Nghệ sĩ thế giới

“Đọc” tranh Manet 27. 04. 11 - 4:12 pm

Jackie Wullschlager - Hồ Như Mai dịch

  

Bên bờ biển. (Trong cả bài này, các bạn bấm vào hình để xem bản rõ hơn)

Monet hay Manet; trái tim hay cái đầu; ấn tượng hay ý tưởng: đây là một cuộc tranh luận mà thế hệ nào cũng vướng vào. Vào những giai đoạn khi hội họa còn ở ngôi thống trị, Monet, với việc chuyển hướng vào trừu tượng, dường như đã vạch nên con đường đến với tính hiện đại. Nhưng khi một thứ nghệ thuật trí tuệ hơn trở thành thời thượng, thì Manet mới là người đương thời của chúng ta: phức tạp, đầy đặn, chằng chịt những thứ trò chơi của mưu mẹo và khoảng cách, tập trung vào tình cảnh của con người hơn là vào cảm giác thị giác đơn thuần của riêng mình. 

Đây chắc chắn cũng chính là trọng tâm của Triển lãm kỷ niệm Manet, inventeur du Moderne, tại bảo tàng Orsay, vừa bắt đầu mở cửa đầu tháng Tư năm 2011, và cũng có lẽ chính là lời đáp với triển lãm Claude Monet tại Grand Palais mùa thu rồi. Trước đó cả hai nghệ sĩ chưa được triển lãm thường xuyên ở Paris trong vòng gần 30 năm – mặc dù là Manet, đặc biệt ở chỗ cũng chẳng triển lãm ở đâu khác. Monet từng sáng tác ở nhiều nơi nhưng Manet, với sự lựa chọn motif và quan điểm sáng tác của mình, đã trở thành nghệ sĩ “Paris” nhất từ xưa tới nay, hầu như chưa bao giờ đi ra khỏi thành phố, lại còn là một người Cộng hòa trung thành, đã từng tham gia pháo binh bảo vệ thành phố trong những năm 1870-71. 

Và khác với Monet, Manet rất sùng bái điện Louvre của Paris. Bức Bữa trưa trên cỏ và bức Olympia, hai kiệt tác đã làm thay đổi đường đi của nghệ thuật hiện đại, gây sốc ở chỗ nôm na đến kinh ngạc, đầy tính đô thị – tính Paris – nhại lại những chủ thể cổ điển. Trong tác phẩm thứ nhất, một phụ nữ khỏa thân ngồi trẽn trơ giữa những tay chơi thành thị trong công viên, một cú huých chỏ với tác phẩm Concert champêtre của Titian treo ở Louvre. 

Bữa trưa trên cỏ (Lunch on grass), Manet

Concert champêtre, Titian

Trong tác phẩm thứ hai, một kỹ nữ tầm thường đang tạo dáng thần Vệ nữ nằm nghiêng, nhại theo tác phẩm Venus of Urbino của Titian, trong đó nàng Vệ nữ nhìn đăm đăm về phía người xem – như một lời khiển trách dành cho thói nhìn chằm chằm hàng bao thế kỷ của đàn ông. Các nhà phê bình thời đó gọi “nàng Vệ nữ” của Manet là “con khỉ đột” với “thân hình tím tái như xác chết”. 

Olympia, Manet (1863)

Venus of Urbino, Titian

Hai bức Bữa ăn trưaOlympia (đều vẽ năm 1863) là niềm tự hào của Bảo tàng Orsay và không được phép mang đi nơi khác, và thành công đầu tiên ở đây chính là việc bao quanh hai tác phẩm này là một nhóm những tác phẩm mượn từ nơi khác, vẽ từ năm 1862, cho thấy phong cách táo bạo của Manet đã phát triển như thế nào. 

Người tình của Baudelaire, một bức chân dung ít được biết đến mượn từ Budapest, vẽ một cô nhân tình tinh quái da đen vận áo đầm trắng lấp lánh, dường như báo trước tâm trạng gợi dục mà phẳng lỳ sau này trong Olympia,  

Người tình của Baudelaire, Manet

trong khi đó bức The Negress (Cô da đen), từ bộ sưu tập của Gianni Agnelli, báo trước sự đối lập sống động cũng như vẻ hương xa của nhân vật người hầu da đen rất gợi (cũng trong Olympia). 

The Negress (Cô da đen), Manet

Nhưng chính trong cặp tác phẩm mượn từ Boston, vẽ người mẫu 18 tuổi của họa sĩ, bức Chân dung Victorine MeurentNgười hát rong (The Street Singer) mới chính là nơi Manet thể hiện sự bứt phá, mô tả cuộc sống hàng ngày với sự phù du, lạnh nhạt, trên những cái nền mong manh; ở đó có cả sự ngẫu hứng của nhiếp ảnh và chiều sâu của hội họa cổ điển. Về lịch sử hai bức này, một buổi tối nọ, Manet bắt gặp một cô gái hát rong mệt mỏi, ôm guitar, thoát ẩn hiện nơi góc đường. Họa sĩ đã cố thuyết phục cô gái hát rong làm mẫu cho mình vẽ, và khi cô từ chối, họa sĩ đành tự tái hiện lại cảnh tượng hôm đó với người đóng thế là cô người mẫu tóc nâu vàng Victorine Meurent của mình. 

Chân dung Victorine Meurent, Manet

Người hát rong (The Street Singer), Manet

Victorine, với vẻ ngoài đường phố, cộc lốc, không khoan nhượng, làm người ta nhớ đến một hình mẫu thế kỷ 19 – người đàn bà độc lập nơi phố thị, tương đồng với những nhân vật nữ của Balzac hay Zola. Sự phức tạp của nàng, tuy thể hiện được trên canvas, nhưng vẫn có gì đó mâu thuẫn về tâm lý cho người xem, tạo cho cả Olympia và Bữa trưa một sức mạnh đặc biệt, hòa trộn những nàng Victorine vừa tự nhiên vừa có vẻ sắp đặt, bộc lộ rõ tính phi tự nhiên mà ai cũng phải công nhận trong toàn bộ tác phẩm của Manet. Đây là kiểu vẽ tranh về hội họa (giống như viết về nghề viết), trong chừng mực nào đó, chưa có họa sĩ nào thực hiện kể từ Velázquez. 

Họa sĩ người Tây Ban Nha này là bậc thầy được Manet yêu thích nhất, khi chán nản vì những ồn ào với tác phẩm Olympia, Manet đến Madrid để “gặp Thầy Velázquez xin lời khuyên.” Zola sau này có nhắc đến “sự hòa trộn giữa sự tỉnh táo và năng lượng”, dẫn đến sự ra đời của những tác phẩm như The Fife Player (Người thổi sáo), phẳng như một lá bài, với chủ thể trong tác phẩm tách rời khỏi cái nền trống rỗng, làm người ta nhớ đến bức Jester Pablo de Valladolid của Velázquez và liên tưởng thẳng đến Picasso.  

The Fife Player (Người thổi sáo), Manet

Jester Pablo de Valladolid, Velázquez

Bức Dead Matador (Đấu sĩ tử nạn) cũng đạt được một hiệu ứng cắt rời, phân mảnh tương tự thế – ở đây Manet dùng canvas lớn hơn để làm tăng sức mạnh cảm xúc – 

Dead Matador (Đấu sĩ tử nạn), Manet

trong khi đó bức The Balcony, lấy cảm hứng từ tác phẩm Majas on the Balcony của Goya, mô tả ba nhân vật không có sự liên kết với nhau, đóng khung bằng cửa chớp và những thanh sắt màu xanh lục sáng, ánh sáng và bóng đổ trong tranh thật kịch tính, rực rỡ, giống như một khung cảnh trên sân khấu vậy. 

Majas on the Balcony, Goya

The Balcony, Manet

Thật đúng là một họa sĩ vẽ tĩnh vật thông minh, những nhân vật trong tác phẩm của ông trông như thể vừa đội mồ đứng dậy,” một người cùng thời mỉa mai nhận xét. Hai trong số ba nhân vật không có vẻ biểu cảm nào, nhưng mặc cho cái không khí cứng nhắc và tĩnh lặng trong tác phẩm, nhân vật thứ ba lại là một chân dung làm người ta phải xúc động – chân dung của Berthe Morisot, 28 tuổi, khi đó đang hồi hộp bước chân vào nghề hội họa và ý thức được rằng mình đang tự cô lập ra khỏi cái khuôn mẫu phụ nữ truyền thống. 

Những bức khác nhỏ hơn, vẽ Morisot, cũng có ấn tượng như vậy – chẳng hạn vẽ Morisot đang mặc đồ đen trong bức Berthe Morisot và bó Violet; với nhân vật chính nổi bật trên một cái nền trung tính; màu đen đậm, tạo ra từ những nét mềm mại, liên tục, tương phản một cách tinh tế với những nét xanh dương, nhấn mạnh đến cá tính nên thơ mà, bất an của Morisot – của một người giằng xé giữa những khao khát và bức bối.

Berthe Morisot và bó Violet, Manet

Nhiều chân dung phụ nữ trong triển lãm này, chẳng hạn bức Người đàn bà với những cây quạt, trong đó Nina de Callias, nữ chủ nhân của salon, nhìn cử tọa với cặp mắt đầy hoài nghi yếm thế;

Người đàn bà với những cây quạt, Manet

và bức Irma Brunner, một sự đối lập lụa là sống động giữa áo hồng và mũ đen, thể hiện sở thích vẽ những người ăn mặc sành điệu của Manet. Những chân dung Morisot tại đây thực sự là điểm nhấn nhờ có cảm xúc mãnh liệt trong từng tác phẩm.

Irma Brunner, Manet

Morisot là người lấy anh trai của Manet năm 1874 và cũng là người đưa họa sĩ đến với giới họa sĩ ấn tượng. Mặc dù Manet không triển lãm chung với họ, mối liên hệ này lý giải màu sắc tươi sáng trong tranh ông. Những người Paris lịch lãm, thư thả trên bãi cát trắng trong ánh nắng chiều sáng rực của bức Bãi biển ở Boulogne và bức Trên bờ biển, mô tả vợ và anh trai của họa sĩ, cho thấy rằng mục tiêu của Manet vẫn là con người, mặc dù trong những bức tranh vẽ biển (thời niên thiếu Manet từng gia nhập hải quân) họa sĩ đã có một sự kết hợp độc đáo giữa chủ nghĩa tự nhiên và sự khiêu khích đầy tính sân khấu, đáng chú ý là trong bức Trận chiến giữa hai con tàu Kearsage và tàu Alabama, với sự tái hiện lại cảnh nội chiến Mỹ, hơi lạnh và thiếu cân bằng.

Bãi biển ở Boulogne, Manet

Trên bờ biển, Manet

Trận chiến giữa hai con tàu Kearsage và tàu Alabama, Manet

Khi đang chờ chết vì bệnh giang mai năm 1881, Manet trở lại vẽ cảnh biển. Cuộc đào thoát của Rochefort, tác phẩm cuối cùng tại triển lãm này (một sự thiếu sót khá nghiêm trọng khác tại triển lãm lần này là vắng mặt tác phẩm Quán bar nhà hát Folies Bergère), tưởng niệm cuộc vượt ngục của chiến sĩ Công xã Paris Henri de Rochefort. Mỗi chi tiết – sóng như kem cuộn lên, bầu trời xanh trong – đều được giản lược hóa trong bức tranh, mô tả người anh hùng kiên cường đang chèo thuyền cật lực, bao quanh là biển cả mênh mông chỉ với một cánh buồm thấp thoáng nơi đường chân trời. 

Cuộc tẩu thoát của Rochefort, Manet

Một bức tranh vẽ nỗi cô đơn và sự thoái lui, hay vẽ hi vọng và sự cứu thoát? Một tác phẩm có tính cá nhân hay tính chính trị? Người ta không bao giờ có thể “chốt” được Manet, cũng là lý do tại sao tác phẩm của họa đến giờ vẫn hấp dẫn chúng ta, thể hiện lý tưởng của Beaudelaire về một ‘họa sĩ của đời sống hiện đại”, mặc cho sự trung tính của Manet có lúc đầy mâu thuẫn và ngây đơ!

Triển lãm “Manet, inventeur du Moderne,” Musée d’Orsay, Paris, đến ngày 3 tháng Bảy.

*

Bài nói đến:

– “Đọc” tranh Manet 

Ý kiến - Thảo luận

20:17 Wednesday,27.4.2011 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn và đồng ý với Em-co-y-kien. Soi lại cứ tưởng cô này giấu hoa trong tóc/mũ/áo/khăn...
...xem tiếp
20:17 Wednesday,27.4.2011 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn và đồng ý với Em-co-y-kien. Soi lại cứ tưởng cô này giấu hoa trong tóc/mũ/áo/khăn... 
20:12 Wednesday,27.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Thầy em bảo: bức tranh "Berthe Morisot và bó Violet" là một trong những chân dung đẹp nhất của Morisot (vẽ nàng trong ngày đại tang - khi cha nàng qua đời). Nàng cũng là "người tình", "nàng thơ", "người mẫu" của họa sĩ trong nhiều năm trời (về sau là chị em dâu trong nhà), và đã được Manet mê say thể hiện hình ảnh nàng trong khoảng 10 bức tranh khác nhau của ông.

Thầy còn b
...xem tiếp
20:12 Wednesday,27.4.2011 Đăng bởi:  em-co-y-kien
Thầy em bảo: bức tranh "Berthe Morisot và bó Violet" là một trong những chân dung đẹp nhất của Morisot (vẽ nàng trong ngày đại tang - khi cha nàng qua đời). Nàng cũng là "người tình", "nàng thơ", "người mẫu" của họa sĩ trong nhiều năm trời (về sau là chị em dâu trong nhà), và đã được Manet mê say thể hiện hình ảnh nàng trong khoảng 10 bức tranh khác nhau của ông.

Thầy còn bảo: theo văn hóa Tây phương, hoa violet tượng trưng cho "tình yêu thầm kín", cho "tình yêu bí mật", cho nên Manet đặt tên bức tranh này như thế không hẳn là vô ý (Mặc dù cũng có người nói rằng trong tranh này người mẫu/người tình của họa sĩ mặc bộ váy màu tím sẫm, màu violet sẫm, nên tranh có tên như vậy).

Soi và chị Mai có đồng ý như vậy không ạ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả