Điện ảnh

Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 2): … và trên phim02. 07. 21 - 8:59 pm

Sáng Ánh

(Tiếp theo bài trước)

Bộ phim “The Man Standing Next” (Người đứng kế vị là tựa tiếng Anh, tiếng Hán-Hàn là Nam Sơn Quản Lý Giả hay Giám đốc Nam Sơn), thực hiện năm 2020 bởi đạo diễn Ngô Mẫn Hảo (Woo Min Ho) với Lý Bỉnh Hiến (Lee Byung Hun) vai thượng tướng Khuê, Lý Thành Dân (Lee Sung Min) vai tổng thống Phác và Đào Viên Quốc (Kwak Do Won) vai thiếu tướng Kim Quỳnh Húc (Kim Hyong Wook), cựu giám đốc KCIA 1963-1969.

Áp phích của bộ phim “The Man Standing Next”, ảnh ở đây 

Bộ phim này thuật lại 40 ngày trước sự cố ám sát tổng thống Phác và tướng Húc có mọt vai quan trọng trong câu chuyện. Ông này, biệt danh “Heo rừng” cũng tốt nghiệp khóa 1946 võ bị. Ông rất vui tánh, bỗ bã, thích gái và thích tiền. Theo tướng Kim Chung Bí (thủ tướng 1971-1975) thì ông Húc hay cá cược khi đánh golf, nếu gần thắng thì tăng tiền cá lên! Lúc sắp thua thì bảo tôi phải đi đây, tổng thống gọi! Năm 1969, ông bị đuổi từ chức giám đốc KCIA xuống hàng đại biểu quốc hội! Ông buồn sang Mỹ sống và làm nhân chứng điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ trong vụ Koreagate là chuyện KCIA giúi tiền cho 115 đại biểu Hoa Kỳ năm 1976. Ông Húc còn viết sách kể chuyện đời mọi người. Tổng thống Phác rất khó chịu về việc này khi tháng 4.1979 quyển sách vẫn phát hành tại Nhật mặc dù KCIA đã điều đình ‘mua’ được bản quyền từ tướng Húc với 500.000 USD. Để hại tướng Húc, KCIA, tức là giám đốc Khuê và là bạn thân của cựu giám đốc Húc, phải dùng đến mỹ nhân kế.

Chuyện này cho phép bộ phim cài lên màn hình một nhân vật nữ thướt tha, diễn viên Kim Tố Trân (Kim So Jin) vai Debra Shim. Cô này là người viết thư tình cho tướng Húc, rủ ông sang Paris vào tháng 10 năm 1979 để ngắm lá vàng rơi trên bờ vai trắng của những pho tượng vườn Lục Xâm. Tại sao lại phải sang Pháp, chẳng phải để tăng phần thơ mộng diễm tình. Năm 1968, KCIA (dưới quyền giám đốc Húc) từng bắt cóc 18 Hàn Kiều tại Tây Đức mang về nước xử. Năm 1973, KCIA bắt cóc lãnh đạo đối lập Kim Đại Trung (Kim Dae Jung, sau này tổng thống) tại Nhật, định vất xuống biển để cho tập bơi thì may sao tuần duyên Nhật Bản chiếu đèn phát hiện. Nhưng bắt hay giết tướng Húc ngay tại Mỹ thì là chuyện khác, đây là bố nuôi, bố đẻ, bố đỡ đầu của chế độ Hàn Quốc, KCIA không thể sang nhà của cha mà làm chuyện quấy, cho nên mới phải viết thư tình. Tướng Húc bèn bay sang Pháp theo tiếng gọi của con tim.

Một cảnh trong bộ phim “The Man Standing Next”, Đào Viên Quốc trong vai tướng Húc đang điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Trong khi đợi người yêu thì ông Húc đánh bài để giải sầu. Hết tiền, ông gọi điện để mượn thì nhân viên của KCIA bảo có ngay và hẹn ông bên ngoài. Giờ, bài học cho khán giả của bộ phim là 1 : nhận được thư tình của phụ nữ thì đừng có tin, và 2: không nên đánh bài. Ở đời, chết là vì sắc với vì tiền. Bạn dám trêu ngươi một nhà độc tài quân phiệt thì lại càng nên cẩn thận. Ông Húc bị bắt mang lên xe chở đến một khu rừng ngoại ô xa Paris và giã từ trần thế hôm 7 tháng 10. Khi được giám đốc Khuê báo cho tin là tướng Húc đã được “ổn định” thì tổng thống Phác không khen thưởng mà lại hỏi, đã ổn định rồi, thế thì còn tiền ở đâu? Ông Húc bị nghi là cuỗm một số tiền của tổng thống Phác giấu tại Thụy Sĩ mà ông Khuê không biết. Giờ hắn chết rồi thì vặn răng ai mà đòi? Sau đó, ông Khuê còn bị tổng thống Phác gọi là “thằng giết cả bạn” vì tướng Húc và tướng Khuê được coi là thân nhau. Tướng Phác không ngờ là ông Khuê sau này tới tổng thống còn dám giết, cũng một đám thủa ấy cùng khóa võ bị với nhau cả.

Các cảnh quay tại Pháp và Mỹ, cảnh Paris, cảnh điều trần tại quốc hội Mỹ, được dựng rất kỹ lưỡng và đúng từng chi tiết, tới mẫu xe qua lại ngoài đường thủa đó và chính xác tới bảng số. Dĩ nhiên, trước hết là phải có quỹ đủ để làm những việc này nhưng cũng phải có tâm và để ý đến cái cổng ra của Terminal 1 phi cảng Roissy-Charles De Gaulle hay gạch lót vỉa hè của công trường Vendôme. Vai diễn của Lý Bỉnh Hiến cũng là một giám đốc Khuê phức tạp và không kết luận mà để cho khán giả suy xét. Ông Khuê là người muốn có thay đổi chế độ quân phiệt như ông tự nhận trước tòa hay ông chỉ là một người ra tay vì vị thế của ông bị một thằng oắt con trung tá đe dọa? Nếu toan đảo chánh sao ông không có sửa soạn gì trước? Hay là ông cho là chỉ việc giết tổng thống Phác thì ông sẽ đương nhiên thay thế, không ai ở Hàn Quốc dám cản mà lại hợp lòng của Hoa Kỳ?

Bộ phim của đạo diễn Lâm Thường Thụ (Im Sang Soo) “The President’s Last Bang” (2005), tựa tiếng Hàn dựa trên bài hát “Người ấy ngày xưa ” của Thẩm Thủ Phong, là một bộ phim được coi là châm biếm. Nó mở đầu bằng cảnh 5-7 cô hở ngực trong “đội tuyển ” giải trí tổng thống của chánh nhân viên KCIA Phác Hương Châu do Hàn Thạch Khuê (Han Suk Kyu) thủ vai cy-níc. Vai tổng thống Phác do Tống Tại Nghiên (Song Jae Ho) diễn, là một vai lừ đừ nham hiểm, lo không biết bộ trưởng nào lấy cắp mất thuốc hải cẩu bộ thận hoàn của mình. Bạch Doãn Thực (Baek Yun Sik) thủ vai giám đốc Khuê là một người mang bệnh thối mồm (theo nghĩa đen). Bí thư phủ tổng thống là người hèn nhát, tổng tham mưu trưởng quân lực là người hốt hoảng, nhân vật nào cũng là phản diện và tiêu cực, đáng ghét, đáng khinh hay là chí ít đáng cười.

Một cảnh trong bộ phim “The President’s Last Bang”, lúc bữa tiệc mới bắt đầu, vai tổng thống Phác Chính Hy là người quay lưng lại máy.

Sau khi ra rạp, bộ phim này bị con trai của ông Phác đi kiện về tội mạ lỵ. Tòa phạt vạ 105.000 USD và bắt cắt gần 4 phút, là những cảnh phim tài liệu về quần chúng biểu tình! Khác với “The Man Standing Next” trải trên 40 ngày và 3 lục địa, “The President’s Last Bang” tập trung vào mấy tiếng đồng hồ trước sau các phát súng ám sát. Các chi tiết trong bộ phim này có lẽ tự do và phóng túng. Tổng thống Phác trong phim là người chuộng Nhật, có lúc nói cả tiếng Nhật và thích nghe nhạc Enka, là một thể loại nhạc tình cảm Nhật. Trên thực tế, ông Phác từng là sĩ quan quân đội Nhật phục vụ tại Mãn Châu quốc, tuy nhiên theo ca sĩ Thẩm Thủ Phong thì ông không hề yêu cầu cô hát nhạc Enka cho ông nghe. Đối với dư luận Hàn, sính Nhật là một tội không thể tha thứ, cho nên con của ông Phác mới đi thưa là vu khống. Trong bộ phim, trước khi bồi cho phát súng ân huệ, giám đốc Khuê gọi ông Phác bằng tên “Thằng Takaki Masao ” tức là tên Nhật của ông này, “Mày chỉ là một đống phân thối ”.

Trong phim này, các chi tiết khác cũng có lúc lơi là. Khẩu súng thứ nhì của giám đốc Khuê là một khẩu Smith & Wesson mã 36 trái khế và nòng ngắn 5cm thì trong phim nó là nòng dài 10cm. Thế cũng chẳng sao nhưng khi cận vệ trưởng chạy vào toa lét trốn thì ta thấy bàn cầu có nắp bidet tức là nắp xịt nước rửa đít. Đây là một phát minh của Nhật vào năm 1980, chỉ mới bắt đầu trở thành thông dụng trong thập niên sau. Sạn này khó nuốt, cũng như giả sử có một trung úy Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa” đeo phôn nghe Walkman. Chuyện bàn cầu có thể là chuyện tiểu… tiết nhưng họa sĩ có thể cho thay nắp bàn cầu trước khi bấm máy. Đây chẳng dính dáng gì đến những phần cường điệu khác không biết thật giả nhưng hẳn là có chủ ý. Thí dụ khi về đến bộ tổng tham mưu, lính gác không cho đại tướng (mặc thường phục) vào. Ông quát, đòi gọi sĩ quan trực ra, tao là tổng tham mưu trưởng đây, sĩ quan trực bảo “Kệ mẹ mày chứ”. Đến khi bắt giám đốc Khuê, phải tìm kế cách ly ông với lại phụ tá là đại tá Hảo vì ông Hảo KCIA có đeo súng mà lúc đó trong cả bộ tổng tham mưu Hàn Quốc không tìm ra một khẩu súng nào có đạn! Ta thấy rõ, ý của đạo diễn Lâm Thường Thụ là mang tập đoàn quân phiệt ra làm trò cười.

Ý của đạo diễn Ngô Mẫn Hảo thì là đoạt giải Oscar. “The Man Standing Next” đại diện cho Hàn Quốc đi dự giải phim tiếng nước ngoài nhưng không được vào chung kết 5 phim chót. Về doanh thu, mặc dù đã có bệnh dịch và các biện pháp cách ly xã hội, đây vẫn là một thành công tại các rạp ở Hàn quốc. Vì tiền lệ bị thưa kiện của “The President’s Last Bang” cho nên phim sau phải thận trọng đổi tên tất cả các nhân vật lịch sử, là một điều hơi khó chịu cho người xem Hàn Quốc. Tỉ như là ta đi xem một phim về tổng thống Ngô Thành Thật ở miền Nam có bà em dâu tên là Phạm Lệ Mỹ. Ông và chồng bà này là Ngô Thành Thử bị thuộc hạ của tướng Hùng biệt danh là Hùng mập xử trên xe thiết giáp tại cổng xe lửa số 6.

Còn đối với người xem nước ngoài, tức là người xem không phải là Hàn Quốc, thì Kim nào cũng như Kim nấy và lại càng rối mù. Số fan của Lý Bỉnh Hiến lại có thể thất vọng vì trong cả bộ phim này, đợi từ đầu đến cuối mãi mà không được thấy anh ca?

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp