Bàn luận

Tranh nhái: Hãy để chồn ăn cà phê rồi nó sẽ ỉa 19. 11. 11 - 8:55 am

Nguyễn Minh Thành

(SOI: Đây là cmt của Nguyễn Minh Thành cho bài “Nguyễn Thái Tuấn: Màu của tâm trạng“. Soi xin phép được đưa lên thành bài và đánh số phân đoạn để bạn đọc dễ đọc. Tên bài do Soi đặt, và biết là với một bài nhiều lớp ý như thế này, cái tên nào cũng là thiếu sót, mong họa sĩ Nguyễn Minh Thành cho phép.)

.

 

1.

Tranh cãi là tốt nhưng tranh cãi cũng là xấu nữa. Điều này làm tôi không tranh cãi nhiều mặc dù tôi cũng đã nhiều lần muốn tranh cãi. Xong tôi nghĩ đôi khi biết nói được ra những gì mình nghĩ với ý thức tiến hóa, thì tốt cho mình và cho cả người nghe thấy. Vì vậy nên đắn đo một hồi, tôi bèn viết bài này với ý muốn bênh vực họa sỹ Nguyễn Thái Tuấn.

Tôi bênh vực vì tôi rất thích tranh của anh ấy, và qua những tiếp xúc với anh ấy, tôi có thiện cảm tốt đẹp và hoàn toàn tin anh ấy là người có nhân cách đàng hoàng.

Tôi biết Liên Trương, nhưng không thân thiết gần gụi lắm. Trước đây khi Liên Trương còn đang học ở Berkeley tôi có dịp gặp và thăm xưởng vẽ của cô ấy và vẫn còn nhớ một bức tranh sơn dầu lớn cô ấy đang vẽ một người đàn bà bụng chửa. Lần sau nữa tôi gặp Liên Trương tại Hà Nội khi cô ấy làm triển lãm ở Ryllega. Lúc ấy tôi tôi lu bu những chuyện gì đó mà không có thời gian thậm chí để xem triển lãm. Thú thật tôi hoàn toàn không nhớ tác phẩm của Liên Trường ra sao mà chỉ nhớ có thu xếp đi ăn tối với Liên, với ba cô và anh Nguyễn Minh Phước – chủ Ryllega. Liên Trương có kể đôi chút về một tác phẩm sắp đặt sẽ làm ở gallery Quỳnh, mà tôi không hề nhớ. Tôi biết thật là khiếm nhã và rất xin lỗi Liên Trương. Lúc ấy vì nhiều lý do riêng tư mà tôi hầu như không thể xem và tham gia các hoạt động cũng như tin tức về nghệ thuật. Nhưng bữa tối đó thật là thân tình và tôi rất quí Liên Trương cũng như ba cô, một người đàn ông hiền hậu và chân thành. Ấn tượng của tôi về Liên Trương là tôi rất nể trọng cô.

Và cho đến mới đây, nhân triển lãm họa sỹ Nguyễn Thái Tuấn, tôi mới lại được thấy tranh Liên Trương trên SOI.

Nào ngờ bây giờ mới thấy mình chẳng hề thấy hết mọi chuyện trong thiên hạ. Tôi đã biết người mà không biết được tranh, và cũng rất có thể tôi cũng như anh Tuấn, vẽ trùng hợp nếu như cũng nghĩ ra cái ý tưởng không đầu. May quá điều đó chưa xảy ra.

Khi vào Đà Lạt năm 2008, tôi đến thăm họa sỹ Nguyễn Thái Tuấn và xem tranh anh ấy đang vẽ. Tôi rất thích và còn cổ vũ anh ấy về loạt tranh không đầu này, vì tôi thấy rất hay.

Trong cảm giác của tôi, tôi không thấy có gì xấu về sự giống nhau với tranh của Liên Trương, vì tôi tin rằng anh Tuấn cũng không hề biết đã có người vẽ như thế. Nhưng tình ngay lý gian. Và tôi thấy quả thực đúng là trớ trêu! Tôi lại thấy thích thú với sự giống nhau ấy vì quả là trùng hợp hiếm hoi.

Đặt mình vào địa vị anh Tuấn thì tôi thấy thật là khó nói và chỉ có thể nói ngắn gọn được rằng: “Mình không biết Liên Trương hay còn ai đó nữa cũng đã vẽ như thế.”

Và thấy giống nhau mà kết luận là “nhái” hay “đạo” hay “ăn cắp”… là chưa chắc đúng, mặc dù ở đời, thường là hay đúng.

Với tranh như của anh Tuấn và chị Liên Truơng thì đặc biệt. Nếu anh Tuấn hay chị Liên Truơng thay đổi đề tài, ví dụ vẽ một loạt người trong không gian tùy ý, tả thực, nhưng người nào trong tranh cũng quay lưng lại, thì kể cả tôi hay ai đó cùng vẽ, khi xem tranh sẽ thấy là như bị bắt chước của nhau.

Đây cũng là một trường hợp khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và để làm kinh nghiệm cho việc chọn phương thức sáng tác.

Vậy thì chúng ta chỉ có thể kết luận là hai người có sự trùng hợp một cách hiếm hoi. Đó là kết luận từ địa vị của chúng ta. Còn chỉ có anh Tuấn hay chị Liên Trương mới có thể đưa ra lời chứng thực về động cơ họ vẽ tranh như thế nào. Và tôi sẽ hoàn toàn tin những gì anh chị ấy nói, vì với tôi họ là những người chân thực.

Suy từ riêng tôi, tôi cố gắng xem mỗi khi có thể, nhưng cũng không thể nào biết hết được trong thiên hạ có những ai, vẽ gì. Mọi người với hoàn cảnh, điều kiện khác nhau mà nhận biết học hỏi khác nhau. Chỉ cần đừng coi khinh và tự mãn hay gian lận.

Với những gì cho đến hiện giờ tôi biết về anh Tuấn, thì tôi tin anh ấy không coi khinh, không tự mãn và không gian lận.

.

 

 

2.

Khi bị giống nhau thế này, thì anh Tuấn là người chịu thiệt vì xuất hiện sau. Vậy thì đó là thử thách lớn cho những quyết định của anh ấy sau này cũng như đòi hỏi bản lãnh của anh ấy.

Đó là thiệt thòi và thử thách với công chúng thôi, còn với tôi và tranh của anh ấy thì không ảnh hưởng gì, vì tôi có niềm tin của tôi.

Khi chúng ta tin thì không phải chỉ đơn thuần bằng logic và lý trí làm ta tin, mà còn bằng cả phần không diễn giải nổi của trái tim. Khi lớn lên tôi thường được nghe thấy người khác khuyên dạy rằng không được dễ tin và hãy tỉnh táo. Nhưng chúng ta vẫn không tránh khỏi bị lừa bằng cách này hay cách khác. Tôi thấy rằng tỉnh táo quá cũng không phải là hay, nó làm tâm hồn ngày thêm khô khan và ít rung cảm. Đằng nào cũng bị lừa ít nhiều, vậy thì tôi thích được tin nếu có gì làm tôi tin. Tôi sẽ thấy buồn khi bị lừa nhưng tôi không ân hận vì đã tin, nỗi buồn ấy rất có ý nghĩa. Khi tỉnh táo tôi có thể giữ được tiền hay quyền lực, nhưng khi tôi dễ tin, thậm chí tin mù quáng và dại dột, tôi được lợi về tình. Và tình thì gần với nghệ thuật hơn là tiền hay quyền lực. Người có ý lừa dối sẽ bị thiệt thòi chứ không phải người bị lừa.

Nếu ai dám tin như vậy, thì tôi xin mời hãy thưởng thức tranh anh Nguyễn Thái Tuấn, cứ cho là anh ấy lừa dối chúng ta mà chúng ta không biết, thế thì chúng ta được xem thấy tranh đẹp; còn nếu ta thấy không đẹp thì không xem nữa mà không bị ai túm lại. Cái được xem tranh đẹp này không ai có thể lấy đi được. Bạn cũng hãy tin nếu anh Tuấn dám lừa chúng ta, chắc chắn Chúa sẽ cử một ông rất dữ tợn ra xử tội anh ấy trong ngày phán xét. Đồng thời Chúa cũng không hề tước đoạt những tình cảm bạn có được từ việc thưởng thức tranh anh Tuấn. Nhân danh Chúa tôi dám bảo đảm về điều đó.

Khi chúng ta cùng xem tranh anh Tuấn, thì có người thích, rất thích, không thích, rất không thích, tất cả đều được trân trọng, vì đây là điều kỳ diệu mà tạo hóa nặn nên trái tim chúng ta. Điều này nữa cũng được Thượng đế “guarantee”.

Nhưng có điều không được Thượng đế guarantee là chúng ta xem tranh bằng mặc cảm, định kiến, thậm chí bằng ác cảm. Thế thì chúng ta chỉ xem thấy được mỗi một phần rất nhỏ trong tranh mà chưa chắc đã là thực, đó là: ôi sao tranh giống của Liên Truơng thế nhỉ! Và thay vì trái tim, mà cái đầu chúng ta vọng lên từng hồi cái ám ảnh đó, chúng ta chỉ còn bận rộn với điều đó mà không cả nhận ra là: chỉ là giống thôi kia mà!

Nếu giống đến 99,99999999999… % thì cũng chưa đến phần chúng ta lo toan. Còn một phần dù nhỏ xíu mà không phải thì chúng ta cũng không biết được. Vụ đó là của Thượng đế, thế thì ta không nên cướp quyền Thượng đế trong chuyện ấy.

Quyền bất khả xâm phạm của chúng ta là: chỉ còn lại mỗi ta và bức tranh. Lúc này Thượng đế, anh Tuấn, Liên Trương, đều bị gạt ra ngoài, chỉ còn lại ta với tất cả bức tranh, bức tranh với tất cả ta. Và ngược lại, chúng ta bỏ lỡ điều thiêng liêng này bằng cách tự mình là Thượng đế, phán xét đủ chuyện về anh Tuấn và Liên Trương và về những gì khác nữa nhưng đều là cái bóng của bức tranh chứ không phải bức tranh.

Giả sử một tỷ năm nữa, mọi thứ phai mòn, chẳng may còn mỗi bức tranh không đầu của anh Tuấn không hiểu vì lý do gì vẫn còn tồn tại, người thời ấy phủi bụi đi xem thấy đẹp quá! Thế là họ vui mừng chiêm ngưỡng, liền bị chúng ta trên thiên đường ngó xuống cười cho một trận là cái bọn thật ngờ ngệch, thật không biết gì đến scandal của nó một tỷ năm về trước!

3.

Nhân đây tôi cũng bàn thêm về việc nhái tranh, chép tranh.

Sao chúng ta ghét việc đó đến vậy? Nghĩa là tôi hỏi: sao đến tận nhường ấy, nhường này?
Nghĩa là tôi muốn hỏi: ghét bớt xuống một chút được không?

Vì: Trong xã hội Việt Nam, còn nhiều điều tệ mạt hơn thế trong đạo đức. Những người nhái tranh, chép tranh còn lương thiện hơn rất nhiều người nếu chúng ta nhìn kỹ một chút. Và đôi khi họ còn lương thiện hơn chính chúng ta, người đang hùng dũng phê phán nạn nhái và chép. Tôi đưa ra ví dụ rất nhỏ thôi là: giả sử ta là giáo sư hay nhà phê bình hay học giả, văn nghệ sỹ…đã và đang nhận đồng lương của đất nước này, thì bằng tri thức và văn hóa, ta hãy xét xem có chắc đó là ta đã nhận đồng lương một cách lương thiện không? Tôi nhấn mạnh nữa: “Có chắc không?” Người chép tranh có thể không phải danh giá, nhưng ít nhất người ta tự làm và nuôi nấng những người thân của họ.

Và tôi thử đưa ra một giả thiết rằng: chúng ta hoàn toàn để mặc nhiên ai biết vẽ cứ vẽ, thích gì vẽ nấy, vẽ tranh mình nghĩ ra, không nghĩ ra mà lại thích chép tranh người khác thì chép, người khác chép lại cái mình chép của người khác thì cũng được. Vẽ chép thoải mái không ai cấm ai. Chỉ cần vẽ, chép, nhái thật đẹp; không đẹp người ta không thích, thế thôi. Thế thì xã hội rất nhiều tranh và chẳng mấy chốc rất nhiều tranh đẹp, cả sáng tác lẫn nhái, chép. Mua bán cũng tự do, sòng phẳng không sợ bị chê là mua phải tranh nhái mà buồn, mà thấy ưng tranh nào thì thuận mua vừa bán.

Nếu cảnh tượng như thế thì tôi thấy, đâu có gì tệ hại hơn cảnh tượng căng thẳng xem tranh, mà cứ xem có phải bị lừa không như hiện nay. Và khi phát hiện ra dấu hiệu nhái thì la to hơn là phát hiện thấy bức tranh đẹp!

Chúng ta có chắc là đi xem nghệ thuật không? Hay là chúng ta là những công an đi bắt gián điệp nghệ thuật?

Vậy nên tôi nghiêng về thái độ thưởng thức nghệ thuật với trái tim và thậm chí đến nỗi mù quáng, có sao đâu. Người đời và nghệ sỹ có thể lừa chúng ta nhưng nghệ thuật không lừa chúng ta. Với nghệ thuật chúng ta hãy trở nên bồng bột và ngây thơ. Bọn nghệ sỹ dã tâm lừa chúng ta nhưng lại chẳng khác nào chồn ỉa ra café, chúng ta có café ngon mà không ảnh hưởng gì đến thời cuộc.

Khi ta xem tranh bằng thái độ duy ý chí và trái tim được đội mũ bảo hiểm cho khỏi tan vỡ bởi thời đại “tranh nhái ở Việt nam đã tràn lan” này thì liền thấy giận quá! Như quí ông hay quí bà Lý Chuồn Chuồn (trong phần cmt của bài “Nguyễn Thái Tuấn: Màu của tâm trạng“) nói là “căn bệnh trầm kha” và khuyên rằng: “Tôi nghĩ các bạn phải mạnh tay chữa trị bằng cách lấy độc trị độc, dù biết là đau, nhưng các bạn cứ phang mạnh tay vào nếu phát hiện Đại Họa Gia nào nhái tranh của người khác, có như vậy các họa sĩ ta mới chịu động não mà tìm một lối đi cho mình”.

.

Tôi thấy như thế có gì đó gần với du côn.

Văn hóa là một danh từ, du côn cũng là một danh từ. Nhưng trong văn hóa Việt Nam hôm nay hai danh từ này có thể ghép lại thành một từ là: “văn hóa du côn”. Đòi nợ cũng dùng du côn, các đại gia cũng dùng du côn, thù nhà báo cũng dùng du côn, dẹp người cũng bằng du côn, các vị trí thức có khi cũng dùng du côn đi nói chuyện… thôi thì nhiều thứ du côn giải quyết lắm. Và hầu như du côn giải quyết rất được việc.

Cái gì mà “lấy độc trị độc”? Nếu biết là tranh nhái mà không thích thì không mua, không xem chứ sao lại “trị” mà “trị độc” nữa. Hãy để cho người ta làm ăn chứ! Nhái tranh hay chép tranh có phải phi pháp đâu? Trong thiên hạ còn nhiều nghệ thuật không nhái kia mà.

Người nước ngoài họ không mua tranh nhái thì ai đó cứ việc vẽ tranh không nhái mời họ mua. À họ nói vì các anh có những con sâu làm rầu nồi canh nên chúng tôi không mua cả tranh thật này nữa. Thế thì bọn nhái tranh đúng là tội đồ rồi đúng không? Thế thì phải trị độc bọn nó là đúng rồi phải không? Thế thì từ văn hóa nghệ thuật mà du côn hóa nghệ thuật rồi đúng không?

Tôi không cổ võ nhái tranh, nhưng cũng xin đừng trị tội nhái tranh.

Nhái tranh có thể không ra tiền, nhưng có thể ra tiền, nhưng có thể còn điều hay nữa.
Đó là cả một sự học hành tích cực trong đó. Vừa nhái vừa sợ mới là đáng sợ. Còn để cho người ta đàng hoàng nhái trong đam mê thì đó là những bài học rất tốt. Sản phẩm tranh nhái trong đam mê sẽ có nhiều sản phẩm rất đẹp và đã đẹp ắt quyến rũ người ta theo cách của nó. Còn sản phẩm nhái xấu cũng để cho người ta có kinh nghiệm và cơ hội cái khác sẽ đẹp hơn. Tôi không có tài sáng tác mà tôi có tài nhái đây, bán rẻ hơn, thì có người ta ưng thuận là tốt đẹp đấy chứ. Còn hơn thì giờ sức khỏe ấy để làm gi? Nhỡ đâu nhàn cư vi bất thiện thì khổ mình lại khổ cả gia đình. Xã hội ta nhiều du côn cũng vì nhiều thanh niên chẳng biết làm gì. Kể ra anh hùng đầu gấu mà biết vẽ tranh, hay nhái tranh cũng được, thì lại hay biết bao!

Họa sỹ mà đi nhái tranh để thế giới không mua cho thì là ngu. Mà ngu thì dạy người ta chứ “trị” cái gì? À hay “trị” ấy là dạy? Là yêu cho roi vọt, ghét cho nghọt ngào? Đấy là cách các cụ dạy chúng ta không biết từ đời nào đến nay. Mà tôi nhận thấy cách này không thành công. Người Việt bị đánh quá nhiều roi vọt. Chỉ một đoạn ngắn trong lịch sử thôi đã bị đánh bầm dập biết bao lần: bị đánh cải cách, bị đánh nhân văn, bị đánh tư sản, bị đánh hữu khuynh… rồi bây giờ bị du côn đánh nữa! Hỏi đánh đến bao giờ thì nên người đây? Nếu dạy kiểu ấy mà đúng thì bây giờ Việt Nam phải sánh vai cường quốc năm châu rồi chứ.

Hãy cho thêm nuông chiều bọn nghệ sỹ đi, hãy thử để cho bọn nó hư một chút đi, đừng đánh hoặc đánh nhẹ tay hơn đi, tôi nài xin đó.

Sợ nhái vì nhái là không chân thật đúng không? Có khi chúng ta đang sợ cái gì đó tương đồng trong sâu thẳm của chúng ta, mà chúng ta không yên tĩnh đủ để cảm thấy. Chân thành nó thực sự là như thế nào nhỉ? Có chắc là mình đã thật chân thành chưa? Có thể mình cũng không và chưa được chân thành lắm thì sao? Những nghi vấn ấy tôi nghĩ là rất cần thiết để người ta dùng tri thức nói chuyện văn hóa.

Một chi tiết nhỏ của quý ông hay qúy bà Lý Chuồn Chuồn mà tôi “soi” thấy trong comment của quý ông hay quý bà Lý Chuồn Chuồn ở cuối bài, đề là: “Lý Chuồn Chuồn Mùa Thu Paris” khiến tôi có những nghi vấn trên. Mùa thu Paris tôi đoán rằng rất đẹp và tao nhã, xin hãy gửi cho Việt Nam một chút thanh tao ấy.

 

*

Bài liên quan:

– Tranh nhái: Hãy để chồn ăn cà phê rồi nó sẽ ỉa
– Đối thoại: Có nên độ lượng với Nhái?

– Xin ban giám khảo lưu ý bức này!
– Trường hợp này thì sao? Nhái hay không nhái?

– Ngăn chặn âm mưu “tự diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực diệt Nhái

– Tước quyền dự thi của tác giả “tranh nhái”: Hoan hô ban tổ chức!

 

Ý kiến - Thảo luận

15:02 Monday,21.11.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn – ta chơi cuộc chơi do chính chúng ta tạo ra, chứ không chơi lại cuộc chơi của người khác,,
Một lần nữa muốn Soi đăng cmt của "Lý Chuồn Chuồn" này thành bài cho tiện theo dõi, bởi liên quan đến những vấn đề mà chúng ta chưa giải quyết xong. Chưa thỏa hiệp hơn một lần nào!
Ta cần minh bạch thật giả hơn là ...)

Tranh nhái: Hãy để chồn ăn cà phê rồi nó sẽ ỉa
Lý chuồn chuồn - 2011-11-21:
...xem tiếp
15:02 Monday,21.11.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn – ta chơi cuộc chơi do chính chúng ta tạo ra, chứ không chơi lại cuộc chơi của người khác,,
Một lần nữa muốn Soi đăng cmt của "Lý Chuồn Chuồn" này thành bài cho tiện theo dõi, bởi liên quan đến những vấn đề mà chúng ta chưa giải quyết xong. Chưa thỏa hiệp hơn một lần nào!
Ta cần minh bạch thật giả hơn là ...)

Tranh nhái: Hãy để chồn ăn cà phê rồi nó sẽ ỉa
Lý chuồn chuồn - 2011-11-21: 
13:24 Monday,21.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
NGỒI-THIỀN-NGHĨ-VỀ-TIỀN!

Điên đầu ghê gớm....
...xem tiếp
13:24 Monday,21.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
NGỒI-THIỀN-NGHĨ-VỀ-TIỀN!

Điên đầu ghê gớm.... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả