Khác

Bốn bể là nhà 22. 05. 11 - 7:16 am

Phạm Huy Thông

.

Trong giới nghệ sĩ Hà Nội, có những người đi nhiều hơn ở. Tôi gọi họ là “những cánh chim không mỏi”. Có thể kể tới những tên tuổi như Việt tàu, Đạt rồ, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Kim Thư, Tuấn Mámì… Họ là những cao thủ bôn tẩu giang hồ mà so với họ tôi chỉ thuộc hàng thiếu sinh quân. Nhưng nhân lúc họ vẫn đang mải đi mà quên nói, tôi mạn phép họ viết đôi lời về Cư trú nghệ thuật nói chung và về riêng một chương trình mà tôi vừa tham gia (Xin tách thành 2 bài). Mục tiêu chính là nhằm cổ vũ tinh thần để các anh em khác cùng khăn gói lên đường. Bài viết chỉ dựa trên quan điểm và hiểu biết hạn hẹp của cá nhân tôi.

Khi một nghệ sĩ tham gia một chương trình cư trú (Artist in Residency), anh ta có lợi lộc gì? Theo quan điểm cá nhân tôi, có mấy lợi ích đáng chú ý như sau :

 

1. Thay đổi không gian làm việc

Đối với đa phần các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam, những người đang phải đi thuê những phòng vẽ vài mét vuông, studio mà các chương trình cư trú cung cấp thường rộng gấp ba bốn lần. Đây là cơ hội cho các họa sĩ được thỏa chí vùng vẫy (và vung vẩy) với tác phẩm to bất thường để còn về chém gió với đồng nghiệp.

Các chương trình cư trú không có tiêu chí chung về địa điểm tổ chức nhưng thường ở những nơi thanh bình, yên tĩnh trong lành. Mà dẫu có ở trong lòng các thành phố đi nữa thì cũng chẳng nơi đâu trên thế giới cạnh tranh được với Hà Nội về khoản tiếng ồn và bụi bẩn.

Nghệ sĩ Vũ Kim Thư với tác phẩm thực hiện trong Goyang National Art Studio của Hàn Quốc. Nguồn Facebook

 

2. Thay đổi môi trường văn hóa

Vâng, đây có lẽ là phần quan trọng nhất để nộp đơn vào các chương trình cư trú. Sự thay đổi này không phải là việc tránh được những lời mời cà phê buổi sáng và bia bọt buổi chiều (vì sang “bển” có khi còn cà phê bia bọt nhiều hơn). Dầm mình vào một không gian văn hóa khác, sống với những con người có lối ứng xử khác, một xã hội có luật lệ nề nếp khác sẽ làm giàu hơn hiểu biết và trải nghiệm của người nghệ sĩ.

Theo tôi thấy từ chính mình hay từ những “cánh chim không mỏi” đã nêu danh ở trên, mỗi lần tham dự một chương trình cư trú là một cơ hội cắp ba lô đi chơi loanh quanh khắp các vùng lân cận. Một khi đã bay hàng ngàn cây số sang đó chỉ để vẽ không thôi thì quá phí. Một cái ba lô, một bản đồ, một đôi giày nhẹ bền và một tinh thần du lịch bụi bặm sẽ làm giàu hơn kết quả của mỗi lần xuất ngoại.

 

3. Các mối quan hệ nghề nghiệp

Tiếng Anh có một danh động từ là “networking” để chỉ việc mở rộng các mối quan hệ nghề nghiệp. Giống như một con nhện giăng tơ, mạng lưới càng rộng thì càng tăng khả năng “bắt được ruồi”.

Trước tiên, được chấp nhận vào một chương trình cư trú, tiểu sử nghệ thuật của bạn sẽ được dài thêm một hoặc hai dòng. Đôi khi, một chương trình cư trúcòn được kết thúc bằng một triển lãm nhóm hoặc cá nhân. Với tiểu sử càng ngày càng nặng, bạn càng có khả năng nhận được cơ hội đến với các chương trình mới.

Những chương trình cư trúcó tiếng luôn là nơi mà các curator, những chủ gallery để mắt tới. Những người điều hành các chương trình cư trúthường là những người có quan hệ rộng trong giới nghệ thuật nên có thể giới thiệu bạn đến những nhân vật đem lại lợi lộc trước mắt cũng như cơ hội lâu dài. Theo quan điểm của tôi, một khi đã được mời vào một chương trình cư trú, ngoài việc dành thời gian đi “phượt”, chúng ta cũng nên dành tâm huyết để lao động một cách tích cực. Khi có được các tác phẩm tốt trưng bày trong các chương trình cư trú, những cơ hội mới sẽ mở ra theo những cách bất ngờ nhất.

Nhiều anh chị em đi về thường khoe mình bán được tranh ngay tại trại sáng tác. Tiền tươi thóc thật luôn là thứ quý giá, nhất là so với cảnh mà các gallery nước nhà lúc nào cũng nhăm nhăm ăn bớt, ăn chặn của nghệ sĩ (nói chung nhé, không nói riêng ai nhé, không nói tất cả nhé). Quan trọng hơn, chúng ta có thể có những mối quen biết lâu dài từ những bức tranh được bán.

Các chương trình cư trú thường mời nhiều nghệ sĩ trong một đợt vậy nên đây cũng là cơ hội để dân nghệ dân gừng gặp nhau. Cà phê chồng lên cà phê, bia bọt tiếp nối bia bọt.

Nghệ sĩ Đinh Công Đạt tại Chương trình cư trú nghệ thuật Art Omi (Mỹ). Nguồn Artomi.org

 

4. Hỗ trợ kinh tế

Tôi thường nhớ đến một câu nói bông đùa: “Nghệ sĩ là những người coi kinh tiền bạc nhưng lại hay hỏi vay tiền mặt”. Nhất là với một nghệ sĩ trẻ vẫn phải chật vật chạy ăn từng bữa, thật thú vị khi nhận được một chuyến “đào thoát ngắn ngày” đến một nơi không phải lo lắng đến những cú điện thoại đòi nợ hoặc những chuyện “hèn cả người” khác. Các chương trình cư trú khác nhau có các hình thức hỗ trợ khác nhau. Đôi khi là ngày ba bữa ăn uống kèm với một ít tiền mua vật liệu sáng tác, đôi khi những thứ này được gộp lại thành một cục để họa sĩ tự xoay sở. Tiền vé máy bay cũng là một khoản quan trọng mà có nơi hỗ trợ, có nơi không.

Nên nhớ rằng, vật liệu cho sáng tác nghệ thuật ở nước ngoài thường rất đắt (vì thuế hoặc vì không có hàng Tàu nhái). Các nghệ sĩ Việt Nam khi đi thường mang theo màu mè, giấy, toan mua từ trong nước. Chuyện này dẫn đến một cư ý khác: Nghệ sĩ nào định mang sơn dầu lên máy bay (hành lý ký gửi), không được mang các tuýp màu có ký hiệu dễ cháy. Các phụ gia làm khô nhanh, làm lỏng hay dầu lanh cũng không nên mang theo. Chắc chắn an ninh sân bay sẽ lôi bạn ra hỏi han về các loại màu, tương đối mất thời gian và tốn nước bọt. Vì vậy bạn nên đến sân bay sớm và sau khi ký gửi hành lý thì đứng đó chờ, để an ninh sân bay không mất thời gian đi tìm.

Thường thì chi phí sinh hoạt ở các nước khác vẫn cao hơn Việt Nam, nên nếu anh chị em sống thanh đạm một chút, đôi khi số tiền dư mang về có thể giúp chúng ta sống thêm vài tháng trong nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chúng ta nên cố gắng tiêu hết tất cả số tiền được hỗ trợ bằng cách đầu tư thêm cho vật liệu, vẽ nhiều hơn, đi phượt loanh quanh nhiều hơn. “Chả mấy khi !!”

Có một người bạn ngoại quốc đưa ra câu hỏi: “Sao bọn Việt Nam chúng mày thích ăn mì tôm thế? Đứa nào sang đây cũng mang theo một đống mì tôm.” Tôi cứng họng. Người Việt mình nhiều khi tiết kiệm không phải lối (trong khi lại rất phung phí theo các cách khác). Tốt nhất nên cung cấp cho mình một chế độ ăn tốt. Bởi điều tệ hại nhất với một nghệ sĩ Việt khi đi nước ngoài là “đi ngoài ra nước” hay khái quát hơn là lăn ra ốm. Không phải chương trình cư trú nào cũng có bảo hiểm y tế cho nghệ sĩ. Chi phí thuốc men “ở bển” thường rất đắt, thuốc phải bán theo đơn. Bởi vậy anh chị em nên mang theo mình những thứ thuốc cơ bản (cảm, sốt, đau bụng, ngộ độc…), nên ăn uống đầy đủ và… nhất quyết Không Được Ốm.

Họa sĩ Lê Quốc Việt và các khán giả yêu nghệ thuật ở Boston (chương trình cư trú của Indochina Art Partnership). Nguồn: Facebook Le Quocviet

*

Bí kíp luyện công ở đâu?

Tôi phân vân không biết có nên nói rằng chúng ta nên tìm bí kíp từ tủ sách dạy tiếng Anh? Nói thế kể ra cũng hơi giáo điều. Chúng ta có thể học tiếng Anh từ các trung tâm giáo dục nhưng cũng có thể từ truyền hình cáp, từ những lần bù khú với đám đồng nghiệp mắt xanh mũi lõ… Cao thủ bôn tẩu như anh Việt Tàu, Đạt rồ hay bạn Tuấn Mámì có lẽ cũng học tiếng Anh theo những cách rất không chính thống. Những ai chưa biết tiếng Anh, xin hãy bắt đầu học ngay từ lúc này. Tiếng Anh của bạn có thể chưa tốt nhưng không thể không có.

Bí kíp có lẽ bắt đầu từ trong chính bạn. Bí kíp cũng có thể tìm thấy từ internet. Rất nhiều trang web đưa thông tin về các chương trình cư trú nghệ thuật và lịch nộp đơn.

Bạn có thể tìm từ các nguồn sau đây: ResArtist.org : Đây là trang web mà tôi thấy đầy đủ thông tin và trình bày khoa học nhất. Tôi đã gửi nhiều hồ sơ theo các địa chỉ từ trang web này tuy nhiên vận may của tôi chưa đến qua trang web này.

UNESCO – Aschberg Bursaries: Liên Hiệp Quốc thông qua tổ chức Văn Hóa Giáo Dục đã rót tiền vào các chương trình cư trú nghệ thuật để toàn phần hoặc kết hợp với các chủ nhà tài trợ cho các nghệ sĩ. Còn gì oai bằng đi sáng tác nghệ thuật bằng tiền đài thọ của Liên Hiệp Quốc. Có 12 chương trình cho bạn lựa chọn. Năm 2010, tôi nộp hồ sơ vào trại Changdong National Art Studio, đấu nhau với khoảng 200 hồ sơ khác, nhưng chỉ leo được vào top 9 trong khi họ chỉ mời 3 người. Năm sau tôi sẽ lại nộp tiếp.

Trans Cultural Exchange : Là một tổ chức phi lợi nhuận đặt tại Boston. Cứ 2 năm một lần họ tổ chức hội thảo để nghệ sĩ và những người điều hành các chương trình cư trú nghệ thuật gặp gỡ nhau. Tôi có may mắn được triển lãm tranh (nhóm) và tham dự Hội thảo gần đây nhất của họ hồi tháng 4/2011. Tôi cũng kiếm được một lời mời từ việc gặp gỡ trực tiếp trong hội thảo này. Trang web chính thức của Trans Cultural Exchange, nhưng bạn có thể vào thẳng blog nơi họ đăng danh sách các chương trình cư trú.

Ngoài ra, còn có một số địa chỉ quen thuộc mà nghệ sĩ Việt Nam thân thuộc như HanoiGrapevine hay Vermont Art Studio….

Chúc các bạn may mắn và chúc … tôi cũng may mắn.

*

Đóng lại một bài viết luôn là việc khó đối với tôi, nhất là khi bài viết này nói về những cơ hội có thể mở ra. Tôi chợt nhớ đến một lần nhậu vui cùng các nghệ sĩ Đông Nam và Bắc Á, chúng tôi cùng đồng ca một bài hát Tàu đầy chất giang hồ kiếm hiệp – bài Bến Thượng Hải. Các nghệ Tàu khựa hét tiếng Hoa, nghệ Singapore hát lời tiếng Anh (hình như thế) và các nghệ ta thì đương nhiên gào to tiếng Việt:… biển sóng dạt dào, trùng dương lớp lớp sóng xô về chốn nao

*

Bài liên quan:

– Bốn bể là nhà
– RIMBUN DAHAN – Ngàn xanh

Ý kiến - Thảo luận

0:08 Thursday,26.5.2011 Đăng bởi:  ngan digan
Cảm ơn những chia sẻ của anh Thông !
...xem tiếp
0:08 Thursday,26.5.2011 Đăng bởi:  ngan digan
Cảm ơn những chia sẻ của anh Thông ! 
13:31 Tuesday,24.5.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Cám ơn các bạn đã ủng hộ bài viết. Hy vọng nhiều người trong số chúng ta kiếm được nhiều lời mời đi nước ngoài. Chúc may mắn!
...xem tiếp
13:31 Tuesday,24.5.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Cám ơn các bạn đã ủng hộ bài viết. Hy vọng nhiều người trong số chúng ta kiếm được nhiều lời mời đi nước ngoài. Chúc may mắn! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả