Nghệ sĩ Việt Nam

HƯ HƯ THỰC THỰC – Thực vẫn át Hư 07. 09. 18 - 6:33 pm

B en B

HƯ HƯ THỰC THỰC
Triển lãm hội họa của 6 họa sĩ
Tại Vicas Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội
Kéo dài tới 26. 9. 2018
Giờ mở cửa: 9h-12h và 13h-17h mỗi ngày, trừ thứ Hai

 

Triển lãm hội họa Hư Hư Thực Thực dự kiến khai mạc vào lúc 5h chiều ngày 6-9 tại Vicas Art Studio, nằm ở một gian phòng tuy to mà khá khuất nẻo của Khoa sau Đại học thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Đương đại, số 32 Hào Nam, Hà Nội.

Vừa bước vào cửa là một bức tranh tự họa rất “thực” rất to của họa sĩ Phạm Huy Thông. Khách tha hồ xem kỹ tranh khi còn vắng người.

Ông Vi Kiến Thành (phải), Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) có mặt từ rất sớm, đứng cùng họa sỹ Phạm Huy Thông.

Do khai mạc sẽ vào cuối giờ chiều, đường Hà Nội giao thông tắc nghẽn khiến nhiều người đến muộn nên giờ khai mạc phải lùi lại. Nhiều người tranh thủ chụp ảnh lưu niệm với các họa sỹ. Trong ảnh là họa sỹ Lê Nguyên Mạnh nhờ người chụp mình cùng với một người bạn trước một bức tranh của anh.

Các phóng viên truyền hình tranh thủ phỏng vấn người xem, bạn bè họa sỹ.

Và tất nhiên không thể thiếu phần phỏng vấn Cục trưởng Vi Kiến Thành.

Một điểm rất hay ở triển lãm này là tính… thực tế. Chỉ trừ hai tác phẩm không có tên tác giả và giá tranh, còn lại đều có giá gắn trong một khung nhỏ bên cạnh. Nhiều tác phẩm trưng bày ở đây có gắn nơ đỏ, chứng tỏ đã được đến với chủ mới từ trước giờ khai mạc triển lãm. Bức “Tóc Mây” này của Nguyễn Đoan Ninh, sơn dầu, khổ 45×55, vẽ 2018, có giá 10 triệu VND.

Lại có những bức giá cao hơn, nhưng theo một họa sỹ có mặt ở đây, thường giá bán thực tế không bao giờ khớp với giá đề bên cạnh tác phẩm ở triển lãm. Người mua hiếm khi hào phóng tặng thêm, họa sĩ thường phải bớt giá, gọi là “cho vui”.

Họa sỹ Lê Nguyên Mạnh tranh thủ làm một màn trình diễn nho nhỏ với hai người bạn, trong đó người đứng bên trái là họa sỹ Nguyễn Đoan Ninh cũng có tranh treo ở triển lãm. Nhảy múa trong triển lãm vốn là “thói quen” của Lê Nguyên Mạnh!

Lê Nguyên Mạnh đáng quý ở chỗ dám thay đổi phong cách, chủ đề một cách quyết liệt, (Có thời anh chuyên vẽ motif kiến trúc cổ điển http://soi.today/?p=189442 với những “hồn ma nữ đương đại” xen vào. Còn đây là một bức tranh của anh có trong triển lãm: “Thủy thần thời @”, sơn dầu.

Đến gần 5 rưỡi chiều, người đến đông dần. Để người xem có thể tập trung xem tranh và trao đổi với nhau (hay vì kinh phí hạn hẹp?) Ban tổ chức không bố trí bánh ngọt và nước uống như nhiều cuộc khai mạc triển lãm khác.

Đúng 5 rưỡi chiều, triển lãm chính thức khai mạc.

Sau lời chào mừng của chị đại diện Ban tổ chức, ông Vi Kiến Thành được mời lên phát biểu. Ông nói các họa sỹ tham gia triển lãm lần này “vẽ bằng đầu”, chắc ý nói là tư duy, chứ còn kỹ thuật vẽ của họ thì quá ổn rồi. Ông cũng đề nghị đổi mới hình thức các cuộc khai mạc triển lãm, đừng mời các quan chức như ông lên phát biểu nữa mà nên mời các họa sỹ để họ nói về tranh của mình.

Tiếp đó, ông Quang Thắng (bìa phải), Giám đốc Vicas Art Studio trình bày lý do ông mời các họa sỹ tham gia triển lãm lần này. Lúc này họa sỹ Hoàng Khánh Du không có mặt do bị tắc đường chưa đến kịp. Theo ông Thắng, cả 6 họa sỹ đều vẽ siêu thực, tuy mỗi người một phong cách, không ai giống ai.

Họa sỹ Vũ Mười được mời phát biểu. Anh nói lí nhí nên không mấy ai nghe rõ. Họa sĩ ta vốn nhút nhát mà. Vũ Mười nói xong, đến lượt họa sỹ Nguyễn Đoan Ninh. Anh gần như năn nỉ ông Thắng thôi đừng bắt anh em phát biểu nữa. Xem tranh thôi!

Thế nên ông Quang Thắng lại đành phải thay mặt các họa sỹ giới thiệu về tác phẩm của từng người một. Theo ông mỗi người một vẻ, người nào cũng có phong cách riêng.

Lễ khai mạc diễn ra ngắn gọn, kết thúc nhanh chóng. Sau khi thoát nạn phát biểu, họa sỹ Nguyễn Đoan Ninh có vẻ thoải mái, tạo dáng với hai cổ động viên nhí, có lẽ là thành viên trong gia đình anh.

Lúc này họa sỹ người Tày Hoàng Khánh Du sau khi vượt qua tắc đường đã đến. Các phóng viên lại nhiệt tình tác nghiệp. và Khánh Du dĩ nhiên là phải trả lời phỏng vấn truyền hình VTC.

Một bức của Hoàng Khánh Du tại triển lãm: “Cái cù”, acrylic trên giấy. Màu sắc trong tranh của Du rất mạnh và trong. Mọi thứ trong tranh anh vừa ranh mãnh vừa ngây thơ.

Cuối cùng, theo thông lệ, các họa sĩ phải chụp với nhau một bức kỷ niệm. Từ trái qua: Lê Nguyên Mạnh, Hoàng Khánh Du, Phạm Huy Thông, Nguyễn Đoan Ninh, Nguyễn Vinh Trung, Vũ Mười.

Trong bài tới, mời các bạn xem qua một số tác phẩm trong triển lãm, để thấy được phong cách “hư/thực” khác nhau của mỗi người.

Ý kiến - Thảo luận

11:02 Sunday,9.9.2018 Đăng bởi:  Nguyễn Xuân Khánh
Hoan hô các họa sĩ của triển lãm không ai vẽ theo ảnh. Những hình ảnh trong tranh là của các anh – do não các anh nghĩ ra.

Dạo này nghe nói có trào lưu vẽ lên ảnh, vẽ theo ảnh. Tức bạn chọn ra một bức ảnh đẹp nhất, đẹp tới mức không giống mình nhất, xong đưa cho một họa sĩ hoặc một anh thợ vẽ ngoài hàng, ai cũng được, miễn ai có màu tốt, giá cả tốt.

Ngư
...xem tiếp
11:02 Sunday,9.9.2018 Đăng bởi:  Nguyễn Xuân Khánh
Hoan hô các họa sĩ của triển lãm không ai vẽ theo ảnh. Những hình ảnh trong tranh là của các anh – do não các anh nghĩ ra.

Dạo này nghe nói có trào lưu vẽ lên ảnh, vẽ theo ảnh. Tức bạn chọn ra một bức ảnh đẹp nhất, đẹp tới mức không giống mình nhất, xong đưa cho một họa sĩ hoặc một anh thợ vẽ ngoài hàng, ai cũng được, miễn ai có màu tốt, giá cả tốt.

Người ấy hoặc sẽ in lại trên canvas nhựa, tô màu lên như tranh thật. Người ấy hoặc tử tế hơn, vẽ lại trên toan thật. Vẽ kiểu toan nhựa tầm 3 triệu một bức. Vẽ trên toan thật thì còn tùy tên.

Nhân đây nhớ tới đoạn này trong Nam Hoa Kinh:

“Tống Nguyên Quân muốn vẽ một tấm bản đồ, nhiều thợ vẽ tới, rồi nhận lệnh, vái rồi đứng đó, mút ngọn bút và mài mực; họ đông quá, một nửa phải đứng ở ngoài. Một người thợ vẽ tới sau, ung dung, không hề vội vàng, nhận lệnh, vái rồi, không đứng đó mà về nhà. Tống Nguyên Quân sai người đi theo coi thì thấy người đó [về tới nhà] cởi áo ra, ngồi xếp bằng tròn, ở trần. Ông bảo: ‘Được đấy, người đó thực là hoạ sĩ’.”

Họa sĩ giờ đa phần đến nơi có cảnh đẹp, chụp một bức rồi về nhà vẽ lại. Trí óc không đủ chỗ để lưu. Nhiều thứ trôi qua đầu quá, không còn chỗ cho trường phái Án tượng nữa. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả