Soi học

Bài học Chủ nhật: Perseus giải cứu Andromeda – gái đẹp là gái bị trói 22. 04. 12 - 8:07 am

Pha Lê

 

.

 

Tích về Perseus và Andromeda là một tích kinh điển, rất hay được các họa sĩ lôi ra vẽ tranh (khỏa thân). Câu chuyện bắt đầu ngay sau khi Perseus cắt cổ Medusa, nhưng trước tiên, hãy tìm hiểu về chân dài Andromeda cái đã.

Tại cường quốc Ethiopia, vua Cepheus và hoàng hậu Cassipeia có cô con gái Andromeda cực kỳ xinh đẹp. Vào một ngày đẹp trời, bà mẹ tự hào Cassipeia buột miệng phán rằng con gái mình đẹp còn hơn mấy nàng tiên biển. Khi người trần mắt thịt phạm thượng, dám cho rằng mình hơn thần thánh thì thế nào cũng gặp chuyện xấu. Các nàng tiên biển sau khi nghe Cassipeia phán là đi “mách bố” ngay lập tức. Bố ở đây chính là thần biển Poseidon. Ông thần nổi giận lôi đình, làm phép cho nước biển dâng, bắt Ethiopia phải chịu lũ lụt triền miên, sau đó Poseidon ra lệnh cho một con thủy quái bơi đến xứ sở này để bắt giết dân chúng. Thấy đất nước lâm vào cảnh hiểm nghèo, vua Cepheus cầu cứu các nhà tiên tri, và họ phán rằng cứ vài tháng thì ông phải tế một cô gái xinh đẹp cho thủy quái để chuộc tội.

Lúc đầu thì Cepheus đem con gái của người khác ra tế, nhưng nấn ná kiểu nào thì cuối cùng cũng đến lượt Andromeda. Vua Cepheus đau lòng dẫn con gái ra một hòn đá ở giữa biển, nàng bị lột sạch quần áo, nhưng lại được vua cha đeo cho vài món nữ trang tuyệt đẹp làm từ đá quý (những đầu bếp chuyên nghiệp sẽ gọi hành động này là ‘trang trí cho món ăn trông hấp dẫn’ để mời mọc thủy quái). Nàng Andromeda thực chất đã đính hôn với một đại gia tên Agenor, nhưng Agenor vừa hèn vừa nhát, không dám đứng lên bảo vệ người yêu.

Một tác phẩm khá nổi tiếng về cảnh Andromeda bị trói và tảng đá là do họa sĩ Gustave Dore vẽ vào năm 1869. Chân dài trong tranh khỏa thân nhưng không đeo châu báu gì cả, còn đầu của con thủy quái trông hơi giống con chó mực.


Còn họa sĩ Edward Poynter thì giống các họa sĩ cổ điển khác, thích vẽ người đẹp quấn khăn (dù khăn không che gì mà chỉ tung bay trước gió). Trong tác phẩm “Andromeda” này (1869), người đẹp dùng một sợi dây vàng quấn tóc làm ‘nữ trang’. Tư thế ‘bị trói’ của Andromeda luôn khác nhau, dựa theo ‘sở thích’ của họa sĩ.

 

Cũng đúng lúc này, Perseus vừa giết xong Medusa, chàng dùng đôi xăng-đan có cánh của Hermes cho mượn để bay về Argos hòng đem mẹ Danae đi khỏi Seriphos (còn nhớ ở bài học trước không? Vua Polydectes của Seriphos hứa rằng nếu Perseus đem thủ cấp của Medusa về thì ông sẽ cưới vợ và sẽ thôi không đeo đuổi Danae nữa). Trên đường về nhà, Perseus đi ngang qua Ethiopia và thấy cảnh một cô gái xinh đẹp, khỏa thân, bị trói vào tảng đá. Chẳng biết đầu óc Perseus tưởng tượng ra những gì, vì hình ảnh Andromeda bị trói trong tình trạng khỏa thân khiến chàng… rạo rực. Vị anh hùng này đưa mắt quan sát, và thấy một cặp vợ chồng già đứng gần đó, đau khổ đưa mắt nhìn Andromeda. Thế là chàng bay xuống hỏi chuyện.

Cặp vợ chồng này không phải ai khác ngoài vua và hoàng hậu của Ethiopia. Họ kể cho Perseus nghe rõ sự tình. Perseus nghe xong liền nói: chàng sẽ cứu Andromeda, với điều kiện là chàng được phép cưới nàng làm vợ và dẫn nàng về Hy Lạp. Vua cũng như hoàng hậu gật đầu đồng ý. Perseus liền bay đến chỗ người đẹp bị cột, rồi dùng lưỡi hái Hermes cho mượn để cắt cổ con thủy quái.

Tác phẩm “Perseus trên đường bay đi cứu Andromede”, Piero di Cosimo, 1513. Họa sĩ vẻ cảnh vị anh hùng dùng xăng-đan có cánh để bay về Seriphos, trước khi chàng đi ngang qua Ethiopia và gặp người đẹp bị trói. Perseus đeo khiên của Athena, mũ của Hades, và gươm (lý ra phải là lưỡi hái mới đúng tích) của Hermes.


Tác phẩm “Perseus và Andromeda”, 1620, Rubens. Rubens vẽ một bức hơi màu mè, nào là xác thủy quái (dưới tranh), nào là các thiên thần, nào là thần chiến thắng đội vòng nguyệt quế cho Perseus. Rồi đâu ra con ngựa có cánh Pegasus thế? Các họa sĩ thích vẽ con vật huyền thoại này chứ thực ra Perseus chả cưỡi nó đi đâu cả, mà Pegasus trong tranh mập như con bò, nhìn là thấy bay không nổi. Đầu của Medusa thay vì bỏ vào bao lại được gắn trên khiên như chiến lợi phẩm. Perseus và Andromeda cũng hơi bị mập, anh hùng này cần “diet” giảm cân. Hình do bạn Hiếu Thiện có nhã ý cung cấp cho SOI.


Một tác phẩm “Perseus và Andromeda” khác, cũng do Rubens vẽ vào năm 1622. Bức này bớt màu mè hơn bức trên kia, dù vẫn còn thiên thần và ngựa Pegasus. Không hiểu tại sao các họa sĩ vẽ Andromeda da trắng bóc, tóc vàng hoe nhỉ? Ethiopia nằm ở Châu Phi mà, Andromeda phải đen hoặc ngăm. Vào thời Hy Lạp cổ thì Ethiopia là một cường quốc ở lục địa này, chứ không nghèo đói như bây giờ.


Một bức nổi tiếng nữa về tác phẩm này: “Perseus và Andromeda” của Titian, vẽ năm 1556. Người đẹp đang khỏa thân và bị trói vào tảng đá (trang sức là đôi hoa tai hồng ngọc), còn Perseus thì nhào xuống giết thủy quái. Con thủy quái này nhìn rất giống con quái vật Leviathan trong kinh thánh.


Tác phẩm “Perseus và Andromeda”, Charles Napier, thế kỷ 19. Hình như hình ảnh xác thủy quái và người đẹp cởi truồng bị trói vào đá chưa đủ để mọi người hiểu rằng đây là tích về Perseus hay sao ấy, mà họa sĩ phải vẽ thêm cái đầu Medusa cho Perseus cầm nữa. Đầu này phải bỏ vô bao chứ, không thì thiên hạ hóa thành đá hết. Ít ra chàng Perseus này không xôi thịt như mấy chàng khác.


Lại thêm một tác phẩm siêu màu mè về tích này, do Pierre Mignard vẽ vào năm 1679. Trong lúc Andromeda tóc vàng hoe được thiên thần cởi trói, bố mẹ của người đẹp và đám quần thần chạy tới cảm ơn vị anh hùng (chắc Pierre chưa đọc hết tích, vì phần sau sẽ kể rằng ông vua và hoàng hậu xứ Ethiopia chẳng tốt thế). Con ngựa có cánh cũng lởn vởn cạnh Perseus, còn cái đầu của Medusa thì nằm cạnh xác thủy quái, lăn lóc như trái banh.


Tác phầm “Hòn đá chết chóc”, Edward Burne Jones, 1885. Tác phẩm nằm trong series về Perseus của họa sĩ. Perseus này không mang xăng-đan có cánh và khiên, Andromeda cũng không đeo nữ trang, nhưng ít ra thủ cấp của Medusa được bỏ vô túi. Thành phố Ethiopia trong cảnh nền nhìn y chang thành phố Manarola (xây trên mỏm núi sát biển) của nước Ý.


Tác phẩm “Perseus giết thủy quái”, Edward Burne Jones, 1888. Tiếp theo cảnh anh hùng và mỹ nhân gặp nhau là cảnh Perseus giết thủy quái. Khác với mấy con trông giống Leviathan hay kình ngư, chó mực… con thủy quái này hao hao con rắn khổng lồ, khá giống con rồng của Châu Á.

 

Vừa nhìn thấy Perseus là Andromeda bị ‘sét đánh’, chưa kể đến chuyện Perseus xả thân cứu mình nữa chứ, hơn hẳn ông đại gia Agenor nhát như cáy kia. Thế là nàng năn nỉ Perseus rằng “cưới liền đi anh” vì nàng không đủ kiên nhẫn để chờ tới lúc cả hai đến Hy Lạp. Xui xẻo thay, ông đại gia Agenor hùng hổ xông vào lễ cưới và nói rằng Andromeda là của mình. Vua và hoàng hậu Ethiopia, đáng lý phải theo phe Perseus, lại bị tiền làm lóa mắt, ậm ừ nói rằng Agenor “đến trước” nên được làm ‘Sơn tinh’. Cãi nhau một hồi, Agenor và vua Cepheus kêu quân lính giết Perseus. Không còn cách nào khác, chàng lôi cái thủ cấp của Medusa ra và biến mọi người thành đá (trừ Andromeda, dĩ nhiên).

Sau đó, Perseus cùng vợ quay về Seriphos để nộp đầu Medusa cho vua Polydectes. Nhưng chàng phát hiện ra rằng ông vua này thất hứa, trong lúc chàng đi vắng, ông giở trò sàm sỡ mẹ Danae, làm bà phải trốn ở trong một ngôi đền. Perseus bực lắm, nhưng vẫn quân tử, đến gặp Polydectes đàng hoàng, và nói rằng mình đã đem đầu Medusa về, nên ông vua hãy tha cho hai mẹ con, rồi đi cưới vợ khác dùm cái. Dĩ nhiên, Polydectes vẫn một mực không chịu, thế là Perseus nổi giận, dùng đầu của Medusa để biến Polydectes lẫn các quan chức triều đình thành đá.

Edward Burne Jones vẽ bức Perseus khoe Andromeda cái đầu của Medusa vào năm 1887. Sợ rằng Medusa sẽ khiến vợ hóa thành đá, Perseus chỉ cho nàng nhìn thấy nó qua ảnh phản chiếu của bệ nước (bởi vậy mà thủ cấp này phải được đậy trong bao, chứ không thể để tơ hơ bên ngoài giống tranh của các họa sĩ khác).

 

Thấy rằng cái đầu của Medusa hơi bị nguy hiểm, nên Perseus đem nó trả lại cho Athena, vì sợ rằng mình sẽ lạm dụng sức mạnh của nó quá mức cho phép. Chàng cũng trả lại hết các món bảo bối mà các vị thần đã cho mượn, rồi lên đường về Hy Lạp (chính xác là về vương quốc Argos) cùng mẹ và vợ để gặp ông ngoại.

Mọi người còn nhớ tích về Danae không nhỉ? Vua Acrisius bỏ hai mẹ con Danae và Perseus vào rương rồi tống ra biển vì thầy bói phán rằng Perseus sẽ giết ông ngoại để lên làm vua. Khi nghe tin Perseus đang trên đường đến Argos, Acrisius hãi quá, bỏ trốn sang nước Larissa. Khổ nỗi, Perseus chẳng có ý định giết ai, mà chỉ muốn làm lành với ông ngoại. Trong cuộc hành trình về quê hương Argos, chàng cùng mẹ và vợ tình cờ đi ngang qua Larissa đúng lúc đất nước này tổ chức lễ hội. Vị vua của Larissa đã nghe ngóng được nhiều lời đồn về anh hùng Perseus nên bắt chàng phải trổ tài ném đĩa cho dân chúng tham gia lễ hội thưởng thức. Perseus đồng ý, nhưng chiếc đĩa chàng ném vô tình bay trúng đầu ông ngoại Acrisus (đang lưu vong ở đây). Perseus buồn bã đem xác ông về Argos chôn, nhưng do chàng không muốn lên ngôi vua ở Argos, nên chàng đổi với người em họ của mình (nhắc lại tích trong bài Danae, Acrisius và Proetus là hai anh em sinh đôi, sau khi đánh nhau thì cả hai chia đất nước ra. Acrisius làm vua Argos, Proetus cai quản các vùng đất còn lại). Giờ thì Perseus đổi với em họ, chàng sẽ trị vì các vùng đất nhỏ, còn con trai Proetus thì làm vua Argos.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

– Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ

– Bài học thứ Tư: Athena giận khiến một rừng đàn ông khốn khổ

– Bài học Chủ nhật: Adonis và Venus – Chết vì… chỗ nhạy cảm của đàn bà

– Bài học thứ Tư: Gặp người khổng lồ một mắt, não Odysseus bỗng nhiên teo lại

– Bài học Chủ nhật: Con bò của Zeus – từ bò thành nữ hoàng Ai Cập

– Bài học Chủ nhật: Khi trò hiếp dâm của Zeus sinh ra… Châu Âu

– Bài học Chủ nhật: Prometheus bản I “do dân, vì dân”

– Bài học thứ Tư: Gặp tiên nữ, dại gì không ở lại

– Bài học Chủ nhật: Prometheus bản II – Lý do tại sao thế giới có đàn bà

– Bài học Chủ nhật: Phục Zeus quá – muôn hình vạn trạng khi đi chài gái

– Bài học Chủ nhật: Perseus giết Medusa – mặt xinh, hư hỏng, bản chất quái vật

– Bài học Chủ nhật: Perseus giải cứu Andromeda – gái đẹp là gái bị trói

 

Ý kiến - Thảo luận

0:45 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Inojin
Trước khi cứu chân dài, Per hóa đá Atlas mà, sao Soi không kể vậy.
...xem tiếp
0:45 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Inojin
Trước khi cứu chân dài, Per hóa đá Atlas mà, sao Soi không kể vậy. 
0:41 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Inojin
Văn của Soi hài hước và vui quá. Soi cũng chuẩn nữa.
...xem tiếp
0:41 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Inojin
Văn của Soi hài hước và vui quá. Soi cũng chuẩn nữa. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả