Gẫm & Bình

Xem “Kho báu từ con tàu…”: Biết là giả mà vẫn phải nghĩ15. 04. 18 - 7:02 pm

Con Mòe Béo Bụng

Với một người thưởng thức nghệ thuật một cách cơ hội, Mòe thấy triển lãm này thú vị (còn chất lượng tác phẩm thì là một chuyện khác). Này nhé:

1. Háo hức

Khi nghe tên và xem qua giới thiệu, thấy rất tò mò muốn xem Hirst xử lý ra sao với “Kho báu từ con tàu đắm Phi Thường”. Dù sao triển lãm cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và PR ồn ĩ trong nhiều năm trời, thời gian là hoàn toàn dư giả. Liệu có phải Hirst đã tạo ra các tác phẩm, “gửi” nó ở một rặng san hô nào đó để thiên nhiên làm nốt công đoạn còn lại, rồi khi thời điểm triển lãm đến, Hirst chỉ việc vớt lên và tada, đã có một triển lãm Hirst ft. Mẹ Biển Cả không chê vào đâu được, giống như tiền lệ hợp tác với ruồi:

“Tiệc ngoài trời” – Một tác phẩm của Hirst. Sắp xếp một “bữa tiệc ngoài trời”, để thức ăn thừa lại. Cho ruồi đến đẻ trứng. Sau đó quây lại, và để ruồi làm nốt phần còn lại.

Hoặc Hirst sẽ cho những cộng sự và nghệ sĩ trong xưởng “nhuốm” màu thời gian lên tác phẩm một cách khéo léo, “tranh đoạt” công việc mà đáng ra biển cả sẽ phải làm?

Hay đi xa hơn, Hirst sẽ chơi trội như bao lần. Nhúi cả một phần con tàu, một phần rặng đá, san hô vào trong một bể lớn với nước xanh lè, và thậm chí có thêm vài xác sinh vật biển được ngâm cùng?

Thật đáng mong chờ cho lần trở lại này.

2. Vỡ òa

Rồi khi bắt đầu “vào” và tham quan tác phẩm, nhìn những mảng xanh xanh đỏ đỏ tâm trí ta bỗng vỡ òa, vì:

– Giả, giả lòi. Cái này còn tệ hơn cả mấy đồ chơi Tung Của Lả. Hirst cũng làm giả san hô lẫn các mảng bám, còn cất công đưa tác phẩm xuống đáy biển để chụp nhiều ảnh tư liệu quá trình trục vớt nhưng nó vẫn quá giả tạo và kệch cỡm.

Tảng thạch lịch Aztec giả bằng đồng đúc với đầy những mảng bám nham nhở trông xa như bã kẹo cao su trét vội hơn là “dấu vết của biển cả” để lại.

Hơn 1 triệu bã kẹo cao su trên bức tường nổi tiếng ở khu chợ cá Pike Place Market, thành phố Seattle

Đây không phải cái mà mình đã nghĩ, tuyệt đối không phải. Vậy ý niệm ở đây là gì?

3. Tâm trí phải chơi trò đuổi bắt

– Hirst muốn chơi trội? Không tới!

Nếu muốn chơi trội và làm khán giả choáng ngợp thì chừng này là chưa đủ, những tác phẩm cũng to lớn, hoành tráng, công phu đấy, nhưng không đủ độc đáo và cũng chẳng đến mức ta ồ lên kinh ngạc.

Nếu tất cả tác phẩm đều được đặt trong những bể nước lớn giống như Hirst “trục vớt cả một phần đại dương” và đưa vào phòng triển lãm, hay kém hơn, những mỏ neo, dây cáp ngoắc vào tác phẩm như đang kéo chúng lên, xa hơn nữa là nước đang chảy róc rách từ tác phẩm và rơi xuống sàn như vừa mới được kéo khỏi mặt biển… có lẽ là mới đủ.

– Hirst muốn làm người xem lẫn lộn giữa thực và giả, sự thật và ảo tưởng, thực tế và huyền thoại, hoài nghi và đức tin? Cũng không!

Chúng quá giả, giả như hét thẳng vào mặt chúng ta vậy. Sự giả tạo này gần như choán hết tâm trí và khiến ta không còn có chút phân vân hay hoài nghi nào nữa

– Hay vốn đã chẳng muốn thuyết phục nên không dụng công, giả tạo và kệch cỡm mới là tinh thần chủ đạo mà Hirst muốn truyền tải?

– Hay ý niệm không phải ở tác phẩm, tác phẩm chỉ là cái gương để người xem tự nhìn nhận chính mình. Chủ thể ở đây là… người xem?

Một tác phẩm trong triển lãm

Liệu có phải ẩn ý mối quan hệ giữa con người và biển cả không nhỉ, như chúng ta đang tàn phá môi trường? Dám lắm! Như tác phẩm Dead Whale của Greenpeace Philippines kích thước thật làm bằng rác trưng bày trên bãi biển:

“Dead Whale” của Greenpeace Philippines

Những thứ xanh xanh đỏ đỏ của Hirst liệu có cài cắm một vài rác thải đại dương hay ẩn ý gì, nhưng rồi Mòe lại thất vọng khi chúng chỉ đơn thuần là các mảng bám, san hô, hà, màu mè đơn thuần.

Hoặc là, mình từ đầu đã không đi đúng hướng, có lẽ ý niệm này to lớn và vĩ đại hơn chứ không chỉ là một thông điệp bảo vệ môi trường kiểu cải lương. Ừm, vậy mới giống với Hirst.

4. Khiến hoài nghi về bản thân

Hay mình không đủ khả năng và độ nhạy để cảm?

Hay mình đang đi lạc hướng, đuổi bắt những ý niệm mà tác giả không gửi gắm vào?

Hay mình cần phải đợi một khoảng lặng, đợi trải nghiệm đầy đủ hay một kích thích nào đó để có thiểu liên hệ và thấu cảm với triển lãm này?

Chắc về sẽ phải tìm đọc một vài bài đánh giá và phê bình của các họa sĩ có chuyên môn.

5. Rồi hoài nghi về tác giả

Hay vấn đề không phải ở tác phẩm, không phải ở người xem mà vấn đề là ở Hirst.

Đây không phải lần đầu Hirst vay mượn ý tưởng của ai đó, cũng không phải lần đầu Hirst chơi trội và tỏ ra nguy hiểm. Cũng nhiều người nói tác phẩm của Hirst đao to búa lớn nhưng thực ra rỗng tuếch, hay mình đã quá cố chấp nhìn cho được cái áo mà không dám thừa nhận thực tế là vị vua cởi truồng.

Hirst – “Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living” (Tính bất khả về thể chất của sự chết trong tâm tưởng một vật thể sống)

Khả năng cao là Hirst đã bí ý tưởng. Nếu triển lãm tượng thì thường quá nên ý niệm về kho báu trục vớt từ đáy biển trở thành một lối thoát, một thứ chất liệu được dặm vội lên trên những điêu khắc làng nhàng và mờ nhạt mà vớ ở đâu cũng có?

Hãy xem truyền thuyết được dày công biên soạn, những tấm ảnh tư liệu về quá trình trục vớt được bố trí cẩn thận.

Những người chờ đợi sự xa hoa, tinh tế của kho báu chắc cũng đã mãn nhãn với nữ thần Ai Cập bằng đá cẩm thạch đỏ, mã não và vàng lá, thần Neptune của La Mã ngọc lưu ly, tượng phật bằng ngọc bích…

Những người thích sự hoành tráng thì đã có thạch lịch Aztec giả bằng đồng đúc, Demon không đầu, Chiến binh và gấu, Andromeda và quỷ biển

Những người thích màu sắc, mới lạ và suy tưởng, giễu nhại thì có nữ nhân dắt Sư Tử… cho đến loạt tượng chuột Mickey xanh đỏ

“Collector with Mickey” – một tác phẩm trong triển lãm

Quả là một đại tiệc thịnh soạn, ai cũng tìm thấy thứ mà mình mong muốn. Kho báu này quý giá về mặt chất liệu, hoành tráng về mặt kích thước, đa dạng và phong phú từ số lượng cho đến xuất xứ, nhưng ta không thể xua đi cảm giác gờn gợn và cảm giác chủ nhân của nó hơi thiếu gout thưởng thức. Amotan – một nô lệ được trả tự do và may mắn (thay vì một tay chơi hay nhà sưu tầm đích thực) – đã tích lũy được một số tài sản khổng lồ – có lẽ chỉ mải vơ vét những gì ông ta cho là đáng giá.

6. Những thứ xanh đỏ này sẽ đi về đâu?

“Tham quan” một vòng triển lãm hơn 5000 m2 cũng đã mỏi gối chồn chân, hứng thú nghệ thuật cũng đã giảm sau khi no mắt với khối lượng tác phẩm đồ sộ.

Mòe bắt đầu trở về với những suy nghĩ tầm thường và thực tế nhất. Liệu ai sẽ bỏ tiền ra mua “kho báu” lần này, hay chính Hirst và những người đang đầu cơ tác phẩm của Hirst sẽ ra tay như những lần trước?

Cho những ai chưa nhớ thì năm 2009, Damien Hirst dùng bạch kim làm đầu lâu và nạm 8.601 viên kim cương với tổng trọng lượng hơn 1,1 triệu carat. Chi phí thực hiện tác phẩm lên tới 15 triệu USD, trong đó viên kim cương lớn nhất nằm giữa trán trị giá 4,2 triệu USD. Màn chơi trội của Hirst khiến thị trường kim cương trở nên khan hiếm và giá cả bị đẩy lên quá cao.

Hộp sọ này đã đấu giá thành công với mức giá kỷ lục gần 100 triệu USD, đoán xem quý nhân nào đã mua… không ai xa lạ chính là Hirst, Jay Jopling, chủ nhân của White Cube và Frank Dunphy, người quản lý của Hirst. Kết cục của nó sau khi cửa triển lãm đóng lại chắc hẳn mọi người đều đoán ra

“Damien Hirst” với đầu lâu nạm kim cương “For the Love of God” (“Vì Lòng kính Chúa”)

“For the Love of God”, dù sao thì những cặp đôi đã không phải hoãn đính hôn quá lâu vì cuối cùng giá kim cương đã bình ổn trở lại như cũ

Rồi Mòe lại miên man liên tưởng đến những ý niệm lớn hơn, tổng quát hơn. Về nền nghệ thuật đương đại, về thị trường, về pr, về làm giá, về việc thị trường nghệ thuật Tung Của Lả chỉ một thời gian ngắn đã thứ hai thế giới, về việc biếu xén hay hối lộ bằng tác phẩm nghệ thuật, các trò mèo khi đấu giá, về chuyện rửa tiền…

7. Ra về

WOA. Sau một hồi suy diễn vớ vẩn với đủ các ý niệm từ nghệ thuật cho đến phi nghệ thuật, từ bay bổng cho đến trần trụi…

Nếu nói về cảm thụ, nó chẳng mang nhiều giá trị mỹ cảm (ít nhất là với bản thân Mòe), ý niệm của tác giả có khi cũng hời hợt, thậm chí là khoác lên để che dấu sự tầm thường. Nhưng nếu nói về gợi mở các ý niệm thì nó làm tốt đấy chứ, dù sao cũng khiến mình suy diễn nhảm nãy giờ.

Nhưng rốt cuộc thì triển lãm này xấu hay đẹp, hoặc đúng hơn nữa thì cuối cùng nó tốt hay tệ?

Thôi khỏi nghĩ nữa, dù sao mình cũng có kha khá thứ để mang về. Đấy mới là điều cốt lõi khi đi, Móeeeeeeeeee

*

Ps: Triển lãm Mòe chỉ được tham quan qua màn hình ở Soi và ở đây, và đây nữa, hehe.

Ý kiến - Thảo luận

5:44 Wednesday,18.4.2018 Đăng bởi:  Con Mòe Béo Bụng
@Siêunoob:
Chí phải. Móeeeeeeeeeeeeeeeee
...xem tiếp
5:44 Wednesday,18.4.2018 Đăng bởi:  Con Mòe Béo Bụng
@Siêunoob:
Chí phải. Móeeeeeeeeeeeeeeeee 
9:02 Monday,16.4.2018 Đăng bởi:  Siêunoob
Đọc bài của bác làm em nghĩ có khi phải xem lại cách hiểu tiêu đề của cái triển lãm này. Giờ ta đang hiểu "Treasures from the Wreck of the Unbelievable " theo ảnh hưởng context của cái kho báu với cả đắm tàu.  Nhưng biết đâu Hirst lại chẳng đang chơi tiếng Anh rất đơn giản thôi: "Treasures of the Wreck of the Unbelievable" dịch thô chỉ là "Những thứ hay ho nảy sinh từ việc bóc tr
...xem tiếp
9:02 Monday,16.4.2018 Đăng bởi:  Siêunoob
Đọc bài của bác làm em nghĩ có khi phải xem lại cách hiểu tiêu đề của cái triển lãm này. Giờ ta đang hiểu "Treasures from the Wreck of the Unbelievable " theo ảnh hưởng context của cái kho báu với cả đắm tàu.  Nhưng biết đâu Hirst lại chẳng đang chơi tiếng Anh rất đơn giản thôi: "Treasures of the Wreck of the Unbelievable" dịch thô chỉ là "Những thứ hay ho nảy sinh từ việc bóc trần những điều hoang tưởng" :). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp