Văn & Chữ

“Thi pháp nhập môn” – giấy dòn acid, thông điệp còn nguyên 31. 07. 20 - 12:42 pm

Nhã Nam

 

.

Cuốn sách nhỏ, mỏng mảnh, 34 trang ruột, giấy dày nhưng hẳn vì lắm axit, nên giòn. Giấy in “Thi pháp nhập môn” của Thế-tải Trương Minh Ký, in năm 1898 tại nhà Imprimerie Commerciale REY, có lẽ cũng thuộc loại giấy dày và giòn của “Đại Nam quấc âm tự vị” in lối năm 1895-1896 của Huỳnh Tịnh Của. Viết đến đây, lại nhớ câu chuyện làm quà của mấy anh em sưu tầm sách từ năm nào chẳng rõ, có hồi hay đùa cợt hỏi thăm bản “Đại nam quấc âm…” trứ danh của vị đại gia khả kính ấy thế nào rồi, cả bọn lại cười rinh rích: Giờ ảnh không dám giở Đại nam quấc âm chính bản ra xem nữa, vì mỗi lần giở ra sách ra thế nào sách cũng bị hao mất đi một ít. Vì vụn giấy rơi ra tay vuốt như vụn bánh đa Kế.

Giấy giòn và ố vàng là do chất giấy nhiều axit. Nên giấy in tốt, hiện giờ ngành xuất bản có nhiều loại acid-free, khá đắt tiền… Giấy in nhiều axit thì ruột sách xuống cấp rất nhanh theo năm tháng. Thi pháp nhập môn của Trương Minh Ký cũng vậy, rất đáng tiếc, tờ giấy dày có vết gãy là không thể gượng lại được. Ngay ở các diềm, nếu không giữ cẩn thận, trang sách cũng có thể vỡ ra như… bánh đa.

.

Tuy nhiên, bản sách già cỗi này cũng vẫn còn nhiều điều thú vị để cung hiến. Nếu lật trang gượng nhẹ. Những bài thơ trong đó, dù nhiều chữ cổ, nhiều từ phương ngữ, vẫn có thể đem lại cho độc giả những phút giây thú vị để ngẫm ngợi trong thời đại Covid hoành hành.

Ví như bài cái ghế:

“Cái ghế chìu người thế đã quen
Đã quen giúp đỡ cả sang hèn
Sang hèn nương tựa ai không chịu
Không chịu ngồi yên, phận chửa yên”

Bài thơ “Cái ghế” trong sách

Phải chăng thông điệp ngầm của bài thơ là khuyên con người ta nên hài lòng với cái ghế của mình?

Bài thơ này, ngoài việc hiệp vần ở cuối các câu, nhất, nhì, tứ, thì còn lặp từ ở câu đầu và câu cuối các câu thơ lẻ. Đọc nghe như một liên khúc. Khá là thú vị. Những năm 189x mà xuất bản thơ ngâm vịnh thù tạc, còn có minh hoạ (rất kiểu bách khoa thư châu Âu), như này, thật sự là một ấn phẩm luxury của thời kỳ đầu của nền xuất bản chữ quốc ngữ.

Trang tiêu đề (page de titre) ta thấy Trương Minh Ký là một tác giả không đơn giản: ông đã có Hàn lâm bội tinh, Hiệp sĩ Annam cùng Campuchia, cựu giáo sư trường Chasseloup-Laubat, Âu đẳng thông ngôn làm việc trong phòng thơ ký của Thống đốc Nam Kỳ.

Trương Minh Ký (cầm gậy, ngoài cùng bên trái) làm thông ngôn cho phái đoàn Hoàng gia Huế dự Hội chợ quốc tế Paris 1889. Ảnh chụp ngày 7 tháng 7 năm 1889 đúng dịp khánh thành tượng Paul Bert tại Paris.

Thật vậy, cùng với Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, với số lượng trước tác nhiều và đa dạng, tác giả Trương Minh Ký cũng là một gương mặt nổi trội của nền xuất bản chữ quốc ngữ thời kỳ phôi thai, hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

*

Nguồn: Từ Fb Cộng hoà Sách

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả