Nghệ sĩ thế giới

David Černý (phần 1): Entropa khiến triệu người tức giận 06. 03. 19 - 3:06 pm

Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân

David Černý, Entropa, 2009

Thủ đô Praha của cộng hòa Séc nổi tiếng với những lâu đài, những tòa tháp và nhà thờ cổ kính, được bảo tồn gần như nguyên vẹn, với đủ các trường phái kiến trúc hiện diện khắp nơi. Praha còn gây ấn tượng mạnh mẽ với những kiến trúc hiện đại rất phá cách. Và khi nhắc tới ‘hiện đại, phá cách’, người ta liên tưởng ngay đến những sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ điêu khắc David Černý. Đặc biệt là không chỉ một vài mà là khá nhiều tác phẩm của Černý được trưng bày trên đường phố Praha.

David Černý là một bậc thày của nghệ thuật đương đại của Cộng hòa Séc và là tác giả của khá nhiều tác phẩm gây tranh cãi quyết liệt. Cũng do sự phá cách táo bạo mà nghệ sĩ này nổi danh trên khắp thế giới. Một trong những tác phẩm gây ồn ào nhất là tác phẩm mang tên “Entropa”.

Tác phẩm điêu khắc Entropa gây phản ứng ngoại giao dữ dội. (Ảnh trong bài là từ Internet)

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn nửa đầu năm 2009, Cộng hòa Séc đã đặt hàng Černý một tác phẩm tạo hình với ngụ ý mỉa mai những định kiến của thế giới đối với EU. Thay vì tập hợp 27 điêu khắc gia của 27 quốc gia thành viên EU như hoạch định, trong đó mỗi nghệ sĩ của từng quốc gia cần mô tả tổ quốc của mình một cách hình tượng, Černý chỉ tập hợp một vài trợ lý người Séc và thực hiện tác phẩm theo ý riêng của mình.

Tác phẩm là một khối ghép hình, mỗi nước là một mô hình được gắn trên khung cao và rộng 16.5 mét. Bê bối nữa là đại đa số các quốc gia của EU đã được Černý khắc họa một cách hết sức khiêu khích:

Đức được thể hiện như một hệ thống các đường cao tốc giống như chữ Vạn (ngụ ý hình chữ thập ngược)

Pháp chỉ là biểu ngữ đình công

Đan Mạch như bức tranh biếm họa tiên tri Mohammed bằng xếp hình Lego

Cộng hòa Séc là một màn hình chiếu những trích dẫn gây tranh cãi của Tổng thống Václav Klaus

Ý được mô tả như một sân bóng đá với một vài cầu thủ dường như đang thủ dâm (ngụ ý sự “tôn sùng vì bóng đá”)

Thụy Điển là hộp đồ nội thất lớn theo kiểu tự lắp ráp IKEA chứa máy bay chiến đấu Grippen (Thụy Điển cho Cộng hòa Séc mượn Grippens theo hạn định)

Anh được miêu tả như một khoảng trống còn thiếu hụt của tác phẩm (ám chỉ chủ nghĩa hoài nghi về EU và sự cô lập với lục địa)

Bulgari được mô tả bởi một loạt bệ hố xí xổm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ kết nối với nhau bằng đèên neon (ngụ ý nước này từng bị Thổ xâm chiếm)

Slovakia là một khúc lạp xường có quốc kỳ Hungary quấn xung quanh (ám chỉ những đụng độ ngoại giao căng thẳng giữa Hungary và Slovakia trong vấn đề dân tộc)

Romania như một công viên của ác quỷ Drakula

Hà Lan thì bị nhấn chìm dưới biển chỉ còn nhìn thấy mấy tháp nhà thờ Hồi giáo nhấp nhô

Ba Lan là nhóm các linh mục dương cờ cầu vồng của phong trào quyền của người đồng tính trên một cánh đồng khoai tây…

Chi tiết Ba Lan trên Entropa

Không ngạc nhiên khi Entropa đã gây nên làn sóng phản ứng khá dữ dội. Phó thủ tướng đương thời phụ trách các vấn đề châu Âu Alexander Vondra, người từng cắt băng khánh thành quần thể tượng tại tòa nhà trung tâm của EU tại Bruxelles (ngày 12 tháng 1 năm 2009), đã phải thay mặt Cộng hòa Séc xin lỗi những người cảm thấy bị xúc phạm.

Tuy nhiên ông vẫn bênh vực nghệ sĩ, vì theo ý kiến ông, các nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo cho tác phẩm nghệ thuật của họ. Rồi ông nhấn mạnh: “Entropa là một tác phẩm nghệ thuật, không hơn không kém!”.

.

(Còn tiếp phần 2: Những bức tượng khiến nhiều người đỏ mặt)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả