Soi học

Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus? 17. 12. 21 - 7:07 am

Sáng Ánh

Tranh trên tường tại đền Pompei: Io đến gặp thần Isis. Cô này (bò cái) nên ở đây được hai cái sừng.

Trong huyền thoại Hy Lạp, vua trời là Zeus mê mẩn Io là một cô hầu của vợ ông. Ông sợ vợ biết tình cảm ngoại hôn này, và vua trời cũng sợ vợ (như danh hài Tùng Lâm từng nói, “Sợ vợ mới anh hùng”) nên dùng phép biến Io thành một con bò cái da trắng muốt. Một phiên bản khác cho rằng chính vợ Zeus tức nữ hoàng tiên giới Hera là người biến cô Io này thành bò, dành cho cô một số phận cả đời bị nhặng vo ve bu quanh. Cô bị đuổi khỏi Hy Lạp và đày sang châu Á. Vịnh Bosphorus (“vịnh con bò vượt”) là nơi cô lội qua. Vịnh này thành một dạng sông Ngân của thần thoại Hy Lạp, ngăn chia hai người tình và là biên giới giữa hai lục địa Âu và Á.

Ngày nay, nơi này là thành phố Istanbul, thuộc cộng hòa Thổ (Turkey) với 17 triệu dân ở cả hai bên bờ khiến đó là thành phố “xuyên lục địa”* nổi tiếng nhất thế giới.

Nếu có một vị trí nào đắc địa về mặt chiến lược địa lý thì hẳn phải là cái vịnh này. Nó khiến thành phố Contanstinople, tức tiền thân của Istanbul, trong 1600 năm là thủ đô của đế quốc La Mã, của đế quốc Byzance, của để quốc Latin và của đế quốc Ottoman, lúc cực thịnh bao trùm tất cả lãnh thổ Phi-Á và Âu của 27 quốc gia hiện nay, với phần này phần nọ của trên 10 quốc gia khác. Napoléon, là một người cũng biết được đôi điều về đế quốc**, từng bảo “Nếu thế giới có một thủ đô thì đó là Istanbul”.

Eo Bosphorus dài 31 km, chỗ rộng nhất là 3.329m và chỗ hẹp nhất là 700m thôi, và chiều sâu là từ 13m đến 110m. Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, đại đế Ba Tư Darius 1 Vĩ đại là người đầu tiên dùng các chiến thuyền đặt cạnh nhau làm cầu nổi để đưa quân của ông sang Âu châu ở khúc eo hẹp cỡ 1000m. Việc này phải nối các chiến thuyền vào nhau và thả neo hai bên chứ cũng không đơn giản. Tại sao ông lại đặt chỗ 1000m thay vì chỗ 700m, là chỗ bến phà ngày nay nối Uskudar với lại Beksitas, thì có lẽ ông trả lời, tên tao là “Vĩ đại” nhé, 700m thì tao bo thêm 300m cho chẵn 1.000!

Eo biển nhìn từ công viên phía Á châu. Ảnh ở đây 

Eo này nối biển Marmara với lại Hắc hải và từ Hắc hải thông qua biển Azov là bờ biển thân thương của nhà văn Chekov. Đầu kia, Marmara thông ra biển Aegea và Địa Trung qua eo Dardanels, rồi từ Địa Trung phía Tây thông ra Đại Tây dương, phía Nam qua kênh đào Suez mà thông ra Biển Đỏ và Ấn Độ dương. Một siêu cường thế giới như Liên Xô hay Nga trước đó (và Nga sau này) nếu bị chốt ở eo Bosphorus thì chỉ là hạm đội què ăn quẩn trong cái chuồng Hắc Hải quanh căn cứ Sevastopol tại Crimea. Bosphorus là thông lộ duy nhất của các quốc gia Romania, Bulgaria, Ukraine và Georgia ngày nay, là thông lộ duy nhất của hạm đội “biển ấm” duy nhất của Nga tức hạm đội Hắc hải, và hẳn là vì vậy cho nên đến giờ nhà cửa hai bên bờ eo này vẫn có giá. Bạn sở hữu địa ốc cao tầng ở đó, ra lan can hắt ly sâm banh cũng có thể ướt mẫu hạm Nga đang mượn lối đi ngang.

Bản đồ cho thấy lối từ Odessa (Ukraine) Hắc hải hay Crimea Nga bên cạnh cũng thế, ra đến Đại Tây dương phải qua chốt của eo Bosphorus tại Istanbul, hình ở đây 

Vào đầu thế kỷ 20, 1916, các ngoại trưởng Pháp và Anh, Sykes-Picot, khi xé xác đế quốc Ottoman đang giãy chết đã từng nghĩ đến việc này. Họ bàn nhau: ở Trung Đông, Pháp lấy Lebanon, Syria. Anh lấy Jordan, Palestine, Iraq. Italy được phần mặt biển Địa Trung của Turkey ngày nay. Phần đế quốc Nga thì có Armenia và hai bờ Istanbul để có lối thoát từ Hắc hải ra Địa Trung hải. Nếu việc này thực hiện được thì ngày nay nước Nga đã có thêm 3 đội bóng đá là Besiktas, Fenerbahce và Galatasaray cộng thêm một Nobel văn học là Orhan Pamuk. Nhưng dự tính Anh Pháp đó là vào năm 1916, và 1917 ở Nga xảy ra một sự kiện bất ngờ. Đó là Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa lật đổ chế độ quân chủ Sa hoàng! Anh Pháp sau đó ngu gì mà mang eo Bosphorus tặng cho nước Nga của Lenin!

Trong Đệ nhất Thế chiến, đế quốc Ottoman về phe Áo-Hung-Đức-Bulgaria thất trận. Istanbul năm 1919 bị Pháp chiếm đóng với Anh. Miền Tây được chia một mảnh cho Hy Lạp và Italy để hai nước này giành giật nhau. Miền Nam một miếng cho Pháp, miếng cho Anh ở phía miền Đông Bắc. Nhưng người Turkey cứng đầu như trong thành ngữ Pháp (“Cứng đầu như Thổ”) lại không chịu! Họ đánh lại đồng minh trong chiến tranh độc lập Kemalism 1919-1923, định hình lại lãnh thổ của cộng hòa Turkey ngày nay, là quốc gia ra đời sau khi đế chế Ottoman sụp đổ. Istanbul không bị quốc tế hoá nữa mà trở về thuộc chủ quyền của Turkey.

Việc qua lại eo Bosphorus hiện được qui định bởi công ước Montreux (Thụy Sĩ) ký kết năm 1936. Công ước này rất chi li, giới hạn các chiến hạm, thương thuyền võ trang, tiềm thủy đỉnh theo quốc tịch, theo kích cỡ tàu, kích cỡ súng và số tàu hàng tháng hàng năm, chiến hạm đi chung hay đi riêng v.v. Vì ký kết năm 1936 nên mặc dù nó vẫn còn hiệu lực nhưng công ước Montreux quá đát về mặt kỹ thuật. Thí dụ, vào năm 1936 có rất ít mẫu hạm; tàu loại này chỉ trở thành thông dụng sau đó trong Đệ nhị Thế chiến. Vậy mẫu hạm chở máy bay tấn công thì có phải là “chiến hạm” không? Công ước không nói đến và phải lại bàn cãi. Hay thương thuyền chỉ trở thành võ trang cũng trong Đệ nhị Thế chiến, và vậy thì đó kể là chiến hạm hay là thương thuyền ? Kích cỡ súng giới hạn trên chiến hạm cũng không còn ý nghĩa từ khi tên lửa xuất hiện. Công ước cấm qua eo biển chiến hạm có súng quá 203mm nhưng tên lửa 230mm thì có phải là súng không? Cho tới giờ, mẫu hạm Nga (hạng Kutznezov) có thể sử dụng eo biển theo qui ước Montreux trong khi các mẫu hạm Hoa Kỳ đều ngoại cỡ cả. Trên thực tế, Hắc hải và lối ra vào thành ao nhà của nước Nga. Trước đây, khi Ukraine còn thuộc Liên xô thì không có vấn đề gì đặc biệt cả. Ngày nay, và những ngày sắp tới mâu thuẫn đôi co giữa Ukraine và Nga đặt lại vấn đề này vì đồng minh Anh Mỹ của Ukraine không mang tàu vào Hắc hải được theo công ước.

Đầu năm 2021, chính quyền Erdogan khởi công con kênh đào Istanbul, song song với eo Bosphorus và cách đó 40km về phía Tây. Dự án này, 10-12 tỉ USD, sẽ hoàn tất trong vài ba năm? Một con kênh dài 45km và chiều rộng 275m để tăng đôi giao thông qua eo hiện nay là 160 tàu trong 1 ngày.

Dự án đang thực hiện, kênh đào Istanbul, ảnh ở đây 

Con kênh mới thuộc chủ quyền quốc gia Turkey là đương nhiên rồi, không bị trói buộc bởi công ước quốc tế nào hết. Đó tức là, tôi muốn cho ai đi qua thì cho, tôi muốn thu phí bao nhiêu thì thu và nếu đại đế Darius 1 của Ba Tư trở lại đây thì tôi đã bắc sẵn cầu, khỏi phải làm cầu nổi bằng ghe nữa. Nhân đây, xin nói là Bosphorus cũng có 3 cây cầu và một đường hầm nhưng tắc xe kinh hoàng khiến việc dùng phà (vẫn song song hoạt động) có lúc vừa lại nhanh hơn (15 phút) vùa đong đưa lãng mạn với chén trà trên tay khi chiều xuống trên eo biển, tức là vào giờ cao điểm.

Chú thích:

*Chỉ có 4 thành phố khác là được gọi “xuyên lục địa “ tức là nằm trên 2 lục địa: Orenburg (500.000 dân cư), Magnitogorsk (400.000 dâm cư) ở Nga, Atyrua-Guryev(150.000 dân cư) ở Kazakhstan. Ba thành phố này ở hai bên bờ sông Ural là biên giới Âu-Á. Thành phố duy nhất “xuyên 2 lục địa” châu Phi và châu Á là Suez (750.000 dân cư) ở Ai Cập.

**Anh hai tôi làm vua Spain, chú sáu làm vua Hà Lan, chú út làm vua Westphalia, cô năm làm tối quận công Tuscany, cô tám làm nữ hoàng Naples, con tôi là vua thành Rome còn chú tư là nhà thơ, vậy thì nói chuyện đế quốc tôi cũng có thẩm quyền.

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả