Văn & Chữ

Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ 22. 03. 18 - 9:30 pm

Anh Nguyễn biên soạn

(Tiếp theo bài trước)

Nhân vật thuộc hành Thổ trong Hồng Lâu Mộng cũng là nam chính duy nhất của tác phẩm – Giả Bảo Ngọc. Thổ là đất, mà bản mệnh của Bảo Ngọc chính là một hòn đá. Truyện đã nói rõ:

Khi xưa Nữ Oa luyện đá vá trời ở đỉnh Vô Kê trên núi Đại Hoang, luyện được ba vạn sáu nghìn năm trăm linh một viên, mỗi viên cao mười hai trượng, vuông hai mươi bốn trượng. Nhưng bà chỉ dùng ba vạn sáu nghìn năm trăm viên, còn thừa một viên bỏ lại ở chân núi Thanh Ngạnh. Ngờ đâu viên đá này từ khi được luyện, đã có linh tính. Nhân thấy những viên đá khác được đem vá trời, còn mình vô tài, bị loại, nó rất tủi hận, ngày đêm kêu khóc buồn rầu.

.

Thèm khát được trải nghiệm hồng trần nên hòn đá van vỉ hai vị Mang Mang đạo sĩ và Diểu Diểu chân nhân cho theo xuống hạ giới. Hòn đá to lớn được biến thành một viên ngọc nhỏ sáng long lanh có khắc chữ, nằm trong miệng chú bé Giả Bảo Ngọc (do Thần Anh thị giả hóa kiếp) khi ra đời. Khi đã nếm đủ “mùi đời lạnh nhạt, tan hợp bi hoan” thì viên ngọc lại trở về bản thể là hòn đá lớn, có điều trên mặt nó đã chép đầy đủ câu chuyện 19 năm của Hồng Lâu Mộng. Chính vì vậy mà hòn đá được kính cẩn tôn là “Thạch huynh”, và Hồng Lâu Mộng còn có tên khác là Thạch đầu ký (truyện hòn đá.)

.

Ngọc hay đá đều là những biến thể của Thổ. Bảo Ngọc và đá-ngọc, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Chàng ta sinh ra ngậm ngọc, nhưng cái tên Bảo Ngọc cũng có nghĩa là một viên ngọc quý. Khi ngọc thất lạc thì thần trí Bảo Ngọc cũng tiêu tán, hồ đồ. Bị phù thủy ám hại, người nhà chỉ cần treo viên ngọc lên là chàng được giải cứu. Do sinh mệnh Bảo Ngọc gắn liền với hòn đá-viên ngọc như vậy nên chàng chính là nhân vật thuộc hành Thổ.

Thổ là đất, mà bùn chính là đất và nước kết hợp mà thành. Bảo Ngọc có câu nói nổi tiếng: “Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành.”

Tào Tuyết Cần lại nói rõ hơn:

Vì Bảo Ngọc từ bé luôn luôn ở chung với đám chị em, chị em ruột thì có Nguyên Xuân, Thám Xuân; chị em thúc bá thì có Nghênh Xuân, Tính Xuân; chị em ngoại thì có Tương Vân, Đại Ngọc, Bảo Thoa; Bảo Ngọc cho rằng, người thiêng hơn cả vạn vật, bao nhiêu tinh hoa trong sạch của trời đất, đều chung đúc vào con gái, bọn con trai chỉ là hạng cặn bã bẩn đục mà thôi.

Như vậy thì trong con mắt Bảo Ngọc thì thân nam nhi là một thứ dơ bẩn, tầm thường. Cậu ta tự nhận mình là bùn, bởi trong Bảo Ngọc có bao gồm cả tính nữ (nước) và mệnh thổ (đất.) Bảo Ngọc vui lòng hạ mình để tôn vinh những chị em xung quanh, chẳng khác nào mặt đất khiêm tốn nâng đỡ các nguyên tố khác. Đó chính là sự cao quý lặng thầm của đất.

,

Bản chất của thổ là ôn hòa, tĩnh lặng, vững chãi. Chẳng thế mà có câu “hiền như đất”. Bảo Ngọc cũng là nhân vật hiền lành số một trong Hồng Lâu Mộng. Đại Ngọc giận dỗi, mắng mỏ chàng, Bảo Ngọc vẫn một lòng một dạ chiều chuộng, chăm sóc cô. Bảo Thoa lạnh lẽo với chàng, Bảo Ngọc cũng không mảy may để bụng. Trên thực tế, không chỉ các tiểu thư “hành hạ” Bảo Ngọc mà ngay cả các con hầu, người ở cũng đùa bỡn, trách móc, thậm chí dạy dỗ Bảo Ngọc! Về phần mình, chàng sẵn lòng đấm lưng, pha nước, trang điểm, nhường giường cho họ. Với nam giới xung quanh, Bảo Ngọc cũng nhún nhường vô cùng. Từ người có địa vị thấp kém hơn (Tần Chung) đến con hát hèn kém (Tưởng Ngọc Hàm) hay thư sinh nhà nghèo (Liễu Tương Liên) đều được chàng đối xử tôn trọng, chí tình. Tuy được Giả mẫu yêu chiều, Bảo Ngọc cũng không vì thế mà lên mặt với các anh em trong nhà. Truyện đã nói rõ:

Giả Hoàn không dám nói câu gì. Bảo Thoa xưa nay vẫn biết gia pháp nhà này, làm em thì phải sợ anh. Nhưng biết đâu Bảo Ngọc lại không muốn ai sợ mình.

.

Trong ngũ hành thì Thổ nằm ở vị trí trung tâm. Trong Hồng Lâu Mộng, Bảo Ngọc cũng là nhân vật nam chính duy nhất và quan trọng nhất. Trên thực tế, toàn bộ các sự kiện trong Hồng Lâu Mộng đều xoay quanh cuộc đời Bảo Ngọc, thậm chí từ khi chàng ta còn chưa ra đời. Những cô gái trong truyện, từ chị em, thê tử đến tri kỷ, nàng hầu,… của Bảo Ngọc chính là “bọn oan gia phong lưu đổi kiếp xuống trần” để bầu bạn với chàng. Do đứng ở vị trí trung tâm nên tuy ở trạng thái “tĩnh” nhưng Thổ lại có thể tương tác với tất cả các nguyên tố còn lại. Giữa vườn Đại Quan đầy hương sắc, Bảo Ngọc cũng giống như một chú ong bận rộn bay từ bông hoa này đến bông hoa kia, lúc thì gieo nợ gió trăng, khi lại gây ra oan nghiệt.

Bảo Ngọc giữa đám quần thoa

Bảo Ngọc là mối tình tha thiết của Đại Ngọc (mộc), là duyên vợ chồng của Bảo Thoa (kim), lại có mối dây huyết thống với Phượng Thư (hỏa) cả hai bên đằng nội (Giả Liễn) và ngoại (Vương phu nhân). Chưa kể bản chất đa tình của Bảo Ngọc còn khiến Kim Xuyến, Tình Văn phải uổng mệnh, Phương Quan đi tu, Diệu Ngọc phát điên,… Nếu nhìn lại Kim lăng thập nhị thoa chính sách, dễ dàng nhận thấy ngoại trừ Diệu Ngọc là người ngoài, tất cả các thoa đều có quan hệ máu mủ hoặc họ hàng thông qua hôn nhân với Bảo Ngọc. Về vấn đề này, Chi Nghiễn Trai đã nhận xét: “Bảo Ngọc là sợi chỉ chạy xuyên suốt thập nhị mỹ nhân.”

(Còn tiếp)

*

Về Hồng Lâu Mộng:

- Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

- 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị

- Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

- Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư

- Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

- Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

- Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo

- Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một

- “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

- Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

- Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

- Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục

- Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

- Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi”

- Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân

- Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang

- Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị

- Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

- Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

- Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

- Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà

- Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

- Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn

- Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa

- Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây

- Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người

- Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1)

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn châu

Ý kiến - Thảo luận

20:59 Monday,2.4.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyen
@AnHy: không có nhân vật nào là chủ mệnh Thuỷ bạn ơi.
...xem tiếp
20:59 Monday,2.4.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyen
@AnHy: không có nhân vật nào là chủ mệnh Thuỷ bạn ơi. 
0:23 Monday,2.4.2018 Đăng bởi:  AnHy
Nếu chia theo ngũ hành như vậy, thì mệnh Thủy ở đây sẽ là ai? Xin tác giả chỉ giáo.
...xem tiếp
0:23 Monday,2.4.2018 Đăng bởi:  AnHy
Nếu chia theo ngũ hành như vậy, thì mệnh Thủy ở đây sẽ là ai? Xin tác giả chỉ giáo. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả