Bàn luận

Em-co-y-kien và Nguyễn Anh Tuấn:
Lạc hậu? Sao lạc hậu? 06. 09. 11 - 9:48 am

(SOI: Sau bài “Người nông dân và chiếc máy bay” của Nguyễn Anh Tuấn, trong mục thảo luận, bạn Em-co-y-kien và tác giả có trao đổi một số điều. Những trao đổi này đều rất thú vị, Soi xin cắt thành bài để các bạn tiện theo dõi. Tên bài do Soi đặt. Hình ảnh chỉ có tính chất trang trí :-))

EM-CO-Y-KIEN

Anh Tuấn viết: “… đời sống văn hóa trong nước thì trống trơn như một vùng hoang vu…”

Em thì nghĩ: có lẽ anh Tuấn đang nói tới “đời sống mỹ thuật/nghệ thuật chất lượng cao”? Chứ còn nơi nơi hoạt động “văn hóa” kinh lắm, phường phường thi hoa hậu, đài đài thi “Ai-đồn” (Ai-đồn-nầu-oai?). Đến con ngõ béo tẻo nhà em còn dựng quả “cổng mời” to vật vưỡng dán khẩu hiệu rõ hoành: “Khu phố văn hóa XXX”.

Như thế là mật độ hoạt động văn hóa nhà ta đâu có “trống trơn”, có khi còn đậm đặc quá, rối bời quá, dẫn đến lú, đến bấn loạn, phải không anh?

 

NGUYỄN ANH TUẤN

Đấy chính là nghịch lý của văn hóa nước mình khi người dân luôn phải sống trong môi trường văn hóa thấp, rẻ tiền, không có định hướng hoặc định hướng theo kiểu “tàu nhanh, ăn xổi” như vậy. Đã bao lâu rồi mà nền văn hóa đại chúng của chúng ta không nhúc nhích được một chút nào, từ những hoạt động chính thống của Hội Mỹ thuật, các triển lãm khu vựctoàn quốc vẫn là một loại “loa phường”. Và nghệ sỹ tâm huyết vẫn âm thầm sáng tác, vẫn có nhiều sáng tạo độc đáo, có thẩm mỹ và có tính giáo dục nhưng dường như khoảng cách từ nghệ thuật tới công chúng chưa bao giờ xa như thế này.

 

EM-CO-Y-KIEN

Anh viết: “Chúng ta có sự sáng tạo và thẩm mỹ hàng đầu Đông Nam Á”. Em đọc câu này thấy mình “hàng đầu” cũng sướng, nhưng rồi tự kiểm thảo, lại sượng zừ da gà, anh ạ.

Còn nhớ, lâu rùi, dễ đến 7-8 năm, em nghe mấy chú bác chuyên đi trại khu vực, về kể là từ trước vưỡn được các thầy nhồi cho “khái niệm” họa sĩ ta tay nghề oách nhất vùng, trường ta cổ kính nhất vùng, ra ngoài mới tẽn tò là quân nhà vẽ chậm kinh, lạc hậu kinh… từ đó gặp bạn bè khu vực là cấm còn cái ý coi mình vai vế “anh cả”, coi bạn là “em út” nữa.

Anh Tuấn có đồng ý là: “…Chúng ta có sự sáng tạo và thẩm mỹ không đến nỗi nào so với các nước khu vực…” (May cô thương không dính suất áp chót, không đến nỗi rơi vào tốp xuống hạng ở Đông Nam Á…”) được không ạ?

Tranh của Kaveh (Iran)

NGUYỄN ANH TUẤN

Mình không có ý nói đến tay nghề của nghệ sỹ Việt Nam, ý của mình là năng lực-khả năng sáng tạo và con mắt thẩm mỹ của nghệ sỹ Việt Nam xét ở mặt bằng chung là rất tốt, có thể đứng hàng đầu khu vực (tất nhiên là Đông Nam Á, không nói Đông Á bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản). Ví dụ sau giai đoạn XHCN đến đầu thời kỳ Đổi Mới, từ nền nghệ thuật Hiện thực XHCN, nghệ sỹ Việt Nam đã nắm bắt và thay đổi rất nhanh về nghệ thuật hiện đại và chỉ sau chưa đến 10 năm ta đã có một nền Hội họa Đổi Mới rất rực rỡ. Sau 1997 khi nghệ thuật Đổi Mới thoái trào, Sắp đặt và Trình diễn vào Việt Nam, cũng có ngay một lớp nghệ sỹ trẻ của nghệ thuật mới như lớp các anh Minh Phước, Minh Thành, Trương Tân

Hiện nay nghệ thuật Việt Nam có tụt hậu so với khu vực là do các cơ chế hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam hoàn toàn lạc hậu, bất cập, không hỗ trợ chút nào cho nghệ sỹ và ngược lại còn cản trở nghệ thuật mới đến với cộng đồng. Ba ý kiến của mình trong bài viết về Luật, Thị trường và Bảo tàng hiện đại là ba thứ (theo mình) rất căn bản để thay đổi tình trạng của nghệ thuật Việt Nam. Thực ra ý kiến này không mới, các ông Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng đã phát biểu nhiều lần về 3 vấn đề trên nhưng chưa thay đổi được gì, và hình như người ta cũng không quan tâm lắm. Nếu ba điều trên hình thành được ở Việt Nam thì mới mong nghệ thuật và nghệ sỹ chúng ta có sự lột xác được.

 

EM-CO-Y-KIEN

Anh Tuấn ơi, em vẫn nghĩ mình không tự ti, nhưng nhìn các bạn bè xung quanh khu vực, thấy họ tiến xa, tiến nhanh, cũng sốt ruột anh nhỉ?

Chẳng nhẽ cứ đổ tại các thể chế văn hóa? Mà đổ cho hoàn cảnh là cách dễ để tự an ủi?

Em nghĩ nghệ sĩ bản thân nên tự xét mình, xem tài, trí, đức, dũng đã hay hơn các bạn trong khu vực chưa, đúng không anh?

Và còn một ý em thấy cũng quan trọng: nói thị trường thì người mua là ai: Tây (du lịch, sưu tầm chuyên nghiệp)?, Ta (đại gia, chủ doanh nghiệp, nhân viên mua biếu thủ trưởng, người chơi tranh nghiệp dư, chủ gallery)?

Xin anh tính thêm về thành phần khách mua trên thị trường nước ta, được không ạ?

 

Tranh của Osama Salti

NGUYỄN ANH TUẤN

Tất nhiên là về mặt cá nhân nghệ sỹ thì phải tránh tâm lý đố tại hoàn cảnh, và mình cũng không ủng hộ điều đó. Các nghệ sỹ đích thực tự họ có nhu cầu rất mạnh về sáng tạo cá nhân, và tự họ tạo ra môi trường và điều kiện làm việc cho riêng mình, chứ không đợi một tổ chức hay chính phủ nào giúp đỡ. Điều mình muốn nói đến trong bài viết này là những cơ chế trên hết sức cần thiết để hình thành một nền mỹ thuật lớn, có nội dung, có tính đóng góp rõ ràng về vật chất đối với xã hội thông qua hoạt động đóng thuế và thị trường nghệ thuật. Nghệ sỹ như vậy sẽ phải có trách nhiệm hơn và chuyên nghiệp hơn khi đưa tác phẩm ra ngoài xã hội, có ý thức công dân và ý thức cộng đồng rõ ràng và minh bạch, và người dân cũng được hưởng những thành quả nghệ thuật trực tiếp (từ tiền thuế) và gián tiếp (từ những nghệ thuật chất lượng, từ các sưu tập cá nhân và bảo tàng hiện đại) cao hơn rất nhiều.

Về việc hình thành một cơ chế pháp lý cho nghệ thuật như thế nào, hoạt động thị trường như thế nào, mình không nắm được hết các ý tưởng vì chỉ là một người nghiên cứu nghệ thuật, do vậy rất cần sự đóng góp của nhiều người, đặc biệt những người am hiểu thương mại và pháp lý. Nhưng có một điều rõ ràng là từ giai đoạn Đổi mới, khoảng 1995 cho đến nay, giá tranh Việt Nam trung bình gần như đứng nguyên (thông qua trao đổi với các họa sỹ từng bán tranh qua các gallery sang Đông Nam Á, Hồng Kông, Châu Âu, Mỹ…), trong khi dollar và tiền Việt đã mất giá rất nhiều cùng khoảng thời gian đó. Tại hội thảo SAM ở Singapore năm 2008, rất nhiều người đã nhắc lại vấn đề đó và từng rút ra kết luận là do ở Việt Nam chưa có thị trường chuyên nghiệp, chưa có hệ thống định giá và chưa có luật cùng hành lang pháp lý để đảm bảo cho giá trị nghệ thuật. Và điều này tự người Việt Nam phải làm, từ nhà nước cho đến nghệ sỹ và xã hội, chúng ta phải tự định giá và đánh giá nghệ thuật của chúng ta trước, và các hoạt động thương mại sẽ diễn ra dựa vào thước đo ấy. Ví dụ tranh của những tác giả tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí… rõ ràng có thể định giá được vì tài năng của họ đã được khẳng định, và những tác giả mới kế cận như Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Vũ Thăng, Lê Quảng Hà, Trương Tân… và những sáng tạo Sắp đặt. Nếu tự xã hội chúng ta không biết cách tôn vinh nghệ thuật và nghệ sỹ của mình, thì không ai làm hộ hết, và sẽ mãi bị đánh giá thấp kém, thiếu chuyên nghiệp, bởi nghệ thuật đó – văn hóa đó có chỗ đứng được trong chính xã hội sinh ra nó đâu ??? Và giá trị trong xã hội hiện đại là gì – vẫn là dựa trên tiền và sau đó là vị thế, còn như đánh giá cảm tính hay ho thế nào cũng chỉ là hữu danh vô thực. Chúng ta phải thừa nhận một sự thực là phần đông nhân dân biết đến Picasso hay Van Gogh vì giá tranh của họ quá cao; nếu không cũng chẳng ai biết họ là đâu, trừ giới nghệ thuật và những người yêu nghệ thuật.

Đây là một câu hỏi lớn mà tôi chỉ có thể nêu ra như vậy. Cảm ơn bạn đã trao đổi.

Ý kiến - Thảo luận

7:42 Thursday,8.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Bài viết không chỉ xoay quanh triển lãm mà còn đối thoại với nghệ sỹ về một vài vấn đề như sáng tạo tác phẩm,trách nhiệm của nghệ sỹ và ý thức xã hội, cũng như giá trị của nghệ thuật trong xã hội hiện tại như thế nào. Bài này đã đăng tải trên tạp chí Mỹ thuật, nhưng có lẽ không nhiều người đọc..."

Em cám ơn anh Tuấn và mong sớm được đọc bài
...xem tiếp
7:42 Thursday,8.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Bài viết không chỉ xoay quanh triển lãm mà còn đối thoại với nghệ sỹ về một vài vấn đề như sáng tạo tác phẩm,trách nhiệm của nghệ sỹ và ý thức xã hội, cũng như giá trị của nghệ thuật trong xã hội hiện tại như thế nào. Bài này đã đăng tải trên tạp chí Mỹ thuật, nhưng có lẽ không nhiều người đọc..."

Em cám ơn anh Tuấn và mong sớm được đọc bài viết này.

Nhưng ngay câu trên cũng lại làm em nảy í lo: tại sao 1 tạp chí đầu đàn về mỹ thuật, được nhà nước và lãnh Hội chăm chút in ấn xuất bản, có cả ban bệ và trụ sở to mà lại không phục vụ được đông đảo người đọc và các họa sĩ?

Do phát hành kém (giá cao??)? Do chất lượng bài vở kém (nội dung nhàm?, chủ đề không bổ ích thiết thân? nội dung kiểm duyệt cắt nhiều mất hay? người viết kém? nhuận bút kém nên người viết chê?... Hay chính độc giả và họa sĩ bây giờ không thích báo đọc, mà khoái báo mạng hơn (như Soi đó :-))?

Lăn tăn ghê gớm!!! 
23:13 Wednesday,7.9.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Anh Tuấn
Gửi bạn Em-co-y-kiến:

Thay vì trả lời phần trao đổi (rất dài) của bạn, mình đã gửi lên SOI một bài phỏng vấn do mình thực hiện với nhà điêu khắc Đào Châu Hải sau cuộc triển lãm biển Đông của ông với họa sỹ Lý Trực Sơn. Bài viết không chỉ xoay quanh triển lãm mà còn đối thoại với nghệ sỹ về một vài vấn đề như sáng tạo tác phẩm,trách nhiệm của ngh
...xem tiếp
23:13 Wednesday,7.9.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Anh Tuấn
Gửi bạn Em-co-y-kiến:

Thay vì trả lời phần trao đổi (rất dài) của bạn, mình đã gửi lên SOI một bài phỏng vấn do mình thực hiện với nhà điêu khắc Đào Châu Hải sau cuộc triển lãm biển Đông của ông với họa sỹ Lý Trực Sơn. Bài viết không chỉ xoay quanh triển lãm mà còn đối thoại với nghệ sỹ về một vài vấn đề như sáng tạo tác phẩm,trách nhiệm của nghệ sỹ và ý thức xã hội, cũng như giá trị của nghệ thuật trong xã hội hiện tại như thế nào. Bài này đã đăng tải trên tạp chí Mỹ thuật, nhưng có lẽ không nhiều người đọc, nay mình mong SOI đăng lại để mọi người cùng theo dõi, vì TL đã qua lâu rồi nhưng vấn đề sáng tạo và tính xã hội của nghệ thuật thì chắc chưa bao giờ cũ cả.
Nếu có thể, sau bài đó, bạn và mình có thể trao đổi tiếp.
Cảm ơn SOI và bạn đã lắng nghe những ý kiến của mình. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả