Chính trị

Bàn chuyện Anh rời EU 25. 06. 16 - 10:53 pm

Peter Phó

 

Hí họa từ trang này

Thủ tướng Anh David Cameron đã từng phát biểu rằng ông hình dung cuộc rời EU của nước Anh như sự sụp đổ của đế chế La Mã hoặc sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Câu ví này có lẽ hơi quá, nhưng như tôi đã nhiều lần nhắc đến, không có một người bạn vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Khi lợi ích không còn thì sẽ dẫn đến chuyện chia tay, chỉ đơn giản vậy.

Nước Anh rời EU đa phần vì tiến trình diễn biến tâm lý của người dân Anh trước thực trạng xã hội hiện nay. Họ bất bình với giới lãnh đạo đương thời, chán với những phản ứng chậm chạp và phong cách làm việc như rùa của các vị lãnh đạo khối cộng đồng chung châu Âu, phần nữa là do tâm lý Đại Anh (Great Britain) chán nản với các nước lục địa châu Âu mà nhất là Pháp. Để hiểu được điều này, chúng ta phải đi ngược thời gian và nhìn lại quá khứ.

Anh quốc là một đảo quốc, đứng độc lập nhưng chỉ cách Pháp một eo biển hẹp là eo biển Anh Cát Lợi. Dưới thời Hoàng đế Claudius, người La Mã chinh phục được Anh vào năm 43 Công nguyên, và vùng đất này bị sáp nhập vào Đế chế La Mã thành tỉnh Britannia. Trong hình là phù điêu thể hiện Claudius chiếm đoạn Britannia.

 

Tới năm 410, khi Đế quốc của họ suy tàn, người La Mã rời khỏi hòn đảo Anh để về bảo vệ các biên giới của họ ở lục địa châu Âu. Trong hình là một nhà tắm công cộng người La Mã xây vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên tại thành phố Bath, Anh Quốc, với suối nước nóng tự nhiên.

 

La Mã, người Pháp là một trong những quân xâm lược chính muốn chiếm cứ đảo quốc xinh đẹp này nhất, thể hiện qua các cuộc giao tranh liên tục và chinh phục chiếm đóng của Pháp tại Anh ở thời kỳ Trung cổ và buổi đầu thời kỳ cận đại. Trong hình là William the Conquerer (còn có biệt danh là “Bastard” – con hoang) là Công tước xứ Normandy (Pháp sau này), bị vua Anh hứa lèo nên đã kéo sang thị trấn Hasting đánh một trận.

 

Và nước Anh đã bị Pháp chinh phục năm 1066 bằng trận Hasting. Ngôn ngữ của tầng lớp tinh hoa cầm quyền từ đây được quy định là tiếng Pháp Normandy. Trong hình là trận Hasting 1066. Trong tranh, quân Normand của William cưỡi ngựa. Họ nổi tiếng là thuần ngựa giỏi. Sau này người Normand cũng truyền kỹ năng thuần ngựa cho dân Anglo.

 

Rồi hai cường quốc xung đột nhiều trận như cuộc Chiến tranh Trăm Năm bắt đầu ở thế kỷ 14, xong đến cuộc Chiến tranh Hoa Hồng vào năm 1475. Tiếp theo đó lại Chiến tranh Kế vị Áo (1740 – 1748). Trong hình là Edward III đếm xác trong trận Crécy của Chiến tranh Trăm năm.

 

Đến năm 1756, cuộc Chiến tranh Bảy Năm bùng nổ ở châu Âu… Vào năm 1759, hải quân Hoàng gia Anh dưới quyền đô đốc tài năng Edward Hawke, Tử tước Hawke thứ nhất đè bẹp hải quân Pháp trong trận hải chiến vịnh Quiberon thanh thế lẫy lừng (hình). Cùng năm, danh tướng James Wolfe cũng hất cẳng quân Pháp ra khỏi Quebec. Từ đó mới chấm dứt các cuộc chiến giữa hai cường quốc này.

Tuy nhiên tâm lý không ưa gì Pháp và lục địa châu Âu của dân Anh vẫn còn nằm sâu trong ký ức, họ nghĩ rằng Âu lục luôn luôn nấp bóng một con dã thú khổng lồ, sẵn sàng chờ cơ hội là vồ đến ăn thịt mình. Có một câu chuyện tiêu biểu cho tâm lý chán Âu lục đặc biệt là chán Pháp như sau: mọi người đều lo sợ nhiệt độ trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu, như vậy sẽ làm nước biển dâng cao, nhưng người Ăng Lê tỏ thái độ: nước biển dâng có lợi cho chúng ta không? Có, như vậy sẽ làm chúng ta xa người Pháp hơn 🙂

*

Vậy thì rời Anh sẽ đem lại hiệu ứng như thế nào? Được mất ra sao? Điều này các bạn đã được xem và nghe các chuyên gia phân tích rầm rộ trên báo chí, trên mạng, hay các phương tiện truyền thông khác, tôi không muốn lặp lại. Nhưng tiếc nhất là vợ tôi mất đi mấy trăm triệu khi quên đi mua vàng với dự đoán trước đó của tôi là vàng sẽ tăng giá nếu Anh rời EU.

Có một điều mà tôi muốn nhắc đến là, thông qua bước ngoặt lịch sử này, chính sách hội nhập và toàn cầu hóa sẽ dần dần bị tan vỡ; các nước, các dân tộc, tôn giáo sẽ trở nên thận trọng hơn trong công cuộc toàn cầu hóa bởi những chênh lệnh nhau về ý thức hệ, và lợi ích sát sườn của mình. Làn sóng dẹp bỏ toàn cầu hóa đã được Anh dấy lên cơn sóng đầu tiên, tác dụng phụ của nó sẽ gây ảnh hưởng và dần dần lên men cho các nước tiếp theo. Cụ thể là Bắc Ireland cùng với Scotland đã lên tiếng đòi tách ra khỏi Vương Quốc Anh. Những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng còn đang rình rập EU trong bối cảnh EU vẫn đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và dòng người di cư từ Syria, và nay, một nước lớn thứ hai trong nền kinh tế EU lại ra đi…

Hí họa từ trang này

Nếu Anh quốc ở lại EU là phù hợp với nguyện vọng chiến lược của Mỹ. Một châu Âu thống nhất, mạnh mẽ, và phục tùng sẽ làm giảm thiểu áp lực chiến lược của Mỹ. Thông qua Anh quốc – người bạn trung thành nhất, Mỹ sẽ dễ dàng điều phối châu Âu hơn.

Anh quốc rời EU sẽ có lợi cho Nga, áp lực từ phương Tây giảm bớt, xu thế phòng thủ sẽ phải trải rộng hơn bởi sự bất đồng, nhất là trong phạm trù chiến lược, như vậy đòi hỏi Mỹ phải suy tính lại một biện pháp khác để làm thăng bằng lực lượng quân sự ở châu Âu hay toàn cầu.

Anh quốc rời EU sẽ đi tìm sự hợp tác và thăng bằng giữa các nước lớn, nhằm tiếp tục phát triển kinh tế và quyền phát ngôn nước lớn trên chính trường thế giới, đồng thời để giảm thiểu những bất lợi trong việc rời EU. Điều rõ nhất là London sẽ tăng cường và tiếp tục mối quan hệ như anh em với Mỹ, sau đó sẽ cải thiện tốt quan hệ với Nga và Trung Quốc, giữ vững duy trì quan hệ với EU. Một cục diện nước lớn mới sẽ hình thành trong quan hệ đa phương mới của Anh quốc, một cục diện Ngũ Long Tranh Hùng sẽ hình thành gồm Mỹ, Trung, Nga, EU và Anh, nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các điểm nóng đang được quan tâm ở võ đài chính trị như Liên Hiệp Quốc, làm tăng thêm những điểm bất tường ở chính trường quốc tế.

“Nga sẽ ăn mày nếu mày tách ra”. Hình từ trang này

Thủ tướng Anh David Cameron đã thua một canh bạc lớn trong canh bạc chính trị đầy mâu thuẫn của ông. Nữ Hoàng Anh thì mỉm cười trong lâu đài Buckingham với một câu hỏi vẫn chưa được trả lời: “Give me three good reasons why Britain should be part of Europe” ( Cho ta 3 lý do tốt về tại sao Anh quốc dứt khoát phải thành một phần của EU?)

David Cameron tất nhiên rất hối hận bởi đã đồng ý cho dùng quyền tự quyết của người dân để chọn việc đi dời EU và ông đã tuyên bố từ chức. Dĩ nhiên, đây là quy luật trò chơi của phương Tây, dân ý như nước, nước có thể đẩy thuyền đi, nước cũng có thể làm lật thuyền. Chỉ có những người nào nắm bắt và tiêu biểu được ý dân, người đó mới có thể trở thành vĩ nhân được lưu danh sử xanh.

*

Nguồn: Từ Fb của tác giả

*

Ý kiến - Thảo luận

18:22 Sunday,26.6.2016 Đăng bởi:  dilletant
"Nước Anh rời EU đa phần vì tiến trình diễn biến tâm lý của người dân Anh trước thực trạng xã hội hiện nay." Hàng ngày làm việc (qua email) với 1 bạn Anh nên trước trưng cầu tui đã nói rồi Ăng lê sẽ phớt châu Âu thôi (dù trong lòng muốn mình sai). Đông thời khả năng dự báo của tôi so với chiều sâu của bài này (vào cái thời buổi cứ phải đọc nhanh, thế mới đa
...xem tiếp
18:22 Sunday,26.6.2016 Đăng bởi:  dilletant
"Nước Anh rời EU đa phần vì tiến trình diễn biến tâm lý của người dân Anh trước thực trạng xã hội hiện nay." Hàng ngày làm việc (qua email) với 1 bạn Anh nên trước trưng cầu tui đã nói rồi Ăng lê sẽ phớt châu Âu thôi (dù trong lòng muốn mình sai). Đông thời khả năng dự báo của tôi so với chiều sâu của bài này (vào cái thời buổi cứ phải đọc nhanh, thế mới đau) chỉ như một hạt thóc trong bồ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả