Đi & Ở

Người tốt, việc tốt ở Tùng Hạ 21. 12. 18 - 11:49 am

Pha Lê (Hình do Kim Trọng và Việt Hải chụp)

* Cập nhật tháng 9-2023: Vì lý do cá nhân, chị Miên phải trả lại đất trang trại và thương hiệu Tùng Hạ cho người nhà. Miên sẽ lập trang trại và phát triển thương hiệu mới trong tương lai *

Hồi tháng 3 năm nay, tôi có ra cuốn sách đầu tiên với nhà xuất bản Trẻ (mọi người hay gọi yêu là nhà xuất bản “không bao giờ già”). Đứa bạn tôi đọc xong thích, nó lại sẵn tiệm gốm và tiệm tinh dầu nên nó bảo để nó lấy 500 cuốn về bán ở tiệm nó.

Sách của tôi, hình đứa bạn chụp để “quảng cáo”

Tôi có nói với bạn rằng gom nhiều sách thế thì Nhà xuất bản sẽ ưu ái giá sỉ, sau đó tiền lời thì người bán hộ sẽ chia đôi với tác giả, nhưng tôi không cần lấy tiền lời nên phần tôi cứ giữ lại để cho từ thiện.

Thằng bạn nói “Tui cũng cho từ thiện luôn”. Sau đó thêm mấy bạn khác cũng gom bán ủng hộ từ thiện.

Bạn bè bán tới giờ cũng đi hết gần mấy trăm cuốn, tôi vận động thêm gia đình và bạn bè hôm sinh nhật (lấy tiền làm từ thiện, không nhận quà), gom góp lại hai đứa tính ra sẽ được gần 20 triệu tiền quỹ. Cả hai quyết định chia thành 2 phần, mỗi phần 10 triệu để đem cho. Sau đấy bán được nữa thì lại đem gom để cho tiếp.

Vấn đề là cho ai.

Sách của tôi về dinh dưỡng và nông nghiệp “có ý thức”, nên tôi nói với bạn rằng có cho thì đừng cho cái gì giúp “người” quá trực tiếp nữa. Kiểu giúp bà mẹ trẻ em nghèo, giúp người già thì cũng có nhiều chỗ giúp rồi, mình góp thêm chả đáng bao nhiêu. Tôi muốn cho nơi nào làm nông nghiệp hay sản xuất ra sản phẩm gì giúp con người, nhưng bên cạnh đó còn biết giữ rừng, giữ đa dạng sinh học, có chỗ cho cây cối sống chứ không chỉ làm để người sống không.

Bàn qua tán lại cuối cùng hai đứa nhất trí rằng phần đầu tiên cả hai sẽ đem cho Tùng Hạ. Tùng Hạ có rẫy trồng cây để chiết tinh dầu, nằm ở làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt. Bạn tôi cũng có shop tinh dầu nên nó biết rõ Tùng Hạ cũng như cô chủ Tường Miên của nó, Miên với bạn tôi cũng quý nhau, đến mức hai người không “cạnh tranh” gì, và bạn còn bảo “Tinh dầu bà Miên có mấy loại còn tốt hơn của tui”. Tôi cũng dùng một số tinh dầu bên Tùng Hạ và rất thích, nên dịp lên Đà Lạt vừa rồi tôi có ghé thăm Miên.

Miên dễ thương lắm, da rám nắng, người nhỏ nhắn, bé xíu, hiền lành và cười rõ tươi với hàm răng đều tăm tắp. Đặc biệt Miên rất yêu cây, do Tùng Hạ giữ trọn một phần rừng với cây cối bạn địa mọc từ xưa. “Hàng xóm” của Miên đã đốn rừng để lấy chỗ phục vụ sản xuất hết, mỗi Miên là giữ lại khoảnh rừng mấy héc-ta đó, chỉ chừa một khoảnh nhỏ để trồng cây và chiết tinh dầu.

Chị Miên ở Tùng Hạ.

Vì giữ rừng “không giống ai” nên Miên cũng cực, không thể hợp tác làm chung với người khác cho bớt nhọc mà phải ôm hết, do 10 người đến Tùng Hạ là 10 người thấy chỗ này… không sinh lời nhiều và nhanh. Cái gì cũng từ từ, chầm chậm mà tiến kiểu rất… hiền.

Thế nhưng Tùng Hạ có đủ yếu tố của một trang trại mà tôi và bạn tôi đều quý, với “tài sản” đáng giá nhất chính là tài nguyên. Lúc Miên dẫn chúng tôi vào rừng, chị chỉ cho cả hội thấy bao nhiêu là giống bản địa, nào là cây mận, cây mít, cây táo rừng lâu năm. Cây này xen cây kia, xen với cả bụi rậm, hoa màu rau dại… vô cùng phong phú. Rừng còn mấy cây anh đào cổ, chị Miên nói cứ xuân về là đào nở tưng bừng rất kiêu hãnh.

Đường vào rừng của Tùng Hạ.

Thảm cỏ hoa trong rừng tại Tùng Hạ.

Cây Đào rừng đang chơm chớm mấy bông.

Chị Miên vừa đi vừa tìm một hồi cũng ra được quá trời món để… ăn, và cả nhóm vừa đi rừng vừa nhai một bụng rau. Nào là món sen đất, ăn được cả hoa cả lá non. Chị bứng bắt nhai, nhai nguyên bông hoa thấy nó thơm và cay cay như… wasabi của Nhật, lá non còn cay nồng hơn cả hoa nữa, bùi bùi the the vô cùng hấp dẫn. Chị nói thấy bên Mỹ họ bán từng bông để trộn xa-lát, đắt gần chết, còn ở đây cứ nhổ cả bụi.

Sen đất mọc dại trong rừng

Nguyên bông hoa này ăn rất ngon, chị Miên cứ dúi cho ăn còn đứa bạn cứ bắt cầm cho nó chụp ảnh.

Đi một hồi chị Miên bứt viễn chí cho hít rễ. Rễ cây viễn chí mọc dại ở Tùng Hạ toả hương thơm ngây ngất, giống hệt  mùi của hạt dổi rừng lai với mùi của lộc đề xanh, cây càng già thì rễ càng bùi nhùi và thơm. Chị Miên bảo rễ cây này theo sách thuốc nam là dùng xoa bóp rất tốt khớp và tốt cho người già. Viễn chí cũng có tinh dầu, nhưng vì rừng của chị có ít quá, không đủ sản lượng để chiết nên bên chị hái chúng phơi khô ngâm rượu, pha trà. Môi trường bên Tây không thuận lợi để phát triển cây này nên họ cũng chẳng có tinh dầu để mình nhập, bên mình thì thuận lợi mà… không có ai làm, chỗ của chị lại nhỏ, cũng mỗi chị chịu làm, việc thì không xuể nên nhiều cây tinh dầu tốt đầy tiềm năng mà chưa khai thác hết được.

Rễ cây viễn chí.

Chị Miên rất am hiểu cây cối trong khu rừng nhỏ này, dù chị vẫn tự nhận là mình phải học thêm nhiều mới biết hết được. Chị bứt đọt của cây gì nom như dương xỉ mà không phải dương xỉ, ăn sống rất ngon. Rồi chị chỉ cho thấy mấy cây cà phê, cây trà rừng. Đây là cây rừng tự có, dần dà lá tự rơi, hạt tự rụng thì rừng tự động có thêm cây trà với cà phê. Chị hái cho mấy hạt cà phê chín, đỏ tươi và ngọt. Chị nói không ai nghĩ cà phê ngọt nhưng tự lựa trái chín ăn sẽ rất ngọt, còn hạt có thể phơi để làm cà phê. Có điều cơ sở sản xuất thường dùng dụng cụ tước cành cà phê để lấy hạt nên tước một lần là ra hạt sống chín lẫn lộn, không có lựa từng quả ngọt như chị. Với rừng có thì chị ăn và các bạn làm việc ở Tùng Hạ dùng thôi, không có khai thác bán.

Hạt cà phê chín chị Miên hái cho

Trà rừng chị hái cho mấy lá non, nấu trà tươi được mà nhai sống cũng được. Mới đầu nhai trà non thấy đắng nhưng cái đắng dễ chịu lắm, nhai xong miệng bỗng thấy có hậu vị ngọt và hơi thở lại thơm. Giống cây cà phê, rừng mọc được mấy cây trà thì chị Miên để đó cho các bạn ở Tùng Hạ cũng như khách đến thưởng thức, không có bán.

Bó trà chị Miên hái cho. Về nấu uống thấy mát người hẳn.

Đi một vòng rừng rồi về lại khoảnh đất nơi chị đang ươm cây để trồng lấy tinh dầu, mùa này Tùng Hạ ươm oải hương với hương thảo (rosemary). Chị Miên chỉ chừa ra một khoảnh để sản xuất, trồng cây tinh dầu như gừng, hương thảo, oải hương… xen kẽ với nào hồng, nào hoa màu. Quy trình trồng không xịt hoá chất hay phân bón hoá học gì cả. Mèo và người cứ thế tung tăng khắp nơi.

Một góc rẫy trồng cây của Tùng Hạ với dàn hoa hồng làm “rào”

Căn nhà nho nhỏ giữa vườn đó là để khách tới vào ngồi nghỉ, uống trà, hít thử tinh dầu.

Chúng tôi vào căn nhà nhỏ giữa vườn để trò chuyện và thử thêm tinh dầu của Miên. Tôi từng rất thích tinh dầu oải hương, sả, với bạc hà của Tùng Hạ, đặc biệt lâu lâu chị Miên chiết được tinh dầu gừng rừng (bới hơn 60 kg gừng trong rừng mà chỉ chiết được mấy chục ml tinh dầu) là tôi cố mua chừng 5ml, 10ml. Mỗi lần bồ bịch sụt sùi hay mẹ bị lạnh người là tôi pha tinh dầu gừng của Miên ra rồi mát-xa, thế nào cũng sẽ hết khọt khẹt trong 1 ngày. Lần này tới thăm Miên còn cho thử tinh dầu hương nhu mới chiết với tinh dầu quế. Tôi và mấy đứa bạn thử thấy thích quá, bèn mua quế về xông/xoa bóp với hương nhu là để nhỏ vào dầu gội bồ kết mà gội đầu cho sướng.

Bạn mèo ở Tùng Hạ.

Hiện giờ Tùng Hạ có kha khá tinh dầu hương thảo, sả chanh, sả java, oải hương (lavender), lavendin (có họ với lavender nhưng không nhiều công dụng bằng và tinh dầu thường rẻ hơn), thi thoảng có gừng, ngò già, hương nhu dù sản lượng hơi bị khiêm tốn. Riêng quế với bạc hà sẽ do nơi khác trồng, nhưng cũng là chỗ quen thân và trồng theo tiêu chí không phun xịt của chị Miên, chị sẽ thu mua về sau đó. Chị nói loại tinh dầu nào dùng trong thực phẩm được là tinh dầu của chị đủ an toàn để dùng hết vì có phun xịt gì đâu, nhưng do giấy tờ chứng minh chứng tỏ để đẩy tinh dầu từ mỹ phẩm thành thực phẩm quá tốn và rắc rối nên chị chưa làm nổi, thành ra bán cho khách không quen và khách mới dùng dùng tinh dầu thì không dám nói gì. Nhưng người quen và rành như tôi với bạn tôi là chị kể rằng chị với nhân viên toàn dùng tinh dầu pha trà, rồi lấy nước hydrosol (phụ phẩm thu về trong quá trình chiết tinh dầu) ướp thịt nướng với đổ bánh xèo là món ăn cứ thơm lừng hết cả trang trại. Các bạn “nông viên” có lần còn mách rằng nước hydrosol thu về sau khi chiết hương thảo rosemary là loại dùng ướp thịt gì nướng cũng ngon, đặc biệt thịt đỏ. Có lần tôi làm một nồi bò hầm to, nhỏ một giọt tinh dầu hương thảo của Tùng Hạ vô là nguyên một nồi thơm suốt mấy ngày, hâm đi hâm lại vẫn thơm (người không rành không nên thử, vì nhỏ không khéo thành 2 giọt là một nồi hầm to sẽ nồng mùi lắm, chỉ nên 1 giọt hoặc… nửa giọt thôi). Phải 50kg hương thảo mới có 200ml tinh dầu, 40kg oải hương mới chiết được 120 ml tinh dầu nên một giọt tinh dầu đã là cô đọng của biết bao nhiêu tinh hoa rồi.

Tinh dầu oải hương và hương nhu ở Tùng Hạ

Lúc đưa tiền ủng hộ cho chị Miên chị vừa cảm động vừa ngại không muốn nhận, nhưng cả hội nói muốn thấy chị phát triển được nhiều giống cây tinh dầu cho Tùng Hạ hơn nữa, với ủng hộ để chị tiếp tục làm ra đa dạng sản phẩm cho nước nhà cộng với giữ rừng thì người có lợi mà cây cũng có lợi. Ví dụ chị Miên đã trồng được oải hương Tây Ban Nha để lấy tinh dầu, nhưng oải hương Pháp (cũng là oải hương Anh, nhưng tên “Pháp” nghe nó kêu) thơm hơn và được nhiều người thích hơn, tuy nhiên giống Pháp chị vẫn còn tập cho chúng quen với khí hậu Đà Lạt nên chị chỉ ươm chứ chưa khai thác được. Tiền gom là để chị có thêm xíu vốn đặng tiếp tục làm những việc tốt này, rồi từ từ Việt Nam cũng có tinh dầu oải hương Pháp chất lượng hơn Pháp, và phát triển thêm những tinh dầu bản địa như bạch đàn chanh, khuynh diệp, ngò già… Thậm chí những tinh dầu như gừng, hương nhu chị chưa làm được nhiều thì từ từ sẽ có nhiều hơn cho nó ích nước lợi nhà.

Làm việc tốt cùng với những người tốt như Miên quả thật là vui. Cảm ơn các bạn ủng hộ sách để chúng tôi có thể góp sức giúp những người như chị Miên.

Link tìm hiểu:

Ai muốn tìm hiểu về Tùng Hạ và chỗ mua sách “góp quỹ ủng hộ nông dân tử tế” có thể tra cứu các link sau.

Tùng Hạ

Link Facebook

Nơi mua sách góp quỹ

– Yên Lam Gốm/Tinh dầu Farm Forest (ship toàn quốc, hiện có chương trình giảm 10% tinh dầu nếu mua sách. Gốm với tinh dầu chung chủ nên hai shop nằm chung trong một toà nhà)

Link Facebook Yên Lam và link Facebook Farm Forest

Link trang Web Yên Lam

Địa chỉ: 9A Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 19, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh

– Think in a Box (chỉ bán tại cơ sở ở TP HCM)

Link Facebook

Link trang Web

Địa chỉ: 116 Nguyễn Văn Thủ, F Đa Kao, Quận 1. TP HCM

– Rau sạch thuỷ canh (ship TP HCM)

Link Facebook

Ý kiến - Thảo luận

12:59 Friday,21.12.2018 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
Hồi bé nhà mình cũng có quãng chục cây cà phê trong vườn, tụi này toàn giúp mẹ thu hoạch bằng cách ăn cả phê chín rồi nhả hạt, cùi cà phê vị ngọt thanh pha với chút hăng nhẹ. Thu hoạch kiểu đó cũng vui, trót nuốt cả hạt thì lại có thêm loại cà phê chồn hai chân :)
...xem tiếp
12:59 Friday,21.12.2018 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
Hồi bé nhà mình cũng có quãng chục cây cà phê trong vườn, tụi này toàn giúp mẹ thu hoạch bằng cách ăn cả phê chín rồi nhả hạt, cùi cà phê vị ngọt thanh pha với chút hăng nhẹ. Thu hoạch kiểu đó cũng vui, trót nuốt cả hạt thì lại có thêm loại cà phê chồn hai chân :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả