Điện ảnh

Xem phim mới của Trần Anh Hùng: Vĩnh cửu hay đời nhẹ khôn kham? 08. 09. 16 - 1:36 pm

Lê Hồng Lâm

 

.

Tối qua tôi bước ra khỏi suất chiếu của Vĩnh Cửu với tâm trạng khá thất vọng, sau gần 2 tiếng chật vật theo dõi bộ phim mà cố để không đụng đến cái điện thoại (lỡ quên tắt 3G nên nó vẫn chiu chíu sau đít tiếng comment của thiên hạ về nàng thơ Thư Kỳ). Nguyen Khac sau buổi chiếu gặp tôi bảo, em thích phim quá. Tôi bảo, anh hơi thất vọng, và hai đứa cãi qua cãi lại, không đứa nào chịu đứa nào cho đến khi hạ cánh tại bàn nhậu và ra nguyên tắc: không nói về bộ phim nữa.

Vĩnh Cửu vẫn giữ nguyên cái khẩu vị điện ảnh không lẫn đi đâu được của Trần Anh Hùng. Thẩm mỹ điện ảnh của anh luôn thể hiện rõ nhất ở sự kỳ công và công phu về bối cảnh, sử dụng góc máy, vẻ đẹp “nhân văn” (từ anh dùng) khó trộn lẫn trên gương mặt diễn viên. Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng kể với tôi về sự kỹ tính đến khủng khiếp của hai vợ chồng anh. Hồi làm “Mùa hè chiều thẳng đứng“, chỉ là một bức tường rêu loang lỗ của một quán cafe ở Hà Nội, nơi những anh chàng họa sĩ đeo kính đen hay ngồi và chỉ lướt qua bộ phim trong một frame hình, Hùng và Khê yêu cầu đội ngũ thiết kế phải tưới nước vo gạo lên bức tường trong suốt 3 tháng, để có được màu rêu đẹp như trên phim.

Vĩnh Cửu” thì kinh khủng đẹp. Cái ngôi dinh thự (mansion) của gia đình tư sản Pháp trong phim đẹp đến choáng ngợp, nơi câu chuyện bắt đầu diễn ra từ những năm cuối thế kỷ cuối thế kỷ 19, thời mà người châu Âu và đặc biệt là Pháp hay gọi là “Belle Époque” – Thời kỳ tươi đẹp, diễn ra vào những năm cuối thế kỷ 19 cho tới trước Thế chiến 1 khi những bi kịch bắt đầu diễn ra, và nó luôn được hoài nhớ như một phần quá vãng rực rỡ không bao giờ quay trở lại (Midnight in Paris của Woody Allen cũng nhắc tới thời kỳ này). Và toàn bộ câu chuyện trong phim, diễn ra trong hơn suốt một thế kỷ, hoàn toàn tại ngôi dinh thự tuyệt đẹp này. Câu chuyện một dòng họ, một cây phả hệ 4 đời tiếp diễn sinh sôi và chết đi, cho đến thời điểm hiện tại, khi một cô cháu gái chạy trên chiếc cầu bắc qua sông Seine để hẹn hò một người bạn trai và cũng là cảnh quay duy nhất ở bên ngoài dinh thự.

.

Bộ phim, tập trung chủ yếu vào 3 người đàn bà, và những người chồng, và đàn con của họ (cô nào cũng mắn đẻ). Những đám cưới và đám ma diễn ra xuyên suốt bộ phim, những vòng đời sinh, tử tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Họ hạnh phúc, họ đau khổ và sự vĩnh cửu dường như chỉ gắn chặt với những cột mốc sinh tử đó. Hầu như không có bất cứ xung đột nào giữa họ, hầu như không thấy sự tác động của thế giới bên ngoài đến họ, cho dù hai đứa con của Valentine ngã xuống vì chiến tranh, ta cũng chỉ nhận biết bằng một tờ giấy báo tử có gắn cờ Pháp trên phong bì và giọt nước mắt lăn trên má người mẹ. Trần Anh Hùng triệt tiêu toàn bộ xung đột, triệt tiêu toàn bộ cách kể chuyện truyền thống để tập trung hoàn toàn vào điện ảnh cảm giác, vào cách diễn giải sự vĩnh cửu của riêng anh và phần nào nó khiến tôi nhớ đến cái nhan đề “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera. Tất nhiên, chỉ là cái nhan đề thôi, chứ chất của Hùng hoàn toàn khác Kundera.

Sự vĩnh cửu đó là gì, và tại sao anh chọn sự vĩnh cửu để làm sợi chỉ xuyên suốt trong bộ phim này? Cuốn tiểu thuyết ngắn của Alice Ferney: “L’Elegance des veuves” (tên tiếng Anh là “The Elegance of Widows“), Nhã Nam dịch thành “Nét duyên góa phụ“, tôi vừa kịp đọc xong trong buổi sáng. Từ “Elegance” trong nhan đề cuốn tiểu thuyết thực ra nói đến vẻ đẹp tao nhã, thanh lịch của những người phụ nữ (trong thời kỳ Belle Epoque) hơn là sự duyên dáng của họ (và xem phim của Hùng càng thấy rõ điều này). Nó là một cuốn tiểu thuyết không mấy đặc sắc, nhưng Hùng tìm thấy “tính nữ” trong đó, điều mà anh luôn thừa nhận là có một phần trong con người của mình (hãy đế ý những nhân vật nữ trong các bộ phim trước của anh). Và Hùng tìm thấy “sự vĩnh cửu” có lẽ qua đoạn này: “Mathilde cúi xuống gương mặt của đứa con đang ngủ, và với những đường nét sắc gọn cùng làn da nhợt nhạt của nàng, trông nàng giống như một bức tượng Đức Mẹ bằng đá: vĩnh cửu.”

Một cảnh phim

Trong bộ phim, anh thể hiện sự vĩnh cửu đó qua những vòng ôm, những nụ hôn của những người mẹ lên gương mặt như thiên thần của những đứa con mới ra đời. Thậm chí là lặp lại rất nhiều lần. Trong kịch bản của anh cũng vậy, anh lý giải sự vĩnh cửu đó ở hai chiều qua giọng voiceover (tiếng ngoài hình): ‘Sau kỳ sinh nở, bản thân của Mathilde cũng cảm thấy mình như được chào đời: đứa trẻ đã tạo ra nàng, mang đến cho nàng một vị trí giữa cái vô hạn và xa lạ.”

Nhưng bên cạnh cái khoảnh khắc vĩnh cửu của một sinh linh được ra đời, còn là khoảnh khắc vĩnh cửu của những đứa trẻ, hay những người thân yêu của họ lìa đời. Ba người phụ nữ, ba người mẹ Valentine (Audey Tautou), Mathilde (Mélanie Laurent) và Gabrielle (Bérénice Bejo) lần lượt hạnh phúc vì sinh ra những đứa con (8, 10 và 5 đứa con tương ứng cho mỗi người) và đau khổ khi chứng kiến một vài đứa con trong số đó lần lượt qua đời vì nhiều lý do khác nhau. Đó là nỗi đau không cách gì xoa dịu được, như lời dẫn voiceover, tâm trạng của Mathilde khi đứa con của nàng chết: “Bỗng chốc cuộc sống tựa như gánh nặng ngàn cân mà nàng không sao kham được. Mọi thứ đều trở nên nguy hiểm, mọi thứ đều là quy hồi vĩnh cửu mà vì đó, họ bị xóa sổ.

Và không chỉ là những đứa con. Chồng của Valentine chết khi còn khá trẻ, để nàng thành góa phụ không còn khả năng sinh nở và nuôi đàn con lớn lên, cùng nỗi cô đơn giằng dặc chờ thần chết đến đón đi. Mathilde chết khi hạ sinh đứa con thứ mười. Và chồng của Gabrielle chết đuối khi bơi ngoài vịnh biển. Vòng đời sinh tử cứ tiếp diễn liên hồi như thế. Và mỗi khi có một đứa trẻ được sinh ra, hay một người chồng, người vợ qua đời, ký ức tình yêu về họ lại được khơi dậy. Valentine làm lễ xức thánh cho đứa cháu nội đầu lòng, bà nhớ lại khoảnh khắc vĩnh cửu của hơn hai mươi năm trước, khi bà làm lễ xức nước thánh cho đứa con trai. Chồng của bà chết đi, ký ức tình yêu của họ sống lại, năm bà mới 19 tuổi đứng nép sau cánh cửa để nhìn trộm nhà trai. Điều đó cũng tương tự với Mathilde và Gabrielle…

.

Trần Anh Hùng, với lối dàn dựng phi tuyến tính theo một cấu trúc khá đồng nhất (những hồi ức luôn được Hùng lặp lại khi một ai đó chết đi, như chúng ta thường nghĩ về những kỷ niệm đẹp nhất khi một người thân của ta qua đời), liên tục đảo chiều thời gian, trên nền nhạc của những bản piano cổ điển của Bach, Liszt, Ravel, Beethoven…, qua những cú quay slow-motion điệu nghệ của Ping Bin Lee, qua vẻ đẹp của hạnh phúc hay đau khổ trên gương mặt những người phụ nữ và vẻ đẹp như thiên thần trên gương mặt những đứa con, qua những vòng ôm và những cái hôn, qua sự tiếp xúc của xác thịt…. ta như được chứng kiến những bản giao hưởng của sự bất tử, sự vĩnh cửu của đời người.

Giọng voiceover của Trần Nữ Yên Khê khép lại bộ phim để khép lại sự vĩnh cửu như thế: “Máu và thịt, tuy không bao giờ có đủ thời gian như mong muốn, lại có cả sự vĩnh hằng phía trước và phía sau mình. Cảnh tượng đó cứ diễn ra không có tận cùng. Bởi bản năng đã làm nảy mầm xác thịt, sự ham muốn thúc đẩy nó, quấy rầy nó khi nó từ chối điều này, cho đến tận khi nó nhượng bộ, buông mình ngã xuống, áp vào một cơ thể khác và sự vĩnh cửu của dòng dõi những người yêu nhau được đảm bảo.

Sự va chạm giữa hai cơ thể yêu nhau đương được tiếp nối bằng một cái ôm siết cuống quýt.“…

.

Vậy thì điều gì khiến tôi thất vọng ở bộ phim mới này của Trần Anh Hùng? Trong cuộc phỏng vấn trước đây, Hùng từng nói anh triệt tiêu đến tận cùng lối kể chuyện điện ảnh truyền thống. Đã có biết hàng ngàn hàng vạn bộ phim được kể theo cách đó, tại sao anh phải đi kể một câu chuyện 3 hồi theo cách mà một đứa trẻ cũng có thể kể được? Anh nói, câu chuyện là rác. Với điện ảnh, anh chỉ đi tìm một cảm giác, một thẩm mỹ, một ngôn ngữ riêng biệt. Tôi luôn tin đó là con đường của kẻ tử vì đạo (điện ảnh), của kẻ cực đoan đến tận cùng. Nhưng đụng đến cảm giác là đụng đến sự mạo hiểm. Khi anh không có một cái nền để giữ bộ phim, không có một sợi dây neo để cột vào một câu chuyện, anh sẽ bay theo đường bay của anh, ai cảm nhận được, họ sẽ yêu tác phẩm của anh, ai không cảm nhận được, họ sẽ từ chối anh.

Với “Vĩnh Cửu“, dù tôi tìm đường để bay theo anh, cảm xúc của tôi rớt lại dọc đường. Nếu anh giữ 1/3 không khí đó, mạch phim đó, có lẽ nó sẽ rất hay, nó cho người ta cảm giác được vượt thoát khỏi những bộ phim khuôn mẫu. Nhưng nếu anh kéo nó suốt cả bộ phim, ta thấy sự lặp lại. Ba người đàn bà di chuyển như những nghệ sĩ múa ballet trong khu vườn và trong những căn phòng đẹp như bảo tàng, nhàn tản tận hưởng cuộc sống “Belle Epoque” không biến động, xung quanh những người chồng và những đứa con của họ. Tất cả đều rất đẹp, rất tao nhã, rất lịch thiệp, tôn vinh xứng đáng cho một vẻ đẹp quá vãng mà người Pháp luôn luyến tiếc. Nhưng cả ba người họ, tôi không tìm thấy sự khác nhau của sự hạnh phúc hay nỗi đau. Nếu tráo đổi thân phận của họ, tôi cũng không thấy có sự khác biệt. Sự dụng công và kỳ công của bối cảnh, của sử dụng ánh sáng, của đường đi máy quay… cũng khiến tôi cảm giác ngột ngạt vì lạm dụng quá đà.

Khi xem trailer và những hình ảnh tuyệt đẹp của “Vĩnh Cửu“, tôi nhớ ngay tới “Tree of Life” của Terrence Malick, một đạo diễn Mỹ ẩn dật mà Hùng đánh giá rất cao (“The New World” của Malick là một trong những bộ phim yêu thích nhất của Hùng). Bọn họ có cái ngông của bậc kẻ sĩ, có cái triết lý (philosophy) cho thứ nghệ thuật và thẩm mỹ mà họ theo đuổi, nhưng đó đồng thời cũng là một thách thức rất lớn cho bản thân họ khi bay quá đà và xa dần sợi neo câu chuyện. Terrence Malick sau “Tree of Life” đoạt Cành cọ vàng (năm 2011) và 4 phim trước đó (được làm trong gần 40 năm) đều xứng đáng là những kiệt tác điện ảnh; đã lên cơn đồng làm tiếp 4, 5 bộ phim trong vòng vài năm qua và đều bị đánh giá tiêu cực, thậm chí không tiếp cận được khán giả, dù đều quy tụ một dàn sao hùng hậu (Bộ phim tài liệu của Malick: “Voyage of Time: Life’s Journey“, cũng nói về sự vĩnh cửu của thời gian, qua giọng voiceover của Cate Blanchett và Brad Pitt, đang tranh giải Sư tử vàng tại Venice, sáng nay tôi mới đọc một bài review chê tơi tả và bị gọi là “thảm họa”). Tôi cũng có cảm nhận không mấy tích cực cho “Vĩnh Cửu” tiếp cận được khán giả đại chúng, sau khi đã không tiếp cận được lớp khán giả tinh hoa ở các LHP quốc tế hàng đầu.

Nhưng chẳng sao cả, tôi có nói, kẻ sĩ là kẻ chỉ làm theo ý mình. Biết đâu đó là một thời kỳ quá độ, một sự thể nghiệm của nghệ sĩ avant-garde, một sự chuyển hướng đi tìm sự vĩnh cửu mà vài chục năm sau người đời mới nhận ra, đó đích thực là VĨNH CỬU.

*

Nguồn: Từ Fb của Lê Hồng Lâm

Ý kiến - Thảo luận

9:47 Saturday,17.9.2016 Đăng bởi:  bibo
Bình phim tức là bình đạo diễn, bình đạo diễn tức là bình phim. Không thể nói về phim mà bỏ qua đạo diễn và ngược lại, không thể nói về đạo diễn mà bỏ qua phim của ông ta.
...xem tiếp
9:47 Saturday,17.9.2016 Đăng bởi:  bibo
Bình phim tức là bình đạo diễn, bình đạo diễn tức là bình phim. Không thể nói về phim mà bỏ qua đạo diễn và ngược lại, không thể nói về đạo diễn mà bỏ qua phim của ông ta.  
3:27 Thursday,15.9.2016 Đăng bởi:  Huy
Nạn nhân PR.
Mình cũng thấy nhiều người gục trong rạp!
...xem tiếp
3:27 Thursday,15.9.2016 Đăng bởi:  Huy
Nạn nhân PR.
Mình cũng thấy nhiều người gục trong rạp! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả