Nghệ sĩ thế giới

15. 5: Tamara de Lempicka –
Sinh ra để cháy 15. 05. 12 - 8:46 pm

Hồ Như Mai lược dịch từ Wikipedia

Tamara de Lempicka (15. 5. 1898 - tên khai sinh Maria Górska) sinh trưởng trong một gia đình giàu có và danh giá, cha là một luật sư người Ba Lan và mẹ là một người giao thiệp rộng trong xã hội thượng lưu. Năm 1912, cha mẹ ly hôn và Maria đến ở với bà dì giàu có Stefa tại St. Petersberg, Nga. Khi mẹ tái giá, nghệ sĩ lúc nào cũng quyết tâm ra đi để có được một cuộc sống riêng.

Năm 1913, tức là khi mới mười lăm tuổi, khi đang đi xem hát, Maria trông thấy một người đàn ông và quyết tâm phải lấy cho được ông làm chồng. Maria bắt đầu chiến dịch chinh phục thông qua ông chú quen nhiều biết lắm của mình và năm 1916, tại St. Petersburg, nghệ sĩ kết hôn với Tadeusz Lempicki (tranh), một tay chơi nổi tiếng lăng nhăng, hành nghề luật sư và nhân vật này bị món hồi môn đáng kể quyến rũ. Năm 1917 trong Cách mạng Nga, Tadeusz bị Bolshevik bắt ngay trong đêm. Maria đi tìm chồng khắp các nhà ngục và sau vài tuần, với sự giúp đỡ của lãnh sự Thụy Điển, Tadeusz được thả ra. Họ đến Copenhagen, Đan Mạch rồi Luân đôn, Anh quốc và cuối cùng là Paris, nơi nhiều người trong gia đình Maria cũng đã trốn đến cùng với vô số những kẻ tị nạn thượng lưu của Nga lúc đó.

Ở Paris, nhà Lempicka ban đầu sống bằng tiền bán những món trang sức của gia đình. Tadeusz lúc đó không hề muốn và cũng không thể tìm được việc làm thích hợp, khiến cuộc sống gia đình càng trở nên căng thẳng, và cũng trong thời gian này Maria sinh hạ con gái Kizette de Lempicka.

Phong cách nghệ thuật độc đáo và mạnh mẽ của Maria phát triển nhanh chóng (chịu ảnh hưởng của thứ mà André Lhote gọi là “xu hướng lập thể mềm” và cả “lập thể tổng hợp” - synthetic cubism - của Maurice Denis), trở thành biểu trưng của tính chất vừa gợi cảm vừa lạnh của phong trào Art Deco. Đối với Lempicka, Picasso “là hiện thân cho tính tươi mới của sự hủy diệt”, nghệ sĩ cũng cho rằng nhiều họa sĩ trường phái Ấn tượng vẽ rất xấu và dùng màu sắc rất “dơ bẩn”. So với họ, De Lempicka tự thấy bút pháp của mình vừa mới mẻ, “sạch sẽ”, chính xác lại vừa lịch lãm.

Chuẩn bị cho buổi triển lãm lớn đầu tiên ở Milan, Ý vào năm 1925, dưới sự bảo trợ của Bá tước Emmanuele Castelbarco, de Lempicka vẽ 28 tác phẩm mới trong vòng có 6 tuần. Nghệ sĩ nhanh chóng trở thành họa sĩ vẽ chân dung sành điệu nhất của thế hệ đó, đi lại với một loạt tư sản và quý tộc, các nữ công tước thích vẽ, các đại công tước và những người giao thiệp rộng trong xã hội thượng lưu. Qua những mối quan hệ của bạn bè, Tamara de Lempicka có thể trưng bày tranh ở những nơi sang trọng thượng lưu bật nhất vào thời đó. Nghệ sĩ vừa bị phê phán vừa được ngưỡng mộ với việc xuyên tạc phong cách của bậc thầy Jean Auguste Dominique Ingres, có cả chuyện de Lempicka thể hiện lại tranh của Ingres, chẳng hạn như trong tác phẩm “Group of Four Nudes” (Nhóm bốn người khỏa thân, 1925).

Một tác phẩm chân dung thời đó có khi phải mất đến 3 tuần làm việc liên tục, tính luôn cả chuyện phải đối phó với một người mẫu khó chịu; đến năm 1927-8 de Lempicka đã có thể tính giá 50 ngàn quan Pháp cho một bức chân dung (tức tương đương với 2000 đô khi đó, và có lẽ là gấp mười lần con số này nếu tính theo giá ngày nay). Thông qua Bá tước Castelbarco, de Lempicka được làm quen với nhà thơ và người khét tiếng sát gái, Gabriele d'Annunzio (ảnh). Họa sĩ đến thăm nhà thơ hai lần tại villa Lake Garda để tìm cách vẽ chân dung nhà thơ trong khi nhà thơ tìm cách quyến rũ họa sĩ. Sau những nỗ lực tìm kiếm hợp đồng vẽ chân dung không thành, họa sĩ giận dữ ra về, cả hai người đều cảm thấy không thỏa mãn.

Năm 1929, họa sĩ vẽ tác phẩm gắn liền với tên tuổi mình, Auto-Portrait (Tamara in the Green Bugatti - Chân dung tự họa, Tamara ngồi xe Bugatti màu xanh lục) để làm bìa cho tạp chí thời trang Die Dame của Đức. Như tạp chí Auto Journal năm 1974 từng nhận định, “chân dung tự họa của Tamara de Lempicka là hình ảnh thực sự của một người đàn bà độc lập, làm chủ chính mình. Bàn tay đeo găng, đầu đội mũ da và khó gần, một vẻ đẹp lạnh lùng và xáo trộn ánh lên ở con người đáng nể này - người đàn bà này thực sự tự do!”.

Năm 1927, de Lempicka nhận giải thưởng quan trọng đầu tiên - giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế ở Bordeaux, Pháp cho tác phẩm “Chân dung Kizette trên ban công”.

Ở Paris vào những năm 20 giận dữ, Tamara de Lempicka là một nhân vật quan trọng của lối sống phóng túng: bà quen biết Pablo Picasso, Jean Cocteau và Andre Gide. Chuyện tình dục của bà cũng nổi tiếng, bà lưỡng tính, và những mối tình với cả đàn ông và đàn bà của bà thời đó hết sức giật gân. Bà thường dùng những yếu tố tự sự và chính thống trong các tác phẩm chân dung, hay những bức khỏa thân để tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ về nhục dục và cám dỗ. Trong những năm 1920 tên bà cũng gắn liền với những nhân vật đồng tính và lưỡng tính nữ trong giới văn nghệ sĩ, chẳng hạn như Violet Trefusis, Vita Sackville-West và Colette. Bà dan díu với Suzy Solidor (tranh), một ca sĩ hộp đêm ở Boite de Nuit, sau này Suzy cũng đi vào tranh của bà. Chồng của de Lempicka cuối cùng quá mệt mỏi với cuộc sống chung và bỏ đi năm 1927, sau đó một năm thì họ ly hôn.

Chỉ biết có công việc và đời sống xã hội, de Lempicka không chỉ bỏ bê chồng mình mà còn hiếm khi gặp con gái. Kizette hoặc là được gởi ở trường nội trú (ở Pháp hoặc Anh), hoặc là đến ở với bà ngoại Malvina. Khi de Lempicka báo với mẹ và con gái rằng bà sẽ ở lại Mỹ trong Lễ Giáng sinh năm 1929, Malvina giận dữ đến nỗi đốt hết cả bộ sưu tập mũ thời trang khổng lồ của nghệ sĩ; Kizette đứng ngay tại đó, ngắm từng cái một bốc cháy… Kizette bị bỏ bê, nhưng cùng lúc lại được bất tử hóa. De Lempicka vẽ đứa con duy nhất của mình nhiều lần, để lại một loạt chân dung độc đáo: Kizette mặc áo hồng, 1926; Kizette trên ban công, 1927; Kizette nằm ngủ, 1934; Chân dung nữ Nam tước Kizette, 1954-5, v.v… Ngay cả trong những bức tranh khác, nhân vật phụ nữ thường rất giống Kizette.

Năm 1928 người bảo trợ lâu năm của de Lempicka là Nam tước Raoul Kuffner đến thăm studio của họa sĩ và đặt bà vẽ người tình của Nam tước. De Lempicka vẽ xong bức chân dung này rồi thay luôn chỗ của cô người tình. Bà đến Mỹ lần đầu tiên năm 1929 để vẽ chân dung của Rufus Bush và sắp xếp một buổi triển lãm tại Viện Carnegie ở Pittsburgh. Triển lãm thành công nhưng bà mất hết tiền bạc khi ngân hàng bà gửi tiền bị vỡ nợ trong cuộc Khủng hoảng tài chính năm 1929.

De Lempicka tiếp tục cật lực làm việc và bận rộn giao thiệp xã hội trong suốt thập kỷ sau đó. Cuộc Đại khủng hoảng dường như chẳng ảnh hưởng gì đến bà. Địa vị xã hội của de Lempicka càng được củng cố khi bà kết hôn người tình là Nam tước Kuffner năm 1933 (vợ ông này qua đời ngay năm trước đó). Nam tước đưa bà ra khỏi lối sống nửa phóng túng và cuối cùng giành lấy một chỗ trong xã hội thượng lưu trở lại, lần này còn có thêm cả tước hiệu. Phong cách của Tamara de Lempicka trong thời gian này gợi nhớ đến ngôi sao điện ảnh Greta Gabo. Bà lúc đó trở thành “nam tước phu nhân với cây cọ vẽ”.

Khác với nhiều người cùng thời, de Lempicka từ lâu đã đoán trước được Chiến tranh thế giới thứ II. Thời cuộc cũng làm bà nhân nhượng phần nào; trong nghệ thuật bà bắt đầu vẽ những người tị nạn, các thường dân, thậm chí là một vài thánh Cơ đốc, bên cạnh các nhân vật quý tộc thông thường và những bức khỏa thân lạnh lùng. Một số tác phẩm ở giai đoạn này của bà lại có chút gì đó của Salvador Dali.

Từ năm 1943 trở đi, de Lempicka vẫn tiếp tục sống phong lưu, vẫn bận rộn giao thiệp, nhưng tiếng tăm của bà đã giảm đi đáng kể. Trong một thời gian sau đó, bà tiếp tục vẽ theo phong cách đặc trưng của mình nhưng mở rộng đối tượng sáng tác, vẽ tĩnh vật và thậm chí là cả trừu tượng. Nhưng rồi cuối cùng bà tạo ra một phong cách mới, dùng dao pallet thay vì cọ. Các tác phẩm mới của bà không được chào đón nồng nhiệt lắm khi trưng bày tại triển lãm năm 1962 ở Iolas Gallery. Sau đó, De Lempicka không bao giờ muốn trưng bày tác phẩm nữa và cũng thôi vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp. Họa hoằn lắm bà mới vẽ lại, và khi đó De Lempicka thỉnh thoảng vẽ lại những tác phẩm trước đây, với phong cách mới. Chẳng hạn như bức Amethyste (1946) sắc gọn, trực tiếp thì được vẽ lại thành bức “Cô gái chơi guitar” (1963) với màu hồng, mập mờ.

Sau khi Nam tước Kuffner qua đời vì một cơn đau tim năm 1962, de Lempicka bán phần lớn gia sản và đi vòng quanh thế giới ba lần bằng tàu thủy. Cuối cùng de Lempicka dọn đến ở Houston, Texas để được gần con gái Kizette và gia đình. Sau đó là những năm khó khăn và đau đớn. Kizette trở thành người quản lý kinh doanh của de Lempicka kiêm thư ký, kiêm quản gia và phải chịu đựng sự thống trị đầy kiểm soát cũng như cách cư xử nóng nảy của mẹ mình. Lempicka thì liên tục càm ràm rằng không chỉ chất liệu, màu vẽ thời bấy giờ kém hơn hẳn “ngày xưa” nhưng con người của những năm 70s không có được những tính cách đặc biệt và thứ “dòng dõi” gợi cảm hứng nghệ thuật cho bà. Nghệ thuật và bút pháp của những ngày huy hoàng xưa cũ không bao giờ có thể được phục hồi. Trong ảnh: bức Amethyste của những ngày huy hoàng cũ.

Năm 1978 Tamara dọn đến Cuernavaca, Mexico, sống cùng với một đám quý tộc cao tuổi và vài người trẻ hơn đủ mọi quốc tịch. Sau khi chồng Kizette qua đời vì bệnh ung thư, Kizette dọn đến chăm mẹ ba tháng, cho đến khi Tamara ra đi trong giấc ngủ ngày 19 tháng Ba năm 1980. Tro cốt của bà được Bá tước Giovanni Agusta mang rải khắp đỉnh núi lửa Popocatepetl.

Thế nhưng De Lempicka cũng đã sống đủ lâu để bánh xe thời trang quay đủ một vòng: trước khi bà qua đời, một thế hệ mới phát hiện ra nghệ thuật của bà và chào đón một cách nồng nhiệt. Một triển lãm kỷ niệm năm 1973 thu hút nhiều phản hồi tích cực. Lúc bà qua đời, những tác phẩm Art Deco sớm của bà lại được mang ra trưng bày và mua lại một lần nữa. Một vở kịch lấy cảm hứng từ cuộc đời của De Lempicka (“Tamara”) được biểu diễn suốt hai năm tại Los Angeles (1984-1986) và sau đó là tại tòa nhà Seventh Regiment Armory ở thành phố New York. Năm 2005, diễn viên, họa sĩ Kara Wilson cho diễn vở Deco Diva, một vở độc diễn dựa trên cuộc đời của de Lempicka. De Lempicka cũng được nhắc đến trong series phim “Buffy the Vampire Slayer”. Ở phần 5, nhân vật phản diện Glory treo bức “Irene và chị em gái” (tức là bức “Bốn người khỏa thân”) của Tamara de Lempicka ngay trong phòng khách.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

17:36 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  Lê Hà
Wheel of fashion có thể dịch là "Vòng quay thị hiếu". Tuy nhiên mình nghĩ vẫn nên dịch là thời trang, vì nó thể hiện sự phù phiếm và thất thường của thị hiếu mỹ thuật, cũng như thời trang, nhất là trong ngữ cảnh nói về de Lempicka, một nghệ sĩ cũng rất thời thượng ở thời của bà. Mình nghĩ người viết tiếng Anh chủ ý dùng từ fashion để thể hiện điều này, không
...xem tiếp
17:36 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  Lê Hà
Wheel of fashion có thể dịch là "Vòng quay thị hiếu". Tuy nhiên mình nghĩ vẫn nên dịch là thời trang, vì nó thể hiện sự phù phiếm và thất thường của thị hiếu mỹ thuật, cũng như thời trang, nhất là trong ngữ cảnh nói về de Lempicka, một nghệ sĩ cũng rất thời thượng ở thời của bà. Mình nghĩ người viết tiếng Anh chủ ý dùng từ fashion để thể hiện điều này, không thì đã dùng là "wheel of taste" hay một từ gì đó tương tự taste rồi. 
16:50 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
bạn Thông
chữ Fashion có thể dịch là thị hiểu
...xem tiếp
16:50 Wednesday,16.5.2012 Đăng bởi:  pho duc tung
bạn Thông
chữ Fashion có thể dịch là thị hiểu 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả