Bàn luận

Vũ Lâm có lời: Chúc cả nhà đón Tết vui vẻ. Ở nấc nào thì làm hay nấc ấy! 17. 01. 12 - 11:06 am

Vũ Lâm

Thân ái gửi SOI và các bạn đã có comment cho bài viết của tôi về chủ đề “Cá tính – Vô tính trong nghệ thuật”. Thú thật tôi ít khi comment lại các comments không phải bởi vì theo nguyên tắc nào hết, mà là do tôi ít có thời gian và tôi làm việc gì cũng chậm, trong khi một bài lên chỉ hai ba ngày sau là bị các thông tin khác đè dí xuống dưới, chẳng mấy ai quan tâm nữa. Thứ hai, tôi thấy thật thú vị là hình như, theo cách điều hành của Soi, thì các comments sau một bài viết đều đã tự tách thành hai phía, tự “triệt tiêu lực” lẫn nhau rồi. Nên sau một số bài viết, dù có bạn đặt câu hỏi thẳng cho chính tôi, tôi chưa kịp giả nhời thì đã có người khác trả lời hộ tôi luôn, nên tôi thấy không cần thiết phải lên tiếng nữa. Lần này, theo đề nghị của SOI, và một số ý kiến trái ngược khá dài, tôi xin có một số thảo luận thêm. Bởi vì lời nói ra đã là sai rồi, cho nên tôi không cố gắng nói đúng được (với ai đây?), tôi chỉ cố gắng nói đúng cái tôi của tôi thôi. Và để “thống nhất khái niệm”, tôi xin vẫn dùng cách nói dân dã và có khi “ngọng níu ngọng nô” nữa (cho giống với tình hình ngọng lói chung trên cả lước hiện lay).

Tranh của Roz Chast Man

 

Chin Su: Một bức tranh thiên nhiên hay quá. Đúng là ở rừng có khác, nhiều mây và núi, dây leo, vực đèo và bụi rậm quá, lam sơn chướng khí nhiều. Hay.
Cố lên Vũ Lâm ơi, sắp bắt được Tây rồi.

 

Giả nhời Chin su:

Cảm ơn bạn đã quá khen. Nơi tôi sinh ra và chỗ tôi làm việc hiện nay đều có một từ chung trong địa danh là “Tây” rồi. Tôi việc rì phải đi đâu? Ngọ nguậy rì? Cái khổ chính của con người ta nói chung là cứ muốn giãy giụa ra khỏi cái phạm vi đã quy định của mình. Những người có cờ (để phất) thì mấy nghìn năm nay mắc chung một cái bệnh là mượn cờ thằng khác để phất. Khổ thế. Tôi là người Việt Nam ở giữa nước Việt Nam, (hoặc đôi khi bị lắc ra rìa nước Việt Nam). Nhưng tôi vẫn là cá ở trong nước. Thú vị khi người dân ta gọi “national” là “nước”. Nên tôi chẳng muốn bắt kịp hay ngóng sang Đông, Nam, Bắc gì nữa. Nếu bạn muốn bắt kịp Tây, tôi sẽ ở đó. Trân trọng đợi bạn.

 

*

Em-co-y-kien:

1. Chú bảo: “trong giới nhà văn, họa sĩ có sinh ra thần đồng được không? Xin thưa, MẶC NHIÊN là không có đâu. Đó là những kẻ phải “sục xuống bùn” thoát tung lên thành “máu và hoa” hay “bướm và hoa” gì đó. Phải ăn đòn đủ. Phải có đời sống, phải có kinh nghiệm sống…”

Mặc nhiên là nhầm đóa, Chú à!

Ai bảo các họa sĩ nhí “Aelita Andre – tài năng nghệ thuật trừu tượng của Australia – trước khi chưa đầy hai tuổi đã được giám đốc của một triển lãm tranh nổi tiếng ở Melbourne đồng ý mở triển lãm riêng” hoặc “Kieron Williamson…mới 7 tuổi đã có kĩ năng đáng kinh ngạc về xử lí ánh sáng, chọn tông màu, phối màu”… không phải thần đồng?

Ai bảo văn sĩ nhí “Adora Svitak bắt đầu đọc sách viết truyện làm thơ từ 3 tuổi rưỡi và có một trí tưởng tượng tuyệt vời. Mỗi năm bé viết hàng trăm truyện ngắn và bài thơ, mỗi ngày đọc từ 2 đến 3 cuốn sách, tốc độ đánh máy 70 từ/phút…” “7 tuổi đã làm nên hiện tượng trên văn đàn Mỹ với tác phẩm đầu tay Flying fingers ” không phải là thần đồng văn chương?
Các tí-hon-tài này cần zì phải zừ, cần zì câu zờ, cần zì theo thuyết làng ta “từ-từ-khoai-mới-nhừ”?

2. Chú phán: “William de Kooning vẽ đàn bà trông phát khiếp, như cái đống giấy bị vò nhàu. Picasso vẽ Những cô nàng Avignon khỏa thân đấy chứ, nhưng trông như mấy khúc củi đẽo dở, có ma nó thèm. Còn Rembrandt mới hài hước, vẽ Danae như một “củ khoai tây” béo xồ ấy, có sao? Chứ đâu có đẹp mọng mắt long lanh như những sự tích thần thoại Hy lạp được minh họa bằng tranh của các họa sĩ cổ điển tầm tầm vô vàn kể trong các bài học thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần trên SOI đâu!…”

Lạc hậu đóa chú ơi!

Vì răng cái cách “thẩm mỹ” (mà trong nhạc thì gọi rằng là “thẩm âm”) của chú Vũ Lâm nó cổ-lỗ-xĩ thế nhề? Chú vưỡn đương mê-mẩn-tần-ngần cái “chuẩn” lạc-thị-hậu của “chủ nghĩa DUY MĨ” đời “bà-cụ-Diễm” rùi.

3. Chú lại phán: “Lớp thanh niên bây giờ được kích thích “xài” đồ hiệu, gọi là “có phong cách”, “thể hiện cá tính”, stylist. Tôi thấy buồn cười hết sức, đông đảo các em đều mắc mưu của chủ nghĩa vật chất cả thôi, các em ạ. Con người có cá tính (nhấn mạnh: trong sự đối diện với tự tính nhé) chẳng hay hớm gì đâu. Chẳng qua chỉ là một thứ “máy hỏng” mà thôi…”
Núi-cao-mây-trắng ơi, thế kỉ 21 nay mà chú thuyết về lối sống không cá-tính, sống và hành-quân đều bước theo kiểu chủ nghĩa “đồng phục”, răm-rắp-ngoan-nhi-đồng chăm-thằng-như-1-khuôn cả sao? Hơn nữa, nghệ sĩ trong nghệ thuật mà thiếu “cá tính” thì khá chi những con CÁ MÈ lên thớt?

Chú cổ xúi cho thứ chủ nghĩa “hồn nhiên”, vô tâm vô tính, bàng quan với đời? Chúng cháu đứa nào cả tin/ngố quá, mất đà phi theo lời-răn/rao đóa rùi hóa thành thứ con-chiên (tức là con-bị-nướng đó) của “chủ nghĩa ngây thộn” sao?

 

Giả nhời Em-có-ý-kiến:

Có một chuyện vui là một người nước ngoài hỏi: Ở Việt Nam bây giờ ai to nhất? Câu trả lời là “Kiến”. Bởi vì làm gì cũng phải xin ý của “Kiến”. Nhưng kiến mà chỉ có một con thì yếu, chắc phải cả đàn kiến mới mạnh được. Mình trò chuyện với các bạn thế lày:

1. Cái ý “trong giới nhà văn, họa sĩ không có thần đồng bởi vì đó là những người phải có thời gian sống nhiều” được bạn bảo là “nhầm”. Và bạn lấy ra một số ví dụ. Nhưng những ví dụ của bạn, tôi cho rằng đó là các trò giải trí của truyền thông và đổi món của giới kinh doanh xuất bản, tổ chức triển lãm. Tôi có thể bảo bạn cũng “nhầm” và không cần ví dụ. Và tôi cùng bạn không cần đi tới thống nhất về điều này, vì ai cũng cho mình đúng cả. Thế nên chỉ có hai lẽ, một là cả hai đều sai. Hai, cả hai có hai ý khác nhau. Vậy thôi.

2. Cái ý thứ hai về cách Rembrant, Picasso, De Kooning vẽ phụ nữ khác với các họa sĩ vẽ cho nó dễ xem khác, là để minh họa cho bản lĩnh “lộn túi” của các danh họa trên, không cần vẽ cái dễ xem để mồi chài con mắt, mà vẽ thực sự tới tận bản chất “vấn đề”. Nhưng nếu với một con mắt bình thường nhìn tranh đó thì chắc chắn họ chẳng khoái tí nào, hoặc những người đàn bà đó (như cô Tấm bước ra từ quả thị) mà chui ra từ tranh thì chúng ta có mà phát khiếp. Ví dụ như thế.

3. Tôi không cổ xúi cho “chủ nghĩa” nào hết. Nhưng điều tôi thích là tự tính, tức là tự tại, tự nhiên như nhiên. Con người lớn lên phải đi qua nhiều cửa thầy, cửa đời. Lúc theo người nọ, lúc theo người kia. Chẳng mấy khi được nghĩ và làm như chính mình muốn, như chính phần “tài sản được các cụ cấp”. Tôi không thích “đồng phục răm rắp” nhưng cũng buồn cười trước việc cố vơ vào cái “cá tính” mà mình không có. Đàn ‘kiến’ các bạn đã thực sự tham gia vào võ đài nghệ thuật chưa? Bạn thử cất cho được hết những “cá tính” chưa chắc đã là của bạn trong nghệ thuật đi. Biết đâu lại thành đấy. Nếu bạn làm việc vẽ, mà tập trung vào vẽ và ít lên Soi hơn, thì có lẽ thành càng mau, hì. (Còn về chuyện bạn bảo tôi hăng tiết phán nhảm các comment là “phân bón cho nghệ thuật”, rồi bạn cũng hăng tiết mắng nhảm lại tôi, thì có lẽ chuyện này người ta gọi là “có tật giật mình” rồi hiểu ý người khác một cách trần trụi. Vả lại, ngay từ đầu câu chuyện này, SOI đã nhắc nhở: Mong các bạn không quá bắt bẻ câu chữ theo nghĩa đen của từ điển khi thảo luận. Vậy mà các bạn vẫn mắc phải cái nỗi sơ đẳng này. Vậy nên tôi không nói thêm gì được.)

 

*

Ớt: Đọc Vũ Lâm nhận xét về tranh của Cun ning, Pi cát sô và Dem bờ răng mờ hoang mang quá, ai lại đi xem tranh thế bao giờ . Xem tranh không đơn giản bằng mắt mờ cần có “rung” có “tim” và cả “đầu” , người Việt mình hay có câu “nghĩ bụng” hay là Lâm xem tranh bằng bụng?


Giả nhời Ớt:

Bạn suy lung tung nhưng cuối cùng lại bắn trúng tôi chết ngỏm. Giống như đánh bừa mà ăn cả lô cả đề. Hì. Đúng là tôi xem tranh bằng bụng thật. Tôi “sem” điêu khắc bằng tim và “sem” tranh bằng bụng thật đấy. Theo đúng nghĩa đen sì huyền nhất của thú nhận vừa rồi. Hy vọng sắp tới tôi có dịp cống hiến một bài viết về điêu khắc sắt, sẽ nói rõ về việc tại sao lại như thế. Ớt ạ. Thiếu ớt thì cơm canh chẳng ra sao. Văn hóa-nghệ thuật ở ta lâu nay chưa được đẩy lên vị trí “thịt chó” mà bị xem tương đương như “ớt”, hay “giềng” hoặc “mắm tôm” vậy. Thật khổ.

 

*

Không Sợ Ma: Vũ Lâm thật trông như thế nào chứ???!!! RẤT MÁU!!! Đây rồi! Đúng người máu nhất đây rồi . Mình cứ đỏ mắt chờ trông, Vũ Lâm đúng là một tay chơi biết đánh giá và thưởng thức.


Giả nhời Không Sợ Ma:

Tôi thật trông như thế nào á? Tự tôi chẳng trông thấy tôi được. Nhưng các bạn tôi quan sát tôi bảo rằng tôi trông giống như xe ôm cả ngày không có khách nhưng vẫn còn cười được mới lạ. Câu hỏi của bạn đối với tôi thực là quá khó. Có khi bạn hỏi ngay chính Hê-ghen, có lẽ cụ ấy cũng không trả lời vắn tắt được. Nhưng tôi tạm nghĩ vài ý thế này. Tư tưởng nói chung là gì? Có lẽ đó là một hệ thống nhận thức và hành động được hoàn bị triệt để của một vài bộ óc vĩ đại. Sau khi họ đã, bằng thân mình, bằng nhận thức của mình, tổng kết đời sống và đưa ra những “hướng” mới nhằm cho đống nhân loại chăm làm ít nghĩ cứ thế mà hành theo. Đa phần các tư tưởng cũng không được chính người phát minh ra nó sử dụng. Mà sau khi chết mới được “thằng” khác dùng hộ và phát triển (kiểu như họa sĩ thường thiếu may mắn, chết rồi giá tranh mới lên). Tư tưởng là một thứ không thể tóm tắt được. Bởi vì tóm tắt nó sẽ là xuyên tạc. Mà chỉ có một số chìa khóa để mở nó. Ví dụ người ta thường nói miệng rằng tư tưởng của nhà Phật là “sắc sắc không không”. Nhưng bốn từ đó cũng chỉ là một cái chìa khóa để mở cửa vào tư tưởng của Phật giáo mà thôi. Về tư tưởng nói chung ở Việt Nam, tôi thấy hình như người mình chưa cần (hay chưa có điều kiện) hình thành ra tư tưởng, mà hay có tài năng trong việc “cấu rút” và “sử dụng, kiểm nghiệm” tư tưởng của dân khác. Cái bạn gọi là “xu hướng tư tưởng nào đó của Mỹ thuật Việt Nam” có lẽ cũng vậy, vừa định phát kiến ra tư tưởng, đưa ra một cái đã bị một đống người có học ngoại ngữ, đọc lắm, bảo là cái này ở cái nước (tiếng) tôi học đã có rồi. Với lại, tư tưởng trong nghệ thuật là một vấn đề rất khác với tư tưởng trong lĩnh vực khác. Nó, theo tôi, hình như chỉ có thể nhận thấy mà không thể nói ra được.

Để kết đoạn trả lời này, tôi xin kể một chuyện vui thời XHCN những năm 70 cho bạn nghe. Có một nhạc sĩ tài ba tên là Đ.N, là “cốp” to nhất của Hội nhạc sĩ tranh luận với nhạc sĩ dân đen T.M cũng tài năng nhưng ương ngạnh về chuyện “âm nhạc có tư tưởng hay không?” mấy tháng liền trên tạp chí của Hội. Ông Đ.N bảo “âm nhạc có tư tưởng”, ông kia bảo không. Hai người đem các lý thuyết vớ được ra chọi nhau trên nhiều số báo bất phân thắng bại. Đến lúc cùn, ông Đ.N bảo ông kia rằng “âm nhạc có tư tưởng” vì cụ Bết-thô-ven” nói thế. Ông T.M vặn lại rằng anh gặp cụ Bết bao giờ chưa mà dám nói. Cán bộ âm nhạc Đ.N bảo rằng đêm qua tôi mơ gặp cụ Bết, tôi hỏi cụ như thế. Cụ bảo âm nhạc có tư tưởng chứ, như cái bản giao hưởng Đồng Nội hay Định Mệnh của tao, là có tư tưởng. Ông T.M chịu chết hôm ấy!

Nhưng hôm sau, ông T.M gặp lại ông Đ.N liền nói: Hôm qua tôi cũng mơ gặp cụ Bết, cụ ấy bảo “âm nhạc không có tư tưởng”, vì đó chỉ là tiếng lòng tiếng đời ngân lên, rung lên trong “tim” và “đầu” mà thôi. Tôi mới hỏi cụ Bết rằng tại sao buổi mơ hôm trước của anh Đ.N, cụ lại bảo anh ấy là “âm nhạc có tư tưởng” thì cụ bảo rằng: Cái thằng Đ.N nó có biết rì đâu, nhưng nó cứ lằng nhằng quá nên tao trả lời bừa cho nó xong đi mà… Hic, chúc vui. Còn nhận định về chuyện nghệ thuật hay con người thì bạn vừa hỏi vừa tự trả lời rồi.

Tranh của Anne Levie

 

Gọi Đông Phương Sóc Bằng Cụ: … đọc qua thấy tính “triết học cắt dán” còn gọi bác Nguyễn Huy Thiệp bằng sư phụ, còn logic liên tưởng “bình loạn đa năng” gọi chị Lê Thị Liên Hoan bằng đại ca, mà có thấy “tư biện” gì đâu, nếu ai đang đội mũ đứng (ở ngoài đường) đọc (bằng máy tính bảng) thì cứ phải ngả mũ ra liên tục vì gặp nhiều người quen quá (!?). Thấy nhiều bác ở đây ngỏ lời khen, em chỉ dám đánh giá bác lâm râm này như người nhặt rác, xong lại tân kì biết khéo léo phân loại dán nhãn đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ chìa ra cho bà con xứ Việt kém phát triển ta xem, mà thế này thì cần gì phải lên núi, cứ về thành phố”… sáng uống sâm-banh tối sữa bò” viết cho nó ớp-đết nhanh!

 

Nói với bạn “Gọi Đông Phương Sóc Bằng Cụ”:

Cụ Đông Phương Sóc thì tôi không có quen, nhưng bạn đã lấy nick như thế hẳn nào bạn cũng có họ hàng với cụ ấy. Tôi thấy bạn có dòng họ thật là danh giá. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì lúc nào tôi cũng coi ngài ấy là sư phụ, nhưng chưa chắc ngài ấy đã coi tôi là học trò. Còn chị Lê Thị Liên Hoan – đạo diễn Lê Hoàng, tôi cũng có biết sơ, nhưng chắc anh cũng chẳng rỗi hơi quan tâm tôi là ai. Còn việc bạn gọi lối tư duy và làm việc của hai vị đó là “triết học cắt dán” và “bình loạn đa năng” thì tôi không đồng ý lắm. Nhưng cũng không tiện tranh luận dài. Tôi đúng là người đi nhặt thật. Nhưng những thứ tôi nhặt rồi “phân loại tân kì” mà bạn bảo là “rác” thì tôi cũng không đồng ý nốt. Tóm lại bạn thì “Gọi Đông Phương Sóc Bằng Cụ”, còn tôi thì cũng muốn “Gọi Cháu Của Đ.P.S Bằng Cụ” luôn. Hic!

 

*

Đười Ươi Đương Đại: Đúng ra phải là Tính dục chứ không phải là Tình dục đâu Vũ Lâm. Tham khảo thêm Đỗ Lại Thúy hoặc xa hơn là S.Freud, Lâm nhé.

 

Giả nhời “Đười Ươi Đương Đại”:

Cảm ơn bạn đã chỉ dẫn. Bài viết của tôi là một phiếm luận về một vài nét trong đời sống nghệ thuật dưới con mắt của tôi, chứ không đề cập đến triết học, nên tôi không dùng những từ ngữ thuộc loại đó. Hơn mười năm trước, khi làm luận văn tốt nghiệp, tôi có xin gặp ông Đỗ Lai Thúy để tham khảo tư liệu các bài viết của ông ấy về thơ Hồ Xuân Hương. Ông rất nhiệt tình chỉ bảo các “mẹo nghiên cứu” và có cho tôi mượn một số sách của Phờ-roi. Hiện nay, tôi có sưu tầm thêm được một số tư liệu viết của họ hàng xa và học trò cụ Phờ-roi, nếu bạn cần tôi sẽ cho bạn mượn. Gọi là “trao đổi học thuật” kiểu mạng, hic!

 

*

Nguyễn Hoàng Phương Lan: Tôi không nghĩ Vũ Lâm gọi bạn đọc cmt trên SOI là “phân bón” theo nghĩa phân bón.
Vũ Lâm nói, đó là một chất nền để từ đó những thứ cá tính, vô tính mọc lên tốt tươi.
Một thứ “phân bón”, hay chất dinh dưỡng cho nghệ thuật. Bề ngoài tuy có vẻ vô loài, vô tác dụng, không quan trọng, nhưng nếu không có thì không cái gì mọc tốt được.
Em-có-ý-kiến đừng nên bẻ chữ theo nghĩa đen như vậy, dễ đưa tới những tranh cãi không đúng và không thảo luận được sâu.
Tuy vậy tôi đồng ý với 3 ý kiến trên của Em-có-ý-kiến. Nhất là câu hỏi về tính đồng phục nên hay không nên.


Cảm ơn Nguyễn Hoàng Phương Lan:

Rất cảm ơn bạn đã bênh tôi và hiểu như tôi hiểu về từ “phân bón” trong bài tôi viết. Phụ nữ thật là nhân từ và đại nượng (nếu bạn là nữ “xịn”). Có thể các bạn đàn ông cũng thừa hiểu ý tôi, nhưng vốn là đàn ông, các “mảnh nhu cầu tình dục méo mó” luôn có xu hướng phải vặn vẹo lại méo mó đi cho nó khoái, âu cũng là thiên tính cả. Còn về chuyện “đồng phục” hay không “đồng phục” thì tôi đã nói với Em-có-ý-kiến ở trên. Tôi xin tặng bạn một ý tôi mới nhận thức về thế nào là một tác phẩm nghệ thuật hay: Một tác phẩm hay tại sao không như một bài hát để yên ủi tâm hồn con người ta? Tại sao không như một ngôi nhà lớn để che chở con người ta? Tại sao cứ phải bằng lời để “chúng nó” xuyên tạc? Suy ra công thức thô lậu thế này: Một tác phẩm hay = Một khúc hát cất lên từ thinh không + Một ngôi nhà lớn + Không bằng ngôn ngữ có thể hiểu (để không thể bị xuyên tạc, bóp méo) => Một tác phẩm hay = Nhà Hát Lớn không nhìn thấy, nghe thấy, đọc thấy được. Hì!

 

*

VƯƠNGBICHTHANH: Ây Dà. Cái cán bộ SOI phải cảm ơn cán bộ Vũ Lâm đi thôi chứ.

Cái cán bộ Kinh Lâm cắm bản, ăn nhiều Thắng cố, uống tí riệu ngô mới viết được những câu ngất ngưởng như thế, còn nồng mùi Thắng cố đặc sản mạn ngược ta.

Zì thì cũng thấy mỗi khi cán bộ Vũ Lâm viết bài là trên SOI lại rộ lên bàn cãi, nhiều pà kon vào dạy dỗ xoa đầu cán bộ nghìn nghịt. Thế há chẳng cái cán bộ Lâm đã góp phần kéo thêm người đọc đến cho nhà SOI thêm đông vui hay sao?
Há chẳng phải là các bài viết của cán bộ Vũ Lâm đã là “phân bón” cho cây nhà SOI lớn mạnh, sum xuê hay sao?

 

Nói với VƯƠNGBICHTHANH:

Cảm ơn bạn chỉ ra nguồn “dưỡng chất” để tôi “viết được những câu ngất ngưởng như thế” là do thắng cố và rượu ngô. Tuy tôi cũng không hoàn toàn đồng ý hẳn. Cụ Tú Xương vĩ nhân ngông ngược cười bỡn chết sớm có một bài thơ tiên báo đến gần 100 năm tên là Ngày Xuân Của Làng Thơ (trong cuốn Thơ văn Trần Tế Xương – NXB Văn học in năm 1970) thế này: Ngày ba tháng tám thấy đâu mà/ Sao đến ngày xuân lắm thế a?/ Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ/ Cho nên con tự mới thòi ra. Ý hẳn theo bạn VUONGBICHTHANH, có thể những bài viết của tôi dịch ra là: “Thắng cố, rượu ngô lèn chặt dạ/ Cho nên con tự mới thòi ra?

Bạn bảo là các bài viết của tôi cũng là một loại “phân bón” cho cây nhà SOI cũng đúng. Trong cái tháp sinh học của động vật, thì đúng là loài nọ là thức ăn cho loài kia mà thôi. Phân bón đối với động vật là “không ngửi được”, nhưng với thực vật thì lại là thức ăn rất bổ dưỡng. Rồi chúng ta lại chén lại thực vật và động vật. Những kẻ ở nấc cao hơn lại “chén” chúng ta. Rồi ai cũng về đất, tiêu hủy… cây lại mọc lên. Cũng quanh quẩn cả thôi. Điều này thì ai cũng biết cả.

Chúc các bạn ăn Tết vui vẻ. Nhận mình ở “nấc thang sinh học nghệ thuật” nào thì làm hay cho cái nấc đó. Ví dụ ở “nấc phân bón” thì nên mùi kinh không chịu được mới hay. Ở “nấc hoa quả rau sạch”, thì nên tươi ngon, vàng ruộm, xanh um mới thú…

Hé cái bí mật bình thường này một chút: Thi thoảng tôi cũng ẩn danh, cũng comment bừa từa lừa dưới các bài viết khác. Tôi nhận định các comments là “dưỡng chất” đơn giản bởi hai lý do thế này. Trong một bài viết bất kỳ trên mạng nào, thì phần comment cũng ở vị trí dưới cùng, dưới “đít” bài viết. Thứ hai, trong SOI có một nick lấy là “Shit”. Nhưng vẫn được SOI để tồn tại bình thường. Có sao không?

Cảm ơn các bạn đã giúp tôi đối thoại với tôi!

 

*

Bài liên quan:

– Cá tính-tự tính-vô tính và “vô loài” trong cái kính lúp/rọ nghệ thuật “mà thôi”, “cả thôi”!
– Kính chú Vũ Lâm: nên đồng phục, không nên cá tính hả chú? (Bản cập nhật)

– Vũ Lâm có lời: Chúc cả nhà đón Tết vui vẻ. Ở nấc nào thì làm hay nấc ấy!

Ý kiến - Thảo luận

10:22 Tuesday,31.1.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đầu năm con Rồng, đọc báo Văn Nghệ Tết, lại được xem tranh của lão họa sĩ trưởng ban hình sự Hội.

Xực nhớ: ngày xưa chính lão đã được truyền thông XHCN (không phải truyền thông bọn địch tư bản zãy zụa nhá) gọi là "thần đồng gà tồ" khi vừa chớm 4 tuổi ta đã zật zải thưởng tranh quốc tế, lạm rạng ranh đội thiếu niên thông tin văn hóa nghệ thuật nư
...xem tiếp
10:22 Tuesday,31.1.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đầu năm con Rồng, đọc báo Văn Nghệ Tết, lại được xem tranh của lão họa sĩ trưởng ban hình sự Hội.

Xực nhớ: ngày xưa chính lão đã được truyền thông XHCN (không phải truyền thông bọn địch tư bản zãy zụa nhá) gọi là "thần đồng gà tồ" khi vừa chớm 4 tuổi ta đã zật zải thưởng tranh quốc tế, lạm rạng ranh đội thiếu niên thông tin văn hóa nghệ thuật nước nam.

Không biết chú Lâm có nhớ "thần đồng gà tồ" thân yêu của chúng ta không? 
2:31 Friday,20.1.2012 Đăng bởi:  Khong so ma
Ai mà biết shit là tiếng Anh cơ chứ, mình quá thích Vũ Lâm mà cũng chịu, dám đoán VLâm là ai! Ôồ
...xem tiếp
2:31 Friday,20.1.2012 Đăng bởi:  Khong so ma
Ai mà biết shit là tiếng Anh cơ chứ, mình quá thích Vũ Lâm mà cũng chịu, dám đoán VLâm là ai! Ôồ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả