Văn & Chữ

Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa28. 03. 20 - 4:26 pm

Willow Wằn Wại

(Tiếp theo bài trước)

Cảnh vườn Đại Quan Viên (tranh không rõ tác giả)

Tiếp theo là những thứ đồ trang trí trong căn phòng của Tần Khả Khanh:

Cái gương của Vũ Tắc Thiên

“Trên án bày một cái gương quý của Vũ Tắc Thiên đời Đường. Một bên bày cái mâm vàng mà Triệu Phi Yến đã đứng lên múa, trên mâm để quả dưa mà An Lộc Sơn đã ném vào vú Dương Quý Phi. Đằng trước kê một cái giường báu của công chúa Thọ Xương nằm ở điện Hàm Chương, mắc cái màn liên châu của Công chúa Đồng Xương dệt ra.”

Đoạn này tuy ngắn nhưng cực kỳ tinh xảo, khiến tôi phải tấm tắc đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần. Tất cả những cái tên được nêu ra trong đoạn văn đều là những mỹ nhân nổi danh trong lịch sử và truyền thuyết Trung Hoa.

Vũ/Võ Tắc Thiên đời Đường thì không có gì quá xa lạ nữa. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Hoa xưng đế, đi lên từ một phi tần của Đường Thái Tông. Bà nổi tiếng về “độ ăn chơi” khi có một loạt các mỹ nam hầu hạ, tằng tịu với bao nhiêu người. Thậm chí trong dân gian còn tố bà và con gái là Thái Bình công chúa “dùng chung” một sủng nam đẹp trai, dẫn đến mẹ con gấu ó nhau, thật nhơ bẩn không sao nói hết. Trong việc trị nước, Võ Tắc Thiên cũng bị chỉ trích là vô cùng hà khắc, thậm chí nhẫn tâm xuống tay với cả người thân để giữ vững ngôi vị.

Một hình dung về Võ Tắc Thiên. Hình từ trang này 

Với một nền văn hóa đậm tư tưởng Khổng giáo, cực kỳ kì thị việc nữ giới “vượt qua khuôn phép”, Võ Tắc Thiên là cái tên luôn được đem ra để chê trách đầu tiên. Phải mãi đến sau này mọi người mới có cái nhìn công bình hơn với bà, xác nhận nhiều câu chuyện truyền miệng về bà chỉ nhằm mục đích hạ bệ, bêu xấu.

Nhìn lại trong Hồng Lâu Mộng, các vị quần thoa đều tỏ ra vượt trội so với các đấng nam nhi, nếu không muốn nói phần lớn nhân vật nam trong Hồng Lâu Mộng đều như “phế”. Chính Tần Khả Khanh khi chết cũng nói với Hy Phượng: “Thím là bực anh hùng trong đám phấn son, ngay bọn con trai mũ cao áo dài cũng chẳng hơn được”.

Phượng Thư giữ tiếng nói quan trọng trong nhà họ Giả

Ngoài đời, số phận những bậc kỳ nữ dám vượt qua nam giới đó thế nào? Võ Tắc Thiên bị ép phế vị và bị giam trong lãnh cung, gia đình ly tán, con cái quay sang đấu đá lẫn nhau và hãm hại chính mình. Các mỹ nữ của Hồng Lâu cũng đều có kết cục bi thảm, riêng Vương Hy Phượng – bậc anh hùng – sau này cũng mất hết quyền lực, chứng kiến cả gia tộc tan nát và phải chết sớm, ứng với khúc hát “Thông minh lụy“:

“Việc đời tính rất thông minh
Việc mình, mình tính phận mình vẫn sai
Sống lần ruột đã nát rồi
Chết mang tiếng hão là người tinh ranh
Trước kia giàu có khang ninh
Giờ sao cơ nghiệp tan tành khắp nơi
…”

Phượng Thư khi bắt đầu bệnh tật, yếu ớt, trắng bệch

Một chiếc gương của Võ Tắc Thiên ở căn phòng này, có phải để cho Khả Khanh, cho Bảo Ngọc soi lại để thấy sự dâm mà quay đầu, hay cũng dùng để soi cả những gương mặt khác trong Hồng Lâu Mộng, trong đó có cả Vương Hy Phượng, người thứ hai ngoài Bảo Ngọc đã vào căn phòng này để thăm Tần Khả Khanh?

Mâm vàng của Triệu Phi Yến

Là vị vua duy nhất, làm việc chưa từng có trong lịch sử, Võ Tắc Thiên là cái tên đầu tiên được nhắc đến trong căn phòng, không khác gì một “thủ lĩnh” thống lĩnh tiếp một loạt các mỹ nhân nổi danh khác, mà nối tiếp là Triệu Phi Yến, hoàng hậu nhà Hán, xuất hiện qua hình ảnh “cái mâm mà nàng đã đứng trên đó múa”.

Triệu Phi Yến

Triệu Phi Yến nổi tiếng là thân thể nhẹ nhàng như mây, xuất thân chỉ là một con hát, sau nhập cung và cùng em gái là Triệu Hợp Đức giành hết sự sủng ái của Hán Thành Đế. Tương truyền câu “hồng nhan họa thủy” chính là từ chị em nàng mà ra. Hai chị em họ Triệu không những ra tay tàn hại những vị phi tần khác để tranh sủng, còn hại chết các vị hoàng tử. Về độ “ăn chơi”, sau này bản thân Triệu Phi Yến cũng có hẳn một tẩm cung toàn mỹ nam hầu hạ phục dịch.

Kết cục của hai chị em thì không có gì khó đoán, sau khi Hán Thành Đế băng hà, hai chị em cũng bị phế và bị ép chết (có chuyệnn kể lại là phế làm thứ dân thôi). Tuy bao nhiêu năm hại chết bao nhiêu hoàng tử, cả hai nàng lại không thể sinh ra được đứa con nào nối dõi và làm chỗ dựa khi hoàng đế băng hà, cái kết sau bao năm ở lầu son gác tía làm mẫu nghi thiên hạ thật chẳng sao ngờ được.

Thật ứng với câu Khả Khanh báo mộng cho Hy Phượng khi chết: “Bĩ chán thì phải thái, vinh chán thì phải nhục, xưa nay vẫn quanh quẩn như thế, sức người có giữ được mãi đâu!

Trang phục của Phượng Thư

Quả dưa của Dương Quý Phi

Một vị nữ vua, một vị hoàng hậu, người kế tiếp được Tào Tuyết Cần nhắc đến là quý phi:

“… Trên mâm để quả dưa mà An Lộc Sơn đã ném vào vú Dương Quý Phi.”

Đến đoạn này thì Tào Tuyết Cần thậm chí chẳng buồn nói giảm nói tránh nữa mà tả thẳng cảnh dâm ô, như vậy càng có ý nhấn mạnh trực tiếp đến nhân vật Dương Quý Phi này. Vậy Dương Quý Phi có gì đặc biệt?

Tranh vẽ Dương Quý Phi của Hosoda Eishi đầu thế kỷ XIX tại viện bảo tàng Anh

Dương Quý Phi vốn là Thọ vương phi, vợ của Thọ Vương Lý Mạo, con trai của Đường Huyền Tông. Năm 19 tuổi nàng gặp Đường Huyền Tông và ngay lập tức chiếm được cảm tình của hoàng đế. Để thuận lợi cuỗm luôn vợ của con trai, Đường Huyền Tông phải bày trò triệu Dương thị vào cung làm đạo sĩ, sau đó mới từ từ tấn phong cho nàng.

Như vậy Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông là bố chồng con dâu qua lại với nhau, có thể coi là mỹ nhân băng hoại đạo đức nhất trong số tứ đại mỹ nhân. Và ai là người thông dâm với bố chồng trong Hồng Lâu Mộng? Không ai khác chính là Tần Khả Khanh, chủ nhân của căn phòng này.

Chưa hết, Dương Quý Phi nhận An Lộc Sơn là con nuôi nhưng theo chuyện truyền miệng nàng lại thậm thụt với An Lộc Sơn. Loạn dâm cùng cực như vậy, quả là chẳng chỗ nào đáng để đặt một hình ảnh hư hỏng này như phủ Ninh, nơi con dâu tư thông với bố chồng (Giả Trân và Khả Khanh), anh rể qua lại với em dâu (Giả Trân và Vưu Nhị thư, Tam thư), cháu trai tằng tịu, nhấm nháy với dì và thím (Giả Dung và hai chị em Vưu thư, ngoài ra còn đong đưa với Hy Phượng).

Giả Liễn quyến rũ Vưu nhị thư

Sự dâm của Dương phi nổi tiếng đến độ người học Tử vi còn truyền lại câu: “Dương phi hiếu sắc tam hợp Văn Khúc, Văn Xương” (Dương Quí Phi đa dâm bởi vì tam hợp vào Mệnh có Xương Khúc)

Có tài múa hát, nhan sắc khuynh thành, ở bên cạnh vua rồi phải chết yểu. Cái chết của nàng cũng khiến cả dòng họ Dương tàn lụi. Ở phương diện này Dương Quý phi gợi nhắc đến Giả Nguyên Xuân, chị của Giả Bảo Ngọc, cũng đang làm phi trong cung. Không khó để đoán được rằng cái chết của Nguyên Xuân cũng là khởi đầu cho sự lao dốc không ngừng của dòng họ Giả.

Nguyên Xuân đề biển ở Đại Quan viên


(Còn tiếp bài 3)

*

Về Hồng Lâu Mộng:

- Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

- 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị

- Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

- Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư

- Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

- Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

- Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo

- Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một

- “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

- Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

- Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

- Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục

- Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

- Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi”

- Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân

- Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang

- Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị

- Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

- Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

- Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

- Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà

- Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

- Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn

- Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa

- Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây

- Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người

- Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1)

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn châu

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp