Nghệ sĩ thế giới

ĐIÊU KHẮC TỐI GIẢN (3): Judd, Morris, và Andre 23. 02. 11 - 3:48 pm

Judith Collins – Phạm Long biên dịch – Đào Châu Hải hiệu đính

(Trích dịch từ chương 18: Minimalism của cuốn sách Sculpture Today, Phaidon, 2007)

*

(Tiếp theo)

“Không đề”, 6 hộp, Donald Judd

Được đào tạo như một họa sĩ, nhưng vào đầu thập niên 1960 Donald Judd chuyển sang làm việc với các khối hình ba chiều. Ông thích sử dụng gỗ tấm, kim loại tấm và các vật liệu nhựa bán sẵn. Cũng giống LeWitt, cho tới năm 1965 – là lúc Judd viết bài luận Các đối tượng cụ thể – ông vẫn thường chỉ đạo những người khác thực hiện tác phẩm cho mình. Từ đó đến nay, tất cả các công trình nghệ thuật ba chiều của Judd đều được làm bằng nguyên liệu công nghiệp và các vật liệu phổ thông trong sinh hoạt đô thị, chẳng hạn như thép không gỉ, đồng, nhôm, thủy tinh hữu cơ và ván ép douglas.

“Không đề”, Donald Judd

Nói về chất liệu công nghiệp hiện đại, trong bài luận Các đối tượng cụ thể, Judd mô tả chúng là “cụ thể” và “tích cực”, và nói thêm rằng chúng đã “khách quan bộc lộ cá tính vật liệu”. Không giống các nhà điêu khắc tối giản khác, ông ưa dùng màu sắc tươi sáng trong các tác phẩm song vẫn bảo đảm việc sử dụng màu sắc không làm giảm khả năng biểu hiện cá tính của tác phẩm (khi lựa chọn đơn giản bảng màu sẵn có trên thị trường).

Một tác phẩm có màu sặc sỡ của Donald Judd

Mặc dù ca ngợi phẩm chất của cái đơn giản và nguyên vẹn (wholeness), ông đã thực hiện nhiều tác phẩm điêu khắc có sự lặp lại của các bộ phận hơn là chỉ dùng một đơn nguyên duy nhất. Một trong những sản phẩm độc đáo nhất của ông là các định dạng hộp rỗng (ô mở) với các tấm kim loại mỏng, các tấm gỗ hoặc các phiến thuỷ tinh hữu cơ đan cài thành chuỗi.

Chuỗi hộp, Donald Judd

*
Nghiên cứu về công nghệ và lịch sử nghệ thuật, rồi khởi nghiệp như một nghệ sĩ trình diễn tại New York cuối những năm 1950, Robert Morris là một trong những điêu khắc gia đầu tiên chế tác các cấu trúc hình học giản lược, trước tiên để làm đạo cụ phục vụ các tiết mục biểu diễn của mình, và sau đó, vào năm 1963, ông  trưng bày chúng như những đối tượng độc lập, giản dị (các vật thể bằng ván ép sơn màu) tại Green Gallery, New York.

Không đề, Robert Morris

Về sau, năm 1989, tự nhìn nhận lại các tác phẩm thuộc giai đoạn này, ông tiết lộ mình đã phải “liều” lắm mới dám loại khỏi tác phẩm “những giá trị linh thiêng và cao siêu, những quy mô khoa trương, những phẩm chất phê phán, các nội dung tự sự lịch sử, những đặc điểm có giá trị thương mại, các cấu trúc thông minh và kinh nghiệm trực quan thú vị”.

Không đề 2010, Robert Morris

Thêm nữa, nhờ sử dụng các đơn vị môđun có khả năng biến tấu thành các cấu hình khác nhau trong mỗi lần trưng bày, những bộ tứ với các khối vuông lắp ghép có bề mặt mạ gương lại tạo nên “kinh nghiệm thị giác thú vị” mới, bởi thông qua những đơn vị môđun đó, người xem có thể tự kiểm chứng bộ nhớ thị giác của mình, và những bề mặt phản xạ gương [nhờ phản ánh hình ảnh người xem trong chúng] dường như đã gộp luôn người xem vào trong tác phẩm.

Không đề, plexyglass tráng gương, gỗ, bốn khối, Robert Morris

*

Một trong những đặc điểm của tác phẩm mang đậm cá tính của Carl Andre là chúng thường có bố cục dàn ngang, mà chủ yếu là các mảng ghép tấm lót sàn với kích thước lớn.

Tác phẩm của Andre là sàn nhà mà người xem có thể đi lên. Cuối phòng là tác phẩm của Lewitt.

Muốn thách thức các quy ước cũ trong việc trưng bày tác phẩm điêu khắc, ông cho phép người xem đi lại trên những tác phẩm bằng kim loại của mình, và tuyên bố rằng ông muốn tác phẩm trở thành “con đường”, mà Lối Đi Của Vệ NữVenus Forge chắc chắn là một tác phẩm điêu khắc đúng nghĩa như vậy. Tác phẩm gồm hai loại vật liệu tương phản nhau: các tấm đồng đánh bóng đặt giữa những tấm thép màu tối sẫm. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những tác phẩm trên sàn thú vị nhất của ông với bằng chứng là cái tiêu đề ám chỉ tới Venus (Nữ Thần Tình Yêu), người đã kết hôn với Vulcan (Thần Núi Lửa) – thợ rèn kiêm nhà giả kim chuyên tung ra những đòn sấm sét.

Carl Andre, Lối Đi Của Vệ Nữ, 1980. Các tấm đồng và thép, 120 x 1555 x 0,5 cm. Tate London.

Cùng với việc lắp đặt các miếng ốp kim loại trên sàn nhà, Andre cũng thường chồng ghép nhiều lớp vật liệu khác nhau, sắp xếp theo những cấu hình hoán vị toán học, nổi tiếng nhất trong số đó là tám cấu hình khác nhau ghép bằng 120 viên gạch chịu lửa, có tên là Tương Đương I-VIII, mà ông trưng bày tại gallery Tibor de Nagy, New York, vào năm 1966. Những viên gạch chịu lửa ông mượn từ một xưởng gạch địa phương và sau triển lãm được đem trả lại. Năm sau, khi bảo tàng và nhà sưu tập nhận thấy giá trị quan trọng của tác phẩm và muốn mua chúng thì Andre không còn đáp ứng được với đúng loại gạch xỉ này nên buộc phải thay thế một loại gạch khác (thật trớ trêu, việc này càng củng cố thêm khái niệm tương đương).

Tương Đương I-VIII, 1966, Carl Andre

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả