Soi học

Chyện ngu dốt của hai cơ quan tình báo (phần 1): Sukarno – tấm gương đong đưa của Duterte20. 01. 17 - 4:03 pm

Sáng Ánh

“Đời tổng thống rất cô đơn”, ông Duterte buồn bã trong căn phòng karaoke vắng. “Trước, tôi vẫn đến đây hát, có nhiều người đông vui, giờ tôi đến thì an ninh nó đuổi tất cả mọi người ra ngoài”(*)

“Vậy ông thấy thiếu gì?” phóng viên của đài Al Jazeera hỏi.

“Tôi thấy thiếu phụ nữ”, Duterte thở dài.

Đây là tâm sự trong đêm của một nguyên thủ từng thổ lộ là ông có cùng lúc 2 vợ và 2 bạn gái (cô lớn tuổi hơn thì xinh, và cô trẻ thì hay đòi quà). Ngoài chuyện Đường Minh Hoàng này (“Nửa đêm tôi nhớ nàng karaoke”), ông còn bị nhiều người cho là tâm thần vô tiền khoáng hậu khi văng tục về lãnh tụ quốc tế, chê viện trợ Hoa kỳ hay đòi ra khỏi Liên hiệp quốc, đòi tham gia một tổ chức quốc tế mới nếu tổ chức này được Trung quốc hay Nga thành lập.

Tổng thống Duterte và Thủ tướng Malaysia Najib Razak cùng hát tại một bữa tiệc tại Perdana Putrajaya. Ảnh từ trang này

Nhưng đã có hẳn một tiền lệ, ngay trong khu vực chứ chẳng đâu xa. Về tất cả các mặt mới kể, mặt tình cảm rào rạt khi chiều rơi chầm chậm chiều rơi, mặt viện trợ Mỹ “Có cần đếch gì, mang hết viện trợ của chúng mày về đi”, mặt rút ra khỏi Liên hiệp quốc thật chứ không dọa, mặt thành lập một tổ chức quốc tế mới hẳn hoi và mời mọi người vào, Duterte đã có một tiền nhân 60 năm về trước vô hang chém rắn, làm nên nghiệp lẫy lừng quốc tế. Đó là tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Sukarno(**).

Bìa cuốn“Sukarno: An Autobiography (hồi ký do ông Sukarno kể cho Cindy Adams)

Hội nghị Á Phi tại Bandung năm 1955 diễn ra vào lúc thế giới đang căng thẳng lưỡng cực giữa hai khối Liên xô-Hoa kỳ trong khi chủ nghĩa thực dân tuy vào lúc thoái trào nhưng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Ảnh hưởng quốc tế và thành công của hội nghị là nhờ sự tán thành của một số quốc gia độc lập với hai khối Mỹ-Nga như Ai Cập, Yugoslavia, Ghana, và nhờ sự ủng hộ và tham gia của hai nước lớn thuộc “thế giới thứ 3” là Ấn Độ và Trung Quốc (Trung Quốc lúc đó là một nước ngoại vi Liên hiệp quốc, ghế Trung Hoa là do Đài Loan giữ cho đến 1971). Nhưng dĩ nhiên tăm tiếng phải về tay chủ nhà là Indonesia. Một cách nào, thế giới chia hai đã trở thành chân vạc chia ba và từ đó khái niệm “Phi liên kết” thành hình, bài phong, chống thực và phản đế. Sukarno, lãnh tụ của khối mới này, được cả hai phe mời chào và níu kéo, nắm ghi đông xe vồn vã, vào đây, không, mời vào bên này.

Sukarno là người rất khéo, ông vỗ đùi Kennedy và mồi thuốc lá từ miệng của Khrushchev, ôm Nehru một bên vai và Chu Ân Lai bên kia (Ấn và Trung Quốc chẳng ưa nhau và 1962 còn có chiến tranh). Trong nước, châm ngôn trị của ông cũng là thế chân vạc “Na-sa-kom”, tức là Quốc gia-Hồi giáo-Cộng sản, giữ được quân bằng cho đến 1965.

Tổng thống Sukarno mồi thuốc của Khrushchev

 

Tổng thống Sukarno và thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru dự hội nghị Belgrade, 1961

 

Ông Sukarno đi chơi sông Nile với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, tháng 7. 1965. Ảnh từ trang này

 

Tán chuyện với Marilyn Monroe. Ông Sukarno bày tỏ ước muốn được gặp cô Monroe, là minh tinh ông ưa thích. Ảnh chụp tại Beverly Hills, Mỹ, 1956. Nguồn từ trang này 

Thời đó, Sukarno công du Mỹ, có Marylin Monroe đến lung lay tà váy. Ông công du Nga, có tiếp viên hàng không, cả một tổ, lên phòng ông quay phim chụp hình.

Tình báo Liên xô đã dàn xếp cho ông gặp gỡ trên chuyên cơ gì đó một Mata Hari đeo cánh trên ve áo hay là chính xác hơn, trên ve ngực. Cô tóc vàng dễ coi này có mặt trên các chuyến bay của Sukarno tại Liên xô, sau lại còn được chủ tịch nước Voroshilov mang theo sang Indonesia khi ông sang đó đáp lễ. Cô này là đầu tàu nhưng một cô thì không xuể, đây là một tổ, bao nhiêu cô thì không rõ, nhưng cô nào cũng thuộc lòng 15 tiết mục trong ngoài (vòng ngoài 7 ngón vòng trong 8 nghề là 15) do KGB huấn luyện trong chương trình chiến tranh không quy ước và tốt nghiệp cả vấn đáp lẫn thực hành với điểm cao. Sukarno lại là tổng thống đa tình, già trẻ gì bất kể, ông từng có vợ mới 16 cũng như có bà hơn ông 13 tuổi. Cái gì chứ gài ông vào việc này thì dễ như… lấy đồ trong túi. Cảnh ông giao lưu với tổ bay được ghi hình lén và sau đó ông được phía Liên Xô mời đến rạp xem phim do ông độc thủ vai chính. Thay vì đỏ mặt và bối rối, Sukarno hớn hở, theo kể lại thì ông “tưởng đó là quà tặng bất ngờ” của Liên Xô. Hay là ông cao tay thì không biết, nhưng đằng nào thì ông cũng bảo “Làm ơn nhân bản lên cho tôi để tôi mang về nước cho mọi người xem”!

Ông Sukarno chơi đàn “angklung” với Nikita Khrushchev, lãnh đạo Liên Xô. Ảnh chụp ở Indonesia, 1961.

Dĩ nhiên, chuyện “Quay phim ngọt chủ tịch nước ngoài, tình báo Liên xô nhận kết quả đắng” không được công bố và phim không lên youtube. Nhưng tình báo Hoa Kỳ nghe phong thanh bèn rắp tâm thi đua thành quả. Lúc Sukarno sang Mỹ, chẳng hiểu thế nào, hay cô Marylin ỡm ờ không chịu hy sinh vì tổ quốc (hai anh em Kennedy đã đủ rồi, vừa phải thôi chớ), l‎í do nào không rõ, nhưng Surkarno lọt được lưới CIA và lọt được lưới vớ đùi. Trung ương Tình báo Mỹ bèn mượn một diễn viên nhang nhác và làm phim giả ông Sukarno đang trấn biên bình hải cho bằng được! Xin nhắc lại là trong thập niên 50, phim người lớn không phổ biến. CIA phải nhờ công an thành phố trụy lạc Los Angeles cho xem mẫu mã các phim bị tịch thu để học hỏi và dùng tư vấn chuyên môn của một trợ lí cho tỉ phú playboy Howard Hughes. Cơ quan còn đặt làm mặt nạ giả chủ tịch Indonesia nhưng chất lượng kém nên sau không dùng trong phim, chỉ để chụp mấy tấm hình. Trong phim cũng chỉ có hai nhân vật Quách Tĩnh và Hoàng Dung kháng long hữu hối chứ không phải là mãnh hổ nan địch quần hồ như trong phim Xô-viết. Như mọi chuyện tình báo bí mật, phim này đến 1999 mới được hé lộ, mang tên mã là “Những ngày hạnh phúc” (Happy Days).

Bài học của sự cố là cả hai cơ quan này đều ngu dốt, biết một mà không biết hai.

(Còn tiếp phần 2: “Phụ nữ chỉ là chuyện phụ“)

Chú thích:

(*) Karaoke tại Philippines là một thú tiêu khiển lành mạnh ngay tại các quán bên ngoài, các phái đến vui chơi, đa số có khi lại là các khách nữ chứ không hẳn là phải có tiếp viên đàn bà rót rượu.

(**) Sukarno chỉ có một tên này: Sukarno. Ttên “Ahmed” là một tên do nhà báo Anh bịa đặt thêm, vì trong tư duy Tây phương chẳng ai chỉ có họ mà không có tên. Đây cũng là trường hợp về sau của ngoại trưởng, ứng viên tổng thống Afghanistan, ông được báo chí nước ngoài gọi là “Abdullah Abdullah”. Ông cũng chỉ có một tên thôi, là “Abdullah”. 

Cách đặt tên truyền thống Hồi giáo và Ả rạp là tên mình-tên cha-tên ông nội-tên cố nội…cứ thế đủ các đời và để phân biệt hay ngắn gọn là tên mình sau đó là tên tộc bộ hay là địa danh, thành phố xuất phát. Sau này, Tây phương đô hộ và áp đặt họ phải có lí lịch kiểu Tây nên mới nảy ra các “tên họ” tuy nhiều người vẫn giữ nguồn gốc cũ. Thí dụ, ông Saddam Hussein “đầy đủ” là Saddam Hussein al Tikriti: tên là Saddam, con ông Hussein thuộc tộc (cũng là thành phố) Tikrit. Ông Muammar (al) Gaddafi tên là Muammar thuộc tộc bộ Gaddafa. Hoàng tộc Saudi còn giữ lối tên cổ truyền này, thí dụ thái tử hiện nay là Mohammad bin (con của) Nayef bin (con của) Abdulaziz bin(con của) Abdul Rahman bin (con của) Faisal v.v. thuộc tộc nhà Saud. IS/ISIL (Quốc gia Hồi giáo) trở lại cách gọi tên này, thí dụ Abu Omar al Shishani (người Chechnia), Aisha Lauren al Britaniya (người Britain, Anh quốc và nói qua trước đó là người mẫu khỏa thân), Abu Muhammad al Amriki (người America, Mỹ)…

 

Ý kiến - Thảo luận

19:54 Sunday,22.1.2017 Đăng bởi:  Ba Toác
Dài cổ đợi phần 2. bài của SA quan trọng hơn Tết.
...xem tiếp
19:54 Sunday,22.1.2017 Đăng bởi:  Ba Toác
Dài cổ đợi phần 2. bài của SA quan trọng hơn Tết. 
3:54 Saturday,21.1.2017 Đăng bởi:  SA
Sau cách mạng Cuba, Sukarno sang ngay và khuyên Fidel Castro nên dựa vào Trung quốc thay vì Liên Xô, Fidel bảo chúng tôi cũng muốn thế nhưng bất khả thi. Vào thời điểm đó, bị Hoa Kỳ phong tỏa dữ dội và ở sát nách Mỹ, Cuba chỉ có thể trông chờ vào siêu cường như Liên Xô.

1955, Indonesia còn tranh chấp với Hà Lan miền Tây Papua, và với Anh quốc-Malaysia tại Borneo, nhiều nước
...xem tiếp
3:54 Saturday,21.1.2017 Đăng bởi:  SA
Sau cách mạng Cuba, Sukarno sang ngay và khuyên Fidel Castro nên dựa vào Trung quốc thay vì Liên Xô, Fidel bảo chúng tôi cũng muốn thế nhưng bất khả thi. Vào thời điểm đó, bị Hoa Kỳ phong tỏa dữ dội và ở sát nách Mỹ, Cuba chỉ có thể trông chờ vào siêu cường như Liên Xô.

1955, Indonesia còn tranh chấp với Hà Lan miền Tây Papua, và với Anh quốc-Malaysia tại Borneo, nhiều nước châu Phi chưa độc lập. Hội nghị Bandung lên án cả Mỹ lẫn Liên Xô đế quốc: Yugoslavia, tuy là chế độ XHCN nhưng độc lập với khối Xô-Viết.

Phong trào Phi liên kết chính thức ra đời tại Beograd, Yugoslavia năm 1961 và Tito (từng được Moscow gọi là "con chó dại")là 1 nhân vật chủ chốt. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp