Nghệ sĩ Việt Nam

Về KHÔNG THỜI GIAN: Hiện thực của hư cấu 08. 11. 11 - 6:35 am

Nguyễn Quân

(SOI: Đây là bài viết của họa sĩ Nguyễn Quân về triển lãm “Không Thời Gian”. Xin lỗi các bạn vì đưa lên muộn)

"Mỏ neo", Bùi Duy Khánh, màu nước trên giấy, 50 x 50cm, 2010

KHÔNG THỜI GIAN

Khai mạc: 18h thứ Hai ngày 24. 10. 2011
Từ 24. 10 đến 30. 10.2011
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 – Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

 

Hiện thực cô lại thành một hòn đất – tảng đá, một bàn tay – nắm đấm, một sự câm lặng hay một tiếng thét… là cảm nhận của tôi về triển lãm này.

Bề ngoài, cả ba họa sĩ Bùi Duy Khánh (1972), Mai Duy Minh (1976) và Vũ Ngọc Vĩnh (1978) đều dùng lối tả chân trần trụi. Bề trong là ba cá tính nghệ sĩ rất riêng biệt, chỉ đồng nhất ở điểm lấy hiện thực lầm lì, phẫn nộ, dồn nén hay bùng phát làm năng lượng; lấy sự nhạy cảm cụ thể làm chỗ đặt chân và lấy lòng thương cảm u uất cùng tình lãng mạn chới với tạo không gian cho tác phẩm.

Tranh màu nước của Bùi Duy Khánh khác nhiều với tranh màu nước Việt Nam quen thuộc giàu nữ tính với thô phác-nhẹ nhàng, mờ tỏ-lơ mơ hoặc điệu đà-chiều mắt-du lịch… Họa sĩ nắm vững kĩ thuật màu nước thực thụ của châu Âu, đủ sức diễn tả mọi thứ: cái kềnh càng – thô tháp, sắc và nặng, trầm và ấm, sần sùi và hoen rỉ, tàn úa và rữa nát, cái vô tận và cái gợn nhẹ giữa hai ngón tay, im lặng và gào thét như chính họa sĩ nói về biển về đá-cát, trời-mây, bê tông-vỏ con hà, những bọt nước-sóng lừng … Cái chất thơ ăn sóng nói gió của những con người miền biển thật hấp dẫn, nam tính. Có cái gì đó phóng khoáng đầy sức hút trọng trường ở những tác phẩm khuôn khổ nhỏ xinh này!

Bùi Duy Khánh

"Biển mùa đông I", Bùi Duy Khánh, màu nước trên giấy, 70 x 50cm, 2010

 

Vũ Ngọc Vĩnh tình cảm nhất với cái quán nước hoành tráng nhất. Văn hóa quán nước là một đặc điểm quan trọng của văn hóa thủ đô, là cái sân khấu Nhà Hát Lớn tối nào cũng sáng đèn, vang lên mọi thang âm số phận. 14 nhân vật và vô số đồ vật của một nơi chốn quá thiết thân với chính họ và quen thuộc với mọi người đang nhìn họ, gặp họ hay muốn bắt chuyện với họ. Đó là các số phận khác nhau về mọi mặt: tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập và tính cách, ứng xử và vóc dáng… Mỗi một điểm chung là hy vọng. Trạng thái, tâm thế hy vọng quan trọng hơn cái mà ta hy vọng. Bác ngư dân khốn khổ có tâm thần không khi gào vào không gian như một đại vương – anh hùng cải thế hay thất thế? Cái ghế cũ nát – từng oai vệ ‘ra phết’- cùng sợi dây thừng là quyết chí mưu sinh hay rắp tâm tự tử? Những người trở về từ đám tang – gợi nhớ Đám tang ở Ornans của tổ sư hiện thực Courbet – thật như ta có thể đã từng gặp, họ quá ‘tầm thường’ mà sao ta muốn vỗ vai, nắm tay để biết họ là ai, đang làm gì, nghĩ gì, cảm gì…? Hãy là thật riêng biệt để quan thiết, quan tâm, gắn bó với người khác.

Vũ Ngọc Vĩnh

"Chiếc ghế đỏ và sợi dây thừng", Vũ Ngọc Vĩnh, sơn dầu, 100 x 100cm, 2011

 

Mai Duy Minh là một cá tính quyết liệt và một tay bút thiện nghệ trong rất hiếm hoi các họa sĩ có khuynh hướng siêu thực ở ta. ‘Trời của dân là cơm’, từ thượng cổ tới hôm nay, sinh tồn là chuyện – là đoạn đường từ cái miệng tới cái dạ dày! Mưu sinh là chuyện cái nồi cơm, cái chảo, cái nắp vung, đôi đũa và cái bát… Lê lết tới trước cái cổng thống soái – uy quyền ấy của đôi tay – cổ thụ trên trái đất tăm tối, cục cằn, đầy sỏi cát và gió rét… ta mới mon men tới được Miền đất hứa ở phía sau kia. Hai năm rưỡi làm một tác phẩm hoành tráng, tuyên cáo về cái sự thật đáng phẫn nộ ấy, họa sĩ đã lọc qua nhiều phương án lựa chọn để rũ bỏ các cách biểu hiện siêu thực ăn sâu trong tiềm thức các danh họa từ Bosch tới Dali… để tìm đến ‘chính mình’. Cây cầu sắt đồ sộ nhất có đồ sộ bằng cái nồi nhôm, cái thuyền rách mắc cạn, cái chõng tre ọp ẹp hay cũng chỉ là nối cái nồi này với cái nồi kia mà thôi? Ý chí, sức lực, tình cảm, công sức đời người bao thế hệ đúc nên đôi tay cầm bát và đũa, gân guốc lam lũ – khổng lồ như hai gốc đa trơ trụi vì sét đánh. Quá đáng phục, đáng thương, đáng căm uất và ngợi ca.

Mai Duy Minh

"Cầu Long Biên 2010", Mai Duy Minh, sơn dầu, 200 x 165cm

"Miền đất hứa", Mai Duy Minh, sơn dầu, 540 x 200cm, 2011

 

Tôi thấy rất “hôm nay” và rất “Việt Nam”, ở triển lãm này và những bức tranh này. Không cần viện tới các chỉ dấu nghệ thuật truyền thống quen mắt quen tay, không kết nối vội vã hời hợt với các cuộc trình diễn tính toàn cầu hay đương đại, hiện thực được ba họa sĩ hư cấu nên hay sự hư cấu sinh ra từ đời sống đã làm nên những tác phẩm đáng trân trọng.

Ba họa sĩ Hải Phòng thuộc thế hệ 7X, bằng các tác tác phẩm của mình đã góp phần thuyết phục ta rằng, lớp nghệ sĩ trẻ này ở cả ba miền đất nước đã bẻ một khúc quanh nữa của dòng chảy thẩm mỹ của Mỹ thuật Việt Nam, họ đã hoặc sẽ khác hẳn –  không còn vướng víu gì nhiều với Hội họa Đổi Mới, Mỹ thuật Hiện thực Xã hội chủ nghĩa hay Mỹ thuật Đông Dương nữa… bởi họ biết kế thừa và vượt qua. Sáng tác của họ buộc ta phải hy vọng rằng thập kỷ mới là của họ.

Nguyễn Quân

 

*

Bài liên quan:

– KHÔNG THỜI GIAN – Hiện thực vĩnh hằng (Bản đầy đủ)
– Nôn nóng đợi KHÔNG THỜI GIAN

– Khai mạc KHÔNG THỜI GIAN: Thật là đông và đủ cái để xem lâu

– Mong sao bảo tàng và ước gì đại gia…

– Về KHÔNG THỜI GIAN: Hiện thực của hư cấu

Ý kiến - Thảo luận

19:40 Tuesday,8.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...lớp nghệ sĩ trẻ này ở cả ba miền đất nước đã bẻ MỘT KHÚC QUANH NỮA của dòng chảy thẩm mỹ của Mỹ thuật Việt Nam..."

Khúc thẩm mỹ nao? Quành ở mô? Xiên ngang Quặt lên Quẹo xuống?

Cà-Cuống ghê gớm...
...xem tiếp
19:40 Tuesday,8.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...lớp nghệ sĩ trẻ này ở cả ba miền đất nước đã bẻ MỘT KHÚC QUANH NỮA của dòng chảy thẩm mỹ của Mỹ thuật Việt Nam..."

Khúc thẩm mỹ nao? Quành ở mô? Xiên ngang Quặt lên Quẹo xuống?

Cà-Cuống ghê gớm... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả