Ăn uống

Ẩm thực Nhật (phần 10): muốn chiến thắng, hãy gọi một tonkatsu 20. 11. 16 - 6:59 am

Pha Lê

(Tiếp theo phần trước)

Ngày nay, người Nhật thường ví món thịt heo tẩm bột chiên giòn tonkatsu là món “lai Tây” được yêu thích nhất quốc gia. Gọi là lai Tây vì truyền thống Nhật không có món chiên, và trừ đảo Okinawa vốn hay trao đổi thực phẩm với Đông nam Á cũng như chuộng dùng thịt heo, trước Thế chiến thứ Hai hầu hết người Nhật không ưa heo, hiếm khi dùng thịt các động vật bốn chân.

Món tonkatsu, hình từ trang này

Nhưng sau khi mở cảng đón Tây, và đặc biệt là sau Thế chiến, Nhật bắt đầu khuyến khích dân chúng tăng đạm động vật cũng như kêu gọi nông dân nuôi thêm heo bò. Dù vậy người Nhật cũng cố giữ không ăn nhiều thịt quá. Ai từng sang Nhật sẽ thấy người bình dân có thói quen mua mấy miếng thịt heo bò cắt mỏng thật mỏng, đem chúng đi nhúng lẩu cùng với rau, hoặc áp chảo các miếng thịt mỏng dính ấy thật nhanh và ăn. Các kiểu lẩu shabu shabu hay lẩu sukiyaki của Nhật toàn đi kèm theo vài lát thịt mỏng, chả trách sao bố của bạn thân tôi – một người khoái thịt – cứ mê đồ Tàu ghét đồ Nhật. Ông nói mỗi lần tiếp khách Nhật là chán, món lúc nào cũng đắt, vậy mà phục vụ lại bưng ra có một dĩa thịt mỏng.

Nhật gọi món này là lẩu heo nhưng thấy nó giống lẩu bắp cải với vài miếng heo mỏng. (Hình từ japancentre)

Ngay cả món cơm thịt heo xào butadon hoặc cơm thịt heo nướng butahage (đặc sản của Hokkaido) cũng chỉ có heo xắt mỏng.

Món cơm thịt heo butadon, với heo xào hành và ớt chuông. (Hình từ sirogohan)

 

Cơm thịt heo nướng butahage đặc sản Hokkaido, ăn kèm củ cải chua, trứng onsen và súp miso. (Hình từ đây)

Bởi vậy ở Nhật các kiểu thịt heo hay thịt bò nguyên miếng dày cui là loại giàu năng lượng, chỉ ăn trong trường hợp nhất định, hoặc với trường hợp thịt bò là chỉ ăn bít-tết khi thực sự đủ tiền. Ban đầu tonkatsu thực ra dùng thịt bò, tẩm bột chiên nguyên phần thăn ngoại hoặc thăn nội. Nhưng chắc do bò có giá thành kinh dị quá nên người Nhật đổi sang dùng heo.

Làm tonkatsu rất dễ, chỉ cần 4 thứ: thịt heo, bột mì, trứng, và vụn bánh mì. Ướp heo với muối tiêu rồi đem lăn bột mì, sau đó nhúng vào trứng, rồi lăn qua vụn bánh mì, cuối cùng đem chiên.

Thịt heo cắt miếng trong bột, đang chuẩn bị nhúng trứng và đắp vụn bánh mì để làm tonkatsu. (Hình từ đây)

Tonkatsu là món ăn no, bởi vậy đàn ông con trai thường khoái tonkatsu hơn phụ nữ. Người Nhật nhìn chung thấy thịt nhiều ăn hơi bị “tội lỗi” nên thường xơi tonkatsu cùng một đống bắp cải xắt nhỏ để “bù vào”. Ngoài ăn vã nhắm với bia – thức uống hợp món chiên, người Nhật còn thích trộn tonkatsu với trứng để ăn cơm tô, kẹp nó trong bánh mì sandwich, và bỏ nó vào cà-ri. Các hàng quán bán cơm bình dân (chủ yếu phục vụ giới văn phòng hay làm việc đến khuya) thường có đủ loại tonkatsu trong thực đơn để người ăn lấy sức. So với các kiểu thịt thái mỏng dùng nhúng lẩu hay nướng áp chảo, tonkatsu “Tây” hơn. Cách cắt dày rất Tây, cách tẩm bột chiên cũng Tây nốt. Vì thế dân Nhật hiện đại làm việc ở thành phố thường khoái tonkatsu hơn cả.

Tonkatsu ăn kèm bắp cải sống xắt nhỏ và bia. (Hình từ đây)

 

Cơm thịt heo tonkatsu và trứng. Người Nhật hay gọi món này là katsudon, dù tên đầy đủ (và rất dài) của nó là tamago toji katsudon. (Hình từ đây).

 

Cơm cà-ri tonkatsu với bắp cải và các kiểu củ hầm. (Hình từ trang housefoods)

Đặc biệt thanh niên đang tuổi lớn cứ nhìn thấy tonkatsu là mê. Cũng vì giới trẻ khoái tonkatsu nên món này rất hay xuất hiện trong các phim hoạt hình, truyện tranh Nhật – và nó nổi tiếng chỉ sau những món “đỉnh” với “dễ xuất khẩu” như ramen. Truyện Mr Ajikko ngay chương đầu đã giới thiệu một món katsudon với miếng thịt heo chiên “siêu dày”, còn truyện Vua bánh mì cũng có một tập thi nấu bánh mì sandwich kẹp heo chiên.

Tô katsudon với miếng thịt dày cui trong chương đầu của Mr Ajikko. (Hình từ mangafox)

Ngoài giàu năng lượng nên được giới trẻ khoái, các học sinh Nhật cũng quen thuộc với tonkatsu do nó là món mẹ hay nấu để các nhóc ăn trước lúc… đi thi. Chữ “katsu” trong tonkatsu là viết tắt của katsuretsu – phiên âm tiếng Nhật cho chữ “cutlet” tức “thịt cắt miếng” trong tiếng Anh. Đúng ra món thịt heo cắt miếng này phải kêu là tonkatsuretsu, thế nhưng katsuretsu nghe quá rườm rà nên người Nhật tối giản lại, gọi nó là tonkatsu thôi.

Trùng hợp thay, katsu trong tiếng Nhật lại có nghĩa là “chiến thắng”. Thấy món ăn đồng âm với từ mang ý nghĩa may mắn này, các bà mẹ Nhật thường nấu cho con món thịt heo chiên trước lúc thi cử để “lấy hên”. Thật chẳng khác nào chuyện các sĩ tử Việt Nam trước lúc đi thi thường nhe răng ra ăn đậu, tránh ăn chuối với ăn trứng.

Nghe bảo, ngoài học sinh ra thì các vận động viên Nhật cũng chuộng ăn tonkatsu để thi đấu may mắn. Món heo chiên thần kỳ thế này, đợt bầu cử Mỹ sau các cử tri nên mời người họ muốn lên làm lãnh đạo một tô katsudon chăng?

 

*

Ẩm thực Nhật:

- 17. 11: Bạn biết nhiều về ẩm thực Nhật Bản chưa?

- Ẩm thực Nhật (phần 1): Kombu bột ngọt và cá khô đập bể đầu

- Ẩm thực Nhật (phần 2): Nấu kombu và cá bào, khi cương khi nhu

- Ẩm thực Nhật (phần 3): Miso muôn sắc cầu vồng

- Ẩm thực Nhật (phần 4): Miso cho tướng, cho vua, cho não dân thường

- Ẩm thực Nhật (phần 5): Mirin – đứa con út ngọt ngào

- Ẩm thực Nhật (phần 6): Đơn giản hay cầu kỳ thì vẫn là trứng hấp

- Ẩm thực Nhật (phần 7): Mơ umeboshi, thuốc của người bình dân

- Ẩm thực Nhật (phần 8): Ochazuke – từ món đuổi khách đến món quý tộc

- Ẩm thực Nhật (phần 9):
Chày và cối, vừa vặn kiểu Nhật

- Ẩm thực Nhật (phần 10): muốn chiến thắng, hãy gọi một tonkatsu

- Ẩm thực Nhật (phần 11): Khi cơm là… tráng miệng

- Ẩm thực Nhật (phần 12): Sanma, thanh kiếm mùa thu chỉ nên ăn nướng

- Ẩm thực Nhật (phần 13): đến người ăn tạp cũng phải thèm shoujin ryouri

- Ẩm thực Nhật (phần 14): Soba, ngồi mát ăn mẹt tre

- Ăn lắm rong biển kombu có sợ bội thực i-ốt?

Ý kiến - Thảo luận

8:05 Friday,6.4.2018 Đăng bởi:  Mèo
Em nghĩ 'đỡ tội lỗi' tác giả muốn nói đến ở đây là ngườ Nhật ăn thịt thà đồ rán  nên bù thêm rau xanh vào cho đỡ cảm giác ăn uống độc hại cho cơ thể nhưng bạn "Đã lừa gạt..." về đọc hiểu có vấn đề và nói chuyện lan man chả liên quan thế nên ở đây cũng chả ai thèm buồn vào đính chính ạ.
...xem tiếp
8:05 Friday,6.4.2018 Đăng bởi:  Mèo
Em nghĩ 'đỡ tội lỗi' tác giả muốn nói đến ở đây là ngườ Nhật ăn thịt thà đồ rán  nên bù thêm rau xanh vào cho đỡ cảm giác ăn uống độc hại cho cơ thể nhưng bạn "Đã lừa gạt..." về đọc hiểu có vấn đề và nói chuyện lan man chả liên quan thế nên ở đây cũng chả ai thèm buồn vào đính chính ạ. 
20:56 Wednesday,4.4.2018 Đăng bởi:  Lily
Bạn "Đã lừa gạt tôi không xót xa" nếu đã cất công nghiên cứu lịch sử thì hy vọng bạn đã thấy là người Việt Nam cũng không "hiền lành" gì đâu - dù tôi không hiểu bạn nói hiền lành là ý gì. Xâm lược thì Việt Nam không nằm ngoài rồi đấy.
Còn món bánh tráng cuốn cua thì tôi không bảo là dở, nhưng thứ nhất là nó chả liên quan gì bài viết, thứ hai là bạn thấy
...xem tiếp
20:56 Wednesday,4.4.2018 Đăng bởi:  Lily
Bạn "Đã lừa gạt tôi không xót xa" nếu đã cất công nghiên cứu lịch sử thì hy vọng bạn đã thấy là người Việt Nam cũng không "hiền lành" gì đâu - dù tôi không hiểu bạn nói hiền lành là ý gì. Xâm lược thì Việt Nam không nằm ngoài rồi đấy.
Còn món bánh tráng cuốn cua thì tôi không bảo là dở, nhưng thứ nhất là nó chả liên quan gì bài viết, thứ hai là bạn thấy món sushi ngon hay không, so với món Việt thì thế nào thì cũng chẳng liên quan nốt. Nên tôi cũng không rõ ý đồ của bạn là gì, chắc là muốn "nâng tầm" ẩm thực Việt, tiếc là hơi không đúng chỗ.
Cuối cùng thì chuyện người Nhật ăn ít các loại thịt là chuyện khá dễ thấy (ở đây tôi nói là nói chung về ẩm thực Nhật, còn chuyện giới trẻ Nhật thích cái gì nó không phản ánh được cái cụm "người Nhật"). Còn cái nghiên cứu "dân tộc nào ăn nhiều thịt thì thường hiếu chiến, hiếu thắng, mang nhiều đặc tính của thú ăn thịt, thú dữ" của bạn thì đây là lần đầu tôi nghe tới. Vậy thì tôi nên nói cái gì ở đây nhỉ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả