Đi & Ở

Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky 30. 03. 19 - 8:30 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 1)

Trước khi đi Nga nửa năm, tôi đã lần mò vào trang mạng của Nhà hát Bolshoi để xem xét vì nghe giang hồ đồn là vé ở đây không mua rất sớm thì rất ít khi còn. Ngày dự kiến mua vé có hai vở được diễn: một là opera Carmen (18+) diễn ở khán phòng cổ và một là ballet Onegin (12+) tại khán phòng mới, ghế vẫn còn trống nguyên cả hai rạp, vấn đề là có tiền mua hay không thôi.

Ngày tôi định đi xem là ngày Hạ chí, tức là ngày dài nhất trong năm, là khoảng thời gian có đêm trắng huyền thoại của nước Nga. Vào một ngày đặc biệt lãng mạn như thế mà xem Carmen nhảy thình thịch, hát ồ ồ tiếng Pháp thì không thích hợp chút nào. Đắn đo mãi cuối cùng chấp nhận xem ở khán phòng mới và nhỏ, một vở ballet đậm chất Nga. Opera thì phần hát là chính nhưng nếu nghe không hiểu thì lựa chọn ballet hợp lý hơn vì có cả vũ đạo mà lại không cần lời nói dể diễn đạt. Vả lại, ballet Bolshoi lâu đời và danh tiếng nhất thế giới thì lý gì không xem (vé rẻ hơn opera!).

Điều đầu tiên đáng chú ý trên trang web rất đẹp của Nhà hát Bolshoi là các nhà tài trợ. Nhà tài trợ chung cho cả nhà hát là Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ, nhà tài trợ chính thức của Đoàn ballet là Nestlé cũng của Thụy Sĩ, lại còn đối tác của nhà hát là Nespresso (thuộc Nestlé). Nếu xem đầy đủ danh sách thì lại có thêm một ông đồng hồ Thụy Sĩ (Audemars Piguet), hai ông Đức (BMW, DHL), hai ông Hà Lan (Shell, KPMG), một ông Pháp (Guerlain), một ông Hàn Quốc (Samsung). Các công ty Nga tài trợ, ngoài Gazprom khổng lồ ra thì chỉ có mấy công ty làng nhàng. Qua đó thấy được rằng ballet và opera ở một nơi danh tiếng như thế vẫn phải sống nhờ các nhà tài trợ, không thể tự bán vé mà đủ sống được, và nhà hát lừng danh nhất nước Nga vẫn duy trì nhờ phần lớn tiền từ Tây Âu.

Khán phòng cổ, lộng lẫy 5 tầng, được trùng tu mấy trăm triệu đô la, hơn 1800 ghế nhưng giá tương đối mặn so với mức thu nhập ở Nga (dĩ nhiên vẫn chấp nhận được so với ở Tây). Ngồi chầu rìa chót vót trên tầng 5 mà vé vẫn 3000 rub (1 triệu 2 vnd), còn ngồi dãy chính diện tầng 1 thì gấp 5 lần là 15000 rub (6 triệu). Nên mình đành vui vẻ mua vé 7000 rub để ngồi dãy ngon của Khán phòng mới.

Mặt tiền nhà hát Bolshoi. Bên phải là Trung tâm mua sắm SUM. Ảnh: DmitriyGuryanov

Phần cứng

Nhà hát to sừng sững như một ngôi đền Hy Lạp giữa quảng trường Nhà hát (Teatralnaya). Mặc dù sử dụng hàng cột ionic nhưng lại bị khối nhà khổng lồ phía sau lấn át hoàn toàn cho nên ta thấy cảm giác đồ sộ nhưng không phải linh thiêng như một công trình tôn giáo. Cộng thêm màu sơn nâu như đất cát pha đặc trưng cho nhà cửa ở đô thị Nga, qua đó thấy rằng kiến trúc Nga cũng có bản sắc từ trước chứ không phải sau này tự nhiên mà mấy ông kiến trúc sư Xô viết nghĩ ra đủ loại trường phái mới như người ta vẫn nói (có người tự hào, có người dè bỉu). Kiến trúc Xô viết vẫn có cái cốt lõi dựa trên nền tảng cha ông họ để lại. Mặc dù “cha ông” họ mà làm nghề kiến trúc thì một số lớn có gốc gác hoặc di cư thẳng từ Ý, Pháp hay Đức sang.

Nhà hát Bolshoi phía xa. Người đi chơi đêm trắng đông nghịt, chỗ sang đường đông như Shibuya. Ảnh: Đặng Thái.

Trước ba cánh cửa lớn bằng gỗ là mấy anh bảo vệ to lớn và (tình cờ) đầu trọc, ngăn rất nhiều người lại vì hóa ra trong tòa nhà này chỉ có Khán phòng cổ, khách đi xem, phần lớn là lần đầu tiên, ai cũng mặc định là phải đi vào tòa nhà này. Khán phòng mới hóa ra nằm ở bên trái, phải đi lên một đoạn mấy chục bậc thang nữa, là một tòa nhà giả cổ trông cũ hơn nhiều.

Phía cửa vào khán phòng mới. Ảnh: Đặng Thái

Đèn chùm trên trần nhà, xung quanh là hình vẽ rất nhiều nữ thần đang nhảy múa. Ảnh: Đặng Thái

Ở Nga có một khu vực đặc trưng khi vào bảo tàng, rạp hát là chỗ gửi đồ, gọi là phòng treo áo khoác (cloak room). Có lẽ là do mùa đông người ta mặc áo dạ to (overcoat) vả lại áo ấy nhiều khi dính đầy tuyết nên khi vào xem cần phải có chỗ gửi. Đây là một điểm gì đấy rất Âu Mỹ, rất Tây mà bên Úc rất ít khi có. Ngay trong nhà người Nga và khách sạn Nga, ở chỗ cửa ra vào rất hay có cái cây xỏ giày Tây, một thứ công cụ gần như tuyệt chủng ở Việt Nam. Còn đặc trưng Nga ở chỗ gửi đồ là những bác gái nhân viên, luôn luôn mặc đồng phục màu xanh lá cây với áo gi-lê và sơ mi bẻ cổ, váy lửng, đi giày đen, ai cũng to béo như một phụ nữ Nga trung niên điển hình, ngồi sau một cái quầy gỗ mặt ốp đá với hàng dãy móc treo, giá để đồ bằng gỗ phía sau. Những bác này giống nhau ở mọi nơi, mọi thành phố đến mức cảm giác như mọi bảo tàng và rạp hát ở Nga đều do một công ty điều hành vậy (có lẽ công ty ấy tên là Bộ Văn hóa chăng).

Khán phòng mới có tông màu xanh lục, với tường màu xanh đậm, cột ốp đá hoa vân xanh và sân khấu được che bởi bức màn màu xanh nhạt hơn in những hình quốc huy nhỏ xếp thành hàng dọc theo nếp vải óng ánh vàng như mọi chi tiết trang trí khác trong phòng đều mạ vàng cả. Ghế ngồi bằng gỗ dạng như ghế Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng bọc nỉ chứ không bọc da, một tiêu chuẩn theo như mình hiểu là sang trọng ở Nga, vì ngay ghế ngồi đợi dưới sảnh nhà hát hay ghế máy bay phổ thông của hãng Búa Liềm Bay đều bọc da cả.

Ghế ngồi và màn che sân khấu. Ảnh: Đặng Thái.

Dàn nhạc ngồi khuất bên dưới, phía trước sân khấu. Xem ba-lê thì phần nhạc là rất quan trọng và giá trị, một vé mà vừa được xem múa vừa được nghe nhạc cổ điển. Rất nhiều đoạn nhạc ballet trở thành độc lập và phổ biến hơn nhiều lần vai trò của nó trong vở múa.

Dàn nhạc vào khoảng nghỉ giữa vở. Ảnh: Đặng Thái

Phần mềm

Với nền nhạc của Tchaikovsky và nội dung là truyện thơ của Pushkin, khó có vở ba-lê nào mang tâm hồn Nga nhiều hơn thế. Tâm hồn Nga là một khái niệm đặc biệt khi nói về thi ca về nghệ thuật ở Nga, đến mức Tổng thống Mỹ Reagan phải nghiên cứu làm sao để hiểu được tâm hồn Nga nhằm phá hủy Liên Xô, đúng là biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Người phương Tây nói một cách ngắn gọn rằng tâm hồn Nga là tâm hồn con người ngây thơ trong sáng (“ngố”) mà ở châu Âu chỉ còn sót lại ở người Nga (Anh John láu cá, anh Jacque thật thà, Ivan ngốc nghếch).

Yevgeny Onegin (tiếng Nga: Евгений Онегин) là một truyện thơ rất dài của Pushkin mất 8 năm để viết (1823-1831) nên nhiều người hay ví nó như Truyện Kiều của Việt Nam vậy. Không có hiểu biết sâu rộng về văn học Nga nên em cũng không biết toàn dân Nga có thuộc Onegin và trích dẫn nó khắp nơi như Truyện Kiều không nhưng Pushkin thì thấy có vẻ được ca tụng rất nhiều, đặt tên dựng tượng nhiều như Đức Thánh Trần ở ta vậy!

Vở ba-lê Onegin này hóa ra lại được dàn dựng lần đầu bởi một nhà biên kịch múa nổi tiếng người Anh gốc Nam Phi là John Cranko cho đoàn ba-lê Stuttgart của Đức vào năm 1965. Cranko hợp tác cùng Kurt-Heinz Stolze để lựa chọn các tác phẩm của Tchaikovsky cho vở múa. Thế mới biết tâm hồn Nga được chuyển tải thành công cũng là nhờ bàn tay của người Anh, người Đức nữa. Dĩ nhiên vở diễn tôi xem được người Nga gia giảm mắm muối nhưng nước cốt vẫn là của Cranko.

Vở ba-lê có ba màn, mỗi màn hai cảnh, cảnh 1 là câu chuyện và cảnh 2 là diễn biến tâm lí cao trào của các nhân vật chính. Kỹ thuật của các diễn viên đều điêu luyện và thể hình của các diễn viên múa đều tuyệt đẹp. Các vũ công nữ đều cực kỳ mảnh khảnh, không hiểu sao họ lấy đâu ra nhiều sức lực đến vậy để có thể hoàn thành hai tiếng rưỡi vận động liên tục với cường độ cao. Các màn múa dù lả lướt hay uyển chuyển đều có tốc độ khá cao, các vũ công ba-lê ở Úc khó có thể đạt được tốc độ cao và thay đổi động tác nhanh, mượt đến vậy.

Màn 1: Lensky và Olga. Ảnh của nhà hát Bolshoi.

Có những đoạn dân vũ, nhảy theo kiểu nông dân Nga đặc trưng, giơ đều chân lên cao như mốt hai mốt, ngồi xem còn thấy mệt nhưng mọi người đều diễn với một vẻ rất vui tươi rộn ràng. Chỉ có một điểm trừ là nhân vật cô em Tatyana nom lại già hơn cô chị, có lẽ vì nhân vật này có nhiều màn múa khó hơn với nhiều cảm xúc nội tâm cần diễn đạt hơn nên phải chọn người dày dặn kinh nghiệm hơn. Còn nhìn chung thì cả dàn diễn viên đều rất đẹp và cảnh đồng loạt khiêu vũ ở phủ Gremin thì tuyệt vời, trong phim đã xem nhiều cảnh khiêu vũ quý tộc nhưng xem tận mắt vũ công chuyên nghiệp nhảy mới há hốc mồm.

Màn 3: Khiêu vũ dạ hội ở phủ Gremin. Ảnh của nhà hát Bolshoi.

Dàn nhạc chơi rất hay. Tôi có một đĩa nhạc để nghe trên ôtô, luôn mang theo hành lý mỗi khi chuyển nhà, là Đặng Thái Sơn chơi Bốn mùa của Tchaikovsky. Nghe rất nhiều, nhưng lần này đến Nga mới thực sự thấy nó hay thế nào khi nghe trong khung cảnh thiên nhiên Nga, kể cả “thiên nhiên” Nga trên sân khấu và dàn nhạc diễn đạt những bản mùa hè: tháng 5, tháng 6, tháng 7 với tiết tấu nhanh hơn nhiều bản piano cho phù hợp với vũ đạo nhưng không hề làm thay đổi bản chất trữ tình của bản nhạc.

Màn 1, cảnh 2: Tatyana tương tư Onegin. Nhân vật trong gương là một vũ công khác, động tác y hệt. Ảnh của nhà hát Bolshoi

Nói đến sân khấu, phải nói là hậu cảnh được dàn dựng rất công phu và mỹ thuật. Nhiều phông nền với ánh sáng tạo cảm giác như thật, còn những cái rõ là giả thì cũng giả một cách thẩm mỹ chứ không thô thiển như nhiều bối cảnh vẽ nguệch ngoạc trên sân khấu Việt Nam. Chưa kể là họ chuyển cảnh rất khéo vì có nhiều lớp màn, lớp ở giữa buông xuống, bên ngoài vẫn múa còn bên trong người ta thay đổi đạo cụ, khi kéo màn lên đã là bối cảnh khác. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của bối cảnh sân khấu dù nó chỉ là phần phụ. Hay như xem show Tống Thành ở Hàng Châu, dù có nhiều đoạn còn phô trương nhưng đúng là bối cảnh sân khấu người Trung Quốc họ làm rất xuất sắc.

Màn 2, cảnh 2: Cuộc đấu súng, hai chị em quấn khăn mỏ quạ đen vì một trong hai chị em sẽ phải đưa tang người tình ngay sau đó. Ảnh của nhà hát Bolshoi

Suốt cả buổi diễn, người xem rất trật tự, chỉ có tiếng vỗ tay rào rào sau mỗi cảnh. Duy có đoạn Onegin bất ngờ, “đứng hình” khi nhận ra Tatyana ở Sankt-Peterburg giờ đã là một mệnh phụ thì có một ông nào đấy cười phá lên há há há một cách hả dạ khiến cả rạp cười rúc rích. Khi màn cuối cùng khép lại, cũng chính giọng ông đấy là người hô “Bravo” và “Bis bis” to nhất. Không biết ông này được nhà hát chỉ đạo hay là một khán giả cuồng nhiệt đến từ Mỹ. Khán giả vỗ tay rầm rầm, cả đoàn diễn viên ra chào lần nữa, vừa vào người ta lại hô “bis bis”, thế là lại thấy ra cúi gập người chào khán giả. Người ta vỗ tay, hú hú không ngớt suốt mười phút. Đúng là phong cách châu Âu! Nhưng cũng có cả những người cảm tưởng như chỉ chờ đến cuối để vỗ tay với hú hét để xả năng lượng, hóa ra ở đâu cũng có người bất lịch sự vậy! Cuối cùng toàn bộ màn kéo lên, có một người mới bước ra, tóc chải như chính trị gia, miệng hình chữ V ngược, quần áo đen từ đầu đến chân, cúi người chào khán giả rất nhanh và nghiêm nghị. Lúc đầu mình tưởng đấy là biên đạo, về nhà tra cứu mới biết ông là Pavel Sorokin, con nhà nòi, bố mẹ đều làm việc tại Nhà hát Bolshoi, là chỉ đạo âm nhạc cho vở múa.

Dàn diễn viên chào lần cuối. Hàng trước, từ trái sang: Gremin, Tatyana, Onegin, (chỉ đạo âm nhạc) Pavel Sorokin, Olga và Lensky. Ảnh: Đặng Thái

Trước khi xem, mình hình dung rằng ballet Nga sẽ khắc khổ lắm, múa đẹp nhưng cứng vì kiểu rèn luyện khắc nghiệt như kỷ luật nhà binh, sau 30 năm thống trị của Yury Grigorovich (ông đã nhận tất cả các huân huy chương cao quý nhất của Liên Xô; tên ông này cứ làm mình hình dung ra ông Gregorovitch trong Harry Potter). Thế nhưng khi đọc về biên đạo múa, chỉ đạo nghệ thuật, ballet master, phục trang đạo cụ, thiết kế ánh sáng mới thấy toàn những bậc thầy ở Bắc Âu (Đức, Đan Mạch, Thụy Điển) nên thảo nào những trường đoạn diễn tả nội tâm nhân vật rất có tính đương đại.

Khán giả nhanh chóng tuần tự ra về trong im lặng. Không thấy người ta bàn tán xôn xao nhiều, người trẻ, nhất là các bạn nữ trẻ đi xem khá nhiều. Ngoài trời đã dịu hẳn cái nóng của mùa hè. Và bên kia đường, chợt nhìn thấy Các Mác như mọc ra từ tảng đá, vẫn đang trầm ngâm nghiên cứu mặt tiền nhà hát dưới ánh sáng xanh kỳ ảo của cả hai vầng nhật nguyệt.

Tượng Karl Marx trước nhà hát Bolshoi với câu khắc trên tảng đá: “Vô sản các nước đoàn kết lại!”. Ảnh: Đặng Thái

Phụ lục: Tóm lược nội dung của Onegin

(Màn 1) Chàng công tử hào hoa Yevgeny Onegin, con độc nhất của một nhà quý tộc quyền uy, chẳng hề tỏ ra mừng rỡ khi biết tin chàng được thừa kế một biệt thự nông thôn từ người bác. Đơn giản là vì khối gia sản khổng lồ mà cha mẹ để lại đủ để chàng sống sung túc vài trăm năm. Chán ngấy cuộc sống nhàn rỗi vô vị, Onegin quyết định về thăm ngôi biệt thự để thay đổi không khí. Tại đây Onegin làm quen với Vladimir Lensky, một nhà thơ nửa mùa.

Một lần, Lensky đưa Onegin tới ăn tối với gia đình vị hôn thê của mình – Olga Larina. Cô em gái Tatyana của Olga, một thiếu nữ mơ mộng chỉ ham đọc sách, phải lòng Onegin ngay từ cái nhìn đầu tiên (Nhà Larina cũng là gia đình quý tộc và giàu có ở nông thôn). Tối hôm ấy, nàng viết thư cho Onegin để bày tỏ nỗi lòng. Khi làm cái việc táo bạo ấy, Tatyana đã noi gương một nhân vật mà nàng rất ngưỡng mộ trong một cuốn tiểu thuyết diễm tình Pháp. Tuy nhiên, Onegin không viết thư trả lời thiếu nữ ngây thơ. Trong lần gặp gỡ tiếp theo, chàng từ chối tình cảm của nàng bằng những lời lẽ khéo léo và khiêm nhường. Trong mắt anh chàng quen ăn chơi phóng túng, Tatyana chỉ là cô gái quê mùa nên không thể sánh được với chàng.

(Màn 2) Chẳng hiểu do vô tình hay cố ý mà Lensky mời Onegin tới dự lễ sinh nhật của Tatyana. Để lấy lòng Olga, Lensky trang hoàng căn phòng rất lộng lẫy song hơi lòe loẹt. Onegin cảm thấy như lạc vào thế giới phồn hoa mà chàng đang lẩn tránh. Tự dưng chàng thấy ghét kiểu phô trương của Lensky. Để xua tan cảm giác ấy, Onegin quyết định chọc tức Lensky bằng cách cười đùa thân mật rồi khiêu vũ với Olga. Vốn là người không tinh tế và hay tự ái, Lensky rời khỏi bàn tiệc trong cơn thịnh nộ (sau khi rút găng tay cho Onegin một vả). Sáng hôm sau, anh thách Onegin đấu súng, bất chấp sự can ngăn của mọi người. Trong buổi quyết đấu Onegin bắn chết Lensky rồi bỏ đi luôn. Tatyana nhận ra Onegin là con người ích kỷ với một tâm hồn trống rỗng.

(Màn 3) Đau khổ trước sự biến mất của Onegin, Tatyana lên đường tới Moskva. Một thời gian sau, nàng bước vào thế giới của tầng lớp thượng lưu. Trong môi trường mới Tatyana thay đổi rất nhanh theo hướng tích cực, từ học vấn, phong cách cho tới nhân sinh quan. Onegin, sau khi chu du rất nhiều nơi, cũng trở nên chín chắn hơn, không còn kiêu căng và phù phiếm như trước. Trở về kinh đô Sankt-Peterburg, Onegin được mời đến dự buổi khiêu vũ tại vương phủ của quận công Gremin. Tatyana trưởng thành nhanh đến nỗi Onegin không hề nhận ra người quen cũ giờ đã là quận chúa, phu nhân của ông tướng về hưu Gremin. Khi nhận ra, chàng ngây ngất trước vẻ đẹp mặn mà và trí tuệ mẫn tiệp của nàng. Onegin tìm cách lôi kéo sự chú ý của Tatyana, bất chấp thực tế là nàng đã lấy chồng.

Chàng công tử viết hàng chục lá thư cho nàng, song nàng chẳng hồi âm. Tỏ ra phớt lờ tình cảm của Onegin, nhưng thực ra Tatyana rất khổ sở vì những mâu thuẫn nội tâm. Nàng vẫn còn yêu Onegin, nhưng cũng không muốn phản bội chồng, dù là trong ý nghĩ. Với kỳ vọng ra đòn quyết định, Onegin xin gặp Tatyana lần cuối.

Onegin gặp Tatyana và đề nghị nàng bỏ chồng trốn đi cùng mình. Nàng hồi tưởng lại những ngày mà lẽ ra họ đã có thể hạnh phúc bên nhau, nhưng thời điểm ấy đã qua rồi. Onegin nhắc lại tình yêu của mình dành cho nàng. Trong một phút giây sung sướng vì những lời có cánh đó, nàng thú nhận là nàng vẫn yêu chàng. Tuy nhiên nàng (vẫn tỉnh lắm) sẽ không để chàng phá hoại cuộc đời nàng lần nữa, nàng tuyên bố thẳng thừng rằng nàng sẽ chung thủy với chồng rồi quay ngoắt (mông) đi, bỏ lại Onegin hối hận về sự lựa chọn cay đắng của mình.

(Còn tiếp bài 3)

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

18:29 Friday,7.5.2021 Đăng bởi:  Fiammetta
Trong tác phẩm Evgeny Onegin của Pushkin thì nhân vật Tatyana là chị của Olga, hơn nữa Olga là một cô gái xinh đẹp, giàu sức sống, lúc nào cũng tươi tắn so với cô chị Tatyana nội tâm và hay trầm tư, nên diễn viên đóng vai Tatyana trông già hơn Olga là đúng rồi!
...xem tiếp
18:29 Friday,7.5.2021 Đăng bởi:  Fiammetta
Trong tác phẩm Evgeny Onegin của Pushkin thì nhân vật Tatyana là chị của Olga, hơn nữa Olga là một cô gái xinh đẹp, giàu sức sống, lúc nào cũng tươi tắn so với cô chị Tatyana nội tâm và hay trầm tư, nên diễn viên đóng vai Tatyana trông già hơn Olga là đúng rồi! 
17:36 Wednesday,27.11.2019 Đăng bởi:  Chau Doan
Bài này rất hay ạ. Mình đã tình cờ đọc nguyên seri đi Nga của bạn và thấy rất thích ấy vì mình cũng tò mò về nước Nga. Mình đọc bài này và bật bài Four Season Đặng Thái Sơn lên nghe cùng lúc, cảm thấy vô cùng thấm và cảm động. Mình cũng học ở NZ, cũng đi xem ballet bên đó, nhưng đúng như bạn nói, có lẽ đến Nga là cả một chân trời mới. Hi vọng sẽ có ngày đ
...xem tiếp
17:36 Wednesday,27.11.2019 Đăng bởi:  Chau Doan
Bài này rất hay ạ. Mình đã tình cờ đọc nguyên seri đi Nga của bạn và thấy rất thích ấy vì mình cũng tò mò về nước Nga. Mình đọc bài này và bật bài Four Season Đặng Thái Sơn lên nghe cùng lúc, cảm thấy vô cùng thấm và cảm động. Mình cũng học ở NZ, cũng đi xem ballet bên đó, nhưng đúng như bạn nói, có lẽ đến Nga là cả một chân trời mới. Hi vọng sẽ có ngày được đến với xứ sở Bạch Dương sương trắng nắng tràn:) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả