Nghệ sĩ thế giới

14. 7: Sinh nhật James Whistler –
con công giận dỗi 14. 07. 11 - 9:40 pm

Khôi Nguyên tổng hợp

 

James Abbott McNeill Whistler là một sĩ gốc Mỹ, sống tại Anh. Do thấy giữa tranh và nhạc có sự song hành, ông thường đặt tên tranh bằng những thuật ngữ của âm nhạc: "arrangements" (chuyển biên), "harmonies" (hòa âm), “nocturnes" (dạ khúc), và chú trọng đến sự hài hòa về tông màu. Thí dụ như bức trên có tên: "Symphony in White No-1" hay "Cô gái mặc đồ trắng - một bức tranh nữa của Joanna Hiffernan". Nói đến Whistler thì ôi thôi rất nhiều chuyện, bạn chỉ cần nhớ tạm mấy chi tiết sau:

 

1. Bức Whistler's Mother - chân dung vẽ mẹ ông. Là bức chân dung nổi tiếng nhất của Whistler, vẽ người mẹ mộ đạo. Khi mới ra, bức tranh bị cả nước Anh chỉ trích, giễu cợt, coi là một thể nghiệm bất thành. Nhưng Whistler kiên trì quảng bá cho tranh, và dần dà người ta cũng coi đây là một tuyệt tác, một biểu tượng mẫu mực của tình mẹ, một bức tranh thuộc hàng đắt giá nhất, thậm chí còn được làm hình cho tem Mỹ năm 1934. (Về bức tranh này, Soi sẽ có bài sau).

2. Chữ ký: Whistler say mê đồ sứ châu Á. Ông bắt đầu ký chữ ký hình con bướm nổi tiếng vào những năm 1860s, khi bắt đầu chơi đồ sứ. Ông nghiên cứu các con dấu của lò gốm đóng trên những món đồ mà ông đã sưu tập, rồi nghĩ rằng phải thiết kế riêng một monogram (chữ lồng) bằng những ký tự đầu J.W của tên mình. Dần dần monogram J.W đó biến thành một con bướm kiểu trừu tượng. Rồi Whistler thêm một cái ngòi cho con bướm, thành ra một con dấu vừa thể hiện được bản chất nhạy cảm và tinh tế của ông, vừa toát lên được tinh thần hăng hái và nóng nảy (cũng của ông!).

3. Phòng Con Công: Whistler có một một tuyệt tác về trang trí nội thất là Peacock Room. Mọi việc bắt nguồn từ việc nhà triệu phú đồng thời là bạn ông, Leyland, giao căn phòng này cho một kiến trúc sư để biến nó thành phòng trưng bày bộ sưu tập đồ sứ Nhật. Không hài lòng với kết quả, Leyland giao lại cho Whistler, tưởng đâu Whistler sẽ chỉ thay đổi lại chút chút để hài hòa với mục đích của căn phòng. Tuy nhiên, Whistler để trí tưởng tượng mình đi hoang, “Chà, ông biết đấy, tôi cứ thế mà vẽ. Tôi vẽ… mà không có phác hay thiết kế sẵn gì, cứ tự do thế trong từng nhát cọ… Và sự hài hòa giữa vàng với xanh cứ thế mà thành, vui quá tôi quên hết mọi sự”. Whistler vẽ, trét lên cả những lớp da cổ Cordovan trong phòng bằng những lớp sơn dày xanh dương xanh lá, giả men Nhật, điểm thêm hai con công bằng vàng lá.

Khi quay lại, Leyland sốc nặng. Tức giận vì hỏng mất lớp da bọc đắt tiền tậu từ một tay buôn đồ cổ - nghe nói da này lấy từ con tàu Armada của Tây Ban Nha đắm hồi 1588 - nghệ sĩ và ông chủ đã có một trận cãi nhau về căn phòng và về thù lao, dữ dội tới mức mối quan hệ giữa hai người cũng chấm dứt. Quá muốn hoàn tất tác phẩm dang dở, Whistler đồng ý chỉ nhận nửa số tiền thù lao để được vẽ nốt. Và Leyland tức điên khi biết Whistley qua ham nổi tiếng, không những đi mời bạn bè của mình và những ông chủ tiềm năng khác, mà còn mời báo chí và công chúng vào Phòng Con Công xem mình làm việc. Để trả thù, Leyland trả cho Whistley bằng đồng bảng thay vì bằng đồng guinea (người ta chỉ trả cho nghệ nhân bằng bảng, trả cho nghệ sĩ bằng guinea!). Đáp lại, Whistler bồ luôn với vợ Leyland, rồi vẽ luôn thành hai con công đang đánh nhau, thể hiện sự mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và người chủ: một con cầm cọ còn con kia cầm một túi tiền.

Người ta đồn Whistler nói vào mặt Leyland, "À, tôi đã làm cho ông thành nổi tiếng. Tác phẩm tôi sẽ sống mãi trong khi người ta sẽ quên ông. Rồi ông sẽ thấy, từ nay về sau, người ta chỉ nhớ tới ông là chủ nhân của Phòng Con Công”. Ông Leyland này kể ra cũng hiền: vợ ông sau đó bỏ ông nhưng Phòng Con Công ông vẫn để nguyên, không xóa đi bức tranh đáng ghét. Trong ảnh: chi tiết hòm vàng dưới hai con công đánh nhau. (Cái này Soi thực là không chắc, bạn nào biết thì chỉ giúp nhé)

Về sau nhà kỹ nghệ Mỹ Charles Lang Freer đã mua lại nội thất Phòng Con Công, lắp trong dinh thự của mình ở Detroit. Sau khi ông mất, Peacock Room được đưa về lắp vĩnh viễn tại gallery nghệ thuật Freer ở Smithsonian, Washington, D.C. Từ 1923 đến nay, phòng luôn mở cho công chúng vào xem. Câu chuyện về căn phòng này cũng được giảng dạy trong các buổi ngoại khóa về mỹ thuật ở cấp II. Sau khi tham quan phòng, các bé sẽ được yêu cầu vẽ con công. Và trong ảnh là một bức vẽ thu hoạch của một bé lớp 6.

Ý kiến - Thảo luận

13:11 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Để trả thù, Leyland trả cho Whistley bằng đồng bảng thay vì bằng đồng guinea (người ta chỉ trả cho nghệ nhân bằng bảng, trả cho nghệ sĩ bằng guinea!). Đáp lại, Whistler bồ luôn với vợ Leyland,..."

Quá kì lạ!

Ghi nhớ: ĐỪNG ĐÙA VỚI CÁC HOẠ SĨ! Động vào biết liền!

Cám ơn anh/chú Khôi Nguyên về bài dịch rất thú vị và rất đời.
...xem tiếp
13:11 Friday,15.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Để trả thù, Leyland trả cho Whistley bằng đồng bảng thay vì bằng đồng guinea (người ta chỉ trả cho nghệ nhân bằng bảng, trả cho nghệ sĩ bằng guinea!). Đáp lại, Whistler bồ luôn với vợ Leyland,..."

Quá kì lạ!

Ghi nhớ: ĐỪNG ĐÙA VỚI CÁC HOẠ SĨ! Động vào biết liền!

Cám ơn anh/chú Khôi Nguyên về bài dịch rất thú vị và rất đời. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả