hôm nay, người ta hoàn toàn có thế đóng mới một cái xe ngựa và lưu thông hết sức bình thường, chỉ có điều nó không phải là một phương tiện giao thông đương đại.

Một tác phẩm của Pierre Huyghe tại bảo tàng Metropolitan. Ông đã dỡ bỏ khoảng 20 tấm đá granite lát mái, để lộ ra mảng vữa lổn nhổn đầy những mảnh vỡ. Một bể nước lớn rỉ ra một dòng nước nhỏ chảy từ từ qua các mảng đất, tụ lại đây đó và tạo thành những vũng nước đục

2. Vậy một tác phẩm “nghệ thuật đương đại” sẽ như thế nào, mang đặc điểm gì?

Với sự vận động của ngôn ngữ nghệ thuật, nhiều tác phẩm ra đời sau hầu như đã không còn được xây dựng bởi cùng một một cơ chế như những tác phẩm sinh ra trước kia nữa.

Nếu nhìn vào quá trình phát triển của nghệ thuật thị giác, coi “Nghệ thuật thị giác” như một tập hợp Mẹ, cá nhân em thấy nó giống như một quá trình loại bỏ cái khác biệt về tính chất của các nhân lõi và mở rộng thêm ra cái tập hợp Mẹ đó – ngày càng lớn hơn. Matisse loại bỏ khác biệt giữa các họa sỹ dùng palette và các họa sỹ không dùng palette 🙂 . Dali loại bỏ khác biệt giữa việc vẽ những hình có thật trong tự nhiên với những hình chỉ có trong giấc mơ hay ẩn ức kiểu Freud. Kadinsky loại bỏ khác biệt giữa việc vẽ một bức tranh có “hình” hay “không có hình”. Duchamp loại bỏ khác biệt giữa việc một tác phẩm được “tạo ra” bởi nghệ sỹ hay “không tạo ra” bởi nghệ sỹ.

Nhưng đến niên biểu của “Nghệ thuật đương đại”, cái khác biệt đó lớn hơn những khác biệt từng được tạo ra giữa các trào lưu trước kia. Trong một “điều kiện” mới, một sự thay đổi khá toàn diện diễn ra, từ trong ra là nguyên lý, lý thuyết- phương pháp luận trong xây dựng tác phẩm, bên ngoài vào là những cách “đọc”tác phẩm, những quan niệm về vai trò của tác giả, cho tới cái triết học nền tảng. Nó khiến người xem ở giai đoạn này đôi khi khó nắm bắt được tác phẩm.

Kate Gilmore, “Higher Ground”. Tác phẩm gồm 9 phụ nữ mặc đồ trắng, đi giày đỏ, đánh đu trong một căn nhà trống sơn màu hồng đậm bên ngoài bên trong đỏ rực.

Bùi Văn Nam Sơn nói rằng triết học giúp chúng ta “hiểu hậu cảnh” và “hành động có cơ sở”. Vậy ngược lại, nếu bạn hiểu cái triết học hay nguyên lý nào mà từ đó tác phẩm được tạo ra, bạn sẽ hiểu nó từ trong bản chất.

“Nghệ thuật đương đại” trong mối liên hệ chung, thường gắn với “Chủ nghĩa hậu-hiện đại” – một hệ thống tư tưởng dần phổ biến vào những năm 1960s mang một tinh thần và thẩm mỹ của cái “khác” trong tương quan và mối liên hệ với Chủ nghĩa hiện đại.

Để hiểu kĩ hơn về “Chủ nghĩa hậu hiện đại”, bác Dove có thể search ebook của những tác giả như Jacques Derrida, Jean-François Lyotard hay Michel Foucault – họ là những nhân vật có công hệ thống hóa lý thuyết “Hậu hiện đại”. Em không muốn đi sâu vào lý thuyết, nó có thể gây mệt mỏi cho người đọc mà chỉ lấy ra những đặc tính ngắn gọn của một tác phẩm “Nghệ thuật Đương đại/Hậu-hiện đại”.

3. Những đặc tính quen thuộc của nghệ thuật đương đại:

– Tính site specific:

Mở đầu một cuốn sách của mình, Charles Jencks viết: “Kiến trúc Hiện đại đã chết ở Saint Louis, Missouri ngày 15 tháng 7 năm 1972 vào hồi 15h32 “. Kèm theo đó là bức ảnh chụp một ngôi nhà nhiều tầng do kiến trúc sư Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki thiết kế đang bị nổ tung. Nó báo hiệu sự ra đời của một trào lưu kiến trúc mới: Kiến trúc hậu hiện đại.

.

Nghệ thuật thị giác, cũng như văn học, điện ảnh hay kiến trúc… là những vùng đặc thù cùng nằm trong một khu vực lớn hơn mà nó chịu ảnh hưởng là “Chủ nghĩa hậu hiện đại”. Nếu Robert Stern, kiến trúc sư người Mỹ đưa ra một trong những nguyên lý của kiến trúc Hậu hiện đại là việc nó phải có mối liên hệ với môi trường xung quanh thì nghệ thuật thị giác cũng tương đồng như vậy.

Nếu các tác phẩm nghệ thuật hiện đại về trước là một cấu trúc đóng – nó chỉ cần được đặt trong những không gian kiểu White-cube với bốn phía tường trắng, thì một tác phẩm nghệ thuật đương đại rất chú trọng tới việc nó-sẽ-như-thế-nào-trong/ với-nơi-nó-được-trưng-bày. Đó là một mối liên hệ hết sức hữu cơ, như một cơ thể sống với môi trường của nó. Điều này chúng ta lại thấy rất quen thuộc trong nghệ thuật phương Đông. Show trà Nhật là một ví dụ: người ta thưởng trà trong trà thất nhưng lại quan tâm đến cả lối đi trong vườn…

– Coi “quá trình” hơn “kết quả”:

Khi bác đứng trước một tác phẩm Trình diễn, tham gia vào nó, tương tác với nó hay đơn giản chỉ là quan sát nó, những cảm giác, âm thanh, đụng chạm… trong quãng thời gian mà nó diễn ra là không lặp lại. Những hình chụp nếu có từ chính trình diễn đó hầu như không gợi đến những cảm giác giống như khi xem ảnh chụp của một bức tranh nếu bác đã không có mặt ở đó. Khi xem ảnh chụp một bức tranh chưa từng gặp, bác có thể có tới 80 % cảm xúc từ bức tranh thật. Sự thay đổi về quan niệm: tác phẩm trình diễn đó chính là quãng thời gian mà nó diễn ra chứ không phải những gì được ghi lại.

Nghệ sĩ giá lâm” – trình diễn  của Marina Abramovič tại MoMA. Ảnh: Scott Rudd

Quay sang phương Đông và lùi về một quãng thời gian cũ hơn của lịch sử, chúng ta dễ thấy những tương đồng kỳ lạ trong biến đổi nhận thức của con người về một quan niệm. “Đường Tống bát đại gia”, một thời kỳ phát triển cực đại về kinh tế, văn hóa dẫn đến những biến chuyển lớn về triết học Tàu, các quan niệm… khi “Tam Giáo” cùng tìm cách hòa đồng, Nho giáo cũng tiếp thu những tinh thần của Đạo để có Tân nho… khái niệm bất tử được đồng nghĩa với cái vận động, biến hóa vô cùng của vạn vật…

– Tính không bền vững:

Khi không còn coi mục đích tối thượng là tạo ra một “kết quả” cố định, trong nhữngbối cảnh cụ thể, một tác phẩm nghệ thuật đương đại có thể dùng đến những chất liệu không bền vững như thịt sống, nước, băng, máu… để phục vụ cho ý niệm của tác phẩm.

Wolfgang Laib đang thực hiện một tác phẩm sắp đặt bằng phấn hoa. Rất tỉ mỉ nhưng chấp nhận sẽ mất hết, chẳng để lại tăm tích gì. Các bạn xem thêm ảnh ở đây

– Tính tương tác:

Trong một tác phẩm “Nghệ thuật đương đại”, vai trò của người xem là hết sức quan trọng bởi dưới góc độ phương pháp luận, bản thân một tác phẩm không phải là một cấu trúc cố định, mà là một giải cấu trúc (Cái này bác có thể xem kỹ hơn ở phần sau: “Việc ‘đọc’ một tác phẩm đương đại và sự thay đổi quan niệm về vai trò của tác giả và người xem”) Trong một số tác phẩm, người xem hoàn toàn có quyền can thiệp, tham gia vào tác phẩm và chính điều này giúp hình thành nên tác phẩm.

“Touch Cinema” là một thí dụ về tương tác, với một cái hộp rỗng, người nào cũng có thể đưa tay vào chạm ngực trần của nghệ sĩ Valie Export

– Tính khái niệm:

Sol Lewitt trong những bài viết về nghệ thuật Khái niệm (Conceptual Art) vào buổi bình minh của “Nghệ thuật đương đại” đưa ra lý giải và gợi ý về những tác phẩm mà trong đó yếu tố kỹ thuật, vật chất của tác phẩm không còn là cốt yếu nữa, thay vào đó là việc cái ý tưởng của nghệ sỹ được đưa ra và việc nó tác động tới tâm trí, trí tuệ của người xem như thế nào mới là tối quan trọng.

Trước khi chúng ta ngồi đây tranh luận về nghệ thuật Khái niệm hay nghệ thuật Tối giản (Minimal art) khá lâu, thì Việt Nam đã có hai nghệ sỹ đương đại tiền phong cực kỳ thành công với tác phẩm của mình. Lang Liêu, nghệ sỹ đương đại sống dưới thời Hùng Vương, chỉ bằng một bộ tác phẩm ý niệm có kích thước nhỏ với vật liệu dễ kiếm và tương đối rẻ tiền đã đổi thành công vị trí nguyên thủ, lãnh tụ cao nhất đất nước một cách vô cùng thuyết phục. Nghệ sỹ thứ hai tôi muốn kể tên, ông là Mr Quỳnh, người đã vẽ bức tranh tối giản đầu tiên của Việt Nam và thắng độ một họa sỹ đồng thời là đại sứ đến từ đất nước “vừa là đồng chí vừa là anh em”

.

– Tính “không nguyên bản”:

Quay lại với Duchamp, ông có lẽ là một trong những người đầu tiên chối bỏ, giải thiêng cái tư cách coi mình như “chúa Trời” thiêng liêng trong nhiều trăm năm của các nghệ sỹ bằng việc đưa một thiết bị vệ sinh không quá sang trọng trở thành tác phẩm nghệ thuật qua đó gỡ bỏ cái tính “authentic”, “độc sáng” để nghệ thuật thị giác có những biến chuyển ngoạn mục về ngôn ngữ.

Tác phẩm của Marcel Duchamp

Trên đây là một số đặc tính của “Nghệ thuật đương đại”, tất nhiên ko phải một tác phẩm đương đại sẽ mang tất cả những đặc điểm trên, và trong thoáng chốc chưa chắc em đã liệt kê đầy đủ. Bài sau em sẽ chia sẻ ngu ý hạn hẹp về việc đọc một tác phẩm đương đại và một số thứ khác nữa. 

Ý kiến - Thảo luận

9:33 Sunday,10.3.2019 Đăng bởi:  tri ròm
Theo tui, quá trình thay đổi logo  của hãng Apple là 1 định nghĩa của con-temporary.
từ 1 cây táo lung tung đến khi đớp thành quả ( đớp: cắn dứt khoát, gọn gàng ) từ cây táo.
thế thôi...
để làm 1 sản phẩm đương đại thì rất dễ, nhưng để đẹp hả??? làm đi..
...xem tiếp
9:33 Sunday,10.3.2019 Đăng bởi:  tri ròm
Theo tui, quá trình thay đổi logo  của hãng Apple là 1 định nghĩa của con-temporary.
từ 1 cây táo lung tung đến khi đớp thành quả ( đớp: cắn dứt khoát, gọn gàng ) từ cây táo.
thế thôi...
để làm 1 sản phẩm đương đại thì rất dễ, nhưng để đẹp hả??? làm đi..  
1:50 Saturday,29.4.2017 Đăng bởi:  Nhất Linh
Cảm ơn anh Tùng, định trả lời bạn Dương thì thấy anh đã type rồi.

Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng có những mặt tích cực của nó. Một trong những tính chất của nó là tính Phi-tâm hóa (la décentralisation). Nó là tiền đề để những giọng điệu mới và được coi là nằm ở ngoại vi của các trung tâm nghệ thuật lớn như một nghệ sỹ Việt Nam có thể xuất hiện ở nh
...xem tiếp
1:50 Saturday,29.4.2017 Đăng bởi:  Nhất Linh
Cảm ơn anh Tùng, định trả lời bạn Dương thì thấy anh đã type rồi.

Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng có những mặt tích cực của nó. Một trong những tính chất của nó là tính Phi-tâm hóa (la décentralisation). Nó là tiền đề để những giọng điệu mới và được coi là nằm ở ngoại vi của các trung tâm nghệ thuật lớn như một nghệ sỹ Việt Nam có thể xuất hiện ở những nơi được coi là có vị thế trung tâm hơn.
Tuy nhiên nó cũng là một thứ gây nhiều tranh cãi bởi nội hàm của nó chứa nhiều thuộc tính bất quy tắc và khó nắm bắt. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp