Chính trị

Ted Osius: “Được làm Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là vinh dự của cả cuộc đời tôi” 14. 12. 17 - 3:23 pm

Từ Fb của Phạm Tuấn Anh

Bài Phát biểu của cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius tại Lễ Quốc kỳ, tổ chức tại phòng Hiệp ước (Treaty Room) tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chiều ngày 12. 12. 2017, đánh dấu việc Đại sứ nghỉ hưu ở Bộ Ngoại giao

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry trao lời thề phụng sự cho đại sứ Ted Osius, với Osius giơ tay thề, và vị hôn phu Clayton Bond đỡ cuốn Kinh Thánh. Hình từ trang này 

*

Thay mặt cho Clayton, con trai TABO, con gái Lucy, mẹ tôi là bà Nancy, và bản thân tôi, tôi muốn cảm ơn những người đỡ đầu, những đồng nghiệp, bạn hữu, và gia đình đã có mặt tại đây ngày hôm nay.

Tôi sẽ bắt đầu với những người đỡ đầu cho tôi, hôm nay có một vài người có mặt ở đây. Việc chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết với các nhà ngoại giao trẻ là một trong những truyền thống tốt đẹp nhất trong ngạch Ngoại giao. Đại sứ Cameron Hume, người mà tôi đã được làm việc dưới quyền không phải một, hai, mà tận ba lần, là người đã đỡ đầu cho 17 người (và chắc vẫn còn nữa) về sau trở thành Đại sứ. Ông ấy không bao giờ bỏ lỡ việc dành thời gian để dạy bảo và nâng đỡ. Ông đã nói rằng ông ấy nghĩ rằng đó là trách nhiệm quan trọng nhất của một nhà ngoại giao cao cấp và tôi đồng ý. Người tiền nhiệm của tôi là Đại sứ trước tôi tại Việt Nam, David Shear, cũng đã nói về quy trình đỡ đầu tại Lễ Quốc kỳ của ông ấy mà tôi được dự ba năm trước đây.

Gửi tới các đồng nghiệp của tôi còn ở lại phục vụ ở Bộ Ngoại giao, tôi hy vọng rằng các bạn sẽ chọn việc vượt qua những thăng trầm. Giống như nhiều người trong số các bạn, chính tôi cũng đã từng phải vượt qua những thời điểm khó khăn, nhưng tôi vẫn yêu ngành Ngoại giao gần như mỗi ngày trong suốt ba mươi năm tôi phục vụ trong nghề. Như người bạn tôi là Tom Countryman đã nói tại lễ nghỉ hưu của ông ấy thì “chúng ta phải kiên định với các nguyên tắc, vững bước với các lý tưởng, và không ngừng nghỉ trong sự quyết tâm giữ vững lời thề của chúng ta là “bảo vệ Hiến pháp chống lại mọi kẻ thù trong và ngoài.”

Chính lúc này hơn bất kỳ lúc nào khác.

Tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục phụng sự đất nước của chúng ta và tạo ra sự khác biệt, bởi vì việc đó thật sự là một đặc quyền. Chuyên môn của các bạn về khu vực hay về ngôn ngữ, sự hiểu biết sâu sắc của các bạn về thách thức toàn cầu sẽ mang lại lợi ích, và các bạn có thể có cơ hội thay đổi chút ít tiến trình lịch sử.

Gửi tới bạn bè và gia đình, lâu nay các vị đã luôn đứng sau hỗ trợ chúng tôi, mọi người đã tới thăm chúng tôi và giúp thay mặt chúng tôi làm các trách nhiệm ở nhà khi chúng tôi công tác ở nước ngoài. Cảm ơn mọi người về tình cảm và sự giúp đỡ.

Tôi biết ơn ngành Ngoại giao Hoa Kỳ, không chỉ về ba thập kỷ của những chuyến du hành mà còn về cả gia đình tôi. Mười ba năm rưỡi trước đây tôi đã gặp người phối ngẫu tương lai của tôi là Clayton trong một buổi họp của GLIFAA, một nhóm tình thân của nhân viên. Chính nhờ hiệu ứng bắc cầu đó mà ngành Ngoại giao đã mang lại cho chúng tôi các con của chúng tôi là TABO và Lucy.

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và hôn phu Clayton Bond, cùng bé Tabo. Hình từ trang này 

Ba năm trước đây khi Ngoại trưởng John Kerry nhận lời tuyên thệ của tôi khi trở thành Đại sứ, tôi đã nói rằng đối với tôi đó là “giấc mơ đã trở thành hiện thực” để được là người đại diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tôi đã yêu Việt Nam suốt 22 năm, từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, khi hai nước chúng ta còn chưa có được một hình dung nào về mối quan hệ đối tác. Ngay cả khi ông Dave [Đại sứ David Shear], trao lại cây gậy trách nhiệm của ông, tôi cũng chưa thể hình dung được cách mà chúng ta đã đưa quan hệ hai nước đi được xa ra sao.

Nhưng Việt Nam có những người lãnh đạo tận tâm giống như Đại sứ Vinh [Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh] đây. Và Hoa Kỳ cũng có những người lãnh đạo như Tổng thống Obama, John Kerry, và John McCain là những người tận tâm với mối quan hệ đối tác toàn diện của hai nước. Và vì thế cùng với nhau chúng ta đã có thể làm sâu sắc những mối liên hệ thương mại, an ninh, và nhân dân với nhân dân. Cùng nhau, chúng ta đã chuẩn bị cho không chỉ một mà hai chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam, cũng như các chuyến thăm của Tổng Bí thư và Thủ tướng Việt Nam tới Hoa Kỳ. Được làm Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là vinh dự của cả cuộc đời tôi.

Được đại diện cho Hoa Kỳ, đặc biệt ở Châu Á, trong suốt ba mươi năm qua cũng là một vinh hạnh. Ở ba vị trí công tác cuối cùng của tôi và Clayton là Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam – chúng tôi đã học hiểu được quyền năng của quan hệ đối tác. [Đại sứ] Cameron đã luôn nhắc nhở tôi rằng Hoa Kỳ có tầm bao phủ lớn và khi chúng tôi bày tỏ ra sự tôn trọng, thì kết quả của việc đó là tầm ảnh hưởng lớn. Tôn trọng ở đây có nghĩa là tìm hiểu xem điều gì là thật sự quan trọng đối với các đối tác của chúng tôi và cùng coi trọng những điều đó. Việc này không làm tốn của Hoa Kỳ cái gì nhưng lại mang lại cho Hoa Kỳ mọi thứ.

Bày tỏ sự tôn trọng giúp xây dựng niềm tin. Mối quan hệ đối tác thực sự, mạnh mẽ chỉ đến khi chúng ta xây niềm tin, và chúng ta xây dựng niềm tin thông qua việc tìm kiếm xem các mối quan tâm của chúng ta hợp nhất ở đâu và từ điểm đó hợp tác để cùng làm việc với nhau. Công việc của một nhà ngoại giao là tìm ra những mối quan tâm chung đó và biến chúng thành nền tảng cho các hành động của chúng ta. Tất cả những bức điện (công văn ngoại giao), tất cả những sự liên hệ, công tác tiếp cận – đều chỉ để dẫn dắt đến hành động.

Tôi xin đưa ra ba ví dụ:

1. Ấn Độ. Các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ đưa nước này ra ngoài thiết chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Một mối quan hệ đối tác thực sự chỉ có thể thành hình nếu chúng ta ngừng việc tẩy chay. Vì thế Hoa Kỳ đã bày tỏ sự tôn trọng và xây dựng niềm tin bằng cách cùng theo đuổi một sáng kiến hạt nhân dân sự với Ấn Độ.

2. Indonesia. Các lực lượng đặc nhiệm Indonesia đã phạm nhiều tội ác dưới thời Suharto và vì thế chúng ta đã không giao lưu với họ. Một mối quan hệ đối tác cũng chỉ có thể thành hình nếu dừng việc tẩy chay, xa lánh. Chúng ta đã bày tỏ sự tôn trọng và xây dựng niềm tin với Indonesia bằng cách tái liên hệ với các lực lượng đặc biệt, nhưng đồng thời trong khuôn khổ tôn trọng các thông lệ nhân quyền quốc tế.

3. Việt Nam. Chiến tranh đã để lại những vết sẹo sâu đậm. Một mối quan hệ đối tác thực sự chỉ có thể được thành hình nếu chúng ta cư xử trung thực với quá khứ. Chúng tôi đã bày tỏ sự tôn trọng và xây dựng niềm tin với Việt Nam bằng cách hợp tác tính toán đầy đủ nhất những người mất tích, phá bỏ những vật liệu nổ còn sót lại, và làm sạch chất dioxin. Dưới sự lãnh đạo của Tom Malinowski [cựu trợ lý Bộ trưởng về Nhân quyền và quyền của người lao động], chúng tôi đã trung thực và tôn trọng đề cập đến những khác biệt sâu xa nhất của hai nước về nhân quyền.

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại sứ Hoa Kỳ Ted Ted Osius, Phạm Tuấn Anh. Ảnh từ FB của Phạm Tuấn Anh 

Niềm tin là thứ không dễ có bởi vì chúng ta phải luôn cố kiếm được nó. Chúng ta phải làm những gì chúng ta hứa là sẽ làm. Sự tôn trọng và niềm tin không phải là những thứ một bên được thì bên kia phải mất [zero sum], cũng không phải là những thứ để đổi chác. Chúng đòi hỏi phải có các mối quan hệ, không chỉ tiền bạc và quyền lực. Quyền lực quân sự bao trùm chỉ bản thân nó sẽ không thể giúp xây dựng những mối quan hệ đồng minh và đối tác mạnh ở khu vực Ấn độ – Thái Bình Dương mà chúng ta cần.

Những mối quan hệ đối tác này cung cấp những lợi ích có thật, hữu hình cho Hoa Kỳ. Những mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ mang lại công ăn việc làm cho người Mỹ, đóng góp cho sự bình ổn trong khu vực, và giúp chúng ta đối phó với những thử thách toàn cầu về sức khỏe con người, về môi trường, và về an ninh quốc tế.

Khi chúng ta tận tâm cam kết với những mối quan hệ đối tác này – như tôi đã được tận mắt chứng kiến nhiều lần – chúng ta có thể tạo ra những thương vụ trị giá hàng trăm tỷ đô-la và đẩy mạnh giao lưu giáo dục, tạo ra hay hỗ trợ hàng trăm ngàn việc làm ở Hoa Kỳ. Chúng ta tạo ra những mối quan hệ đối tác an ninh với các quốc gia chia sẻ quan tâm của chúng ta về hải hành tự do và đề cao luật pháp quốc tế. Chúng ta vì thế tạo ra một nước Mỹ an toàn hơn, thịnh vượng hơn.

Khi chúng ta bày tỏ sự tôn trọng và xây dựng niềm tin, chúng ta xây dựng những mối quan hệ làm lợi cho những mối quan tâm chung bền vững. Sau ba mươi năm ở châu Á, tôi biết rằng đây là cách duy nhất để làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn.

Xin cảm ơn tất cả mọi người đã dành cho chúng tôi niềm vinh hạnh là sự hiện diện của các vị ở đây hôm nay nhưng quan trọng nhất là về tình bạn của các vị.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả