Bàn luận

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa – Tranh Trừu Tượng 07. 10. 11 - 3:43 pm

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

 

 

Ở giữa (In the middle), Đặng Xuân Hòa, sơn dầu trên vải

 

ĐẶNG XUÂN HÒA – TRANH TRỪU TƯỢNG

Khai mạc: 18h ngày 7. 10. 2011
Từ 7. 10 đến 7. 11. 2011

Eight Gallery (mở cửa thứ Ba đến Chủ nhật, đóng cửa thứ Hai)
Tòa nhà Lafayette, số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, Tp.HCM

 

Đặng Xuân Hòa là họa sĩ thành danh sau “Đổi mới”. Anh theo đuổi chất liệu sơn dầu trong gần 30 năm.

Bắt đầu sự nghiệp vào đầu những năm 90 với loạt tranh có tên Những đồ vật của con người, (Human objects) anh được đồng nghiệp chú ý. Nhiều  gallery cũng như  những nhà sưu tập nổi tiếng trong nước, trong khu vực Châu Á và thế giới có tranh của anh.

Khoảng 10 năm sau, đề tài xã hội được anh quan tâm và thích thú với qũy thời gian khá dài cùng với loạt  tranh chân dung, tự họa và đời sống của  con người Việt Nam đương đại. Thời kỳ này một số tác phẩm của anh đã rất thành công trong cách nhìn mới,  mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Anh có mặt trong các cuộc đấu giá từ năm 2005 đến nay bởi các nhà đấu giá nghệ thuật như Sotheby, Christie, Borobudur, Larasati.

Năm 2008, giữ vị trí thứ 12 trong Top 30 nghệ sĩ bán tranh đắt giá nhất Đông Nam Á (Top 30 Southeast Asian artists in 2008) (tổng kết từ hai nhà đấu giá Sotheby và Christie) và Top 10 của  nhà đấu giá Larasati (phần đấu giá nghệ thuật Đông Nam Á đương đại) (Southeast Asian Mordern & Comtemporary) tại Amsterdam.

Lần này xuất hiện tại Eight Gallery với loạt tranh trừu tượng, họa sĩ đưa đến  cho người xem một cái nhìn khác về đời sống xã hội.

Hiện anh là thành viên hội đồng tư vấn nghệ thuật của tổ chức International Artists in Residencies Program (VAAT-Singapore).

Họa sĩ đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ Thuật Singapore, và Bảo tàng Mỹ Thuật Malaysia.

 

*

Ra ngoài !(Get_out!), Đặng Xuân Hòa, sơn dầu trên vải

 

Đặng Xuân Hòa – Con đường tới trừu tượng

Loạt tranh này của Đặng Xuân Hòa liên quan đến sự ra đời của Eight Gallery – số 8 Phùng Khắc Khoan, Thành phố Hồ Chí Minh.  Tháng 10. 2010, chúng tôi ra Hà Nội gặp Đặng Xuân Hòa để mời anh làm triển lãm cá nhân trong dịp khai trương Eight Gallery.  Chúng tôi chọn anh vì tài năng và tăm tiếng của anh và cũng bởi anh là người bạn thân đã 20 năm gắn bó…  Nhưng thật bất ngờ, Đặng Xuân Hòa từ chối.  Anh cần thêm thời gian và muốn dấn thân vào thách thức mới – hội họa trừu tượng.

Sau ba tháng chờ đợi, chúng tôi gặp lại nhau tại xưởng vẽ của anh.  Hà Nội những ngày đầu năm 2011, mưa và lạnh…  Đó là hai bức tranh trừu tượng đầu tiên của Hòa, còn tươi rói và thơm mùi sơn.  Anh vui vì công việc bắt đầu trôi chảy sau nhiều ngày chuẩn bị.  Rồi tiếp theo là cả một loạt tranh với phong cách mới mà anh đặt tên là City for you (Thành phố của bạn).  Những bức tranh vẽ sau dường như vào mạch, một dòng chảy thanh thoát, đằm sâu!

Bức Sắc đêm còn dấu vết của cái nhìn từ trên cao xuống một thành phố ban đêm với các ô cửa sáng đèn như được nhìn qua cửa sổ máy bay.  Và cảnh quan mờ dần trong các bức Trắng gần, Trắng xa để rồi hoàn toàn trừu tượng ở các bức khác, đúng như Paul Klee nói:  “Chỉ có tựa đề của các bức tranh khiến cho những bố cục ấy có ý nghĩa cụ thể”.

Con đường tới trừu tượng của Đặng Xuân Hòa có lẽ đã khởi đi từ những giai đoạn trước, khi tư duy sáng tạo của anh không lệ thuộc quá nhiều vào hình ảnh sự vật, khi bản thân các đối tượng hội họa rất biểu hình ấy đã có một bố cục xô lệch, phi hiện thực trong tranh anh.  Sự vật chỉ là những dạng thức tượng trưng để anh thể hiện chất liệu và đặc tả màu sắc.  Trong loạt tranh trừu tượng này, những bức Cùng đến, Về hai phía, Ở giữa, Ra ngoài… thực sự là những vũ điệu của chất liệu sơn dầu và của màu sắc, khiến ta liên tưởng đến các tác phẩm rực rỡ của Mark Rothko.

Một bức tranh đẹp và hoàn chỉnh về bút pháp trừu tượng có thể tràn ngập chuyển động, tràn ngập tiết tấu như các tác phẩm của Jackson Pollock hay Wassily Kandinsky, mà cũng có thể yên tịnh, lặng lẽ, chỉ có những mảng hòa sắc lớn choán toàn bộ khung tranh.  Đặng Xuân Hòa đã chọn một phong cách trừu tượng giản dị và trầm mặc, những không gian nền mờ ảo và biểu cảm, tạo nhịp điệu bằng các vệt màu kẻ thẳng viền đen – những vật thể mảnh và dài được sắp đặt, hoặc dọc ngang song song với các cạnh của bức tranh, hoặc nghiêng, chéo, gợi tả một khung cửa, một ngôi nhà hay một ám thị về cái nhìn.  Tái hiện trong nhiều bức tranh, vật thể tượng trưng ấy như chủ đề của một tác phẩm âm nhạc phức điệu, đòi hỏi người xem phải theo đuổi và nắm bắt.  “Hình họa càng thuần khiết, nghĩa là nếu chúng ta càng chú trọng đến dạng thức thể hiện đồ họa, thì bộ khung hiện thực của những vật thể thấy được càng mờ đi” (Paul Klee)

Cũng như các họa sĩ tiền bối và bạn bè, con đường dẫn đến hội họa trừu tượng chưa bao giờ dễ dàng và bằng phẳng.  Có nhiều lý do để Đặng Xuân Hòa và các họa sĩ khác dấn thân vào hội họa trừu tượng.  Đời sống cảnh quan thay đổi.  Tâm trạng thay đổi.  Công chúng của nghệ thuật thị giác cũng thay đổi…

Dĩ nhiên, con đường dẫn đến hội họa trừu tượng không phải là tất yếu cho mọi họa sĩ, và có thể cũng không phải là tất yếu cho Đặng Xuân Hòa.  Nhưng câu hỏi dành cho tất cả chúng ta – người vẽ tranh và người xem tranh – “Tại sao trừu tượng?”, Paul Klee đã trả lời:  “Nghệ thuật không tái tạo những gì chúng ta nhìn thấy mà khiến cho sự vật được nhìn thấy.  Bản chất của hình họa, một cách hợp lý, dẫn thẳng tới trừu tượng”.

Tháng 9. 2011
Trần Hậu Tuấn

 

*

Bài liên quan:

– 7. 10 tại Eight Gallery: Đặng Xuân Hòa – Tranh Trừu Tượng
– Khai mạc CITY FOR YOU: Thân thiện mà sang trọng. Đông đúc mà thảnh thơi.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả