Nghệ sĩ Việt Nam

Hai triển lãm trong cùng một ngày tại Factory, của Trương Quế Chi và của Kenny Ng 26. 09. 18 - 9:43 am

Từ 28. 09 đến 18. 11. 2018 tại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh, sẽ có hai triển lãm song song, một của Kenny Ng và một của Trương Quế Chi kết hợp cùng vn-a

1. VẢY | MỰC của Kenny Ng

Kenny Ng, “Phấn Hoa”. 64x100cm. mực, màu nước, mực bút dạ, nhũ vàng, giấy màu và giấy hóa vàng dán trên giấy trắng. Độc bản. (Các bạn bấm vào tranh để xem bản to nhé)

Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Kenny Ng, trưng bày loạt tranh vẽ lấy cảm hứng từ hình thể phong phú của những thực thể huyền bí nơi biển sâu, kết hợp với sự pha trộn giữa kiến trúc thuộc địa và đình chùa cổ ở TP. Hồ Chí Minh. Trở về Việt Nam vào năm 2015, sau 7 năm sống và học tập ở nước ngoài, những đường nét kiến trúc này kể lại một câu chuyện lịch sử và văn hóa, vừa thân thuộc vừa lạ lẫm với Kenny Ng.

Trong suốt những năm đại học, Kenny Ng sáng tác bằng kỹ thuật in ấn đồ họa và đóng sách, đòi hỏi sự dung hòa của nhiều loại nguyên vật liệu đặc biệt là giấy. Anh mang một tình yêu với giấy, đặc biệt là các loại giấy có nguồn gốc Á Đông như giấy dó của Việt Nam hay giấy kitaka của Nhật vì tính mỏng cũng như khả năng hấp thụ mực khá tốt của chúng.

Kenny Ng, “Phấn Hoa” (chi tiết). 64x100cm. mực, màu nước, mực bút dạ, nhũ vàng, giấy màu và giấy hóa vàng dán trên giấy trắng. Độc bản

Trên các tác phẩm trong loạt ‘vảy|mực’, dễ dàng nhìn thấy sự xuất hiện của giấy vàng mã [dùng trong thờ cúng], được mua tại Thái Nguyên – quê mẹ của nghệ sĩ – như một lời tự nhủ về nguồn cội. Loại giấy ‘gia truyền’ từ mẹ sang nghệ sĩ, từ nghệ sĩ sang tác phẩm, hình thành một sợi dây phụ-tử kết nối giữa Kenny và các sinh vật.

Kenny Ng, “Delphine”. 75×56 cm. mực, màu nước, mực bút dạ, nhũ vàng, giấy màu và giấy hóa vàng dán trên giấy trắng. Độc bản.  (Các bạn bấm vào tranh để xem bản to nhé)

Sau khi trở về Việt Nam vào năm 2015 và ngay sau đó thực hiện chuyến đi vòng quanh các nước Đông Nam Á, anh chú ý quan sát và ghi nhận những đặc trưng trong thiết kế và tạo hình mái vòm của đình chùa, hay cột trụ và bông gió của những tòa nhà thuộc địa. Không ít những công trình Kenny đã ghé thăm nay không còn nguyên vẹn nữa (do đã bị phá hủy hoặc xây mới), như nghĩa trang Nhân dân Bình An (Bình Dương), chùa Giác Viên (Sài Gòn), điện Kiến Trung (Huế), Ta Prohm (Siem Reap)… Với sự nhạy cảm mà một chút luyến tiếc, Kenny biến những lớp kiến trúc này thành lớp áo bọc bên ngoài các sinh vật hư cấu. Những nhân vật này ‘sống’ hay ‘ẩn náu’ dưới lớp vảy/vỏ bọc đầy màu sắc của sự tích tụ văn hóa, như chính chúng ta đang sống trong xã hội Việt Nam sau nhiều năm bị đô hộ, thuộc địa.

2. CAO / ĐỘ / CHIỀU của vn-a và Trương Quế Chi  

Triển lãm đôi của Trương Quế Chi và văn phòng kiến trúc vn-a đánh dấu sự kết hợp đầu tiên giữa nghệ thuật thị giác và kiến trúc, nhằm giới thiệu cách thức ánh sáng được truyền đạt, cảm nhận, diễn giải và thậm chí bị thao túng ở bối cảnh và không gian của một triển lãm nghệ thuật đương đại.

Ảnh do Trương Quế Chi cung cấp

Họ sẽ biến đổi Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Factory thành một không gian đa tuyến mờ ảo, thông qua ánh sáng phát ra từ những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, nhiếp ảnh và phim được bố trí cùng cấu trúc lam gỗ riêng biệt, tạo nên bầu không khí khác biệt. Tựa như trong một chuyến đi điền dã mang tính nhân học, với cảm giác tò mò và không xác định trong lần đầu tiếp cận một nơi chốn lạ, khi ấy, người nghệ sĩ, kiến trúc sư, người nghiên cứu hoặc nhà truyền giáo tìm cách vẽ bản đồ địa điểm mà họ khám phá, rồi tìm hiểu về đối tượng, cộng đồng, lãnh thổ.

Trong dự án này, nghệ sĩ và kiến trúc sư tò mò về quá trình khám phá và diễn giải của người thăm dò – ở đây vừa là tác giả lẫn khán giả – khi họ bị lạc vào một vùng mới. Kẻ lạc sẽ nhận diện hình dạng / đặc tính / chức năng của bất kỳ đối tượng hay vật thể nào trong chốn lạ, rồi liên kết từng ‘chấm’ ấy, đi từ văn cảnh gốc của chúng tới khung cảnh liên đới chung quanh tại phòng triển lãm Factory, để có được một trần thuật riêng về cốt truyện / cảnh quan đang bao quanh họ. Ban đầu, triển lãm này bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử của kiến trúc và cảnh quan đặc thù ở Tây Nguyên, chẳng hạn như nhà ở địa phương hay các công trình thờ phụng. Càng về sau, các trải nghiệm cá nhân và chất liệu bên ngoài phạm vi văn cảnh gốc của nghệ sĩ cho phép mở rộng các khả thể về trần thuật, hình thức và ý niệm.

Về các tác giả của hai triển lãm

Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ ngành Nghiên cứu Điện ảnh tại Đại học New Sorbonne Paris 3, Trương Quế Chi hiện là một nghệ sĩ sống và làm việc tại Việt Nam.

Nguyễn Tuấn Dũng và Vũ Hương, được biết tới dưới tên vn-a, là thành viên Kiến trúc sư Đoàn CHLB Đức (BDA) – hội sở Berlin, đặt văn phòng tại Berlin và Đà Lạt. Họ đã giành giải nhì tại Giải thưởng Quốc tế về Kiến trúc Thánh lần thứ tư vào năm 2016.

Triển lãm được thực hiện bởi giám tuyển Arlette Quỳnh-Anh Trần, với sự cố vấn quan trọng từ kiến trúc sư Nguyễn Anh Cường.

Kenny Nguyễn (sn. 1993, TP. Hồ Chí Minh) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác tại Trường Đại Học Mỹ Thuật & Thiết Kế Lesley thuộc thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Mỹ.

Sau khi hoàn thành bằng cử nhân của mình tại Mỹ, anh quay trở về Việt Nam sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của Kenny thường mang tính riêng tư, trừu tượng và kèm theo một phong thái lãng mạn của thơ văn trong chúng. Các tác phẩm của Kenny đã được triển lãm tại một số nơi trên thế giới như Mỹ và Anh: ‘Kệ – A History of NOW’ (Wedeman Gallery, Newton, MA, 2017), ‘Spotlight On Book Arts’ (Lesley University, Cambridge, MA, 2016), ‘Sheffield International Artist Book Prize’ (Bank Street Arts, Sheffield, UK)…v…v.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả