Điện ảnh

Không chỉ là câu chuyện về điện ảnh06. 01. 17 - 10:04 am

Lời tựa của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

Cách đây mười lăm năm, một thanh niên trẻ đến gặp tôi xưng tên là Lê Hồng Lâm ngỏ ý muốn phỏng vấn để viết một bài giói thiệu về tôi và các phim của tôi. Anh cho biết vừa tốt nghiệp khoa Báo chí của trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhìn gương mặt thư sinh non choẹt với cặp kính trắng, tôi tự hỏi không biết anh chàng này đã biết gì về mình mà định viết, thậm chí các phim của mình làm chưa chắc anh ta đã xem hết? Nếu muốn giúp anh ta viết một bài đầy đủ về mình chắc phải ngồi tiếp chuyện anh ta đến cả ngày. Lúc đó tôi đang bận nên đã tìm cách từ chối khéo.

Một thời gian sau, môt chị bạn làm ở báo Tuổi trẻ cho biết vừa có một bài viết về tôi đăng trên tờ tạp chí Đẹp. Chị hỏi: Chắc tay nhà báo này quen biết anh? Bởi người viết tỏ ra rất hiểu anh và phong cách sáng tác của anh. Tôi liền tìm đọc ngay và hết sức ngạc nhiên. Người viết chính là Lê Hồng Lâm, người thanh niên mà tôi từng từ chối phỏng vấn ngày nào. Đọc xong bài báo thú thực tôi cảm thấy ân hận, cảm thấy như mình có lỗi. Chàng thanh niên trẻ tuổi đó đã cho tôi một bài học rằng tuổi tác không phải là điều quan trọng để con người ta có thể hiểu về nhau.

Từ đó tôi bắt đầu chú ý đọc những bài viết ký tên Lê Hồng Lâm.Và đêm nay tôi được cầm trên tay bản thảo cuốn sách có từa đề CÁNH CHIM TRONG GIÓ gồm những bài viết về điện ảnh của Lê Hồng Lâm đăng rải rác trong những năm gần đây để viết lời tựa cho cuốn sách theo lời đề nghị của chính tác giả. Tôi nghĩ đây là dịp để tôi có thể chuộc lại lỗi lầm nên đã sốt sắng nhận lời.

Từ Fb của Lê Hồng Lâm

Cuốn sách Cánh chim trong gió dày gần 300 trang, tập hợp 44 bài viết được chia làm 3 phần, mỗi phần được đặt một tựa đề riêng. Đó là một tập hợp những bài viết về các phim Việt nam và nước ngoài. Riêng phần III có tựa đề CẢM HỨNG ĐIỆN ẢNH: TẤT CẢ CHÚNG TA RỒI CŨNG CHẾT có xen một số bài viết vượt ra ngoài phạm vi của điện ảnh để đề cập đến một vài vấn đề mà xã hội đang quan tâm ( sự gia tăng bạo lực, nguồn gốc của tội ác trong đời sống v.v…). Đọc hết cả cuốn sách tôi nhận ra một điều: Tác giả của nó là một cây bút chuyên nghiệp, lấy việc viết lách về điện ảnh như là sự nghiệp chính của đời mình. Cái ý thức chuyên nghiệp đó bộc lộ ở khối lượng phim trong và ngoài nước mà anh đã xem, khối lượng thông tin về sinh hoạt điện ảnh mà anh cập nhật được, các khuynh hướng thịnh hành của điện ảnh thế giới. Nếu độc giả nào không có điều kiện để tìm hiểu về những lĩnh vực đó thì cuốn sách là một phương tiện rất hữu hiệu vì Lê Hồng Lâm đã làm hộ bạn và làm với một thái độ nghiêm túc, khoa học, nói có sách mách có chứng.

Về điện ảnh Việt Nam trong sách có14 bài. Toát lên từ những bài viết đó là thái độ khuyến khích những tìm tòi mới lạ trong ngôn ngữ điện ảnh của các đạo diễn trẻ. Đặc biệt anh là người nhiệt thành cổ súy cho những bộ phim không câu nệ cốt chuyện mà chú trọng đề cao sức mạnh của hình ảnh. Hãy để hình ảnh tự nó tạo tiếng “vang” và tiếng “vọng” trong cảm thụ của người xem như anh nói. Cách đây hơn 30 năm khi làm phim “Thị xã trong tầm tay” tôi từng bị chê là phim không có cốt truyện rõ ràng, thiếu xung đột kịch tính. Tiếc rằng hồi đó chưa có Lê Hồng Lâm để bênh vực nên tôi đã sớm từ giã cái lối làm phim không có cốt chuyện ấy. Nay thì đó lại là một cái “mốt”. Tóm lại Lê Hồng Lâm là một người luôn luôn ủng hộ cái mới, một phẩm chất rất quan trọng đối với một nhà phê bình phim. Và một khi cổ vũ cái mới, cái sáng tạo đương nhiên anh căm ghét những cái gì sáo rỗng, giả tạo, rập khuôn…, tiếc rằng đang còn đầy rẫy trong phim ảnh Việt Nam. Anh thẳng thắn vạch ra những cái dấu trừ đó trong các bài viết của mình bên cạnh những dấu cộng mà anh biểu dương.

Lê Hồng Lâm với đạo diễn Nguyễn Thị Thắm

Không phải những gì anh viết ra đều được mọi người đồng tình, ngay cả tôi, người viết lời tựa cho cuốn sách của anh. Nhưng người phê bình không phải là người viết ra cái gì cũng được lòng mọi người. Người phê bình trước hết phải là người thành thật với chính mình và tin vào những điều mình viết ra. Những điều đó có thuyết phục được người xem hay không lại là một chuyện khác. Tôi được biết nhà phê bình phim uy tín bậc nhất của Mỹ Roger Ebert đã viết bài chê phim Mùi vị anh đào của đạo diễn Iran Abbas Kiarostami từng đoạt giải Cành cọ Vàng ở Cannes. Nhưng rồi Abbas Kiarostami vẫn là Abbas Kiarostami – đạo diễn số một của Iran và Roger Ebert vẫn là Roger Ebert nhà phê bình phim số 1 của Mỹ, khi qua đời Tông thóng Obama đã phải gửi thư chia buồn.

Một phần lớn bài viết (chủ yếu trong phần II của sách) Lê Hông Lâm dành để bình về các phim của nước ngoài mà đa số là những phim của Hollywood. Nhiều phim tôi chưa được xem nên không thể bàn luận gì, riêng có hai phim mà tôi tâm đắc nhất là Mùi vị anh đào (Taste of Cherry) của đạo diễn Iran Kiarostami và Tokyo Story của đạo diễn Nhật Ozu. Đó là hai kiệt tác của điện ảnh nhân loại và hai bài viết về hai phim đó trong sách cũng là hai bài viết rất sâu sắc tinh tế.

Phần III với tựa đề CẢM HỨNG ĐIỆN ẢNH: TẤT CẢ CHÚNG TA RỒI CŨNG CHẾT! chứa nhiều suy tư của tác giả về thời cuộc liên hệ từ một số phim cụ thể. Đó là các phim Infamous, Dead man walking, Dogville, Elephant hay Erin Brockovich, An Incovenient Truth…, những bộ phim về bạo lực, nguồn gốc cái ác, hay cảnh báo về thảm họa môi trường cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự… Đó là những bộ phim mà theo anh “có tác động đến cuộc đời thực hay có thể goi là những bộ phim có tính dự báo xã hội.” Trong phần này anh có nhắc đến bộ phim Thị xã trong tầm tay của tôi. Anh nhận ra ở đây lời cảnh tỉnh mà anh cho chưa bao giờ cũ: Sự sợ hãi, hèn nhát chính là đồng minh và sự khởi đầu của tội ác.

.

Lê Hồng Lâm là người hết sức nhiệt thành cổ súy cái mới nhưng cũng biết trân trọng những giá trị cũ. Hai bài “Ngôi sao và chính trị”, “Quyền lực mềm, văn hóa tẩy chay hay nước họ mạnh không đáng sợ bằng nước ta yếu” là những bài bộc lộ rất rõ trách nhiệm công dân của người viết với lời kêu gọi hãy vào cuộc vì một Quyền lực mềm – Quyền lực của văn hóa. Anh khẳng định: Khi chúng ta mạnh (mạnh về văn hóa) chúng ta không sợ kẻ “ngoáo ộp “ nào cả.

Rõ ràng CÁNH CHIM TRONG GIÓ không chỉ là những câu chuyện về điện ảnh. Nó còn gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ khác nữa về đời sống xã hội gần đây.

Tác giả sách Lê Hồng Lâm

Cuối cùng về cái nhan đề cuốn sách, Lê Hồng Lâm đã lý giải tại sao chọn cái tên này: Cánh chim trong gió lấy cảm hứng từ hình ảnh nhân vật Húc Tử trong bộ phim Days of being wild (A Phi chính truyện) của Vương gia Vệ do Trương Quốc Vinh thủ vai chính. Có thể nhan đề này không phải là chủ đề của tập sách, nhưng nó là một hình ảnh đẹp và mang tính biểu tượng về tinh thần khát khao tự do và đôi lúc phải chấp nhận đơn độc của người nghệ sĩ, người sáng tạo.

Vậy mà lúc tôi mới cầm tập sách này, tôi cứ tưởng “cánh chim” là nền điện ảnh của chúng ta và “gió” là dòng phim giải trí thương mại đang ngự trị khắp màn ảnh. Nhầm. Anh đâu có quan tâm đến cơn gió đó.

Hà nội, 9. 9, 2016

Ý kiến - Thảo luận

12:11 Friday,6.1.2017 Đăng bởi:  Viết Ai ai Viết
Một lần nữa (hiếm hoi) cảm nhận sự chân thành (được nhân đôi).
...xem tiếp
12:11 Friday,6.1.2017 Đăng bởi:  Viết Ai ai Viết
Một lần nữa (hiếm hoi) cảm nhận sự chân thành (được nhân đôi). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp