Đi & Ở

Những điều thất truyền: từ “con đĩ đánh bồng” tới chiếc đèn lồng màu đỏ 16. 02. 19 - 7:55 pm

Trịnh Bách

Có không ít các tục lệ của nước ta khi xưa đã bị thất truyền trong một thời gian khá dài. Ngày nay có nhiều nơi đang cố khôi phục lại các phong tục đã mất của địa phương mình. Nhưng các nỗ lực đáng quý trọng này đôi lúc cũng làm cho phong tục xưa bị đổi khác đi, do hiểu lầm hay cũng có khi do thiếu thông tin.

Ví dụ như theo phong tục của nước mình ngày xưa, đàn bà không bao giờ được bước chân vào đình trong các dịp lễ thần. Vì theo quan niệm tín ngưỡng của ông cha ta, thì đàn bà “không, hoặc chưa, sạch”, bước chân vào đình khi có thần hiện diện sẽ làm ô uế vị thần. Chỉ ở những nơi thờ nữ thần hay vua bà, thì các trinh nữ mới được phép khiêng kiệu. Và các bà “đã sạch” mới được phép đứng ra điều khiển khiêng kiệu hoặc lo nước, đèn nhang tại Đình, đền trong các dịp tế thần.

Ngay như ở trong hoàng cung thì phụ nữ, kể cả đến Hoàng thái hậu, cũng không bao giờ được bước vào các nơi thờ phượng như Thái Miếu, Thế Miếu. Các bà có nơi thờ phượng riêng gọi là điện Phụng Tiên.

Đội trinh nữ khiêng kiệu thần ở làng Thanh Mỹ, Sơn Tây, 1936. Ảnh: tư liệu cá nhân

Vì việc kiêng cữ đó, việc múa lễ ở các tôn miếu trong cung ngày xưa đều do các trẻ trai đảm nhiệm. Các vai nam, nữ, kim đồng, ngọc nữ đều do đám trẻ trai này múa. Đội múa trẻ nam này gọi là đội Đồng Ấu thời cuối triều Nguyễn.

Các trẻ trai của đội Đồng Ấu trong vai tiên đồng, ngọc nữ của điệu múa Tam Quốc Tây Du (tức Bầy Bông) năm 1903 thời vua Thành Thái (ảnh Brossard).

Ngoài ra, khi cần vũ công cho những vai nữ khó, nặng nhọc hơn trong các dịp lễ trong hoàng cung, các nam vũ công, thường là cựu thành viên của đội Đồng Ấu nay đã gia nhập đội nhạc lễ Võ Ca, sẽ phải đảm đương.

Các nam thành viên của đội Võ Ca trong vai ngọc nữ, chụp năm 1936. Ảnh: Jean-Marie B.

Ở ngoài dân gian cũng tương tự. Các đình, đền thờ nữ thần sẽ có đội múa nữ múa lễ. Còn ở những nơi thờ nam thần, vào các dịp rước, tế thần nếu cần đến múa lễ sẽ có những đội nam vũ đảm nhận. Họ là những người trai trẻ còn đồng tân được chọn lựa để ăn mặc giả tiên nữ, tiên đồng, và múa các điệu múa đồng đội để dâng hương, hoa, trà quả… lên thần linh, thành hoàng ở sân đình. Điệu múa chúc hỗ của họ, còn gọi là múa tiên, hiện còn dấu vết (tuy đã đơn giản hóa) trong múa rối nước.

Một đoàn ‘Nam vũ Bắc kỳ’ (danseurs des hommes Tonkinois) tại hội Đấu xảo Thuộc Địa Vincennes ở Paris, Pháp, 1931. Ảnh thuộc Văn khố Bộ binh (Archive De L’Armée) Pháp

Các ngọc nữ đội mão hoa, khoác áo mã tiên với vân khiên, và các dải nghê thường rủ xuống ra ngoài áo dài ngũ thân. Ở miền Bắc họ còn quấn cái đai xiêm có giải nghê thường từ vùng cạp quần. Ở thôn quê Bắc bộ có khi các ngọc nữ mặc áo dài tứ thân, và trong trường hợp đó họ mặc váy (xiêm). Kim đồng cũng có trang phục như ngọc nữ, nhưng không có dải nghê thường và trên đầu đội mão kim khôi.

Các làng trù phú ở miền Bắc ngày xưa thường có đội nam vũ này. Họ không múa giải trí mua vui bao giờ, mà chỉ múa dâng các phẩm vật lên thần trong các dịp lễ mà thôi. Và vì là múa tế lễ thần cho nên họ múa rất nghiêm trang chứ không được cười đùa ngả ngớn. Sĩ số thành viên của đội Nam vũ là cấp số nhân của đội 8 người, ví dụ như 8, 16, 24… Làng càng trù phú thì đội múa càng lớn.

Đoàn nam vũ trong đội hình múa

Bên cạnh đó, dẫn đầu các đám rước đình là các đôi kim đồng trẻ con vác cờ, biển; và các đôi ngọc nữ trẻ con đánh trống cơm, gọi là đánh bồng.

Trống cơm nguyên là trống phạn si của người Chiêm Thành, trước kia không có ở Việt Nam. Sau khi chinh phục kinh đô Phật Thệ của người Chiêm vào tháng 5 Âm lịch năm 1069, vua Lý Thánh Tông đã cho đem đội triều nhạc của vua Chiêm Chế Củ về Thăng Long để huấn luyện thêm cho các nhạc công của Lý triều. Trống phạn si được nhập vào cơ cấu triều nhạc Việt Nam từ đó. Rồi về sau trống phạn si dần được phổ biến ra ngoài dân chúng. Gọi là trống cơm vì khi đánh người ta trét cơm vào mặt trống ở hai đầu cho tiếng trống đằm hơn. Người thôn quê Bắc bộ gọi trống cơm bằng cái tên nôm na là trống bồng.

Vì nữ nhân không được đi rước thần, cho nên người ta chọn các bé trai chưa vỡ giọng, cho trang điểm phấn son giả làm ngọc nữ. Các “bé gái ngọc nữ” này được người nông thôn gọi theo lối dân giã là “con đĩ đánh bồng”.

Các cô bé ngọc nữ đánh bồng chỉ đánh bồng đi dẫn trước đám rước chứ không múa. Và đừng hiểu nhầm tên gọi ‘con đĩ’ này. Ngày xưa con đĩ là từ để gọi các bé gái, trong khi “thằng cu” là cách gọi các bé trai, chứ hoàn toàn không có cái nghĩa dung tục của ngày nay.

Nhân đây chợt nhớ, vài năm nay mới có hiện tượng treo đèn lồng đỏ vào dịp lễ, tết. Thực ra treo đèn lồng đỏ là phong tục của người Tầu chứ không phải là truyền thống Việt.

Ảnh từ Internet

Người mình ngày xưa có loại đèn lồng rất phổ thông hình vuông tám mặt, thường phết giấy bản mầu trắng, hay cũng đôi khi mầu ngũ sắc. Đèn được treo ở góc nhọn, mà ngoài Bắc gọi là đèn củ ấu, và trong Nam gọi là đèn bánh ú. Từ trong cung đến ngoài phố đều treo đèn này trong các dịp vui. Vài năm trước đây thấy đèn này xuất hiện trở lại một cách thật cảm động, từ ở các lễ hội ở Huế đến ở phố cổ Hà Nội.

Đèn củ ấu (ảnh Internet)

Nhưng năm ngoái và năm nay loại đèn truyền thống Việt Nam đó có vẻ đã biến mất, và được thay thế bằng đèn lồng màu đỏ theo phong tục Trung Hoa. Vì sính ngoại hay do ảnh hưởng phim truyền hình phương Bắc? Đèn lồng đỏ là văn hóa đặc trưng và độc nhất của người Hoa. Không nước nào khác trên thế giới có truyền thống đèn lồng đỏ này.

Một kiểu đèn lồng cổ Việt Nam. Ảnh từ Internet.

Ngày xưa người Việt cũng treo những loại đèn lồng gần tương tự về hình dáng. Nhưng phổ biến nhất là đèn lồng hình thuẫn, trên to dưới nhỏ, phất giấy hay lụa màu trắng có vẽ hoa hay chữ.

*

Các bài tương tự của cùng tác giả:

- Nguồn gốc các mũ Phật giáo phổ thông ở Việt Nam

- Tết Trung thu

- Lễ phục Việt Nam, bài 1: Âu phục?

- Lễ phục Việt Nam một thời: Áo dài

- Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa

- Áo dài Việt: từ năm thân tới hai thân

- Vẽ lại chân dung các vua triều Nguyễn: cần kỹ lưỡng, không nên tùy tiện

- Ăn vặt đơn giản: mía ướp hoa bưởi

- Cháo Huế

- Về nền văn hóa Hán Nôm

- Trâm anh thế phiệt

- Áo dài Cát Tường

- Những điều thất truyền: từ “con đĩ đánh bồng” tới chiếc đèn lồng màu đỏ

- Phuở ê! Phuở ê!

- Hủ tiếu và Tả pín lù

- Bát chiết yêu

- Khôi phục đồ chơi Trung Thu cổ truyền

Ý kiến - Thảo luận

13:40 Sunday,24.2.2019 Đăng bởi:  Nguyễn P. Khanh
@abc: Bạn đã có thể nói về sự khác nhau, không có gì cao hay thấp, thì sao trong cmt đầu tiên lại phê phán khi người khác bảo nỗ lực phục hồi điều thất truyền là nỗ lực đáng quý? Bản thân bạn trong cmt đầu đã dùng toàn những từ negative như "lạc hậu", "hủ tục", "đài thải".... cho những thứ mà có người khác thấy quý. Đến cmt này lại đòi người khác không đư
...xem tiếp
13:40 Sunday,24.2.2019 Đăng bởi:  Nguyễn P. Khanh
@abc: Bạn đã có thể nói về sự khác nhau, không có gì cao hay thấp, thì sao trong cmt đầu tiên lại phê phán khi người khác bảo nỗ lực phục hồi điều thất truyền là nỗ lực đáng quý? Bản thân bạn trong cmt đầu đã dùng toàn những từ negative như "lạc hậu", "hủ tục", "đài thải".... cho những thứ mà có người khác thấy quý. Đến cmt này lại đòi người khác không được quyền bình phẩm? Đòi người ta phải tôn trọng sự khác biệt. Sao bạn bất nhất vậy?

Mình chỉ nói anh phóng viên kia khi không thấy gu ăn uống cổ hợp với mình thì ngay lập tức dùng vị thế phóng viên của mình đòi "bỏ tù" hết các món ăn cổ vào bảo tàng. Theo mình thế là không nên.  Mình không chế nhạo. Mình chỉ lý giải về việc anh ấy ăn không thấy ngon các món cổ không nấu với mì chính và bột nêm: anh ấy quen nhậu ngoài quán rồi, và các nụ vị giác của anh ấy cũng đã khác với các nụ vị giác của lưỡi người xưa không uống bia. Nhưng đừng vì thế mà bảo là món ăn của người xưa lạc hậu, nên bỏ quách đi cho rồi. 
12:03 Sunday,24.2.2019 Đăng bởi:  abc
Thích bia bọt, không biết thế nào là ngon( theo lối cũ) không có nghĩa là các bô lão cao cấp, văn hóa hơn nhé. Trải nghiệm cuộc sống khác nhau thì đánh giá sẽ khác nhau, một thằng nhóc suốt ngày đế chế, dota, liên minh khác đứa suốt ngày ô ăn quan, nhảy dây, vậy thôi, chẳng có đúng sai hay cao thấp ở đây, nên chế nhạo người ta khác mình thì thật vớ vẩn.
...xem tiếp
12:03 Sunday,24.2.2019 Đăng bởi:  abc
Thích bia bọt, không biết thế nào là ngon( theo lối cũ) không có nghĩa là các bô lão cao cấp, văn hóa hơn nhé. Trải nghiệm cuộc sống khác nhau thì đánh giá sẽ khác nhau, một thằng nhóc suốt ngày đế chế, dota, liên minh khác đứa suốt ngày ô ăn quan, nhảy dây, vậy thôi, chẳng có đúng sai hay cao thấp ở đây, nên chế nhạo người ta khác mình thì thật vớ vẩn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

"Xà bần" gửi Ngô Lực

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả