Thị trường

Hong Kong: tinh tú tụ hội 27. 06. 10 - 12:24 pm

JOYCE HOR-CHUNG LAU - Phạm Hồng Liên biên dịch

Tác phẩm trên – Sự thật không thể chối bỏ của Damien Hirst – kiếm được bộn tiền: 2,5 triệu USD. (Tôi định thắc mắc liệu có phải anh ta đã giết con chim để làm nên tác phẩm này, nhưng mọi người nhấm nháy nhau “đừng hỏi”).

Còn tác  phẩm Hong Kong Börse II của nhiếp ảnh gia Andreas Gursky –  một pô ảnh chụp thị trường chứng khoán đang phiên giao dịch, quả thực chỉ là “hạt muối bỏ bể” trong hội chợ thường niên này, nơi mà những khoản tiền khiến “trợn tròn mắt” đang được thi nhau móc ra.

HongKong Borse II

 

Trong số những nghệ sĩ nổi tiếng có tranh tại Ben Brown – một gallery Luân Đôn mới khai trương chi nhánh ở Hong Kong hồi cuối năm ngoái, người ta thấy có cả  Warhol, Freud, Hirst hay Quinn.

Gần đó là gian hàng của gallery White Cube, nơi triển lãm tác phẩm formaldehyd đầu tiên của Damien Hirst tại Trung Quốc. Tác phẩm này đã được bán cho một người Châu Á không rõ danh tính với giá tròn 1,75 triệu bảng Anh, tương đương 2,5 USD.

Đám đông tụ tập quanh tác phẩm Sự thật không thể chối bỏ của Damien Hirst – một chú bồ câu lơ lửng một cách duyên dáng trong khối chất lỏng màu xanh da trời phía trên một cái sọ người – tác phẩm tuyệt vời đến nỗi giá như Elton John có mặt tại đây thì chắc thể nào cũng phải rú lên vì thích.

Tuy vậy, không chỉ các gallery và các nghệ sĩ Tây Âu mới có những khoản tiền bán tranh khổng lồ. Gallery Pace Beijing đã bán được  Bức tường xanh – Chồng và vợ của Zhang Xiaogang (2010) với giá 1 triệu USD.

Gia đình lớn, chồng và vợ -Tác phẩm của Zhang. 10 năm nay anh chỉ vẽ kiểu này.

Ra đời nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của thị trường Châu Á, Hội chợ Nghệ thuật quốc tế Hong Kong ngay từ khi bước vào năm thứ ba đã được kì vọng sẽ ngày càng lớn mạnh và tỏa sáng (năm nay có 155 gallery trên khắp thế giới tham gia và thu hút 46000 du khách, thay vì chỉ hơn 27000 người vào năm ngoái).

Càng ngạc nhiên lí thú hơn là mọi hoạt động ngày càng trở nên hấp dẫn.

Những sự kiện bên lề hội chợ như các buổi nói chuyện, tham quan và trình diễn đã biến một cuộc hội chợ mang tính thương mại đơn thuần thành một sự kiện có tính toàn diện và thú vị hơn.

Trong một căn phòng chật ních hơn 400 người, cuộc tranh luận nảy lửa do Intelligence Squared Asia tổ chức giữa nghệ sĩ Antony Gomley và các quan chức trong ngành văn hóa đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt – người ta cười nói, vỗ tay và chen lấn nhau đặt câu hỏi.

(Luận điểm của Gomley “Bạn không cần đến những kĩ năng quá to tát để trở thành một nghệ sĩ tài ba” đã giành chiến thắng với 248 phiếu ủng hộ, 157 phiếu chống và 6 phiếu trắng).

Feeling Material của Antony Gormley

Một sự kiện khác thu hút sự chú ý của đám đông trong hội chợ: Sovereign Art Foundation tuyên bố tài trợ một số giải thưởng cho khu vực Châu Á và Châu Âu. (Các bạn họa sĩ Việt nếu muốn gửi tranh tham dự phải nói chuyện với anh Cương (?) và thầy Thượng để họ giới thiệu – ND).

Rồi vô vàn hoạt động nhằm khuyến khích những người ngoại đạo tìm hiểu về nghệ thuật. Trong năm ngày, hàng tá nghệ sĩ đứng bên cạnh tác phẩm của mình và sẵn sàng giải đáp các câu hỏi. Những chuyến tham quan các gian hàng với người dẫn đường thông thạo hai thứ tiếng được Para/Site – một nhóm nghệ thuật phi lợi nhuận và tạp chí Time Out Hong Kong tổ chức miễn phí. Asia Art Achive cũng tổ chức các buổi nói chuyện và thảo luận.

Nơi nơi tràn ngập các cuộc triển lãm để chiêm ngưỡng cùng những gian hàng tranh tối tranh sáng mà bạn không thể bỏ qua.
Một chú rô-bốt khua trống ầm ĩ tại gian hàng của Ark Galerie, Jakarta. Các tác phẩm sắp đặt, trình diễn nghệ thuật, video art và kĩ thuật số được trưng bày bên cạnh các tác phẩm truyền thống khác như tranh, minh họa và tượng. Với mục đích thu hút các nhà sưu tập mới, một số tác phẩm được bán với giá chỉ 1000 – 2000 USD.

Lối vào hội chợ

Magnus Renfrew, giám đốc hội chợ giải thích lý do vì sao có những tác phẩm kém tên tuổi hiện diện tại hội chợ này: “Ở trời Tây, hội chợ nghệ thuật đang có chiều hướng nhàm chán, và bạn thường thấy những tác phẩm giống nhau của cùng một nghệ sĩ. Điều quan trọng đối với chúng tôi là đảm bảo lúc nào cũng có sẵn những tác phẩm nghệ thuật cho số đông muốn mua chúng”.

Richard Chang, một nhà sưu tập nổi tiếng, nói thêm “Hội chợ này mang đến cho những gallery nhỏ hơn những cơ hội mà có thể họ không bao giờ có ở Châu Âu hay Hoa Kỳ”.

Khu vực Nghệ thuật Tương lai dành riêng cho những gallery dưới 5 năm tuổi

“Ở đây có rất nhiều gallery non trẻ nhưng thú vị”,  Hans–Ulrich Obrist của gallery Serpentine chia sẻ như vậy sau khi tham quan khu vực này. Ông là người xếp thứ nhất trong tốp 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất của giới nghệ thuật do Tạp chí phê bình nghệ thuật 2009 bình chọn. Theo ông, toàn cảnh nghệ thuật Hồng Kông đã có nhiều thay đổi kể từ khi ông đến đây lần đầu tiên vào năm 1996.

“Vào thời điểm đó, thị trường nghệ thuật vô cùng nhỏ hẹp, nhưng giờ đây đội ngũ phê bình nghệ thuật đang ngày càng đông đảo.” Ông nói tiếp, cho rằng Trung Quốc không phải là thị trường duy nhất mà chúng ta nên nhắm tới. “Giống như Hàn Quốc và Indonesia, Nhật Bản vốn từ lâu đã là một thị trường nghệ thuật quan trọng. Ấn Độ cũng rất thú vị và tôi đã thấy một vài gallery mới của Ấn Độ tại hội chợ này. Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường mới nổi.”

Nhiếp ảnh trở thành quan trọng tại hội chợ năm nay

Loại hình nghệ thuật này thống trị các cuộc triển lãm gần đây của Deutsche Bank, đơn vị tài trợ của hội chợ và là chủ sở hữu của một bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Bên gian hàng của gallery Michael Hoppen, một dãy ngay ngắn trưng bày các bức ảnh đen trắng tuyệt vời mang tính báo chí về Bắc Kinh và nội Mông Cổ những năm 1950, 1960 của Marc Riboud được. Anh là một trong số những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đầu tiên tới Trung Quốc.

Marc Riboud

Rất nhiều phòng tranh tìm kiếm sự khởi đầu của mình ở Hong Kong, điển hình như Shugo Arts của Tokyo. Tại đây trưng bày những bức chân dung tự chụp nhìn là biết ngay của Yasumasa Morimura. Ông ăn vận cho mình giống như vô số những người nổi tiếng khác, từ Salvador Dali (giống nhau một cách kì lạ) cho tới Marilyn Monroe (cũng không kì lạ lắm).

Yasumasa Morimura vào vai Einstein


Yasumasa Morimura vào vai Frida Kahlo


Yasumasa Morimura giả Marilyn

Thêm một gallery mới nữa là Paris  – Bắc Kinh, đặc biệt tập trung vào nhiếp ảnh. Ngược lại so với hầu hết các gallery khác, gallery này khởi đầu ở Bắc Kinh, rồi sau đó mới chuyển tới Paris.

Romain Degoul, giám đốc của gallery cho biết: “Trước kia, nhiếp ảnh không được coi là ‘nghệ thuật‘. Nhưng giờ đây thị trường nhiếp ảnh đang là tâm điểm”.

Paris – Bắc Kinh sở hữu tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của Yang Yongliang, một nghệ sĩ Thượng Hải vốn được đào tạo bài bản về hội họa Trung Quốc truyền thống.

Nhìn từ xa, tác phẩm giống như một vòng xoáy ốc dài những hình ảnh mực in đen trắng. Nhưng khi lại gần, hóa ra đó lại là nghệ thuật cắt dán hàng trăm bức ảnh kĩ thuật số chụp những chiếc cần cẩu xây dựng, những tòa nhà chọc trời hay những biển hiệu đường phố – tất cả những yếu tố của cảnh quan một thành phố Trung Quốc hiện đại.

Hai triển lãm sắp đặt chiếm lĩnh vị trí cao quý ngay lối vào hội chợ

Đặt ngay cạnh tác phẩm chim bồ câu ngâm formol được bảo quản kĩ lưỡng của Hirst, chúng ta có thể chiêm ngưỡng một vật tương phản khác: những chiếc lồng tre treo cao bên trong có những chú chim đang kêu chiêm chiếp và lục tục vỗ cánh. Tác phẩm này của Rirkrit Tiravanija, một nghệ sĩ người Thái – Argentina hiện đang định cư tại New York. Chiêm ngưỡng hai tác phẩm – chú chim đã chết và những chú chim biết hót – trong một khoảng cách gần nhau đến vậy, người ta dường như cảm nhận được quá khứ và tương lai trong nghệ thuật khái niệm.

 

*

Bài liên quan:

ART HK10: Thành công rực rỡ về tiền bạc
– ART HK10: họa sĩ nên đi lắm!

– Hong Kong: tinh tú tụ hội

– DAMIEN HIRST: bán cái gì ở Hong Kong đây?

Ý kiến - Thảo luận

22:59 Thursday,3.3.2016 Đăng bởi:  LC
Nhanh quá, mới 2010 có pro nhắc nhỏm art Việt Nam là thị trường mới nổi. Mà hôm nay 2016 đã nguội quá rồi. Có lẽ chúng ta là nàng công chúa ngủ trong rừng thật , nhưng hoàng tử thì mê mệt các công chúa nước lớn rồi, chẳng hơi đâu thụt hố dẫm chông mà mò vào Mù cang Chải làm gì . Hu húuuuuu
...xem tiếp
22:59 Thursday,3.3.2016 Đăng bởi:  LC
Nhanh quá, mới 2010 có pro nhắc nhỏm art Việt Nam là thị trường mới nổi. Mà hôm nay 2016 đã nguội quá rồi. Có lẽ chúng ta là nàng công chúa ngủ trong rừng thật , nhưng hoàng tử thì mê mệt các công chúa nước lớn rồi, chẳng hơi đâu thụt hố dẫm chông mà mò vào Mù cang Chải làm gì . Hu húuuuuu 
17:27 Sunday,27.6.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Soi ơi. Bức tranh của Zhang XiaoGang đính kèm trong bài viết này không phải là bức "Bức tường xanh - chồng và vợ" đã bán 1 triệu đô mà là một bức khác ("Gia đình lớn") mang tính minh họa. (Thực ra tranh của lão này 10 năm nay nhìn vẫn thế nên xem bức này có thể biết được bức kia). Soi cho thêm cái chú thích nhé.
...xem tiếp
17:27 Sunday,27.6.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Soi ơi. Bức tranh của Zhang XiaoGang đính kèm trong bài viết này không phải là bức "Bức tường xanh - chồng và vợ" đã bán 1 triệu đô mà là một bức khác ("Gia đình lớn") mang tính minh họa. (Thực ra tranh của lão này 10 năm nay nhìn vẫn thế nên xem bức này có thể biết được bức kia). Soi cho thêm cái chú thích nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả