Bàn luận

Bàn về triển lãm bom tấn: Mona Lisa đẹp hay váy chị đẹp? 21. 11. 11 - 9:02 am

Mai Chi

 

.

 

Sách hướng dẫn du lịch Paris của tôi gọi bảo tàng Louvre là bữa tiệc chín mươi chín món, trông thì ngon nhưng khó tiêu, mà bất cứ du khách nào tới Paris sớm hay muộn cũng phải nuốt. Thật vậy, sau mấy lần có dịp qua Paris mà đều ngán ngẩm dòng người rồng rắn vô tận xếp hàng ở cổng, mùa hè năm nay tôi quyết định phải thâm nhập được vào ruột gan con vật khổng lồ này bằng mọi giá. Khổng lồ, vì nó trưng bày 35 000 hiện vật mà nước Pháp được tặng, mua, “sưu tầm” hay nói giản dị hơn là cướp về từ các quốc gia khác nhau qua các cuộc chinh chiến của mình.

Mỗi ngày bảo tàng có hơn 15 000 khách tham quan, bằng một phần ba sức chứa của sân vận động Mỹ Đình, mà lại không được thiết kế như một sân vận động. Đêm hôm trước, tôi lên mạng. Trên cơ man các diễn đàn, người ta tranh cãi nhau về cách tốt nhất để lọt vào bên trong Louvre. Bảo tàng có một cổng chính (kim tự tháp kính của Pei) và ba lối phụ. Người thì nói cổng phụ ở phố Rue du Rivoli rất vắng, chưa bao giờ phải đợi quá 20 phút (bí mật đấy, đừng có nói rộng ra nhé!); người thì bảo lối này chỉ dành cho khách tàn tật đi xe lăn và các tour đã mua vé trước qua mạng. Người thì bảo là hãy đi xuyên qua khu thương mại Arc du Carousel (khu này được nối với lòng kim tự tháp bằng một hệ thống đường hầm), người khác thì bảo đã có lần bị lạc trong khu này nửa ngày mới tìm được lối ra. Cuối cùng tôi chọn cách có mặt một tiếng trước giờ mở cửa.

Người ta vào Louvre để xem gì? Hóa ra là chín mươi phần trăm du khách không tới đây để chiêm ngưỡng phù điêu Ai cập, tượng đá Hy Lạp, đồ đồng của văn minh Inka, nghệ thuật thảm Ba Tư, gốm Châu Phi, đồ sứ Trung Hoa hay tranh tôn giáo Trung cổ. Họ tới để xem duy nhất một cái: Mona Lisa. Do vậy, trong khi người ta có thể thong thả tản bộ trong những phòng trưng bày những tinh túy nhất của tranh Babylon hay tượng La Mã, và thậm chí còn có cảm giác như mình đang ở trong một bảo tàng thực thụ, thì ở ngoài kia, dọc những hành lang dài vô tận và những cầu thang đá khổng lồ dẫn tới Mona Lisa là một cảnh tượng chen lấn xô đẩy kinh hoàng như ở một nhà ga thời chạy loạn. Khách của các đoàn du lịch bấu vào nhau để biến thành một khối đặc lừ lừ di chuyển, đánh tan những đoàn ngược chiều nhỏ hơn hay tổ chức lỏng lẻo hơn, và dí khách lẻ vào sát tường. Khắp nơi người ta cho dán lên tường những photocopy đen trắng của Mona Lisa với mũi tên chỉ hướng, trông như những lệnh truy nã của cảnh sát. Thỉnh thoảng, các đoàn khách cũng dừng lại trước một bức tranh hay tượng nào đó nếu nó tiện nằm ngay trên đường đi. Thời gian dừng mỗi lần trung bình là mười giây. Thời gian dừng trung bình của các đoàn Trung Quốc là năm giây. Rất may là công nghệ hiện đại cho phép hướng dẫn viên không phải gào lên khi thuyết trình nữa – họ nói vào một micro gắn ở mép áo, như đang nói chuyện một mình, và mọi người trong đoàn nghe qua tai nghe không dây, trong khi vẫn ngoắc chặt tay vào nhau để khỏi bị đốn ngã.

Siêu sao Mona Lisa tại bảo tàng Louvre với 15 000 kẻ hiếu kỳ mỗi ngày.

 

Mona Lisa một mình ngự trên cả một bức tường trong một căn phòng kích thước khoảng 20m x 30m. Các bức tường khác có Titian, Tintoretto, Raphael và Veronese, nhưng không ai để ý cả. Các paparazzi chen chúc nhau để tiến lại gần nhất, đèn máy ảnh chớp liên tục. Tôi cần hơn một tiếng đồng hồ để lọt được vào hàng trong cùng, xung quanh tôi mọi người giơ máy ảnh và điện thoại lên quá đầu, có người hai tay hai cái, để chụp hộ những thành viên già yếu trong đoàn không chen được vào. Khi tới vòng trong cùng, họ chụp bản thân đứng trước bức tranh, hai ngón tay giơ hình chữ V chiến thắng. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mona Lisa là cụ tổ của Lady Gaga, năm trăm năm trước Lady Gaga.

Vì sao những người này, những người mà chắc chẳng bao giờ bước chân vào một phòng tranh hay bảo tàng ở quê hương mình, hay bước chân vào một bảo tàng khác ở Paris, lại dành ra nửa ngày quý báu trong chuyến du lịch ngắn ngủi của mình để cố gắng tiếp cận một bức tranh mà họ phải đứng cách xa bốn mét, bị xô đẩy, và ngắm nó qua một lớp kính chống đạn dầy, để tóm lại là không nhìn thấy gì cả? Xét cho cùng thì đây không phải là một cái váy của Marilyn Monroe hay cái áo số 10 của Diego Maradona để người ta phải phát sốt lên đến như thế.

Tôi tìm thấy câu trả lời ở khái niệm triển lãm bom tấn.

Chữ triển lãm bom tấn được dùng để chỉ các triển lãm mà những người vốn không bao giờ tới bảo tàng cũng sẵn sàng xếp hàng hàng giờ liền để vào cửa. Đây là một hiện tượng tương đối mới. Một trong những bom tấn sớm nhất là triển lãm Những kho báu Ai Cập do Bảo tàng Anh tổ chức năm 1972, thu hút 1.7 triệu người xem trong vòng 9 tháng. Nó thuộc vào thể loại bom tấn về những nền văn minh xa lạ, đánh vào sự tò mò của người xem về châu báu, quyền lực, sự phiêu lưu, bí hiểm. Sau này, thể loại này bị lu mờ, và các họa sĩ nổi tiếng lên ngôi: Picasso, Van Gogh, Cezanes v.v… Các bậc thầy cổ điển, các họa sĩ kinh điển của thời kỳ hiện đại, cụ thể là từ Ấn tượng tới Siêu thực, và một số cái tên đương đại, là những bảo đảm chắc ăn nhất để câu khách. Triển lãm Matisse (Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, 1992-93) Monet (Viện Nghệ thuật Chicago, 1995), đều thu hút được gần một triệu người xem. Và Mona Lisa rõ ràng là một tác phẩm bom tấn cỡ khủng nhất, một mình cũng có thể thu hút được hàng triệu người xem mỗi năm.

Không bằng Mona Lisa, nhưng triển lãm của nghệ sĩ đường phố Banksy tại Bảo tàng Bristol năm 2009 cũng thu hút 4 000 người xem một ngày.

 

Thoạt đầu, người ta ca ngợi những triển lãm bom tấn. Chẳng tốt hay sao khi đám đông được kích thích để tìm đến với nghệ thuật. Người ta cho rằng bom tấn giúp «dân chủ hóa» nghệ thuật, làm người dân bớt e dè trong việc tiếp xúc với thứ vốn được coi là “thượng lưu”. (Hãy hình dung ra cảnh một người thợ điện ở ngoại ô London, sau bữa tối, cùng người vợ làm thu ngân ở siêu thị hồi tưởng lại về bức Những cô gái vùng Avignon treo trong triển lãm của Picasso mà họ quyết định đi xem vào tuần trước, sau khi nghe TV đưa tin là đã có hơn một phần tư cư dân thành phố kiên nhẫn xếp hàng ba tiếng đồng hồ để vào cửa.) Các bảo tàng thì hoan hỉ vì vừa nổi tiếng hơn trên báo chí, qua đó thu hút được nhiều tài trợ hơn, vừa hoàn thành nhiệm vụ “giáo dục công chúng” của mình, vừa tăng thu nhập đáng kể thông qua bán vé vào cửa và các đồ lưu niệm (poster in tranh Picasso, đồng hồ treo tường in tranh Picasso, áo phông, cốc, miếng lót nồi in tranh Picasso…).

Tuy nhiên, như Emma Barker phân tích trong cuốn Trưng bày văn hóa đương đại (Contemporary cultures on display) của bà, bom tấn có một loạt các vấn đề.

Nhiều người tới các bom tấn vì hiếu kỳ, và vì áp lực xã hội, do họ không muốn bị coi là lạc hậu về văn hóa. Nhưng sự đông đúc “như ở sở thú” của các triển lãm kiểu này, cùng với các khuếch trương hời hợt trên báo chí dạng «đây là một cơ hội không được phép bỏ qua», không giúp người xem thực sự đối thoại, tìm hiểu và thưởng thức các tác phẩm. Và sau đó, phần lớn lại không bao giờ bước chân vào bảo tàng nữa. Mặt khác, trong cuộc chạy đua của các bảo tàng để thu hút khách và tài trợ từ các công ty, các nghệ sĩ ít nổi tiếng hơn bị gạt ra ngoài – chủ đề của các bom tấn trở nên bó hẹp trong vài cái tên hay lĩnh vực mà được coi là ít rủi ro. Và ngay cả với những ngôi sao tên tuổi, các bom tấn cũng thường chỉ nhấn mạnh những khía cạnh dễ «tiêu hóa» với công chúng, chứ không giới thiệu những phát hiện và nghiên cứu mới nhất về họ. Một ví dụ của cách tiếp cận giật gân này là khi các bức chân dung của những người đàn bà của Picasso không được đề cập tới như những tác phẩm nghệ thuật phức tạp, mà chỉ như những chi tiết mang tính tiểu sử để minh họa Picasso là người “sát gái”, một câu chuyện hấp dẫn hơn là những phân tích nghệ thuật khô khan.

Người dân New York xếp hàng năm tiếng đồng hồ giữa cái nóng mùa hè để xem triển lãm các thiết kế thời trang của McQueen, đưa "Cái đẹp hoang dã" vào danh sách mười triển lãm đông người xem nhất trong lịch sử 141 năm của Bảo tàng Metropolitan New York (2011)

 

Theo Emma Barker, “các triển lãm bom tấn có thể được coi là một hiện tượng thương mại hóa nghệ thuật, biến nghệ thuật thành những show hoành tráng, biến người xem thành những kẻ mù quáng thờ phụng trước bàn thờ của nghệ thuật.” Không có những khái niệm và kiến thức cơ bản về nghệ thuật, người xem sẽ chỉ nhìn mà không hiểu, mà hiểu biết là một yêu cầu cơ bản để có thể thưởng thức nghệ thuật. Các bom tấn nghệ thuật không có tác động trong việc nâng cao hiểu biết của công chúng, do đó chức năng “dân chủ hóa” của chúng là hạn chế. Thật vậy, bộ máy quảng cáo đã biến Mona Lisa thành tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, nhưng có bao nhiêu người trong số những người chen nhau chụp ảnh trên kia bỏ một chút thời gian để đi sâu hơn về nó, về tác giả, về thời kỳ Phục hưng?

Triển lãm của Gauguin tại Tate Modern (London) đầu năm 2011 đã gây giận dữ và phản ứng từ phía công chúng vì lượng khách quá tải không cho phép người xem thực sự thưởng thức.

 

Ở Việt Nam chưa có những ví dụ của triển lãm hay sự kiện văn hóa bom tấn. Không rõ nếu có tổ chức nào đó mượn được một số phác thảo của Michelangelo, thì liệu sinh viên trường Yết Kiêu có xếp hàng vào xem hay không. Nhưng nếu danh ca opera Pavarotti tới biểu diễn thì có lẽ sân vận động Mỹ đình cũng sẽ kín đấy, càng kín nếu như giá vé càng cao, và người ta sẽ bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra để “thưởng thức”. Có lẽ sự kiện có thể được coi là bom tấn mini gần đây nhất là đợt lưu diễn của Dàn nhạc giao hưởng New York năm 2009 tại Hà Nội, khi hơn 1000 chiếc vé được bán hết sạch, mặc dù với giá tới 200 đô la một vé. Trong số khán giả hôm đó, chắc chắn có nhiều người hầu như không bao giờ nghe nhạc cổ điển, và về mặt chất lượng mà nói thì với họ dàn nhạc giao hưởng New York hay Bangkok hay Manila chắc cũng không khác gì nhau.

Cúng bái trước Mona Lisa hay trước bàn thờ Bà Chúa kho thì đều có một tác dụng: nó làm người ta hài lòng với bản thân hơn, yên tâm hơn về giá trị của mình. Tôi hình dung ra khách du lịch bốn phương trở về nhà sau chuyến du lịch Paris của mình, và khoe bức ảnh chụp họ đứng trước Mona Lisa với bạn bè. Liệu họ sẽ chờ đợi một câu bình luận gì? Câu gì cho khoảnh khắc mình tiếp cận được với đỉnh cao của nghệ thuật?

Chắc là câu này:

Ôi, chị mặc cái váy đỏ này xinh quá!

Ý kiến - Thảo luận

14:00 Friday,9.9.2016 Đăng bởi:  Hà Phạm
Cảm ơn Mai Chi về một bài viết rất duyên. Tôi chưa đi Paris nhưng nghe rất nhiều người tiếu lâm về việc đến thăm Louvre chỉ để ngắm Mona Lisa nhưng cách diễn giải của Mai Chi khiến tôi tủm tỉm cười suốt trong cả quá trình đọc bài này. Bài viết diễn đạt rất duyên dáng, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần sâu sắc.
...xem tiếp
14:00 Friday,9.9.2016 Đăng bởi:  Hà Phạm
Cảm ơn Mai Chi về một bài viết rất duyên. Tôi chưa đi Paris nhưng nghe rất nhiều người tiếu lâm về việc đến thăm Louvre chỉ để ngắm Mona Lisa nhưng cách diễn giải của Mai Chi khiến tôi tủm tỉm cười suốt trong cả quá trình đọc bài này. Bài viết diễn đạt rất duyên dáng, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần sâu sắc. 
13:12 Friday,29.1.2016 Đăng bởi:  admin
Là một Khoidv nhé. Mai Chi cũng là Đặng Hoàng Giang :-)
...xem tiếp
13:12 Friday,29.1.2016 Đăng bởi:  admin
Là một Khoidv nhé. Mai Chi cũng là Đặng Hoàng Giang :-) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả