Xem tiếp

Không nên dùng từ “chuyên nghiệp” và “nghiệp dư” trong nghệ thuật27. 06. 18 - 2:10 pm

Hồng Hoang

Hí họa từ trang này 

Nghệ thuật là lần đầu

Với sáng tác nghệ thuật không có chuyện chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Chuyên nghiệp là việc của thợ có nghề. Những ai hô hào “cần có tính chuyên nghệp trong sáng tác“ là không hiểu gì về tâm lý sáng tạo.

Trong hội họa và âm nhạc, hay văn chương, mọi sản phẩm nghệ thuật luôn là độc bản duy nhất không lặp lại. Vì thế mà không thể chuyên nghiệp.

Với mỗi tác phẩm được sáng tác, người nghệ sĩ đều lạ lẫm ngỡ ngàng từng bước cho tới khi dừng không làm tiếp được nữa (gọi là làm xong). Khi nảy sinh sáng tác mới lại hồi hộp, lại hăng say trong bỡ ngỡ. Làm gì có sản xuất hàng loạt tác phẩm giống nhau để mà chuyên nghiệp như người thợ. Mấy anh chàng cán bộ chuyên nghiệp lãnh đạo các hội hè nghệ thuật, hay hô hào “sáng tác cần có tính chuyên nghiệp” là không tự thấy mình còn thiếu hiểu biết, không hiểu tâm trạng của người nghệ sĩ sáng tác.

Vì sáng tạo nghệ thuật chỉ có một hạng duy nhất có “đẳng cấp nghệ thuật”, các hạng sau đồng hạng na ná nghệ thuật không tính.

Dù thời gian đằng đẵng suy tư cho nghệ thuật, nhưng giây phút khởi động một tác phẩm luôn luôn có trạng thái lâng lâng “không biết trước kết quả” khi kết thúc tác phẩm, bởi đó là trạng thái “không biết trước” thường trực trong sáng tác nghệ thuật.

Người nghệ sĩ mất đi cảm xúc “không biết trước” này thì họ chỉ là nhà sản xuất sản phẩm lành nghề. Mọi thao tác chuyên nghiệp đều biết trước sản phẩm sẽ làm ra.

Hãy xem như thi sĩ không bao giờ biết trước câu thơ sau câu vừa viết ra, thi sĩ cứ như thế cho đến khi muốn dừng kết thúc một cảm hứng. Hoặc như nhạc sĩ không khẳng định được những nốt nhạc tiếp theo nốt vừa sáng tác ngẫu hứng.

Nếu tạm gọi trạng thái sáng tạo không biết trước đó là “nghiệp dư”, thì chính vì có trạng thái “nghiệp dư” đó mà tác phẩm nghệ thuật luôn lung linh và chỉ có hạng nhất và những đồng hạng còn lại.

Khi nào nên dùng từ “chuyên nghiệp”?

Hai từ chuyên nghiệp chỉ có thể hiểu theo nghĩa kiếm tiền và sinh kế bằng một nghề nào đó.

Hai từ “nghiệp dư” dành cho người hành nghề yếu kém, còn hai từ “chuyên nghiệp” dành cho người hành nghề vững vàng bảo đảm uy tín sản phẩm, có cam kết bảo hành bảo trì dài hạn.

Sáng tạo nghệ thuật không có bảo hành. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực khi ra đời luôn có số phận riêng. Có khi có những tác phẩm kỳ lạ mà cộng đồng đương thời chưa nhìn ra giá trị của nó, phải đợi phát hiện của đời sau. Điều này minh chứng cho sáng tạo tạo nghệ thuật không thể có tính chuyên nghiệp.

Hí họa của Kanin

Khái niệm nghiệp dư nếu hiểu đúng là một thứ thao tác chưa ổn định, chưa đủ khả năng tạo ra công nghệ sản xuất “muôn cái như một”. Vì thế mà khái niệm nghiệp dư hay chuyên nghiệp là thứ ngôn ngữ xử dụng cho sản xuất sản phẩm, không dùng để làm thuật ngữ trong nghệ thuật.

Vậy mà xưa nay khái niệm này đã bị xử dụng nhầm chỗ trong hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam.

Chuyên nghiệp cho thợ, sáng tạo cho nghệ sĩ

Vì sao những người làm nghệ thuật già đời thường tự coi mình là “dân làm nghệ thuật chuyên nghiệp” mà họ không hay rằng khả năng rung động trước sáng tạo mới lạ đã bị bào mòn từ lâu và đang mất hẳn, khiến họ chỉ còn là người thợ thuộc lòng những những ngón nghề như kinh nghiệm và nguyên tắc hòa sắc, kinh nghiệm và nguyên tắc ánh sáng và hình họa, thông thạo vững vàng môn giải phẫu nghệ thuật…

Tương tự như thế với Âm nhạc là giỏi nhạc lý, hiểu biết sâu âm vực các nhạc cụ, v.v… Những thứ phải mất nhiều năm tháng mới thành thạo như thế đã gây nhầm lẫn cho nhiều người tưởng rằng đó chính là tính chuyên nghiệp của nghệ thuật.

Những nhạc sĩ hay họa sĩ lành nghề, thạo nghề tới mức tưởng là chuyên nghiệp như thế không có đột biến trong sáng tạo. Họ không biết họ đã không còn làm nghệ thuật nữa mà lại tự tưởng như đang làm nghệ thuật mạnh. Họ thường lặp lại chính mình một cách bền bỉ. Tất nhiên họ vẫn tạo được giá trị nhất định trong sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng cho dù cả đời sáng tác ra tác phẩm na ná nhau như người thợ, mà họ vẫn tự hào là “dân làm nghệ thuật chuyên nghiệp”. Thực ra những người đó đã có gì đó giống như những robot được lập trình sáng tác nghệ thuật. Hiện nay đã có những sản phẩm nghệ thuật của robot rất đáng nể phục, nhưng là nể phục vì robot làm ra. Tất nhiên không bao giờ là kiệt tác như những tác phẩm của con người.

Về nguyên lý, tính chuyên nghiệp của một nghề là có thể đúc kết thành từng công đoạn để truyền đạt được cho người muốn học nghề nghiệp đó. Và khẳng định mọi thao tác “chuyên nghiệp” đều truyền bá, giảng dạy được, và có thể lập trình công nghệ cho robot. Đó là khả năng chuyển giao công nghệ của tính chuyên nghiệp.

Còn tính sáng tạo của nghệ thuật là năng khiếu chỉ có Giời truyền cho; các nghệ sĩ không thể truyền lại cho nhau như những người thợ lành nghề. Nghệ thuật không thể chuyển giao công nghệ, nên không có chuyện nghiệp dư hay chuyên nghiệp.

Hí họa từ The New Yorker

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù tài ba vô song cũng chỉ tài ba cho duy nhất một mình ông. Ông không thể chuyển giao tài ba đó cho mọi người bằng kiểu quy trình chuyên nghiệp nào. Trong giới biểu diễn cũng thế, các nhạc công rất công phu khổ luyện vài chục năm và lâu hơn cũng không thể chuyển giao tài năng vốn là kết quả của khổ luyện đó cho ai được.

Dễ dàng minh chứng bằng những cuộc thi âm nhạc thế giới, và những công phu tập luyện của pianis tầm cỡ Đặng Thái Sơn không thể gọi là chuyên nghiệp; đó rõ ràng là thiên bẩm, mỗi cá nhân thiên bẩm công phu khổ luyện đều tuyệt vời khác nhau dù cho họ cùng thi thố độc tấu một bản đàn.

Trong Âm nhạc cho dù là khổ luyện suốt đời để biểu diễn cũng không phải là chuyên nghiệp. Bởi mỗi một nhạc công khổ luyện thành tài đó đã cho ra những kết quả biểu diễn duy nhất không lặp lại. Sự khổ luyện ghê gớm của những công phu khác nhau trong ngành Âm nhạc đã làm nhiều người ngộ nhận đó là tính chuyên nghiệp. Cần nhấn mạnh rằng mỗi nhạc công khổ luyện cả đời cũng không thể là chuyên nghiệp bởi kết quả của những khổ luyện thành công đó là duy nhất và không thể chuyển giao.

Các đệ tử ruột của bất kỳ bậc danh sư nghệ thuật nào nếu thành công cũng đều có yếu tố khác thầy của mình, vì trong nghệ thuật không có tính chuyên nghiệp.

Vì thế nghệ sĩ dù là sáng tác hay là biểu diễn vẫn là thiên bẩm trời phú cho. Thế nên có những người đam mê ghê gớm cũng không thể cứ tập riết, rèn luyện riết (chuyên nghiệp riết) mà thành công được. Rèn luyện của các nhạc công không phải là “chuyên nghiệp” như sản xuất sản phẩm.

Hí họa từ The New Yorker

Viên chức làm nghệ thuật: “chuyên nghiệp”?

Khi sử dụng thuật ngữ “nghiệp dư” và “chuyên nghiệp” sai lầm đã sinh ra những chỉ đạo sai lầm trong các ngành văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay.

Một tổ chức, một nhóm, hay một cá nhân làm nghệ thuật, đam mê nghệ thuật, nhưng không sinh kế bằng nghệ thuật thường bị coi là nghiệp dư. Từ đánh giá sai lầm đó mọi chính sách đến sách lược cụ thể cho phát triển văn hóa nghệ thuật đã không thành công, chỉ vì chuyên chú và hy vọng có kiệt tác văn học, nghệ thuật ở các trại sáng tác của những cán bộ viên chức nghệ thuật được nhà nước hiểu là đội ngũ chuyên nghiệp làm nghệ thuật.

Mang nhận thức đánh giá tay nghề của nghề thợ áp dụng cho nhận thức văn nghệ sĩ như thế, nhà nước sẽ phân cấp khác nhau giữa những tổ chức làm nghệ thuật được coi là chuyên nghiệp có được hưởng lương với những tổ chức làm nghệ thuật tự do không có lương. Điều này dẫn tới một bộ máy hành chính của ngành văn hóa có rất nhiều văn nghệ sĩ hưởng lương suốt đời nhưng không có sáng tạo nghệ thuật tương đương.

Những viên chức nghệ thuật mang danh “chuyên nghiệp” đó không bao giờ sáng tạo được tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Không thể hy vọng có kiệt tác ở các viên chức nghệ thuật.

Khi sáng tác mà tác phẩm nghệ thuật mới mà cứ đều đều sòn sòn ra đời ở mức kha khá thì nghĩa là nghệ sĩ đó đã chuyên nghiệp trong sản xuất tác phẩm, đã đóng băng sự tươi mới, đã mất đi cái lung linh bất ngờ hạng nhất của tính ngẫu hứng bằng trực giác của cảm xúc nghệ thuật.

Hí họa của Liana Finck

Bi kịch hiện nay ở chỗ hai từ “chuyên nghiệp “ hiện được toàn xã hội và các viên chức cơ quan ngành văn hóa dùng để xác định giá trị nghệ thuật cao thấp. Từ đó sinh ra những người khổ luyện công phu nhưng khi thực tế biểu diễn và biểu hiện qua tác phẩm lại thua kém người ít khổ luyện được trời phú cho tài năng. Những viên chức nghệ thuật đó đã phải tỏ ra tính chuyên nghiệp vì có biên chế có lương nghệ sĩ mà gọi những người đồng nghiệp còn lại là nghiệp dư.

Những người dày công khổ luyện không bao giờ hiểu nổi “khổ luyện” chỉ là khúc ban đầu khi chưa hình thành quy trình công nghệ để chuyên nghiệp hóa cái công phu mà thôi. Khi đã “chuyên nghiệp” cái khổ luyện rồi thì làm gì còn khổ luyện nữa. Chỉ còn là chuyển giao công nghệ. Và bất kỳ ai được chuyển giao công nghệ đều có thể làm được sản phẩm có chất lượng chuyên nghiệp. Đây cũng là lý do giải thích vì sao có nhiều nghệ sĩ sáng tác rất khỏe mà chỉ ra rặt những tác phẩm không có “đẳng cấp nghệ thuật”, bởi họ đã chuyên nghiệp hóa cái khổ luyện của họ thành sản xuất sản phẩm.

Hí họa từ The New Yorker

Kết luận

Ở Việt Nam, có nhiều người lĩnh lương làm nghệ thuật, vỗ ngực cho mình là nghệ sỹ chuyên nghiệp. Khái niệm nghiệp dư và chuyên nghiệp được các viên chức nghệ thuật này cổ vũ tán thưởng.

Hai từ “chuyên nghiệp” và “nghiệp dư” còn đeo bám giới văn nghệ sĩ mãi cho đến khi chính những viên chức nghệ thuật nhận ra sự thật: “Với nghệ thuật chỉ có tác phẩm và tác giả mà không có nghiệp dư hay chuyên nghiệp”.

Quả thật với sáng tạo nghệ thuật, không có chỗ dùng thuật ngữ “nghiệp dư” hay “chuyên nghiệp”.

 

19. 5. 2018

 

Ý kiến - Thảo luận

23:34 Tuesday,7.8.2018 Đăng bởi:  Khánh Linh
Làm nghệ thuật thì đúng là không cần chuyên nghiệp, cần nhất là tính sáng tạo và cảm xúc. Nhưng đưa ra quan điểm thì nhất thiết phải chuyên nghiệp. "Sử dụng" chứ không phải "xử dụng". Rất thích luận điểm của bài viết nhưng xin đừng mắc lỗi nhỏ nhặt như vậy
...xem tiếp
23:34 Tuesday,7.8.2018 Đăng bởi:  Khánh Linh
Làm nghệ thuật thì đúng là không cần chuyên nghiệp, cần nhất là tính sáng tạo và cảm xúc. Nhưng đưa ra quan điểm thì nhất thiết phải chuyên nghiệp. "Sử dụng" chứ không phải "xử dụng". Rất thích luận điểm của bài viết nhưng xin đừng mắc lỗi nhỏ nhặt như vậy 
1:20 Tuesday,3.7.2018 Đăng bởi:  Gin
Hiểu đại ý thì là sáng tạo có hai dạng, dạng một do hưng phấn bất chợt, dạng hai do lập luận loại suy.
...xem tiếp
1:20 Tuesday,3.7.2018 Đăng bởi:  Gin
Hiểu đại ý thì là sáng tạo có hai dạng, dạng một do hưng phấn bất chợt, dạng hai do lập luận loại suy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp