Nghệ sĩ thế giới

David Černý (phần 3): Kẻ mang lại niềm vui cho đường phố Praha 17. 03. 19 - 9:03 am

Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân

(Tiếp theo phần 1phần 2)

Bên cạnh những tác phẩm gây tranh cãi nảy lửa, Černý cũng có nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích vì sự độc đáo, bỏ ngỏ nhiều đáp án, trưng bày nơi công cộng tại rất nhiều thành phố của Cộng hòa Séc cũng như trên thế giới. Dưới đây là các tượng trưng bày trên đường phố Praha:

1. “Em bé” (“Miminka”, 1995)

Tượng ba em bé (cùng từ một khuôn mẫu) đang bò với kích thước khá lớn được làm bằng đồng. Nhưng mặt những em bé này chẳng có mắt, mũi, mồm, mà trông giống mặt của cái máy bán hàng tự động.

Các bức tượng này được bày lần đầu tiên vào năm 1994 tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Chicago, rồi bày ở nhiều thành phố khác, trong đó có London. Từ 1995, bức tượng ba em bé được đặt ngay cạnh bảo tàng Kampa (U Sovových mlýnů 2). Phần mông và chân của những đứa trẻ sáng bóng, do tay của nhiều du khách xoa vào.

Tượng 3 em bé ở cạnh bảo tàng Kampa. Ảnh từ trang này 

 

2. “Những đứa trẻ trên tháp” (“Miminka Babies”, 2001)

Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt nhất, còn được gọi là “Những em bé đang bò” gồm 10 đứa trẻ bò lổm ngổm trên tòa tháp truyền hình Žižkov (Mahlerovy sady 1) ở phía đông thành phố, đằng sau nhà ga xe lửa trung tâm.

“Những em bé đang bò” hay “Những đứa trẻ trên tháp” gắn trên cột tháp truyền hình Žižkov. Ảnh: Kim Ngân

Năm 2000 là năm Praha là thủ đô văn hóa của châu Âu. Theo đề nghị của thành phố về việc cải tạo tháp truyền hình hình Žižkov (cao 216 mét) đã nổi tiếng là xấu xí để làm nó trở thành hấp dẫn hơn, Černý đã sử dụng 10 em bé từ mẫu tượng “Em bé” (1995) để trang trí tháp. Hình dạng những em bé này giống hệt 3 đứa trẻ ở gần bảo tàng Kampa (mặt giống như khe máy), chỉ có điều chúng được làm từ sợi thủy tinh. (Tượng ở bảo tàng Kampa thực tế là hình mẫu; mọi người được ngắm cận cảnh các em bé mà không phải dùng kính viễn vọng như khi ngắm tượng em bé trên tháp).

Chi tiết tác phẩm. Ảnh từ Internet

Ý định ban đầu chỉ là gắn tạm thời, nhưng do các em bé đen bóng như than này được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, thế là chúng được gắn ở đó vĩnh viễn luôn từ 2001.

3. “Phôi thai” (“Embryo”), 1996

Cerny chưa từng bao giờ giải thích ý tưởng của nghệ sĩ về bức tương này, được sáng tác năm 1996, đặt tại địa điểm hiện tại từ 2008.

Tượng được gắn trên ống thoát nước nhà hát Divadlo Na zábradlí nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập nhà hát (2008). Tượng có gắn đèn bên trong nên buổi tối sẽ phát sáng. Nhà hát này tọa lạc gần phố Karlova dẫn ra cầu Charles (Anenské náměstí).

Tượng “Phôi thai” gắn trên ống thoát nước nhà hát Divadlo Na zábradlí. Ảnh: Kim Ngân

 

4. “Đầu lâu quay” (“Vytunena smrtka”, 2010)

Tượng là một chiếc đầu lâu bằng sợi thủy tinh sơn đỏ dài 3 mét, được gắn trên khung có gắn động cơ để chiếc đầu quay vòng tròn xung quanh.

Tượng gắn trên nóc bảo tàng mỹ thuật đương đại Dox (Poupětova 1, Holešovice), cách trung tâm Prague 6 km, phía đông bắc.

Tượng “Đầu lâu quay” trên nóc bảo tàng mỹ thuật Dox (Holešovice). Ảnh: Kim Ngân

 

5. “Người ủng hộ London” (“London booster”, 2012)

Černý đã tạo ra một tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng để đánh dấu sự kiện Cộng hòa Séc tiếp quản Trung tâm thiết kế thương gia ở London thành “Ngôi nhà Séc” trong suốt thời gian Olympic mùa hè ở London năm 2012. (Ngôi nhà này là nơi diễn ra các cuộc hội đàm, đêm văn hoá và các sự kiện liên quan đến các vận động viên Olympic của Cộng hòa Séc trong cuộc thi).

Trước ngôi nhà Séc là một chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ thẫm cải biên như một vận động viên thực hiện việc chống đẩy. Nghệ sĩ đã mua một chiếc xe cũ từ năm 1957 (là chiếc xe công cộng rất thông dụng ở London), biến phần đuôi xe thành hình vòng ba của con người và gắn thêm hai cánh tay lớn phía trước có hệ thống thủy lực để có thể nâng đẩy chiếc xe lên. Đặc biệt là mỗi khi nó được nâng đẩy lên thì nó phát ra dòng âm thanh với những tiếng rên rỉ hết sức kích động.

Tượng “Người ủng hộ London” chụp từ phía trước…

… và từ phía sau đặt cạnh trụ sở công ty AgroFert ở Chodov. Ảnh: Kim Ngân

Hiện nay chiếc xe buýt rên rỉ này được trưng bày cạnh trụ sở công ty AgroFert ở khu Chodov của Prague (Pyšelská 2327/2, Chodov, cách trung tâm Praha khoảng 10 km về phía nam). Doanh nghiệp Andrej Babiš (hiện là Thủ tướng của Séc (từ tháng 12 năm 2017)) đã mua nó và đặt nó trước trụ sở công ty của mình.

6. “Trong bụng mẹ” (“In Utero”, 2013)

Bức tượng bằng thép không gỉ cao 6 mét. Có thể thò đầu vào trong bụng bức tượng từ phía dưới (để xem phim trong đó, nhưng hiện nay đã không hoạt động).

Bức tượng đặt trên phố Dlouhá trong khu phố cổ của Praha (Staré Město). Từ quảng trường thành phố cổ (Staroměstské náměstí), phía đối diện với chiếc đồng hồ “Con Gà” (Orloj), đi dọc phố Dlouhá khoảng 100m là thấy bức tượng ở vườn hoa nhỏ nơi giao cắt mấy con phố.

Tượng “Trong bụng mẹ” trưng bày trên phố Dlouhá trong khu phố cổ của Praha. Ảnh: Kim Ngân

 

7. “Đầu Kafka” (“K.”, 2014)

Tác phẩm cao 10 m, nặng tổng cộng 45 tấn, bao gồm 42 tầng bằng thép không gỉ sáng bóng, mỗi tầng được điều khiển xoay độc lập 360 độ. Đôi khi chúng được sắp xếp để tạo thành đầu và mặt của nhà văn nổi tiếng người Séc Franz Kafka.

Tượng “K” (gần ga tàu điện ngầm Národní třída). Ảnh: Kim Ngân

Tác phẩm này đặt ở sân cạnh trung tâm thương mại Quadrio gần ga tàu điện ngầm Národní třída (tuyến B, màu vàng).

8. Trifot (2016)

Tác phẩm cao 12 mét làm bằng thép không gỉ với nhiều góc cạnh giống như con quái vật hoạt hình đang đi. Phần trên bao gồm một tổ hợp các máy ảnh trong hình dạng những nhãn cầu khổng lồ (cả máy thật và mô hình phản ánh sự phát triển của công nghệ chụp ảnh) đứng trên chân máy. Các nhãn cầu (ống kính máy quay) có thể chuyển động và quay cảnh và người xung quanh.

Tác phẩm được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn người Anh John Wyndham, “Ngày của Triffids”, là một trong những tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất trong nhiều thập kỷ với những người hâm mộ khoa học viễn tưởng. (Trifid là loài thực vật ăn thịt hư cấu, to lớn, độc hại, phát triển rất nhanh và có thể di chuyển bằng 3 chân).

Tượng “Trifot” gần bến tàu điện ngầm Nove Butovice. Ảnh: Kim Ngân

Tác phẩm này đặt ngay bên ngoài sân trước Trung tâm ảnh Séc, ở ga tàu điện Nové Butovice (tuyến B, màu vàng). Xung quanh Trifot là 6 màn hình đặt thành 2 hàng dọc trên sân. Trên màn hình hiện quảng cáo mời đến thăm triển lãm tại Trung tâm ảnh Séc. Nhưng hàng giờ, những hình ảnh từ camera của Trifot chụp những người bất kỳ đi ngang qua đó cũng được hiển thị trên màn hình.

9. “Thịt” (“Meat”, 2000)

Tác phẩm là hai chiếc xe màu đỏ bằng sợi thủy tinh mà Černý tạo dựng năm 2000. Lần đầu tiên tác phẩm này được trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật hiện đại (gắn ở sảnh có mái che của tòa nhà Veletržní Palace) nhân dịp Černý đạt giải thưởng mang tên Jindřich Chalupecký. Hiện nó được gắn lên mặt tiền của tòa nhà “Meetfactory” – địa điểm nghệ thuật và văn hóa do Černý sáng lập.

Tác phẩm “Thịt” hiện gắn trên mặt tiền của tòa nhà “Meetfactory”. Ảnh: Kim Ngân

Ngoài những bức tượng trưng bày trên đường phố Praha, cũng khá thích thú khi đến thăm “Meetfactory” – địa điểm nghệ thuật và văn hóa do Černý sáng lập năm 2001. Nghệ sĩ đã biến một nhà máy bỏ hoang ở phía nam của ga tàu hỏa thành một trung tâm văn hóa với các phòng trưng bày tranh, rạp chiếu phim, và cả studio của nghệ sĩ. Tại đây cũng thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm tác phẩm của nhiều tác giả khác. Có lẽ đó cũng là “tác phẩm” quan trọng bậc nhất đối với riêng Černý. Mặt tiền của khu nhà được trang trí bằng hai chiếc xe màu đỏ-tác phẩm “Meat” kể trên.

“Meetfactory” – địa điểm nghệ thuật và văn hóa do Černý sáng lập năm 2001 (Ke sklárně 3213/15). Ảnh: Kim Ngân

Tuy xa trung tâm (~6 km về phía nam), nhưng cũng khá dễ dàng đến đó bằng phương tiện giao thông công cộng (tàu điện, xe bus) hoặc xe đạp.

Tác giả bài viết có cuộc gặp gỡ riêng với nghệ sĩ. Khi hẹn gặp, địa điểm lựa chọn duy nhất kể cả từ phía tác giả cũng như nghệ sĩ không thể là nơi nào khác là Meetfactory. Nghệ sĩ là một người hết sức cởi mở và thân thiện, đôi mắt sáng, thông minh, và đặc biệt rất am hiểu về kỹ thuật hiện đại. Thực tế là những tác phẩm điêu khắc trong thời gian gần đây của nghệ sĩ đều là những tác phẩm kết hợp giữa trừu tượng nghệ thuật với siêu kỹ thuật.

Bìa cuốn sách David Černý tặng tác giả bài viết này.

Khi có dịp dạo bước trên đường phố Praha, các bạn hãy nhớ dành chút thời gian thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật này.

Tài liệu tham khảo:
http://www.davidcerny.cz/
http://cometoprague.com/a-tour-of-david-cernys-prague/
https://news.expats.cz/art/david-cerny-art-in-public-spaces/

Ý kiến - Thảo luận

23:53 Monday,18.3.2019 Đăng bởi:  ZbyszekT
Nhưng tượng đầu ông K lại rất đẹp, chúng ta hãy thưởng thức nó, cả khi nó bị méo xẹo vì bị quay.
...xem tiếp
23:53 Monday,18.3.2019 Đăng bởi:  ZbyszekT
Nhưng tượng đầu ông K lại rất đẹp, chúng ta hãy thưởng thức nó, cả khi nó bị méo xẹo vì bị quay. 
12:15 Monday,18.3.2019 Đăng bởi:  Thành Lê
Đầu Kafka - kinh khủng. Ông để lại những tác phẩm mà nếu đọc - thấy hiện lên cảnh hôm nay ở... VN. Chẳng hạn như chuyện một người chờ suốt đời để được duyệt `một cái gì giống như "chế độ" ở ta, nhưng khi được duyệt cũng là ông lìa đời, he he.
...xem tiếp
12:15 Monday,18.3.2019 Đăng bởi:  Thành Lê
Đầu Kafka - kinh khủng. Ông để lại những tác phẩm mà nếu đọc - thấy hiện lên cảnh hôm nay ở... VN. Chẳng hạn như chuyện một người chờ suốt đời để được duyệt `một cái gì giống như "chế độ" ở ta, nhưng khi được duyệt cũng là ông lìa đời, he he. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả