Nghệ sĩ thế giới

“No Woman, No Cry” của Chris Ofili 11. 04. 19 - 1:32 pm

Thúy Anh phỏng dịch

Một khách tham quan ghi chép trước bức “No Woman, No Cry” (1998) bày tại triển lãm tổng kết sự nghiệp của Chris Ofili ở Tate Britain. Ảnh: Felix Clay 

No Woman, No Cry (Không có phụ nữ, không có nước mắt) là tác phẩm rất lớn, dày đặc các lớp sơn, mô tả người phụ nữ đang khóc giữa các hoa văn trừu tượng.

Người phụ nữ có mái tóc tối màu và làn da đen được dựng hình bằng đường cọ viền (painted outline) nâu mảnh và được lấp đầy bằng nhiều vòng tròn nâu đậm nhỏ.

.

Nữ nhân vật tô phấn mắt xanh da trời, son đỏ, đeo vòng hạt cườm nhiều màu sát chân tóc và một vòng cổ đen mảnh. Mặt dây chuyền làm bằng cục phân voi chứa đinh ghim, và khoảng trước ngực cô là mảng màu đỏ cam sáng tươi phía trên có các tua vàng hình ngọn lửa.

“mặt dây chuyển làm bằng cục phân voi…”

Một chuỗi những giọt nước mắt xanh dương nhạt chảy xuống từ hai mắt, từng giọt được trang hoàng với hình chụp gương mặt người nam nhỏ xíu bằng giấy dán ngay giữa.

Chi tiết tranh. Ảnh từ trang này https://www.wantedinrome.com/news/wanted-in-rome-junior-2.html

Hậu cảnh là hỗn hợp màu vàng sáng và xanh lá cây nhạt, có nhiều vòng dây như được xâu lại từ các hình tròn nhỏ, mỗi hình tròn chứa nhiều vòng tròn đồng tâm dựng thành những đường thô ráp chia hậu cảnh thành nhiều ô hình thoi. Bên trong các ô hình thoi là các đường do nhiều chấm nhỏ li ti nối thành, cứ ngay giữa các ô hình thoi lại kết thêm một hình trái tim đen.

“Nhiều vòng dây như được xâu lại từ các hình tròn nhỏ. Mỗi hình tròn chứa nhiều vòng tròn đồng tâm”

“dựng thành những đường thô ráp chia hậu cảnh thành nhiều ô hình thoi”…

… giữa ô hình thoi có hình trái tim đen. Các hình chi tiết tranh lấy từ trang này 

Bức tranh được sáng tác vào năm 1998 bởi nghệ sỹ người Anh Chris Ofili (1968) khi ông sống và làm việc tại London. Tên tác phẩm là tên bài hát năm 1974 của nhạc sỹ dòng nhạc reggae người Jamaica Bob Marley xin một khán giả nữ đừng buồn. Khi được trưng bày, bức tranh được kê lên hai cục phân voi lớn đặt trên sàn, cạnh trên cùng tựa vào tường.

.

Trên bốn đường kẻ ngang toàn mặt tranh là cụm từ “RIP Stephen Lawrence 1974 – 1993” xuất hiện rất mờ dưới lớp sơn đầu tiên, ngày tháng viết bên dưới bị che mất bởi đôi vai nữ nhân vật.

Dòng chữ khắc bằng lân tinh trong tranh cho thấy nữ nhân vật là Doreen Lawrence, mẹ của Stephen Lawrence – chàng trai bị sát hại ở tuổi thiếu niên trong một cuộc tấn công phân biệt chủng tộc vô cớ xảy ra tại London năm 1993. Gương mặt trong các hình chụp dán trong các giọt nước mắt chính là Stephen.

Dòng chữ khắc bằng lân tinh dưới ánh sáng cực tím. Ảnh từ trang này 

Sau năm năm không ngừng tổ chức các chiến dịch kêu gọi của cha mẹ Lawrence, bộ trưởng bộ nội vụ Jack Straw đã ra chỉ thị yêu cầu cảnh sát điều tra cái chết của Stephen. Bản báo cáo Macpherson công bố sau đó chỉ ra hàng loạt các vấn đề về đạo đức của cảnh sát, dẫn đến cuộc chấn chỉnh toàn diện các đạo luật liên quan đến sắc tộc.

Ofili đã xúc động sâu sắc trước cách Doreen Lawrence biến nỗi đau tột độ, khóc thương trong im lặng về cái chết tàn bạo của con trai thành sức mạnh tinh thần,bạo dạn kêu gọi và đánh thức công lý.

Bà Doreen Lawrence. Ảnh từ trang này 

Tác phẩm vẽ trên toan sợi to khi mua đã được lót nhẹ trước (pre-primed). Ofili đã phải lót nhiều lớp bằng acrylic thạch cao (acrylic gesso) rồi phủ toàn bề mặt toan một lớp sơn acrylic dạ quang. Sau đó ông vẽ lên đó nhiều nét bằng bút chì trước khi thêm vào nhiều vòng tròn xé giấy dán làm nên hoa văn nền hình thoi, chúng được cắt từ bản chế lại của một tác phẩm của họa sỹ trừu tượng người Anh Bridget Riley.

Ofili tiếp đó thêm hình trái tim bằng sơn dầu đen và những chấm đen vẽ bằng khuôn giấy có sẵn (rub-on transfers). Tiếp theo, ông dùng thêm sơn phản quang viết chữ khắp tranh rồi gắn mặt dây chuyền phân voi vào bằng súng keo. Sơn nhựa thông polyester pha với hạt màu đen, cam và kim tuyến sau đó được đổ lên tác phẩm được đặt ngang, toan được lật úp cho khô, tạo nên vết chảy của sơn nhựa thông mắt nhìn thấy đượctại các cạnh. Cuối cùng, sơn dầu pha loãng bằng dầu thông được phết lên nữ nhân vật và sơn dầu không pha loãng được dùng cho các hạt cườm và màu trên ngực.

Chi tiết tranh

Tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn ông chuyển từ trừu tượng ít yếu tố tượng hình sang vẽ người khổ lớn. Là một trong số nhiều tác phẩm ông vẽ thời kỳ 1998-1999 khắc họa phụ nữ da màu từ ngực trở lên, tựa như bức Dreams 1998. Tác phẩm tuy có cùng đặc điểm với các tranh khổ lớn thập niên 90 như dùng phân voi, chấm tròn, vẽ nhiều lớp, nhưng tông màu êm dịu của tác phẩm này lại rất khác với phong cách hoạt họa bóp méo hình thậm chí khiêu dâm của ông hồi đầu thập niên.

(Theo Tate)

*

Bài tương tự:

- Về phong trào Biểu hiện (Expressionism) Đức, thế kỷ 20

- Trường phái Ấn tượng: Ngày ấy người ta dùng màu gì?

- Về bức “Buổi họp mặt gia đình” của Frédéric Bazille

- Về những bức tĩnh vật vẽ cá

- Về hai bức chân dung mẹ và con theo trường phái Ấn tượng

- Tranh phụ nữ trong nhà hát của Mary Cassatt

- Hội họa Ấn tượng: Van Gogh vẽ Père Tanguy

- “Hoàng hôn ở Ivry” của Guilaumin: Những gì vất vả thường bị lãng quên

- Tranh Kandinsky: Như nghe được âm nhạc trong màu sắc

- Tranh vẽ người uống rượu Áp-xanh

- Sống cùng thời đại: Monet vẽ xe lửa

- Vì sao Claude Monet không thích vẽ trong xưởng?

- “Cầu Pont Marie, Quai Sully”: Guillaumin vẽ cái thô tháp của cuộc sống

- Lý giải chuyện tình dục qua “Cơn ác mộng” của Henry Fuseli

- “No Woman, No Cry” của Chris Ofili

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả