Điện ảnh

Từ “cinema paradiso” ở Hai Bà Trưng, tới “paradiso” Lý Nam Đế ngày nào01. 12. 16 - 5:29 pm

Dilletant

Hanoi Cinemathèque. Ảnh từ Internet

“Cinema Paradiso” – rạp chiếu bóng thiên đường, vâng, với tôi Hanoi Cinematique, 22 Hai Bà Trưng chính là một thứ Thiên đường.

Trước khi xem bài viết của Candid, Tôi đã chia sẻ với một bạn làm cho rạp bóng này, và một số vị ở đó, đại ý, là rạp của các bạn ấy đối với thằng tôi là một thứ “đất hứa”. Từ khi rạp này mới ra, tôi đã được ưu tiên cho vé xem một tháng không mất tiền, nhưng nơi này đã không trở thành điểm hẹn cuối tuần của tôi, như ban giám đốc rạp định thế, vì tôi bận làm xe ôm cho vợ, cho con, bận “nước mắm, dưa hành”.

Rạp không quên tôi, cứ mỗi lần chiếu những phim “jubilee” như “The Public Enemy No 1” (Kẻ thù số 1 của tất cả, về W. Burchett), “The most secret place on Earth” (Xứ bí mật nhất quả đất, về CIA ở Lào thời chiến tranh Đông Dương), “Em bé Hà Nội”… tôi lại được mời đến, lúc thì không mất xu nào, lúc thì trả 5 choạc lấy lệ.

Nhưng cái “thiên đường” với tôi chính là văn hóa thảo luận ở đó, khi những người có chính kiến ngược nhau (chống chiến tranh, hoặc không chống lắm) tranh luận một cách hòa nhã… Tôi cũng nhớ bài học cho cái tính nấp vào đám đông, một hiệu ứng do tam giác “tuyên truyền, chấn chỉnh, nhân sự” giam mình vào, đã khiến tôi luôn hối hận. Đó là tôi và một, hai bạn Mỹ (chiến sĩ hòa bình thời chiến tranh) đã kỳ công mang một ông tướng SAM 2 đến rạp nhân buổi chiếu về đòn không kích nhằm vào Hà Nội thời trước, nhưng tôi đã không cố thử đứng lên với cái thứ tiếng Anh rau muống của mình để dịch, giúp cho bác tướng về hưu tham gia thảo luận, bà bạn Mỹ thì chắc ngại cái tiếng Việt ba tê xúc xích, nên cũng không xung trận (thông ngôn) cho vị tướng Việt. Kết quả là tôi luôn cảm thấy ân hận, có chút lỗi trước một cử tọa văn hóa như vậy ở rạp 22 Hai Bà Trưng.

Trong sân ở khu 22A Hai Bà Trưng. Ảnh từ Internet

Khi còn hoạt động, rạp thấy tôi hoàn cảnh quá, bèn hướng mắt xanh vào con tôi, và tôi quả có mang cháu tới đó một lần. Nhưng con tôi, một tên nghiện hoạt hình, không chia sẻ thiên đường với bố. Và nó chơi với dăm bảy đứa trẻ nói tiếng Anh bản ngữ, thích giao tiếp sống như vậy. Bọn này chơi với nhau vài năm và tiếng Anh dạng bốc phét (chứ không phải là tiếng Anh ông cụ như ở Cinema Paradiso 22 Hai Bà Trưng) cũng khá khẩm lắm. Rồi chợ đêm Hà Nội (Kỷ nguyên phố đi bộ) xuất hiện, mấy chàng trai Tây bạn con tôi bập vào một tiết mục hút xách nào đó khiến phụ huynh phải rút tàn quân chạy thục mạng về nước! Còn con tôi thì đi du học với thứ tiếng Anh hambuger…

Riêng về rạp Fansland ở Lý Nam Đế (lưu ý: không phải là Fansland Lý Thường Kiệt mà bài Candid nói), nó lại KHÔNG phải là một Paradiso. Thứ nhất, Lý Nam Đế là phố mà tôi ở từ bé choai đến đầu những năm 90, một phố từng không hề có hàng quán gì. Tôi hay đi xem phim duyệt (với bố) ở 17 Lý Nam Đế (địa chỉ của Fansland), nên cái phòng chiếu phim duyệt chỉ chứa được vài chục người ở đó với tôi mới chính là Paradiso, thuở bé. Cũng muốn nói rằng bên kia tường của phòng duyệt phim lại là một trong những nơi “bí mật nhất quả đất”.

Rạp chiếu phim Quân đội ở phố Lý Nam Đế. Ảnh từ trang này 

Học lớp 5 thì phải (khoảng đầu 1970) tôi và mấy nhóc khác đi học về. Tôi nghe thấy bên kia tường cao, chăng dây thép gai, có ai đó huýt sáo điệu gì rất “cao bồi”, và đặc biệt là một mùi hương khó tả. Tôi leo lên tường, và một hai nhóc khác cũng theo tôi. Bên kia bức tường là một người Âu ăn mặc xuềnh xoàng đang nấu gì đó trong một chảo quân dụng, nếm vẻ hài lòng. (Bọn trẻ Lý Nam Đế thời đó thuộc diện no, nhưng tiêu chuẩn của tù binh Mễu hồi đó ngang Trung ủy, thấy các ông bạc mặt lo ăn cho “giặc lái” được hưởng lượng khoan hồng nói lại). Tôi khuỳnh khoàng giơ nắm đấm kiểu “Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng”. “Thằng Tây” nói gì đó, năn nỉ. Rồi tôi, một cầu thủ bóng đá, nghe tiếng giày vải bộ đội huỳnh huỵch nên lao mình xuống, chạy. Một thằng bạn tôi, con một ông cựu trùm mạng lưới mật di sản từ thời Đặng Thúc Hứa ở một xứ lân bang, gien từ bố chắc kém, bị Vệ binh 141 (bảo vệ Thành) dù quả tạ… Chuyện ấy lẽ ra đã quên đi.

Buổi tối trên phố Lý Nam Đế. Ảnh: HMT

Nhưng gần đây một anh “giặc lái” từng báo cơm sau bức tường bí mật kia, và trở về Mỹ sau hiệp định Paris, đã quay lại thăm Hilton Hà Nội sau hơn 40 năm trước. Anh tìm thấy thằng hàng xóm bất đắc dĩ mà hồi ấy anh ấy bất biết, rồi mấy anh em (cả một anh cựu binh Mỹ tự diễn biến thành chiến sĩ hòa bình, chống chiến tranh) kéo nhau ra chỗ Fansland Lý Nam Đế uống cà phê đắng. Cả bọn đều ngậm ngùi tiếc cảnh quan Hà Nội cũ. Tôi thì tiếc phố Lý Nam Đế toàn cây, nhớ tiếng ve nhức tai, thời vừa đổ dế vừa… lái pậy. Anh giặc lái nhớ món gà tây (do sáng kiến Cụ Hồ) vào dịp lễ Tạ ơn hồi ấy. Nhờ kiến thức của các anh thù thành bạn này về phương tiện chiến tranh, tôi hiểu ra được, chẳng hạn, cái gì bắn được B52, cái gì không…

Trên phố Lý Nam Đế. Ảnh và thông tin về phố từ trang này 

Xin cảm ơn và mong được bỏ qua đã chia sẻ những chủ đề đòi hỏi lập trường vững vàng bằng giọng ất ơ của thằng tôi.

*

Đây là cmt cho bài “Rạp chiếu bóng thiên đường“. Soi có lược lại chút ít và đặt tên, đưa lên thành bài.

Ý kiến - Thảo luận

9:29 Friday,2.12.2016 Đăng bởi:  dilletant
"cả một anh cựu binh Mỹ tự chuyến biến thành Cộng sản hòa bình, chống chiến tranh" mong BBT chuyển thành "cả một anh cựu binh Mỹ tự diễn biến thành Chiến sĩ hòa bình, chống chiến tranh" lỗi này do mỗ đã viết tắt khi còm, không phải do Soi nhầm.
...xem tiếp
9:29 Friday,2.12.2016 Đăng bởi:  dilletant
"cả một anh cựu binh Mỹ tự chuyến biến thành Cộng sản hòa bình, chống chiến tranh" mong BBT chuyển thành "cả một anh cựu binh Mỹ tự diễn biến thành Chiến sĩ hòa bình, chống chiến tranh" lỗi này do mỗ đã viết tắt khi còm, không phải do Soi nhầm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Quái vật và biển xanh

Trần Quang Thi

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp