Tạp hóa - Xã hội

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 10): “Save the best for last”21. 08. 16 - 5:46 am

Candid

(Tiếp theo bài 9)

Khi nhận lời viết bài chia sẻ kinh nghiệm về tập bơi cho Soi, tôi cũng suy nghĩ không hiểu mình có tự tin quá không bởi vì với môn bơi tôi cũng chỉ là một người mới bắt đầu, kinh nghiệm tập bơi của tôi chủ yếu là tìm đọc và xem tài liệu trên mạng, những kỹ thuật đấy bản thân tôi đến bây giờ vẫn còn phải luyện để thành thục. Thế nhưng nghĩ lại trong quá trình tập bơi, tôi đã tìm đọc và trao đổi với nhiều người học bơi trên thế giới; rất nhiều bài viết chia sẻ về quá trình tập bơi của mọi người, từ lúc chưa biết gì đến lúc thành thạo đã tạo cảm hứng cho tôi là mình sẽ làm được. Do đó tôi cũng muốn những bài viết của mình nếu không giúp gì được nhiều về mặt kỹ thuật thì cũng sẽ tạo được cảm hứng cho một vài người trong việc tập bơi.

Hình từ trang này

Khi nghiên cứu về phương pháp tập bơi Total Immersion, tôi cũng đọc thấy nhiều ý kiến chỉ trích về phương pháp này ví dụ như phương pháp này không có gì lạ so với các phương pháp khác hay bơi T.I quá chậm, chỉ thích hợp với việc dưỡng sinh, nhiều người còn nói cần gì học phương pháp mới cho rách việc, họ tập bơi chả cần bài bản gì cũng bơi tốt… Trong quá trình tìm hiểu, tôi đọc nhiều bài viết và thấy trên thế giới mặc dù chỉ có 4 kiểu bơi phổ biến: sải, ếch, ngửa, bướm nhưng từ xưa đến nay người ta luôn nghiên cứu và thay đổi sao cho kỹ thuật bơi được hoàn thiện hơn. Mặt khác việc khái quát kinh nghiệm, tạo thành được giáo trình, giúp được cho mọi người học một cách khoa học và dễ dàng đã là một thành công lớn. Còn bơi cũng như võ thuật, khi đã thành cao thủ thượng đài thì làm gì có chiêu thức, tất cả đều là vô chiêu.

Thế nên quan điểm của tôi việc chọn phương pháp, chọn thầy để học bơi cũng như học võ, tuỳ theo sở thích và cơ địa của mình để chọn lựa. Cũng không nhất thiết khư khư giữ lấy lời thầy dặn mà phải luôn tìm tòi làm sao cải tiến, áp dụng cho mình một cách phù hợp nhất.

Hình từ trang này

Phần kỹ thuật cuối cùng tôi đưa hôm nay là phần về đập chân. Tôi đã suy nghĩ về việc có đưa kỹ thuật này không và đưa lúc nào, sau đó tôi quyết định sẽ đưa cuối cùng để mọi người tự lựa chọn.

Như từng nói trong các bài trước, mục đích của đập chân sải là làm sao tạo ra lực đẩy chứ không tạo ra lực cản. Nước đặc hơn không khí 480 lần, chỉ cần tăng thêm chút lực cản, cơ thể chúng ta sẽ chậm lại đi rất nhiều. Thí nghiệm bơi không đập chân sẽ cho chúng ta thấy thậm chi ta có thể bơi được mà không cần đập chân chút nào. Lực giúp chúng ta tiến lên phía trước là nhờ lực của cơ bụng, kết hợp với trọng lực để cơ thể chúng ta như mũi giáo xuyên qua nước, lực chân chủ yếu để làm phần thân sau nổi để giữ được hình dạng khí động học của cơ thể. Đó là bí quyết của kỹ thuật đập chân 2 beat kick tôi muốn đề cập hôm nay.

Thông thường khi bơi sải, chúng ta sẽ đập chân liên tục và không để ý đến số lần chân đập là bao nhiêu, nhưng theo thống kê thì chủ yếu chúng ta đập chân 6 lần khi quạt 2 sải tay, trung bình mỗi sải tay sẽ đập chân 3 lần. Đó là kỹ thuật 6 beat kick. Kỹ thuật này là phổ biến với hầu hết mọi người.

Kỹ thuật 6 beat kick (Hình từ đây)

Đoạn video quay chậm này sẽ cho mọi người thấy được các lần đập chân

Ưu điểm của kỹ thuật 6 beat kick là giúp cơ thể chúng ta nổi tốt hơn, tạo ra lực đẩy nhiều hơn do đó bơi nhanh hơn. Nhược điểm là đạp chân nhiều sẽ chóng mệt và đạp chân không đúng thì càng đạp lại càng tạo ra lực cản.

Mục đích của tôi khi tập bơi là một ngày nào đấy tôi sẽ tham gia cuộc thi 3 môn phối hợp, trong cuộc thi đó người dự thi sẽ phải tham gia phần bơi đầu tiên, tiếp theo là đạp xe và chạy bộ. Nếu đập chân quá nhiều ở phần thi bơi thì sẽ khó khăn khi tham dự 2 phần tiếp theo. Do đó tôi đã tìm hiểu và quyết định tập kỹ thuật đập chân 2 beat kick. Với kỹ thuật này số lần đập chân sẽ rất ít, cứ mỗi sải tay chỉ đập chân 1 lần. Với người mới tập sẽ rất khó khăn để bỏ thói quen đập chân liên tục nhưng khi quen rồi sẽ cảm thấy rất thoải mái vì y như khi chúng ta đi bộ chúng ta bước chân phải lên thì tay trái sẽ vung lên để lấy thăng bằng.

Kỹ thuật 2 beat kick (Hình từ trang này)

Đây là clip 2 beat kick

Với nhiều người kỹ thuật 2 beat kick không đủ nhanh, tôi cũng nghĩ như vậy nên đắn đo việc viết bài giới thiệu. Nhưng gần đây xem các vận động viên thi đấu ở Olympic Rio 2016, tôi rất ấn tượng với màn biểu diễn của hai vận động viên Ledecky và Paltrinieri. Họ đều sử dụng kỹ thuật đập chân rất ít, thậm chí như Paltrineri cảm giác anh chỉ đập có 1 chân. Như vậy việc tôi bơi chưa nhanh nó liên quan đến các kỹ thuật khác của tôi chưa hoàn thiện chứ hoàn toàn không phải do đập chân 2 beat kick.

Katie Ledecky (Hình từ trang này)

Đây là màn biểu diễn của Paltrineiri ở Olympic 2016, xem chân đập ở phút 18:19

Quay chậm màn đạp chân năm 2012

Để tập bải tập này chúng ta bắt đầu với việc tập khô, trải một tấm đêm yoga xuống đất và nằm lên, tay để ở tư thế superman, ấn đầu ngón chân trái xuống đất để đẩy hông bên trái cao khỏi mặt đất, chân phải có thể giơ lên cao, đồng thời thời duỗi tay phải lên cao, lặp lại như thế với hông bên phải và tay trái. Ta sẽ cảm nhận cơ thể như một cái ghế bập bênh, lần lượt kênh bên phải và bên trái theo nhịp. Bài tập này sẽ giúp cho các bạn cảm nhận được việc bơi dùng các cơ ở bụng và hông để cơ thể tiến lên phía trước. Mới tập chỉ sau một lát ta sẽ mệt vì sử dụng cơ bụng. Do đấy việc thường xuyên tập plank sẽ rất có ích.

Khi đã quen trên cạn, ta xuống nước và tập động tác đó ở dưới nước, nhịp chân đập luôn khởi phát trước tay, lưu ý lần lượt chân nọ tay kia như khi ta đi bộ. Chúng ta vẫn lưu ý về việc đập chân biên độ nhỏ, tránh việc chân bị xoè ra như cắt kéo sẽ tạo ra lực cản khi bơi, mũi bàn chân luôn hướng về phía sau.

Kỹ thuật 2 beat kick (Hình từ đây)

Clip để tập tại đây

Đến đây là kết thúc các bài viết chia sẻ kinh nghiệm tập bơi sải đường dài của tôi. Trong quá trình tự tập luyện, tôi đã được chỉ bảo và tạo cảm hứng bởi nhiều bài viết của những người đi trước. Với loạt bài này là một cách “pay it forward” mong sẽ tạo cảm hứng cho một vài người và những người đó sẽ tiếp tục lan tỏa tới những người khác.

Xin cám ơn mọi người đã theo dõi.

Ý kiến - Thảo luận

16:06 Monday,28.1.2019 Đăng bởi:  Xuân Chúc
Loạt bài viết rất hay.
Mình hiện đang ở hà nội, chưa biết bơi sải,  mong có duyên đc nhận dc chia sẻ trực tiếp từ bác Candid!
...xem tiếp
16:06 Monday,28.1.2019 Đăng bởi:  Xuân Chúc
Loạt bài viết rất hay.
Mình hiện đang ở hà nội, chưa biết bơi sải,  mong có duyên đc nhận dc chia sẻ trực tiếp từ bác Candid! 
23:16 Tuesday,24.10.2017 Đăng bởi:  lui
Thật buồn khi nghe tin này.  Xin cảm ơn bác Terry.
...xem tiếp
23:16 Tuesday,24.10.2017 Đăng bởi:  lui
Thật buồn khi nghe tin này.  Xin cảm ơn bác Terry. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp