Nghệ sĩ thế giới

Bảo tàng hạ tác phẩm, che tác phẩm để phản đối sắc lệnh của Trump17. 02. 17 - 3:34 pm

Hữu Khoa dịch

Từ ngày 16. 2 tới thứ Ba, 21. 2. 2017, hai mươi phần trăm tác phẩm thuộc bộ sưu tập cố định của bảo tàng Davis tại trường Wellesley (Massachusetts) đã bị che đi hoặc tháo xuống. Trong số đó có một bức phong cảnh hồi thế kỷ 19 của Thomas Cole, một bức kỷ hà vẽ năm 1949 của Ilya Bolotowsky, và một tác phẩm điêu khắc chạm gỗ và hun thuốc súng của Ana Mendieta thực hiện năm 1985…

Mỗi chỗ trống để lại hoặc mỗi tác phẩm bị che đi sẽ được dán một cái nhãn, trên ghi: “Do một người nhập cư làm nên”, hoặc “Do một người nhập cư tặng”.

Nhãn “Made by an immigrant” dán đầy trên tường bảo tàng Davis. Ảnh: CNN

Sự “không cho thấy mặt” của 120 tác phẩm thế này là một thông điệp, khi người ta biết, những tác phẩm ấy hoặc là sáng tạo của những nghệ sĩ nhập cư, hoặc là quà tặng từ những công dân nhập cư.

“Việc gỡ hoặc che những tác phẩm do người nhập cư sáng tác hoặc hiến tặng sẽ giúp chúng ta nhớ tới những gì mà người nhập cư đã đóng góp, và hiểu được chúng ta sẽ mất đi điều gì nếu vắng họ,” giám đốc bảo tàng Davis là Lisa Fischman nói. “Việc làm này của bảo tàng có hiệu quả rất mạnh về mặt biểu tượng cũng như thị giác.”

Tại gian triển lãm châu Phi của bảo tàng, 80% tác phẩm bị che vải đen, do đó là quà tặng của một gia đình người Ba Lan đến Mỹ sau thế chiến II.

Ảnh từ CNN

Vì bảo tàng Davis chỉ mở lại bộ sưu tập cố định của mình vào tháng Chín, nên có đủ thời gian cho phép ban giám tuyển thu thập và làm rõ thêm tư liệu về những nghệ sĩ cũng như những người trao tặng vốn là di dân này.

Chiến dịch này có tên là Art-Less, để ủng hộ tuyên bố từ Hiệp hội các Giám đốc Bảo tàng Mỹ (AAMD) phản đối sắc lệnh về nhập cư của tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành ngày 27. 1. 2017, ngăn người dân từ 7 nước có đa số dân là Hồi giáo được vào Mỹ trong một thời hạn. Sắc lệnh này, theo Hiệp hội, “khiến sự hợp tác về nghệ thuật và học thuật lâm nguy, đúng vào lúc mà việc trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau quan trọng hơn bao giờ hết”.

Một tác phẩm được che bằng vải đen, với bảng đề: “Given by an immigrant”

AAMD là một trong nhiều tổ chức phản đối sắc lệnh này của Trumg. Mới đây, MoMA (Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York đã thể hiện thái độ bằng cách thay 8 tác phẩm trong bộ sưu tập cố định của họ bằng các tác phẩm của những nghệ sĩ thuộc các quốc gia mà sắc lệnh này áp dụng.

Mặc dầu bảo tàng Davis chỉ thực hiện chiến dịch Art-Less này trong một thời gian ngắn, nhưng trong thời gian đó có ngày sinh của Washington, còn gọi là “Monday’s Presidents’ Day”. Trong ngày lễ này, bức chân dung George Washington vẽ hồi thế kỷ 18 của bảo tàng sẽ không được treo, vì người vẽ nó là họa sĩ Thụy Điển Adolf Ulrik Wertmüller, và người tặng nó là gia đình Munn cũng đến từ Thụy Điển.

Adolf Ulric Wertmüller (sinh 1751) họa sĩ Thụy Điển, “Chân dung George Washington”, sơn dầu trên toan. Quà tặng của ông bà James B. Munn, bày tại bảo tàng Davis ở trường Wellesley

*

Nguồn: Hyperallergic và CNN

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp