Nghệ sĩ Việt Nam

Võ Trân Châu kỳ công neo lại Kỳ Lâu 02. 03. 17 - 6:02 am

Thông tin từ BTC

‘NEO LẠI KỲ LÂU’
Triển lãm cá nhân của Võ Trân Châu
Tại Hà Nội: khai mạc vào 18h30, thứ Bảy, ngày 4 tháng 3.2017
Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội
Mở cửa từ 4. 3 – 3. 4. 2017
Vào cửa tự do

Tại TP. Hồ Chí Minh: khai mạc ngày 14 tháng 4.2017, 18:00
Salon Saigon (đăng ký xem triển lãm qua info@salonsaigon.com)
6D Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP. Hồ Chí Minh
Mở cửa từ 14. 4 – 14. 5. 2017

Sàn Art và Manzi hân hạnh cùng giới thiệu ‘Neo lại Kỳ lâu’, triển lãm cá nhân đầu tiên của Võ Trân Châu.

‘Ngọ Môn’ 2016; vải, chỉ; 84,5cm x 134cm

*

Võ Trân Châu (sinh năm 1986, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Cô quan tâm tìm hiểu xã hội đương đại thông qua tương tác trong các mối quan hệ giữa con người với nhau và với tập thể.

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về nghề thêu, cô trân trọng ngôn ngữ của chỉ, vài, chọn chúng cùng quần áo cũ – những đồ vật lưu giữ lịch sử cá nhân – làm công cụ nghệ thuật cho thực hành của mình.

Trân Châu đã tham gia ’Suzhou Documents’, Suzhou, Trung Quốc, 2016; ‘EVA International, Ireland’s Biennale’, Limerick, Ireland, 2016; ‘Đồ/Ảnh/Ký’, Saigon Domaine, TP. Hồ Chí Minh, 2015; ‘March: Art Walk’, Sao La, TP. Hồ Chí Minh, 2015; ‘Sương mù đen’, Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2015; ‘Nhỏ và Mịn’, Nhà Sàn Studio, Hà Nội, 2014; ‘Sinh ra từ đất’ và ‘Chị tôi’, Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh, 2012 và 2011.

Võ Trân Châu, ảnh: Hải Đông. Nguồn từ trang này 

*

Từ phiên lưu trú sáng tác dài 6 tháng với Sàn Art Laboratory giữa năm 2015, Trân Châu theo dấu những hậu duệ của nhà Nguyễn (1802-1945) để thực hiện tác phẩm ‘Thủy ảnh’, một phiên bản Long cổn ghép từ những chiếc áo của các hậu duệ mà cô tiếp xúc.

Kéo dài nghiên cứu về triều Nguyễn, kết nối thời gian, bối cảnh lịch sử đó với hiện tại, Trân Châu phát triển các tác phẩm tiếp theo gồm tranh thêu, điêu khắc vải, tranh cắt ghép mosaic hiếm thấy ở Việt Nam.

Triển lãm cá nhân này tạo dựng một không gian hư ảo giữa quên và nhớ, giữa thời sự và tự sự, bàn về thời thế và tâm thế với nỗi khắc khoải xoáy vòng từ quá khứ đến hiện tại.

*

Nhà Nguyễn ngự ở Huế, thành phố hiện tại về địa lý nằm khoảng giữa Việt Nam. Trong triển lãm, Trân Châu đưa người xem vào một thủy trình tưởng tượng đến một thành phố Huế thay thế, nơi một số biểu tượng được mường tượng lại, bắt đầu với ‘Giải Trãi’, linh thú tượng trưng cho công lý triều đình, được Minh Mạng (1791-1841) cho đúc thành tượng có hình dạng tương tự linh dương.

Giải Trãi’ trong triển lãm khoác một hình ảnh mới vì da nó được ghép bằng rất nhiều miếng vải vuông cắt ra từ quần áo cũ của các hậu duệ nhà Nguyễn. Tác phẩm giống một con chó con tự vấn về khả năng phân biệt trái phải của mình.

Kỹ thuật cắt ghép này được Trân Châu tiếp tục với các tác phẩm khác. ‘Long Tinh Kỳ’ tái tạo lá cờ biểu trưng đầu tiên của nhà Nguyễn. Trong triển lãm, dưới một thanh gỗ nặng nề, lá cờ kể về sự chiếm đóng của Pháp và cùng với đó là khoảng thời gian đánh dấu sự phân chia Việt Nam thành ba kỳ (1858-1885).

“Ngọ Môn”, chi tiết tác phẩm

Người xem cũng sẽ thấy ‘Ngọ Môn’ với lối đi chính giữa chỉ dành cho vua và hầu giá vào cấm thành. Giờ đã in vào logo Huế nhưng ‘Ngọ Môn’ trong tranh cắt ghép của Trân Châu với sắc xanh trắng mờ ảo không gợi về một di tích lịch sử mà nhắc nhiều hơn đến những màn biểu diễn màu mè diễn ra mỗi năm trước thành nội để tung hô di sản của thành phố. Đây cũng là nơi vị hoàng đế cuối cùng, Bảo Đại (1913-1997) hạ lá cờ quân chủ để phía cách mạng vẫy lá cờ đỏ thắm của mình lên.

Ngọ Môn’ song hành với ‘Ngẫu Cảm’, cùng là kết thúc, cái thứ nhất cho một triều đại và cái thứ hai cho một con người. ‘Ngẫu Cảm’ miêu tả ngôi mộ đơn sơ của Bảo Đại ở Pháp, gợi ý sự chôn giấu quá khứ cùng với con người dưới mộ.

Hai tác phẩm ‘Chân dung số 12’ và ‘Chân dung số 13’ thu thủy trình liên thời gian/không gian trong triển lãm về hai cha con vua Khải Định (1885-1925) và Bảo Đại. Ngoài cách phục sức “lai căng” đã nhận không ít chê trách khi còn tại vị , di sản của Khải Định cũng bao gồm một cái lăng kim cổ giao lưu, Đông Tây phối hợp độc đáo. Chân dung chỉ thêu của ông nhập nhoè sắc vàng, theo Trân Châu, “để hợp với phong cách nghệ sĩ” của nhà vua.

“Chân dung số 12”

 

“Chân dung số 12”, chi tiết

Bảo Đại được biết nhiều hơn vừa như “vị vua cuối cùng” vừa như một con người lịch lãm với quý phu nhân thanh tú. Chân dung của ông mang màu jeans, ghép từ những mảnh quần áo hậu duệ triều Nguyễn không bao gồm hậu duệ của chính ông. Bằng cách phân giải ảnh chụp ra thành điểm ảnh và tái tạo chúng với những chất liệu cần dày công thao tác, Trân Châu xây dựng hai phiên bản “mới” cho hai nhân vật này, đề nghị người xem suy ngẫm về những khả năng quá khứ khác của họ cũng như của những gì họ đại diện. Cái nhìn bất định của nhân vật trong tranh cũng mời người xem nhìn lui vào bản thân mình trong hiện tại. Họ có đang là đại diện trung thực của chính mình hay không? Trước những lu nhiễu thời đại, họ giải những sự biến đương thời như thế nào?

“Chân dung số 13”

Khuyết” cũng là một lời đề nghị. Tác phẩm tranh lụa thêu một chiếc áo dạng Long cổn giang tay giữa không trung; chiếc áo thiếu rồng phượng in một cái bóng sai khác đáng kể so với nó dưới mặt nước. Mượn hình ảnh chiếc áo từ thời Đại Thanh (Trung Quốc, 1644 – 1912) có ảnh hưởng rất sâu đến phục sức hoàng gia của một số nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trân Châu bàn về một trận cờ giữa Việt Nam và nhiều đối thủ kéo dài đã ngàn năm và hiện nay vẫn lơ lửng trên sông núi nước Nam.

“Khuyết”

 

“Khuyết”, chi tiết tác phẩm

Khuyết” dẫn đường cho tác phẩm sắp đặt ‘Thủy ảnh’ trong đó bản sao chiếc Long cổn được treo trên một hồ nước đen, biệt lập, lặng im; đó là hình dung của Trân Châu về tâm thế những vị vua triều Nguyễn trong hơn một thế kỷ nhiều biến động. ‘Thủy ảnh’ được chắp vá bằng áo quần của những hậu duệ nhà Nguyễn, những Chân dung không mang số. Nỗ lực kỳ diệu của những người cai trị đương thời đã và đang xóa dần quá khứ của họ, khiến nhân ảnh của họ nhòe hoen, lắp ghép cũng như lịch sử của dòng tộc họ. Chuyện của họ phản ánh chuyện xã hội vì sự hoen mờ kia trùng hợp đáng buồn với văn hóa đương thời: phần được phết tem “di sản”, phần lọc cọc run rẩy chống đỡ điều tiết.

Triển lãm kết thúc tại đây, còn trận cờ bày tại Kỳ lâu này vẫn mời người chơi/đánh. Trân Châu dàn trận bằng cách“phá vỡ cấu trúc vật liệu […] tạo tác một vật thể khác {để} nhìn và chạm vào bề dày của những câu chuyện cá nhân cũng như phản biện đa chiều của lịch sử” .

Còn bạn?

(biên tập từ bài đọc cho triển lãm do Nguyễn Bích Trà viết)

“Khuyết”, chi tiết tác phẩm

—-
LƯU Ý

Vào tối Chủ nhật, 05 tháng 3, ở giao điểm giữa thời sự và tự sự, nghệ sĩ Võ Trân Châu và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (tác giả ‘Ngàn năm áo mũ’) sẽ cùng chia sẻ hành trình của mình, một người để thực hiện tác phẩm và người kia khai mở những nút thắt lịch sử có liên quan đến nghiên cứu của nghệ sĩ. Buổi trò chuyện sẽ do Nguyễn Bích Trà, Quản lý của Sàn Art điều dẫn.

Trò chuyện giữa Võ Trân Châu và Trần Quang Đức
19h30, Chủ nhật 5 tháng 4
Manzi Art Space
14 Phan Huy Ích, Hà Nội
Vào cửa tự do

Để có thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Nguyễn Bích Trà, Quản lý, Sàn Art
+84 903 579 662 | tra@san-art.org

 

Ý kiến - Thảo luận

21:37 Saturday,19.8.2017 Đăng bởi:  Nguyễn Bích Trà
Cảm ơn anh (?) Đặng Thái ạ. Đầu tiên là thông tin về quy chế Long cổn đúng là từ thời nhà Minh (1368-1644) chứ không phải thời Đại Thanh. Khi viết em bị sai và sau đó có đính chính trong bản in nhưng tiếc là không đính chính được trên các phương tiện truyền thông khác. Em cảm ơn anh đã nêu ở đây :)
 
Thứ nữa là bài viết em viết tiếng Việt trước rồi mới nhờ n
...xem tiếp
21:37 Saturday,19.8.2017 Đăng bởi:  Nguyễn Bích Trà
Cảm ơn anh (?) Đặng Thái ạ. Đầu tiên là thông tin về quy chế Long cổn đúng là từ thời nhà Minh (1368-1644) chứ không phải thời Đại Thanh. Khi viết em bị sai và sau đó có đính chính trong bản in nhưng tiếc là không đính chính được trên các phương tiện truyền thông khác. Em cảm ơn anh đã nêu ở đây :)
 
Thứ nữa là bài viết em viết tiếng Việt trước rồi mới nhờ người bạn siêu nhưn dịch ra tiếng Anh và em biên tập lại. Có lẽ ý tứ, ngôn ngữ và biên tập phần dịch thuật còn lủng củng. Em cảm ơn anh đã cho ý kiến để mốt em làm được tốt hơn. :) 
 
Hôm nay bỗng đọc được ý kiến vầy để mốt cẩn trọng hơn, thiệt là vui :)
 
@LC Trà nghĩ là bạn cũng có ý kiến xây dựng theo phong cách hóm hỉnh. Trà cảm ơn :) mốt nếu có viết bài gì nữa mong lại được nhận ý kiến từ bạn :) 
22:17 Friday,3.3.2017 Đăng bởi:  LC
Bác Đặng Thái!
Bác đem một vòm trời trí thức căn bản và chất lượng ra, để nâng đỡ vẻ đẹp nghiên cứu uyên thâm của Mỹ thuật Đương Đại, thì khác nào lấy gậy vàng nạm ngọc ra chống một cọng mồng tơi?
Bí quyết để hiểu và thông linh với những "thông tin từ BTC" như thế này, có hai cách:
1- dịch ngược từ bản tiếng Việt ra tiếng... Lào, rồi cố gắng trun
...xem tiếp
22:17 Friday,3.3.2017 Đăng bởi:  LC
Bác Đặng Thái!
Bác đem một vòm trời trí thức căn bản và chất lượng ra, để nâng đỡ vẻ đẹp nghiên cứu uyên thâm của Mỹ thuật Đương Đại, thì khác nào lấy gậy vàng nạm ngọc ra chống một cọng mồng tơi?
Bí quyết để hiểu và thông linh với những "thông tin từ BTC" như thế này, có hai cách:
1- dịch ngược từ bản tiếng Việt ra tiếng... Lào, rồi cố gắng trung chuyển qua tiếng Đức, hoặc tiếng nào xa lắc. Ghi âm lại rồi nghe bằng tai nghe, trong lúc đảo qua đảo lại giữa các tác phẩm. Đến khi thật sự thấm thía, thì nhảy múa co giật như anh Khánh hoặc nằm lăn ra sàn mà ngủ thiếp đi. Tác phẩm thế là thành công rồi!
1- đọc nguyên tác nhiều lần, nối tiếp nhau, rì rầm như tiếng tụng kinh hoặc ê a như trẻ vỡ lòng. Đọc đến khi nào cảm nhận và nhớ láng máng được những từ khóa, ví dụ như bài này là: Thuỷ ảnh - hư ảo - tâm thế - mờ ảo - thủy trình - giải trãi... Đến khi óc mình bị lẩm bẩm những từ nào chất nhất thì đó chính là chân lý, là sáng tạo mà tác giả đã che nhiều lớp vải để giấu đi. Mà bới ra được thì sẽ phải tiêu hoá thôi. Chất đổi do lượng đổi và đời cũng đổi do đọc được cái bài viết này.
Đó, rất đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện. Chứ như bác Đặng Thái thì sai hoàn toàn rồi, bác tỉnh lại đi bác ơi! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả