|
|
|
|||||||||||||
Thiết kếNhững quả địa cầu tinh xảo của Bellerby 07. 04. 17 - 3:55 pmAnh NguyễnỞ thời đại nhanh-nhiều-rẻ hiện nay, việc mua bán đã trở nên quá dễ dàng. Chỉ bằng vài cú nhấp chuột là chúng ta có thể đặt hàng từ váy vóc cho đến bánh kẹo với giá vừa phải. Nhưng ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt cũng kéo theo vô số vấn đề như ô nhiễm môi trường, lạm dụng lao động trẻ em, vấn đề sức khỏe,… Hàng hóa rẻ tiền thì chất lượng cũng chỉ tầm tầm, dùng một thời gian là bỏ. Bởi vậy khi vẫn còn những nghệ nhân chăm chút tạo ra những tác phẩm đẹp đẽ có một không hai, lại bền vững với thời gian thì thật điều đáng quý. Công ty Bellerby & Co tại London là một ví dụ còn sót lại. Đây là một trong hai công ty duy nhất trên thế giới sản xuất những quả địa cầu hoàn toàn theo phương pháp thủ công (công ty còn lại có tên Lander&May). Nghề làm quả địa cầu ở châu Âu đã xuất hiện hàng trăm năm và phát triển rực rỡ nhất vào thời Phục Hưng. Quả địa cầu lâu đời nhất còn tồn tại được chế tác bởi nghệ nhân người Đức Martin Behaim vào năm 1492. Những quả địa cầu trang trí cầu kỳ thường là món quà tặng các yếu nhân, hoặc dùng để lưu giữ những phát hiện địa lý. Ngày nay quả địa cầu truyền thống đã nhường chỗ dần cho Google Earth và các thiết bị định vị vệ tinh, chỉ còn tác dụng trang trí là chủ yếu. Tuy vậy đối với nhiều người, tận mắt chiêm ngưỡng một quả địa cầu vẫn là cách tuyệt nhất để trải nghiệm cảm giác “ôm cả thế giới vào lòng.” Năm 2008, chủ một khu bowling tại London có tên Peter Bellerby muốn tìm một quả địa cầu thật đẹp. Để làm gì? Để tặng cha anh nhân dịp sinh nhật 80 tuổi của cụ. Thế nhưng anh chạy đông chạy tây vẫn không vừa ý, bởi những quả địa cầu bán trên thị trường chủ yếu được sản xuất hàng loạt bằng công nghệ nhựa nhiệt dẻo, bề mặt bóng bẩy sặc sỡ và rẻ tiền. Những quả địa cầu thực sự giá trị thì đa số rơi vào thể loại “đồ cổ” và đã nằm yên ấm trong các viện bảo tàng. Nhất định không bỏ cuộc, Bellerby quyết định… tự tay làm. Lúc đầu anh chỉ cho phép mình dành ra 4 tháng và 6 ngàn đô để thực hiện kế hoạch này, nhưng cả thời hạn lẫn ngân sách trên đều không đủ. Kì cạch làm xong quả địa cầu tặng bố, anh thấy mình không thể để tất cả những công sức đó bỏ phí. Đó là khởi đầu của công ty sản xuất địa cầu thủ công Bellerby. Làm quả địa cầu có dễ hay khó? Mỗi nhân viên của Bellerby phải học việc ít nhất một năm trước khi bắt tay vào quả địa cầu nhỏ nhất đường kính 22cm (quả địa cầu lớn nhất của Bellerby có đường kính 127cm và mang tên Churchill). Bản thân Peter Bellerby cũng mất 18 tháng tìm tòi và “đốt” sạch 180 ngàn đô trước khi anh chế tác thành công quả địa cầu đầu tiên “tạm coi được.” Riêng đường kinh tuyến gốc bằng kim loại bao quanh quả cầu đã tốn của anh 23 ngàn đô la Mỹ! Thử thách khó nhằn đầu tiên là tạo ra hình cầu hoàn hảo. Trong 18 tháng mày mò, Peter Bellerby đã bỏ đi hàng nghìn ký resin, vì thử đủ mọi cách nhưng chẳng khuôn cầu nào đáp ứng được tiêu chuẩn “tròn trịa” của anh. Theo Peter, cái khó ở đây là cứ đo chệch một tí thì cái một tí đấy sẽ nhân với Pi (3.14) thành ra… nhiều tí, vì vậy hiện giờ công ty anh sử dụng một loại máy chuyên ngành để đúc khuôn quả cầu thật chính xác. Loại máy này cũng được sử dụng trong việc chế tạo các bộ phận của xe đua Thể thức Một. Đây là công đoạn duy nhất có sự hỗ trợ của máy móc. Tiếp theo là đến phần đắp giấy (papering process.) Trước tiên là phải có… bản đồ cái đã. Bellerby thường lấy bản đồ từ một nhà cung cấp có chứng chỉ, nhưng anh vẫn phải đích thân sửa chữa các địa danh, vị trí, biểu tượng sao cho thật chính xác và đồng bộ. Peter Bellerby cũng tự hào vì công ty của anh luôn sử dụng những bản đồ được cập nhật chính xác nhất dựa trên tình hình địa-chính trị của thế giới. Những tranh chấp biên giới, nhà nước mới được thành lập, hay thành phố đổi tên,… đều được phản ánh trên bản đồ. Mỗi quả địa cầu Bellerby khi xuất xưởng, vì thế, cũng là một chứng nhân của lịch sử. “Ngay cả Liên Hợp Quốc cũng không công nhận tất cả các quốc gia. Phần lãnh hải giữa các quốc gia đổi tên thường xuyên, thậm chí các quốc gia cũng đổi tên. Dường như năm nào Ấn Độ cũng đổi tên các bang của nó. Thường thì đây là những chủ đề nóng bỏng, nên nhiều khi chúng tôi phải tặc lưỡi chọn đại một cái tên nào đó. Mới năm ngoái đây thôi, chúng tôi tự quyết định phần chia cắt giữa Nga và Crimea,” Peter Bellerby cho biết. Mỗi tấm bản đồ sau khi hoàn thành được in sơ bộ bằng Adobe Illustrator, sau đó những người thợ thủ công sẽ dùng màu nước để tô vẽ và tỉa tót thêm. Bản đồ này được chia thành những dải giấy mỏng gọi là gore (một phần mềm máy tính được chính Bellerby tạo ra để biến bản đồ chữ nhật thành các hình elip đầu nhọn.) Các gore sẽ được dán nhẹ nhàng lên khuôn quả cầu khi còn ướt – độ ẩm khiến chúng trở nên mềm mại và dễ dính hơn. Công đoạn này đòi hỏi sự tập trung cao độ, vì chỉ sai một ly (mm) là đi (không đến một dặm) 2.4 cm rồi. Không những thế những dải gore ướt cũng mong manh và dễ rách vô cùng. Đã có lúc 5 nghệ nhân Bellerby cùng chung tay khẽ khàng dán giấy lên một tác phẩm lớn mà ai ai cũng căng thẳng, không dám mở mồm trò chuyện. Ác mộng lớn nhất của Peter Bellerby là dán gore lệch khiến các vĩ tuyến không đều nhau, hoặc dán gore chồng chéo khiến nước to hóa thành nhỏ, nước nhỏ thì… biến mất luôn. Sau khi công đoạn phủ giấy hoàn thành, những nghệ nhân sẽ thêm vào các chi tiết trang trí độc đáo riêng cho từng quả địa cầu. Mỗi năm ước tính công ty Bellerby sản xuất khoảng 200 quả địa cầu đủ mọi kích cỡ. Quy trình làm địa cầu của Bellerby tưởng chừng đơn giản vậy thôi, nhưng theo anh thì có nhiều bí quyết mà anh chỉ truyền thụ cho các “đồ đệ” chứ không bao giờ phổ biến công khai. Thậm chí anh cũng không có ý định đăng ký bản quyền và bằng sáng chế cho những kỹ thuật đặc biệt đó. Điều kiện tiên quyết để theo đuổi nghệ thuật này, theo Bellerby, là biết “sống chậm.” Người nghệ nhân phải học cách rèn luyện cơ thể để di chuyển thật từ tốn và cân nhắc cẩn thận mọi động tác. Dựa trên tính toán của anh, nhờ mức độ tinh xảo và nguyên liệu cao cấp mà những quả cầu Bellerby sẽ tồn tại được ít nhất vài thế kỷ. Quả địa cầu đầu tiên Peter Bellerby tặng cho cha anh đã được ông trưng bày một cách hãnh diện trong buồng khách, nhưng chính quả địa cầu này lại cần được đem đi bảo hành gấp, vì kỹ thuật hồi đó so với bây giờ đã kém rất xa! Trong số những quả địa cầu mà Bellerby từng thực hiện có nhiều tác phẩm lạ đáng nhắc tới. Nhiều vị khách của Bellerby yêu cầu nhấn mạnh thành phố quê hương của họ thật nổi bật trên quả địa cầu, nào vẽ thêm đền thờ Ấn Độ, kim tự tháp Ai Cập, hoặc cầu cảng Hồng Kong. Một vị khách người Brazil yêu cầu một quả địa cầu… lộn ngược, lý do là để nước mình nhìn hoành tráng hơn. Thậm chí một vị khách Ả Rập còn yêu cầu Bellerby “hô biến” nước Israel trên bản đồ cho đỡ… ngứa mắt. (Peter Bellerby đã khôn ngoan từ chối). Một vị khách khác lại muốn quả cầu được lắp trên trục lăn để ông có thể tự tay nhấc lên (ông muốn đóng vai khổng lồ Atlas chăng?) Tuy nhiên quả địa cầu khiến Bellerby tốn nhiều tâm sức nhất có lẽ là tác phẩm Churchill lắp trên đế gỗ sồi, lấy cảm hứng từ món quà Giáng sinh tướng George C Marshall tặng cho Franklin Roosevelt và Winston Churchill vào năm 1942. Bellerby đã mất 6 tháng để tìm quả địa cầu Churchill nguyên thủy, thậm chí còn nói chuyện với cháu nội của Churchill, người đã kể lại cho Bellerby hồi nhỏ mình chơi đùa với quả địa cầu như thế nào. Cuối cùng Bellerby cũng tìm thấy quả địa cầu Churchill huyền thoại tại Chartwell, ngôi nhà của gia đình Churchill tại Kent. Lý do quả địa cầu này bị giấu kỹ đến thế là bởi gia đình sợ… bảo tàng đến xin. Tác phẩm Churchill của Bellerby hiện giờ có giá khoảng 48 ngàn đô Mỹ, và mất khoảng một năm để hoàn thành bởi hai nghệ nhân lành nghề nhất trong công ty. Theo Bellerby, công ty anh sẽ chỉ sản xuất tổng cộng 40 quả địa cầu Churchill mà thôi. Khách hàng của Bellerby cũng hết sức phong phú và đa dạng, từ sinh viên trẻ tuổi mê địa lý cho đến những người người có… trang Wikipedia riêng. Đặc biệt hơn cả, dù mới xuất hiện chưa lâu nhưng Bellerby đã có nhiều hợp đồng hoành tráng. Viện bảo tàng Louvre đã đặt hàng Bellerby làm lại quả cầu tinh tú của Coronelli dành cho vua Louis thứ 14. Khi hoàn thành, quả cầu này sẽ được trưng bày trên cầu thang chính của bảo tàng. Đạo diễn Martin Scorsese thì yêu cầu đích thân Bellerby chế tạo những quả địa cầu cho bộ phim Hugo (2011.) Hai quả địa cầu dạng trứng Faberge đặc biệt đã được đem bán đấu giá gây quỹ từ thiện bởi nhà Sotheby. Công ty Bellerby cũng cộng tác với nghệ sĩ người Nigeria Yinki Shonibare để tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Năm 2012, Bellerby tổ chức triển lãm quả địa cầu đầu tiên tại Hiệp hội Địa lý Hoàng gia ở London. Thế nhưng đối với cá nhân Peter Bellerby, điều đáng hài lòng nhất trong sự nghiệp của anh không phải những bài báo hoa mỹ hay hợp đồng béo bở. Theo Bellerby, từ khi anh thành lập công ty đến giờ, chưa từng có khách hàng nào than phiền địa cầu của anh méo, vỡ, nứt, và cũng không ai mua về rồi chê xấu. “Chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi đã thấy rất rất khó chịu rồi. Tôi cho rằng đó là điều thúc đẩy cam kết chất lượng của Bellerby.”
Ý kiến - Thảo luận
18:44
Friday,7.4.2017
Đăng bởi:
LC
18:44
Friday,7.4.2017
Đăng bởi:
LC
Bài này hay quá, mình cũng mới có hai quả địa cầu cổ, mầu gỗ đỏ, vẽ đẹp mê tơi. Mà mở một nửa quả ra, thì có hộc bên trong lòng, để xô đá ướp lạnh rượu và các thứ linh tinh ăn vặt. Cũng vơi bớt nỗi buồn ít được du ngoạn , an ủi một con ếch ngày càng béo, trông một cái nhà hát to đùng. Và hai quả địa cầu !
18:36
Friday,7.4.2017
Đăng bởi:
hieniemic
Cái "quả cầu tinh tú" trong bài có tên gọi là Thiên cầu Cassini, theo tên của nghệ nhân Giovanni Maria Cassini. Còn có 1 gia tộc cũng tên là Cassini chuyên về thiên văn và làm bản đồ nhưng ông Cassini thiên cầu không trong họ nhà này.
Từ đúng trong ngành sẽ gọi là thiên cầu, vì nó tưởng tượng tất cả các vì sao ở cách mặt đất cùng một khoảng cách, và vì vậy nằm trên m ...xem tiếp
18:36
Friday,7.4.2017
Đăng bởi:
hieniemic
Cái "quả cầu tinh tú" trong bài có tên gọi là Thiên cầu Cassini, theo tên của nghệ nhân Giovanni Maria Cassini. Còn có 1 gia tộc cũng tên là Cassini chuyên về thiên văn và làm bản đồ nhưng ông Cassini thiên cầu không trong họ nhà này.
Từ đúng trong ngành sẽ gọi là thiên cầu, vì nó tưởng tượng tất cả các vì sao ở cách mặt đất cùng một khoảng cách, và vì vậy nằm trên một mặt cầu. Nhìn từ Trái đất lên thì các chòm sao như dính ở mặt trong của một "vòm cầu" khổng lồ bao quanh Trái đất. Thiên cầu thể hiện góc nhìn của Thiên chúa từ bên ngoài thế giới (và ngoài cả vũ trụ) nhìn các vì sao. Ta có thể tưởng tượng ở trong cái Thiên cầu này là địa cầu. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp