Soi học

Bài học Chủ nhật: Những tiên nữ ác ôn – Kỳ 1: Ở biển, đại dương, và sông 28. 04. 12 - 11:42 pm

Pha Lê

 

.

 

Khi học tích Hy Lạp, rất nhiều lúc mọi người nghe nhắc đến nàng tiên này, nàng tiên kia, biết đại khái thế chứ cũng không biết rõ rằng các nàng này là gì, thuộc loại nào, tính cách ra sao. Thực chất, tiên (nymphs) của tích Hy Lạp rất khác tiên trong truyện dân gian Việt Nam và tiên trong truyện cổ tích nước ngoài. Khác thế nào?

Thứ nhất, các nàng tiên trong tích Hy Lạp… dâm hơn nhiều. Chứng nghiện tình dục (nymphomaniac) là từ các nàng này mà ra. Đối với một xã hội phụ hệ, đàn bà phải đoan chính thì mới tốt. Cho nên các nàng tiên của tích Hy Lạp thường không đi đôi với điềm tốt (ngược hẳn với truyện cổ tích Việt Nam, ai gặp được tiên là mừng húm). Người trần mắt thịt (nhất là đàn ông bình thường) mà xui xẻo đụng phải các nàng này thì chết không kịp chôn, những ai còn nghi ngờ xin lật lại bài “Hylas và đám tiên sông” để nghiền ngẫm. Thành thử chỉ có nam thần như Apollo hay Zeus mới có thể ‘quan hệ’ với tiên mà không hề hấn gì.

Các nàng tiên trong tích Hy Lạp đều rất đẹp, và thường gắn liền với thiên nhiên, như tiên sông, tiên núi, tiên biển v.v… Nhiều học giả hiện đại cho rằng người Hy Lạp cổ quan niệm: phụ nữ là thứ rừng rú hoang dã, đàn ông là người văn minh, nên mới ghép hình ảnh các nàng tiên cho sông, cho núi. Phụ nữ còn nguy hiểm nữa – vì Pandora, người phụ nữ đầu tiên, đã phóng thích các tính cách xấu cũng như bệnh tật đến cho loài người – và theo dân Hy Lạp thời đó, thiên nhiên là thứ rất nguy hiểm, không lường trước được. So sánh như vậy là đúng quá rồi.

Tiên trong tích Hy Lạp rất đa dạng, đa số các nàng tiên này không đủ quyền phép để được bất tử, nhưng có tuổi thọ cực kỳ lâu. Trước hết, xin giới thiệu các nàng tiên ‘nước’, dính dáng tới sông ngòi, biển cả.

Tiên sông

Tiên sông có tên gọi chung là Naiades, sống ở vùng nước ngọt thay vì nước mặn. Tuổi thọ của một nàng Naiades tùy thuộc vào nhánh sông của nàng ấy, nếu nhánh sông của nàng mà cạn thì nàng sẽ chết (không biết sông ô nhiễm thì nàng có chết không?). Naiades có 5 loại:

1. Pegaia (hoặc Pegae): là tiên suối (lớn), rất dễ thương nhưng vô cùng nguy hiểm. Ai mà sảy chân và lãnh địa của các nàng thì một đi không trở lại. Ví dụ điển hình là Hylas, bị các nàng bắt cóc mất tung tích.

Tác phẩm “Hylas và nàng tiên sông”, John William Waterhouse, 1893. William vẽ cảnh một nàng tiên sông phát hiện ra chàng Hylas đẹp trai đang ngủ trưa, không kìm được lòng, nàng tiên đã bắt cóc Hylas. Thực ra tác phẩm này hơi lạc đề, vì Hylas đi múc nước cho người yêu Hercules chứ không phải đi ngủ trưa, và dòng suối này hơi nhỏ, không phải địa phận của Pegae.


Tác phẩm “Hylas và các nàng tiên sông” mà Waterhouse vẽ lại vào năm 1896 thì chính xác hơn (đã đăng trong bài về Hylas). Rõ ràng là Hylas đi múc nước uống. Con suối của các nàng Pegae cũng ra dáng ‘suối lớn’.

 

2. Krinaia: tiên thác, sống ở các thác nước, rất ít khi được nhắc đến trong tích.

3. Potameides: tiên sông, sống tại sông lớn và các dòng suối (nhỏ). Các nàng Potameides còn được phân chia ra thành nhóm tùy theo vùng. Nổi bật nhất là nhóm Anigrides và Amnisiades.

Các nàng Anigrides sống ở sông Angridus của thành phố Elis. Hiện giờ dòng sông này không còn nữa nên coi như các nàng đã ‘chín suối’. Nghe đồn rằng mấy nàng này chuyên chữa các bệnh về da. Ai bị ghẻ lở hay mụn nhọt có thể đến con sông của các nàng ngâm mình, bệnh sẽ hết ngay lập tức.

Còn các nàng Amnisiades thì nằm trong đám thuộc hạ của Artemis. Bà thần này có tới cả trăm nàng, sưu tập đủ bộ từ tiên sông, tiên núi, đến tiên biển, nhưng Artemis đặc biệt ưu ái các nàng Amnisiades. Các nàng này nhận nhiệm vụ trông coi cung tên, chó săn, nai rừng cho Artemis khi nữ thần nghỉ ngơi.

Tác phẩm “Artemis nghỉ ngơi sau khi đi săn”, Hendrick van Balen, khoảng nửa đầu thế kỷ 17 (cảm ơn bạn Em-co-y-kien nhé). Vây quanh Artemis (khăn đỏ) chắc là các nàng Amnisiades, dù họa sĩ không chú thích thẳng thừng, nhưng người xem có thể tự đoán hoặc tự có ý kiến. Lúc ngỉ ngơi như vậy thì Artemis rất hay gọi mấy nàng tiên Amnisiades ra để chăm sóc mình cũng như trông chừng vũ khí hay đàn chó.


Tác phẩm “Diana và các nàng tiên”, Willem van Mieris, theo Em-co-y-kien thì hoàn tất năm 1702, hiện thuộc sở hữu của bảo tàng Rijksmuseum Twente. Artemis (đội vương miện) trong bức này chắc cũng mới đi săn về, nữ thần được các nàng tiên chải tóc, rửa chân (hay làm móng?). Bao đựng cung tên của Artemis cũng được đem đi treo rất cẩn thận.

 

4. Limnades: tiên hồ, sống ở các hồ lớn (không biết hồ Gươm có nàng nào không, hay chỉ mỗi cụ rùa?)

5. Eleionomai: tiên đầm, sống ở đầm lầy.

 

Tiên biển

Tiên biển được gọi là Nereides. Có tổng cộng 50 Nereides tất cả, họ là con của thần biển Nereus và Doris – thuộc thế hệ Titans. Tính ra thì 50 Nereides là cháu của Titan Oceanus, nhưng sau khi Zeus nhốt các Titan xuống âm phủ thì họ được Poseidon ‘bảo kê’. Nổi tiếng nhất trong 50 nàng là Amphirite – người Poseidon chọn làm vợ. Biểu tượng của Nereides là cá heo.

Lưu ý: có một loại tiên biển nữa, tên là Haliai, nhưng các nàng này không thấy xuất hiện trong tích mà chỉ xuất hiện trong kịch của các nhà văn Hy Lạp cổ. Bạn nào thích đọc kịch Hy Lạp thì lâu lâu sẽ thấy cái tên Haliai xuất hiện thay cho Nereides.

Chiếc bình cổ, niên đại khoảng 425 hoặc 401 năm trước Công Nguyên, trên có vẽ hình các Nereides với cá heo.


Còn đây là tác phẩm “Nereides” do Gaston Bussiere vẽ nào năm 1902. Họa sĩ này hình như đọc rất kỹ tích, vì các nàng tiên của ông vừa đẹp, vừa mời mọc, vừa toát lên vẻ… nham hiểm lẫn nguy hiểm, trái với các họa sĩ khác – đa số chỉ vẽ tiên như vẽ phụ nữ cởi truồng.


Tác phẩm “Tiên biển trói Andromeda vào mỏm đá”, Chasseriau Theodore, 1840. Theo tích về Andromeda hồi tuần trước, người đẹp này bị đem làm vật tế vì mẹ nàng dám nói rằng nàng đẹp hơn cả các Nereides. Theodore vẽ Andromeda hơi bị xấu, cặp lông mày hao hao Frida, còn tiên biển cũng không có thần thái của tiên biển chút nào.

 

Tiên đại dương

Biển (sea) khác đại dương (Ocean) nhé, nên các nàng tiên sống ở đại dương (gọi là Oceanides) rất khác với các nàng Nereides. Có tất cả 3000 Oceanides (đông khiếp), họ là con của 2 Titans Tethys và Oceanus, tính ra thì Oceanides là cô của Nereides. Sau khi bố Oceanus bị giam thì 300 Oceanides cũng về tay Poseidon. Có rất nhiều Oceanides nổi tiếng, như Dione (mẹ của Venus, theo bản của Homer và Apollodorus), Metis (mẹ của Athena). Đa số các nàng này sống ở biển, một số khác đi làm người hầu cho thần. Artemis sưu tập 60 Oceanides, dù không rõ để làm gì vì nữ thần này toàn ở trong rừng (nhà văn Callimachus có nói rằng Artemis lấy 60 nàng này về để mở một dàn hợp xướng, ngày đêm hát cho mình nghe).

Tác phẩm “Oceanides” của Gustave Dore, 1860. Các thủy thủ mà nhìn thấy cảnh này thì sẽ luống cuống đâm tàu vào đá. Oceanides cũng dâm và nguy hiểm chẳng khác gì các nàng tiên sông, tiên biển… dù trong tích thì Oceanides vẫn thông minh hơn, chắc do họ là con của hai Titans.


Tác phẩm “Các nàng tiên trong hang trú bão”, Sir Edward John Poynter, 1903. Mấy nàng này quả là ác, tàu đang đắm mà không lo cứu người (chẳng giống trong truyện nàng tiên cá). Các nàng nhởn nhơ ngồi trong hang, chờ cho các tàu thuyển đắm rồi đi hôi của, chôm mất vàng bạc châu báu.

 

Vậy là các bạn biết thêm về các nàng tiên (nước) nhé, còn nhiều loại tiên rừng, tiên núi nữa, xin hẹn gặp lại vào Chủ nhật tới.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

– Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ

– Bài học thứ Tư: Athena giận khiến một rừng đàn ông khốn khổ

– Bài học Chủ nhật: Adonis và Venus – Chết vì… chỗ nhạy cảm của đàn bà

– Bài học thứ Tư: Gặp người khổng lồ một mắt, não Odysseus bỗng nhiên teo lại

– Bài học Chủ nhật: Con bò của Zeus – từ bò thành nữ hoàng Ai Cập

– Bài học Chủ nhật: Khi trò hiếp dâm của Zeus sinh ra… Châu Âu

– Bài học Chủ nhật: Prometheus bản I “do dân, vì dân”

– Bài học thứ Tư: Gặp tiên nữ, dại gì không ở lại

– Bài học Chủ nhật: Prometheus bản II – Lý do tại sao thế giới có đàn bà

– Bài học Chủ nhật: Phục Zeus quá – muôn hình vạn trạng khi đi chài gái

– Bài học Chủ nhật: Perseus giết Medusa – mặt xinh, hư hỏng, bản chất quái vật

– Bài học Chủ nhật: Perseus giải cứu Andromeda – gái đẹp là gái bị trói

– Bài học Chủ nhật: Những tiên nữ ác ôn – Kỳ 1: Ở biển, đại dương, và sông


Ý kiến - Thảo luận

3:00 Tuesday,15.9.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Như giải thích của Pha Lê í, thì các nymphs này nên dịch là Dạ Xoa thì đúng hơn. Dạ Xoa không phải là "quỷ", mà là các thế lực tự nhiên được nhân cách hóa. Như việc dịch Dragon Tây ra Rồng Tầu là chuyện rất nhầm nhọt. Lỗi đầu tiên của việc "tiếp biến văn hóa" đều là do mấy ông thông ngôn thời kỳ đầu cả. Cười ra nước mát thế! :) (Cười thêm bởi mấy ông
...xem tiếp
3:00 Tuesday,15.9.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Như giải thích của Pha Lê í, thì các nymphs này nên dịch là Dạ Xoa thì đúng hơn. Dạ Xoa không phải là "quỷ", mà là các thế lực tự nhiên được nhân cách hóa. Như việc dịch Dragon Tây ra Rồng Tầu là chuyện rất nhầm nhọt. Lỗi đầu tiên của việc "tiếp biến văn hóa" đều là do mấy ông thông ngôn thời kỳ đầu cả. Cười ra nước mát thế! :) (Cười thêm bởi mấy ông thông ngôn các đời sau, có tiếng hẳn hoi, cũng chẳng tránh khỏi) 
15:21 Monday,30.4.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
CHị Pha-Lê ơi. Không biết Tây có ông Tiên không hay chỉ có cô Tiên, nhưng hồi bé tí chị có biết bài "Ông Tiển ông Tiên" không? Còn em thì nhớ bà em ngày trước vẫn hay hát bài này rất lạ (em cứ cám cảnh mãi hình ảnh Ông-Tiên-mang-khố, khổ thế, Ông Tiên em cứ nghĩ phải râu zài quắp thước quần áo lụng thụng nghiêm trang, chả hiểu sao Ông Tiển-Ông Tiên của bà em lại
...xem tiếp
15:21 Monday,30.4.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
CHị Pha-Lê ơi. Không biết Tây có ông Tiên không hay chỉ có cô Tiên, nhưng hồi bé tí chị có biết bài "Ông Tiển ông Tiên" không? Còn em thì nhớ bà em ngày trước vẫn hay hát bài này rất lạ (em cứ cám cảnh mãi hình ảnh Ông-Tiên-mang-khố, khổ thế, Ông Tiên em cứ nghĩ phải râu zài quắp thước quần áo lụng thụng nghiêm trang, chả hiểu sao Ông Tiển-Ông Tiên của bà em lại mặc khố? khổ thế? nhưng được cái Ông-Tiên của bà em rất chăm lao-động, lại còn chơi-bút?):

"...Ông Tiển ông Tiên
Ông có đồng tiền
Ông giắt mang tai
Ông cài mang khố
Ông ra chợ phố
Ông mua miếng trầu
Ông nhai nhóp nhép
Ông mua con tép
Về ông ăn cơm
Ông mua mớ rơm
Để về ông thổi
Ông mua cái chổi
Để ông quét nhà
Ông mua con gà
Về nó nhặt thóc
Ông mua con cóc
Ông thả gậm giường
Ông mua nén hương
Về thờ ông Bụt
Ông mua cái bút
Ông viết ông chơi
Ông mua con dơi
Ông về thả ống
Ông sống đến già..."

Chúc chị mấy ngày nghỉ quốc tế lao động được vui vẻ với mấy ông-Tiên-hiền nhá ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

E hèm, sau đây tôi xin trả lời...

Germaine Greer – Hồ Như Mai st và dịch

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả