Điện ảnh

Sally Hawkins: Người hạnh phúc nhất giải Oscar 201809. 03. 18 - 6:51 pm

Pha Lê

Yêu Sally Hawkins đi kèm theo nhiều cái mệt, mệt nhất là phải đi phân bua dù chẳng muốn. Cách đây mấy năm, mẹ cứ thắc mắc mãi Hollywood có tỷ cô xinh mà sao lại đi thích cái cô này, đẹp không đẹp, cao không cao, phim lớn không đóng mà toàn thấy vai gì bé xíu hoặc những vai trong các tác phẩm nhỏ, phạm vi chẳng vượt qua khỏi biên giới đảo quốc Anh. Ngay cả khi cô nổi tiếng rồi là cô vẫn vậy, vẫn âm thầm. Năm nay, bộ phim “Shape of Water” có cô đóng chính nhận bao nhiêu là đề cử, trong đó có một đề cử cho chính cô. Sally chỉ mong phim thắng, không mong mình thắng. Và kết quả như vậy thật. “Shape of Water” nhận Oscar phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, Sally hụt mất giải nữ chính, nhưng không điều gì có thể khiến cô hạnh phúc hơn.

Sally tại giải Oscar năm nay. Hình từ pop sugar

Cặp mắt to đầy biểu cảm và nụ cười rõ ràng là của một quý cô thật thà, Sally gần như chẳng có gì để cho ngoài tài năng thiên bẩm và tâm hồn rộng rãi. Sinh ra trong một gia đình bình thường, có bố mẹ làm họa sĩ chuyên minh họa truyện thiếu nhi, Sally vào thời con gái xinh nhất, tức thời mười chín đôi mươi, chỉ hớn hở đi đóng kịch, đóng phim truyền hình, bạn bè mời gì đóng nấy; đóng cả vai phụ trong phim của Mike Leigh.

Mà Mike Leigh lại là một người lập dị, chỉ thích lỉnh vào xó nào đấy vừa vặn với chính ông. Trong các đợt những nhà phê bình tổng kết xem đạo diễn nào có nhiều phim hay nhất, Mike không đứng nhất cũng đứng nhì, do ông chưa bao giờ làm phim dở mà chỉ lác đác một hai phim xuất sắc. Mike luôn bỏ xa những tên tuổi kiểu Spielberg hay Tarantino đến mấy bậc hạng, dù phim của ông ít người xem hơn hàng trăm lần do Mike không hề hứng thú với chuyện mời những diễn viên hạng A như Tom Cruise đi đóng phim hành động. Ông khẽ khàng rằng ông yêu những con người bình thường, những người ông thấy đi qua đi lại trên phố, họ thú vị hơn các nhân vật của Tom, ông bảo. Mà chắc Tom Cruise cũng không ưa đóng phim của Mike, vì ông rất ghét phim có kịch bản cụ thể.

Đạo diễn Mike Eligh. Hình từ Taste of Cinema

Mike khi làm phim sẽ gặp riêng từng diễn viên, bảo với họ nhân vật họ đóng là đại khái thế này. Sau đấy từng diễn viên sẽ ngồi với ông trong nhiều tháng, tự tưởng tượng ra và diễn xem hồi bé nhân vật ấy thế nào, chi tiết từ quần áo họ thích gì và sơn phòng màu gì, đến lớn lên họ làm cái nghề chi. Ròng rã mấy tháng như thế cho tới lúc Mike đưa các nhân vật của mình gặp nhau rồi bắt đầu quay. Các diễn viên nói gì với nhau và phản ứng với tình huống cuộc sống ra sao là tùy họ.

Diễn viên ruột Timothy Spall của Mike từng bảo có khi làm việc cùng ông cả ba bốn tháng mà sau đó xem phim thấy mình chỉ đóng vai cái thằng giao sữa, xuất hiện độ năm phút là bình thường vì mình không biết vai của người khác là gì cả, và không ai biết người nào là nhân vật chính, chỉ biết gặp nhau rồi diễn, vậy thôi. Do đó, diễn viên Mike chọn dù có là vai phụ cũng phải rất giỏi, yêu nghề, và phải là người có “cái tôi” nó bé; biết tự diễn, như vậy họ mới không bám váy các câu thoại viết sẵn, cũng như không cần quan tâm chuyện mình đóng chính hay đóng phụ.

Sally Hawkins có hết các phẩm chất này mà còn nhân lên gấp mười. Thời còn đóng kịch, vai của cô đến màn hai mới xuất hiện nhưng cô có mặt tại rạp hát sớm hơn những diễn viên màn một. Cô háo hức xuất hiện độ mươi phút trong phim Mike Leigh. Bạn cô làm một phim truyền hình quy mô bé xíu và nhờ cô xuất hiện vài giây trong đó, cô vui vẻ nhận lời.

Rồi cũng đến lúc Mike Leigh giao cho cô vai chính trong tác phẩm “Happy Go Lucky” bởi vì ông không ngu. Cô thắng một giải Quả Cầu Vàng nhờ vai này, ngay lập tức thế giới gãi đầu gãi tai hỏi cô là ai, sao trước giờ chưa thấy. Các cá nhân không hiểu được việc tại sao có người lại đi quý một cô không tên không tuổi bỗng quay sang chúc mừng. Mẹ còn bảo sướng nhé, giờ Sally nổi tiếng rồi.

Sally (áo xanh) trong một cảnh của “Happy Go lucky”. Hỉnh từ trang này

Làm “công quả” sau Quả Cầu Vàng

Nhưng nếu yêu mến và theo dõi Sally từ lâu thì thì điều duy nhất có thể làm là nhún vai cười, do đã quá hiểu rằng dù sống tới tám kiếp Sally cũng chẳng bao giờ có thể phất kiểu diễn viên Hollywood thường phất lên. Y như rằng sau cái giải Cầu Vàng cô lặn đâu mất tăm, hay nói đúng hơn là lại đi làm những việc be bé mà mình thích chứ chẳng hề quan tâm xem sự nghiệp của mình nó trông như thế nào. Mẹ hỏi Sally đâu? Ờ thì, lại xuất hiện đâu đó vài giây do bạn bè mời, đóng một phim kinh phí thấp tè nào đấy vì quý một ai đó trong đoàn phim. Kinh hơn, cô nhận đóng miễn phí trong một phim ngắn của hai đạo diễn lần đầu chập chững vào nghề, chỉ vì họ năn nỉ và vì họ không có bao nhiêu tiền để trả thù lao cho cô.

Sally trong “The Phone Call”, phim ngắn mà cô đóng miễn phí. Hình từ đây

May mắn là ở đời những người tốt bụng thật sự luôn có bạn bè tốt vây quanh, và những cái tốt khác cứ tự tìm đến. Tác phẩm cô nhận đóng miễn phí đoạt ngay giải Oscar phim ngắn hồi năm 2014. Bạn bè cô dần dà trở thành người làm phim có tiếng tăm, họ luôn nhớ đến cô và lúc một người bạn thân được giao đạo diễn phim Gấu Paddington với kinh phí hoành tráng, anh mời ngay Sally đóng vai chính.

Một cảnh trong “Submarine”. Phim này là của đạo diễn Richard Ayoade, bạn của Sally. Hồi ấy Richard có làm một series truyền hình nhỏ, kinh phí cực thấp là “Man to man with Dean Learner”. Sally nhận đóng mấy vai lẻ, xuất hiện vài phút để giúp Richard. Khi Richard có cơ hội làm phim điện ảnh, anh đã mời cô. Hình từ trang này 

Sally có một sức hút kỳ lạ của một người không hề biết rằng mình đáng yêu, đến đạo diễn Guillermo del Toro còn bị cô bỏ bùa và quyết làm cái phim “Shape of Water” chỉ để mời cô đóng. Lúc cả phim lẫn người nhận đề cử Oscar, mẹ bắt đầu xoa tay xoa chân cầu mong Sally thắng giải. Nhưng ai yêu Sally cũng vẫn chỉ biết nhún vai và cười, biết chắc mẩm rằng kiểu gì cũng không được.

Đạo diễn Del Toro chỉ đạo Sally trong một cảnh của “The shape of Water”. Ảnh từ đây

Năm nay với vụ rùm beng về quấy rối nữ giới ở Hollywood – chuyện nói thật ai cũng biết, chỉ là chưa ai khui – thì Frances McDormand có cơ hội thắng quá lớn, do phim “Three Billboards Outside Ebbing, Missouri” của bà kể về một người mẹ đi tìm công lý cho cô con gái bị hiếp dâm và giết chết. Oscar có nhiều cái hay nhưng nó không phải là chân lý của cả một nền điện ảnh, và đôi lúc nó cũng hoạt động theo kiểu chính trị. Lỡ bị tiếng xấu về lạm dụng phái đẹp, thì thôi trao Oscar cho một tác phẩm phản đối hiếp dâm.

Và nói gì thì nói, Oscar nó lớn, nó chủ yếu tập trung cho cái lớn. Cái nhỏ cùng lắm lâu lâu lôi ra động viên khích lệ với dăm ba giải con con. Sally rất tuyệt trong “Shape of Water”, vào vai một phụ nữ bị câm nhưng lột tả được nhiều hơn bao cô đóng mấy vai nói suốt từ đầu phim đến cuối phim. Đến Del Toro còn khen “Mọi người thười cho rằng diễn viên giỏi phải biết đọc thoại, nhưng diễn viên còn phải biết lắng nghe, diễn viên phải biết nhìn. Sally làm được cả ba thứ ấy.” Và “Shape of Water” nghiễm nhiên trở thành tác phẩm lớn nhất năm của Sally.

Đẹp nhất ở “Maudie

Thế nhưng dù chẳng nghĩ rằng Sally có khả năng diễn tuyệt vời hơn, “Shape of Water” lại không phải phim bộc lộ hết cái hay của cô. Tính riêng năm nay, vai diễn xuất sắc nhất của Sally lại nằm ở “Maudie” – một phim nhỏ bé, kinh phí thấp đến mức sóng radar Oscar dò mãi chẳng ra.

Sally trong “Maudie”. Hình từ Nytimes

Các đây rất lâu, Sally còn đóng phim truyền hình và có hợp tác với một nữ đạo diễn tên là Aisling Walsh trong tác phẩm “Fingersmith”, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Anh Sarah Waters. Đài BBC lúc đó “lệnh” cho bà Walsh phải quay cảnh giường chiếu mặn nồng sao cho tác phẩm nó nóng bỏng để còn câu khách, nhưng nữ đạo diễn nhất quyết không chịu, chẳng phải vì bà không muốn mà vì nó không ăn nhập với nội dung của sách gốc lẫn phim.

Một cảnh của “Fingersmith”. Del Toro nói có ba tác phẩm của Sally mà khi ông xem ông mê cô ngay, rồi quyết mời cô đóng phim cho mình. Đấy chính là: Fingersmith, Happy Go Lucky, với Submarine. Hình từ pinterest

Sally luôn hết mực quý bà Walsh vì điều này, và lúc bà Walsh có cơ hội làm bộ phim “Maudie” bà đã mời Sally đóng chính. Cô vui vẻ nhận lời dù lúc đó cô đã có tiếng nhờ thắng Quả Cầu Vàng, còn bà Walsh vẫn chỉ nằm vùng ở mảng truyền hình Anh.

Maudie” là phim tiểu sử, kể về cuộc đời của nữ hoạ sĩ Maud Lewis đáng yêu của đất nước Canada. Mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bẩm sinh, Maud có thân hình rụt hết cả lại, cơ bắp co quắp. Cô rất thích vẽ nhưng gia đình bắt cô ngồi yên đấy cho họ đỡ chăm, thế là cô nhận việc quyét dọn cho một ông cau có để được tự lập. Thấy nhà cửa ông này cũng thô ráp như cái tính khí của ông, Maud bắt đầu mua màu vẽ hoa, vẽ cây, vẽ bướm, vẽ mèo khắp nơi từ trên tường đến bệ cửa sổ để chỗ ở nom tươi vui. Một đồn mười, mười đồn trăm, thiên hạ ùn ùn kéo đến xem tác phẩm Maud vẽ, khiến cô bối rối vì cô chỉ vẽ theo sở thích, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành cái gì nổi tiếng.

Nữ đạo diễn Aisling Walsh chỉ đạo Sally trong “Maudie”. Hình từ IMDB 

Cái ông cau có mướn Maud về dọn dẹp cứ kệ cho cô vẽ, sau khi Maud có danh ông cũng cau có ủng hộ cô, nhà ông cô thích bôi màu nơi nào cứ bôi nơi ấy. Đạo diễn Walsh hiểu câu chuyện này nhỏ, gói gọn xung quanh căn nhà gỗ lụp xụp nên Walsh đến Canada dựng lại nơi ở của Maud. Nhưng thay vì dựng một căn có thể kéo tường ra vô cho dễ bề đặt máy quay như trường phim vẫn làm, Walsh dựng căn nhà thật giữa vùng gió buốt, tối giản nhân sự để cả đoàn làm phim cùng chui vào cái chỗ bé tí ấy, mặc áo ấm nằm chồng cả lên nhau mà quay. Đạo diễn bảo thời xưa Maud ở nơi có rộng rãi gì đâu mà cô vẫn vẽ, bây giờ mình đòi thoải mái thì sao mà làm phim về Maud cho hay được.

Bơi vậy “Maudie” sao mà đáng yêu thế. Giữa cái bầu không khí Canada lạnh lẽo, căn chòi bừa bộn con con không có lấy chỗ cựa quậy, một cô Maud quắt queo cứ thế hăng say vẽ bất cứ khi nào rảnh, không màng đến những cái xấu xí xung quanh mình vì cho rằng cứ vẽ đi, rồi nó khắc đẹp lên. Thể hiện một nhân vật khuyết tật không nhận được sự ủng hộ nào từ gia đình, nữ hoạ sĩ Maud của Sally tuy dáng lom khom mà tinh thần lại hiên ngang. Giới đạo diễn thường hay bảo nhau, diễn vui khó hơn diễn buồn rất nhiều, thể hiện một bà tâm trạng lúc nào cũng đau khổ tột cùng thực ra rất dễ đối với người đã có chút tài, nhưng diễn kẻ yêu đời một cách vô cùng thuyết phục và không chút ngượng ép thì phải là diễn viên xuất sắc mới làm nổi. Và đấy chính là Sally Hawkins, Maud của cô sao mà hạnh phúc đến vậy, nhìn cô vẽ sao mà vui thế, cái niềm vui nó lan tỏa từ màn ảnh đến khán giả xem phim, khiến ai xem xong cũng thấy ấm áp hơn. Lúc gia đình Maud thừa nhận rằng đứa em gái khuyết tật làm quét dọn cho một gã suốt ngày nhăn nhó hóa ra là đứa hạnh phúc nhất nhà cũng là lúc khán giả cảm thấy cuộc sống sao thật là vui.

Sally vào vai Maud Lewis. Hình từ Vulture 

Nếu Sally nhận đề cử Oscar cho “Maudie”, không chừng cô sẽ thắng. Nhưng quả thật so với “Shape of Water”, “Maudie” quy mô nhỏ hơn, đạo diễn không có tên tuổi gì, cũng chẳng công chiếu đại trà. Cô Maud do đó âm thầm làm việc của cô, Oscar hơi đâu mà để ý đến cô làm gì. Tuy không thắng tượng vàng nào, nhưng tôi tin người hạnh phúc nhất của giải Oscar năm nay lại chính là Sally Hawkins.

Ý kiến - Thảo luận

15:58 Thursday,21.6.2018 Đăng bởi:  garfield trawkin
Tác giả nói quá đúng! Love Sally Hawkins!
Cảm ơn tác giả của bài viết này rất nhìu <3
...xem tiếp
15:58 Thursday,21.6.2018 Đăng bởi:  garfield trawkin
Tác giả nói quá đúng! Love Sally Hawkins!
Cảm ơn tác giả của bài viết này rất nhìu <3 
21:16 Tuesday,1.5.2018 Đăng bởi:  youngduong
quá đẳng cấp !
...xem tiếp
21:16 Tuesday,1.5.2018 Đăng bởi:  youngduong
quá đẳng cấp ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp