Bàn luận

Vui? Hay thất vọng?
GOOGLE ART PROJECT 13. 02. 11 - 8:10 am

Hồ Như Mai dịch

.

Tuần trước, khi Google Art Project được ra mắt, người ta không thể nói được gì hơn là “wow”. Trước hết, làm sao mà không kinh ngạc được trước chuyện một siêu cường Internet áp dụng công nghệ “street view” để người lướt mạng tha hồ lang thang qua những phiên bản ảo của các phòng trưng bày bên trong 17 bảo tàng hàng đầu thế giới, bao gồm cả Metropolitan, MoMa, và cả Frick Collection ở ngay New York, rồi cả Uffizi, Museo Reina Sofia, Tate ở Anh, Rijksmuseum và nhiều bảo tàng khác.

Người ta có thể tha hồ zoom vào để thưởng thức những chi tiết nhỏ nhất trong hơn 1000 phiên bản số của các tác phẩm nghệ thuật – trong đó mỗi bảo tàng được chọn ra một tác phẩm để thực hiện 17 bản sao bằng quy trình “gigapixel”, cho ra phiên bản tới 7 tỷ pixel.

Nhưng bắt đầu từ mấy ngày qua, các nhà phê bình bắt đầu “nhả khói” về dự án này, người thì chỉ ra lỗi trong thiết kế bảo tàng ảo, kẻ thì khen ngợi nguồn tư liệu quý giá ở đây (nhiều khi là vừa khen vừa chê cùng lúc). Xin điểm danh một số ý kiến trong những tiếng nói đó, từ giận bốc khói đến ngây ngất hân hoan.

– Roberta Smith viết trên Times rằng nếu bạn vốn là người mê nghệ thuật thì dự án ‘mê hoặc, mở rộng ra cả thế giới” này có thể “thay đổi cuộc sống của bạn” vì nó cho bạn xem tranh ở một mức độ “thân mật mà trước đây chỉ dành riêng cho nghệ sĩ, người giúp việc hay những người bảo tồn tranh.” Nhưng đương nhiên, đâu đó vẫn có “lỗi và khoảng trống thông tin, thỉnh thoảng các tour chạy vèo vèo và mờ mịt”; ngoài ra nhiều cơ sở nghệ thuật quan trọng vẫn chưa tham gia trang này. “Bạn phải chuẩn bị tâm lý cho những cú đánh đu cảm xúc”, bà viết. “Chuyến phiêu lưu này không phải là không có bực mình.” Nhưng trong khi Smith cho rằng xem trên mạng vẫn sẽ không bao giờ sánh được với xem bản gốc, bà lại viết “Art Project của Google sẽ trở thành một trào lưu mà ai cũng nên tham gia”.

Một góc bảo tàng Kampa trên Art Project. Nếu sắp mở gallery, bạn có thể di chuột để tham khảo cách bố trí đèn trần và đèn tường, cũng như cách treo tranh của họ.

 

– Trên blog Metropolis của Wall Street Journal, Pia Catton nhận xét rằng trang web cũng như một loại siêu bản đồ, một nguồn dữ liệu cho du khách nào muốn lên kế hoạch trước cũng như muốn vạch một con đường trực tiếp xuyên qua bảo tàng để đến thẳng một tác phẩm cụ thể (Thí dụ bạn chỉ có 1 tiếng ở MoMA, bạn xem trước trên Art Project để khi đến nơi là đi một mạch đến nơi cần đến – SS). Nhưng bà này lại rên rỉ chuyện chỉ xem được trên mạng có một vài phòng trưng bày nhất định. “Sau khi đi qua hai bảo tàng đã từng biết khá rành, tôi nhận ra mình không thể vượt qua phần gác cửa ở sảnh trước MoMA, và ở Metropolitan thì cảm thấy mình y hệt một con chuột bị mắc kẹt,” bà nói.

-Theo tờ Economist, “việc có thể xem được Rembrandt trong khi vẫn mặc đồ lót đúng là tuyệt vời” và có thể “nghe giám tuyển nói về một bức chân dung trong lúc zoom vào nó không thương tiếc” cũng hay ho chẳng kém. Nhưng chuyện vắng mặt các tác phẩm nghệ thuật không phải của phương Tây và các tác phẩm đương đại – cũng như không có sự tham gia của các cơ sở bên ngoài châu Âu, New York và D.C đúng là một thiếu sót, bên cạnh việc di chuyển qua các gian phòng ở tốc độ người đi bình thường (tức là không zoom) quả là cũng khó khăn. Tạp chí kết luận rằng dự án này “hơi giống chuyện đi qua một hiệu bánh, ngửi thấy mùi bánh sôcôla thơm lừng và dí mũi vào tủ kính. Việc đó chỉ khiến cho cơn đói của ta càng thêm cồn cào, hơn là chữa được cơn đói”

– Trong mục Observer của tờ Guardian, Tim Adams, mặc dù rất bị ấn tượng bởi “những nỗ lực thu tóm thể giới trong một màn hình 14 inch của một Google không-bao-giờ-là-phe-ác,” vẫn cho rằng trang này mang đến trải nghiệm về mặt học thuật hơn là trải nghiệm về mặt cảm xúc, mà ngay cả nói về tính học thuật không thôi thì đã có phần sơ lược rồi. Trong khi đó, Tim Williams, người tự xưng là “quái nhân dữ liệu” lại tuyên bố trong một bài báo khác cũng đăng trên Guardian rằng anh cảm thấy như phải lòng Google Art Project. Anh thấy nó đúng là một công cụ nghiên cứu có giá trị và hết sức thú vị.

Một góc của Versailles khi đi tham quan trên Art Project

 

– Google chỉ là một “miếng mồi nhử mang tính công nghệ”, theo tạp chí Blackbook. Tạp chí này ca cẩm chuyện trang web sẽ không bao giờ hoàn chỉnh được bởi các bảo tàng không bao giờ có quyền tạo ra phiên bản cho toàn bộ các tác phẩm trong bộ sưu tập và rõ ràng bảo tàng nào chẳng muốn găm hàng độc để thu hút khách thăm đến phòng trưng bày thực sự.

– Tờ Atlantic lại đi cảm ơn Google Art Project vì “đã cứu giúp chúng ta khỏi thói kiêu căng tự phụ của các bảo tàng trên toàn thế giới”, những kẻ suốt ngày nói rằng ta không thể nào hiểu được một tác phẩm nếu không tận mắt đến ngắm. Nhưng rồi, tác giả Eliza Murphey lại viết tiếp rằng phiên bản tranh Bedroom in Arles của Van Gogh trên Google Art Project không xúc động bằng bản thật trưng bày tại Amsterdam. Nếu thế thì chắc mấy tay làm bảo tàng cũng không đến nỗi đáng ghét lắm nhỉ (như bà đã nhận xét trước đó)?

– Tờ Telegraph thì tỏ ra bực mình trước món hàng mới này của Google – đặc biệt là với công nghệ hình ảnh “street view” (Street View là gì, các bạn vào phần cmt đọc giải thích của bạn Em-có-ý-kiến để rõ hơn nhé – SS), phần nào làm gợi nhớ đến “những đoạn phim quay bằng máy cầm tay trong những bộ phim kinh dị kiểu The Blair Witch Project”. Ngoài ra, nhà báo Alastair Sooke còn hơi tức với chuyện chọn lựa tác phẩm và bảo tàng. Theo như ông thì chuyện này đi ngược với bản chất dân chủ của trang web.

– Thời báo Los Angeles viết rằng Google đang thể hiện một “quan điểm về nghệ thuật đúng kiểu Trung cổ” và đương nhiên không quên phàn nàn rằng chẳng có bất kỳ một cơ sở nghệ thuật nào ở California tham gia dự án này.

– Alexandra Petri của tờ Washington Post thì cho rằng “bảo tàng nói chung là dở hơi” bởi vì nơi đó ta cứ phải gặp “mấy thằng cha béo tốt đẫy đà” tay cầm máy ảnh bật flash tứ tung, rồi lại có cả những thứ đáng chán như tranh phong cảnh. Vì thế bà hoàn toàn ủng hộ dự án bảo tàng ảo này. “Chuyện duy nhất đáng chán khi đi thăm bảo tàng là chuyện phải đi vào bảo tàng,” bà nói. “Thế nên tôi ủng hộ nhiệt liệt”. Trừ chuyện bà hơi bực tí vì không có quầy bán đồ lưu niệm trực tuyến.

 

(Theo Artinfo)

*

Bài liên quan:

– ART PROJECT: Thôi khỏi phải đi đâu!
– GOOGLE ART PROJECT: Vui? Hay thất vọng?
– Vào xem nào! Gia đình tổng thống Mỹ hào phóng mời tham quan…

Ý kiến - Thảo luận

11:29 Sunday,13.2.2011 Đăng bởi:  admin
Em-có-ý-kiến ơi, cảm ơn bạn nhiều, Soi đã có dòng "dẫn" để người nào muốn tìm hiểu thêm về street view có thể vào đọc ở phần cmt.
...xem tiếp
11:29 Sunday,13.2.2011 Đăng bởi:  admin
Em-có-ý-kiến ơi, cảm ơn bạn nhiều, Soi đã có dòng "dẫn" để người nào muốn tìm hiểu thêm về street view có thể vào đọc ở phần cmt. 
11:03 Sunday,13.2.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em và nhiều bạn bè em hỏi nhau: "Street View" là công cụ quái quỉ gì mà lại áp được vào việc "soi" các viện bảo tàng thế nhỉ? và bọn em đã biết được tí ti, sau khi mò trên "Google". Em nhờ Soi chia sẻ với các bạn tò mò khác ạ:
"Google Street View là một công nghệ đặc trưng của Google Maps và Google Earth cung cấp cái nhìn toàn cảnh từ các vị trí kh
...xem tiếp
11:03 Sunday,13.2.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em và nhiều bạn bè em hỏi nhau: "Street View" là công cụ quái quỉ gì mà lại áp được vào việc "soi" các viện bảo tàng thế nhỉ? và bọn em đã biết được tí ti, sau khi mò trên "Google". Em nhờ Soi chia sẻ với các bạn tò mò khác ạ:
"Google Street View là một công nghệ đặc trưng của Google Maps và Google Earth cung cấp cái nhìn toàn cảnh từ các vị trí khác nhau dọc theo đường phố của một số thành phố trên thế giới. Google Street View hiển thị hình ảnh được lấy từ một đội xe đặc biệt, trên mỗi xe này có gắn các camera hướng về 9 hướng khác nhau, ghi lại góc nhìn 360° xung quanh điểm quan sát.
Trong khi nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về vấn đề riêng tư bị xâm phạm thì Google lại cho rằng công cụ bản đồ này là an toàn và họ hy vọng Google Street View sẽ có thể phủ khắp thế giới." 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả