Khác

Versailles rước tay tổ Wiki vào nhà 15. 03. 11 - 11:20 am

T.N phỏng dịch

 

Cung điện Versailles

Mặc dù chẳng có lễ lạt hay dịp kỷ niệm gì gắn với triều đình, ngày 14. 2. 2011 vừa qua đã thành một ngày lịch sử đối với cung điện Versailles, bởi nó chính thức chào đón chàng Benoît Evellin của Wikipedia (bách khoa toàn thư có nội dung mở dùng trên mạng) vào sống nội trú trong cung điện suốt thời gian sáu tháng.

“Thà để hắn vào trong rồi nói đúng, còn hơn đứng ngoài nhìn lén rồi nói sai”.

Theo đúng kế hoạch đó, từ trong lòng cái viện lừng danh lịch sử này, Evellin sẽ tổ chức một cộng đồng những người đóng góp nội dung để hoàn thiện những bài viết trên Wikipedia về cung điện Versailles, đồng thời chàng phải tổ chức các hình ảnh số (thật đẹp) để đưa lên mạng.

 

Benoît Evellin

Chàng trai 27 tuổi này chuyên nghiên cứu việc áp dụng các kỹ thuật mới cho di sản văn hóa và chàng tự bạch trên trang cộng tác viên Wikipedia rằng mình là một chuyên gia về tin học, khoái những trò chơi hóa thân, khoái xe lửa, và món ăn miền Brittany.

Sáng kiến này của cung điện lấy cảm hứng từ một chương trình tương tự đã được thực hiện ở Bảo tàng Anh trong thời gian năm tuần vào 2010. Ông Laurent Gaveau, phụ tá giám đốc về thông tin và truyền thông của điện Versailles, biết được vụ này trong một buổi hội thảo ở Paris hồi tháng Mười hai, và ông nhanh chóng “mượn” ý tưởng, tổ chức ngay một dự án có quy mô lớn hơn cho cung điện Versailles, và chính thức bổ nhiệm Evellin làm người chủ trì công cuộc soạn nội dung cho Wikipedia.

Trong khi đó Wikimedia France (các bạn chú ý, không phải Wikipedia nhé) cũng đã tham gia một dự án tương tự nhưng một quy mô nhỏ hơn tại viện bảo tàng khảo cổ của Toulouse. Dự án này phát cho các tình nguyện viên các công cụ chuyên nghiệp miễn phí để họ chụp hình bộ sưu tập của bảo tàng và phổ biến chúng trên mạng.

 

Puppy của Jeff Koons trong điện Versailles

Lần này, Wikimedia France sẽ giúp Versailles bằng việc cử các chuyên gia của mình biên tập lại các bài viết do nhóm của chàng Evellin soạn ra. Việc này rất có thể làm cho đôi người phải cau mày tí chút (văn mình vợ người mà, ai cho sửa), và website nghệ thuật Pháp Artclair đã thấy trước vấn đề, nêu thắc mắc rằng liệu các cộng tác viên vẫn có quyền sửa đổi các bài viết mà cung điện đã chính thức phê duyệt hay không.

Vì sao Versailles phải “yêu chiều” Wikipedia thế? Dĩ nhiên rồi, bây giờ ai mà chẳng vào đấy tìm thông tin. Ông Gaveau của cung điện nói với phóng viên rằng với thông tin về điện Versailles thì Wikipedia có vị trí số hai trong lòng người Pháp (vị trí số một, theo ông, là website chính thức của cung điện), nhưng với người dân các nước khác thì nó đứng đầu. Vậy thì dắt tay Wikipedia vào tận trong nhà thì thông tin phải tốt hơn chứ, lại có Wikimedia France hợp tác để “gác cửa” nội dung thì đảm bảo quá rồi.

 

Kiniky Isu trong Salon de Mercure (tác phẩm của Takashi Murakami), điện Versailles

Đối với một cung điện có trên 400 năm tuổi, chắc chắn Versailles là một “cụ già” quá thức thời: dám mời các nghệ sĩ đương đại nhiều tranh cãi như Jeff Koons và Takashi Murakami vào triển lãm trong các sảnh của mình (bất chấp dân chúng biểu tình ngoài ngõ). Cung điện này cũng rất nhanh nhạy trong việc áp dụng những kỹ thuật mới. Nó lại còn tham gia vào Google Art Project (Dự án Nghệ thuật Google), rồi có hẳn một cuộc thi thông qua Flickr dành cho những bức ảnh của công chúng chụp các tòa nhà và khu vườn, đồng thời trẻ trung như một thanh niên: rất năng động trên Twitter và Facebook.

 

(Từ ArtInfo)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả