Thị trường

Khi nào người Trung Quốc BỚT mua tranh Trung Quốc? 21. 02. 11 - 1:20 pm

Quang Khanh dịch

Bức tranh "Khỏa thân trên sàn" của Picasso có giá 106,4 triệu USD

Mùa hè 2010, các nhà sưu tập tỉ phú người Hoa đã gây nên giông tố trên thị trường nghệ thuật thế giới sau khi một tay đấu giá giấu mặt, (qua điện thoại thì đoán là người Hoa), đã mua một tác phẩm của Pablo Picasso tại nhà Christie’s với giá kỷ lục 106,4 triệu đô-la.

Ken Yeh, chủ tịch Christie’s châu Á, nói: “Người mua của Trung Hoa lục địa mới chỉ mua những tác phẩm thuộc trường phái ấn tượng, cho nên tiềm năng sẽ còn đi xa lắm.”

Mei Jianping, giáo sư về tài chính tại trường Kinh tế Cheung Kong, Bắc Kinh, đã so sánh khuynh hướng mới xuất hiện này với trận tiêu tiền lu bù của dân Nhật vào cuối những năm 1980, khiến bảng Chỉ số giá Nghệ thuật Ấn tượng của Mei Moses tăng hơn 200 phần trăm. Mei đoan chắc “chúng ta có thể đang bắt đầu một đợt bùng nổ (mua bán) nghệ thuật ấn tượng ngoạn mục khác”, do các nhà sưu tập Trung Quốc qua cơn bĩ cực bắt đầu muốn thể hiện sự tinh tế trong thẩm mỹ, lẫn sự oai nghi trong vị thế của mình, với tư cách là những nhà sưu tập lớn. Tuy nhiên, Ben Brown Fine Art (Hong Kong và London) thì lại tiên đoán đợt bùng nổ này chỉ là bong bóng, chủ yếu là do được thổi phồng.

Từ 2010, các nhà sưu tập Trung Hoa đã và đang vung tiền tại các cuộc đấu giá ở Hong Kong. Và thế là sinh ra những trận đấu giá đặc biệt nhắm vào loại khách hàng này. Trong khi các nhà sưu tập Trung Hoa quét qua đủ thứ lĩnh vực, từ tranh đương đại Trung Quốc cho tới rượu vang, nữ trang, thì nghệ thuật hiện đại và ấn tượng phương Tây vẫn chưa được xuất hiện một cách thực là nghiêm túc trong “lịch” sưu tầm của họ. Mùa thu vừa rồi, một kế hoạch nhăm nhe cho Picasso nổi lên trên thị trường châu Á, bằng một triển lãm nghệ thuật hiện đại và ấn tượng tại nhà Sotheby’s, cùng những triển lãm tập trung vào Picasso của hai nhà buôn tranh phương Tây Ben Brown Fine Arts và Edouard Malingue Gallery (hai vị này chắc đang ôm nhiều tranh Picasso), nhằm tạo những cơ hội chưa từng có tiền lệ là cho các nhà sưu tập Trung Hoa không phải đi xa mà có thể rinh ngay về nhà. Tuy nhiên mơ ước cháy bỏng ấy (của các nhà tổ chức) đã không thành công về mặt tài chính cho lắm.

Gallery Edouard Malingue

 

Đợt ấy Ben Brown Fine Arts thì triển lãm 13 bức của Picasso tại không gian trưng bày ở Hong Kong của họ, (vừa kết thúc 28. 1. 2011 vừa qua). Còn triển lãm Picasso của gallery Edouard Malingue gồm 40 tác phẩm, (hiện đang diễn ra tại Đài Bắc), sau khi đã trưng bày suốt ở Hong Kong mùa thu qua, tuy nghe nói là có nhiều khách say mê các tác phẩm, nhưng cho đến cuối tháng 11. 2010 mới chỉ bán được có hai bức, mà lại cho hai người Âu mắt xanh mũi lõ!!! Thế là hy vọng ban đầu là bán tranh Picasso cho những người mua châu Á không thành, những người tổ chức chuyển sang trông chờ bán được cho những nhà sưu tập Âu châu đang đi du lịch Hong Kong. Họ cũng không mong chờ gì các nhà sưu tập Trung Hoa lục địa, vì có mua tranh phương Tây ở đây thì cũng chỉ là khách Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia mua mà thôi, người phát ngôn của Ben Brown Fine Arts cho biết. Nhưng phẩm chất của người buôn nghệ thuật là kiên nhẫn, tuy chỉ tiêu 100.000USD cho các nhà sưu tập Trung Hoa không đạt được, nhưng gallery vẫn tin tưởng “một ngày kia các nhà sưu tập lục địa sẽ sớm trưởng thành” và bỏ thói mua tranh đầu đường xó chợ, để nhận ra các gallery chính là nơi bán tranh có chất lượng và đúng giá.

Ben Brown Fine Arts Hong Kong

Các cuộc đấu giá lâu nay là lựa chọn cho hầu hết những người muốn chi tiền cho nghệ thuật ở Trung Quốc, nhưng riêng với trường hợp nghệ thuật ấn tượng, ngay cả các nhà đấu giá phần lớn cũng chỉ cho bán theo lối lẻ tẻ. Có lẽ do họ không chắc ăn lắm những tác phẩm này sẽ được đón nhận thế nào. Trên tờ New York Times, Misung Shim, giám đốc điều hành chi nhánh Hong Kong của nhà đấu giá Seoul Auction (Hàn Quốc) đã mô tả là mối quan tâm đến thể loại tranh này ngày càng lớn, rằng thị trường tranh Picasso ở Trung Hoa lục địa đang trong “giai đoạn giáo dục và khuyến khích”, nhưng lại không đưa ra được doanh số đáng kể để chứng minh.

Seoul Auction vào tháng 10. 2010 đã bán bức Người mẫu trong xưởng vẽ (1965) của Picasso với giá 2.36 triệu USD, nhưng đợt bán hàng tháng 11 của họ tuy có tranh của Picasso nhưng tới nay vẫn lù mù không rõ có bán được bức nào không, vì không thấy bức nào được đem ra đấu giá, thay vào đó chỉ thấy rao bán lẻ.

Bức "Người mẫu trong xưởng vẽ" (1965) của Picasso, giá 2.36 triệu USD

Bên cạnh đó, Sotheby’s cũng tổ chức một cuộc đấu giá nghệ thuật ấn tượng và thế kỷ 20 tại Hong Kong, có buổi xem trước tại Bắc Kinh. Nhưng kết quả bán các tác phẩm của Picasso, Monet, Renoir, Degas, Sisley, Dalí, Chagall và Léger đã không được nhà này công bố vì các tác phẩm đã không được đem ra đấu giá. 

Dự đoán xu hướng 2011:
Artprice vừa qua đã đưa ra bảng xếp hạng 10 tác phẩm phương Tây có giá đấu giá cao nhất tại Trung Quốc. Trong lúc chỉ vài nghệ sĩ phương Tây có được kết quả tốt, còn lại kết quả tầm tầm, không ấn tượng. Hiện giờ niềm tự hào quốc gia vẫn còn là một yếu tố tạo nên “gu” sưu tầm (và yếu tố này cực mạnh), thì các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn sẽ chỉ tiếp tục đẩy giá các tác phẩm của Trung Quốc, và thị trường tranh phương Tây sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để có thể phát triển ở đây. Nếu “lực cản lớn nhất cho thị trường” là do các nhà đầu tư Trung Quốc “không được thường xuyên tiếp xúc với nghệ thuật chất lượng hàng đầu của phương Tây” như phát ngôn viên của gallery Edouard Malingue đã chỉ ra, thì những cuộc triển lãm mới đây quả là một bước đi đúng cho một hướng đi đúng rồi còn gì. Nhưng các nhà sưu tập Trung Hoa xem tranh rồi có mua hay không trong năm 2011 thì có Trời mới biết!

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả