Gẫm & Bình

Mơ hồ + vụn vặt + bàng quan = đương đại? 28. 05. 12 - 8:00 am

Đào Mai Trang - Ảnh trong bài: Jamie Maxtone-Graham

(Bài viết nhân đi xem triển lãm “Jo Ha Kyu” của hai nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi và Jamie Maxtone-Graham, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, từ ngày 25. 4 đến ngày 24. 5. 2012)

 

.

 

Các bức ảnh của Jamie Maxtone-Graham cùng một kích thước, một kiểu thức trưng bày, chúng nằm sát nhau thành một đường băng thẳng tắp chạy xung quanh tường, vài chỗ được ngắt đoạn nhờ hai bức ảnh nhô ra khỏi hàng, tạo thành đoạn cắt thẳng đứng. Đều đặn, ngăn nắp và sạch sẽ. Đây có phải là một hình thức trưng bày gợi đến tính cách của người Nhật không nhỉ? Công nghệ hiện đại, vượt trước thời đại được cho là biểu trưng của người Nhật nhưng việc in phóng ảnh và chiếu đèn led sau lưng này có vẻ hình thức hóa, gây cảm giác thiên về trang trí, xa cách thế nào đó với những hình ảnh được chụp ở đây. Tất cả đều là hình ảnh đời thường ở những khu vực có cuộc sống bình thường tuy thuộc vào đất nước vừa trải qua thảm họa. Nhiều bức ảnh có vẻ dễ dãi, không tỏ ra có sự chắt lọc về khuôn hình, đem lại cảm giác về một sự hời hợt trong quan sát của tác giả. Tuy nhiên, đôi khi có bức cho thấy sự tinh tế, như là ảnh chụp nghiêng và từ xa một phụ nữ trung niên tranh thủ kẹp lông mi khi ngồi chờ ở ga tàu điện…

.

 

.

 

Nhưng kể cả ảnh chân dung (series ảnh chụp chân dung người Nhật với ghế bành và phông nền cố định) thì cũng không có gì khiến tôi phải đứng lại lâu. Tuy là miêu tả đủ loại người, cả thiên nhiên lẫn đô thị, cả nơi hiện đại lẫn chốn bình dân, các bức ảnh vẫn thiếu vắng cái cảm giác về sự sống động của đời sống. Hoặc là thiếu đi cái cảm giác ngạc nhiên, thích thú hay đồng điệu của người chụp. Thế nên, chúng cũng rời rạc với nhau. Hay là anh ta chủ ý như thế? Gạt bỏ, kìm nén tất cả cảm xúc, cảm giác và đẩy mọi thứ về trạng thái “bình thường thôi”… Nếu như vậy thì đây là một nghệ sĩ quá lý trí.

.

 

.

 

Phim của Trinh Thi được mở đầu bằng cảnh quay một số gương mặt đang ngủ gật, tai đeo headphone, có nam nữ, chủ yếu là người trẻ. Sau đó là các cảnh quay lướt qua, như kiểu người ngồi trên ô tô đang chạy và nhìn ra bên ngoài vậy. Có một cảnh được nhắc đi nhắc lại vài lần là một anh trai trẻ, vận quần đen, áo sơ mi trắng dài tay, có một vài động tác tay chân khá kỳ quặc giữa đám đông người đứng trước một tòa văn phòng, cảm giác như người này là một nhân vật được bố trí. Không cắt nghĩa hay thậm chí chỉ là cảm nhận được chút gì về nó, hình ảnh đâm ra lởn vởn trong đầu tôi. Nhiều hình ảnh lụn vụn khác được đan xen, cắt ghép vào nhau nhưng có vẻ tựa như các bức ảnh kia, có cái gì đó không ăn khớp, không gắn bó với nhau được. Hai cô gái mặc kimono, đi guốc truyền thống đang bước vội vã được quay lại phía sau; cảnh quay phần dưới của nhiều đôi chân đang cùng đi loanh quanh ở một nơi chốn, các pano quảng cáo ngoài trời lúc xa, lúc gần, cảnh đám đông đi bộ trên đại lộ,… Phim rời rạc, cắt ghép quá nhiều và không còn cuốn hút sau một số hình ảnh gợi mở ban đầu. Có một số đoạn cho thấy nhân vật trong phim cũng là nhân vật trong bộ ảnh treo cạnh đây, như là một người đàn ông đứng giữa hai gốc cây, một trong hai nhân vật ông già ngồi xoay lưng vào nhau trong khung vườn nhỏ…

Thật là mơ hồ, ít gắn bó, vụn vặt, hơi lạm dụng kỹ thuật và hình thức… Tôi hơi thất vọng về chính cảm nhận đó của mình sau khi xem xong triển lãm này. Tokyo không lẽ là đây ư? Nếu không, thì chẳng lẽ đây là cách các nghệ sĩ đang trình bày lại chính cái tôi của mình chứ không phải là sự cảm nhận, cách nhìn, cách nghĩ của anh ta về nước Nhật? Nhưng nếu chỉ là một cái tôi mơ hồ, vụn vặt thì có gì đó đáng tiếc… bởi nó đã bị lạc ra khỏi một bối cảnh sống quá rộng lớn và chứa đựng một chiều sâu văn hóa khác hẳn. Ấy là chưa kể cả phim và ảnh chụp đều được thể hiện khá giống nhau về cách thức, khiến cho triển lãm tưởng là nhiều (thông tin, cảm xúc, sự đa dạng của ngôn ngữ thể hiện) mà hóa ra đơn điệu.

.

 

Nghệ thuật đương đại có thể là gì? Là nơi để thể hiện cái tôi nghệ sĩ về một khía cạnh nào đó của thực tại nơi họ đến, nơi họ sống? Là nơi để bộc lộ những dự cảm về cuộc sống nhân gian? Là nơi để nhân lên những vấn đề xã hội đáng được đồng loại quan tâm, chia sẻ, giải quyết? Là nơi để hé mở bản chất của đời sống này, của mối quan hệ giữa người với người, người với vạn vật, giữa con người với thế giới tinh thần của chính anh ta… Có rất nhiều thứ mà nghệ thuật đương đại có thể là nhưng ít nhất, nó cũng không nên làm sai lạc đi hình ảnh hay tinh thần sống của “đối tượng” được phản ánh trong đó. Trộm nghĩ, nếu hai nghệ sĩ tác giả của triển lãm này muốn thể hiện cái tôi của mình, như trong lời viết của họ về triển lãm được in và phát cho khách tham quan, họ hoàn toàn có thể không nhất thiết phải đi Tokyo, mà có thể chọn chính Hà Nội “bát nháo” này của chúng ta để làm không gian.

Trinh Thi viết: “Tôi làm tác phẩm này bởi vì – như những tác phẩm khác, tôi thích thử nghiệm với những hình ảnh chuyển động, để tìm cách kể những câu chuyện hoặc diễn tả bản thân theo các cách khác nhau… Thành phố này đã cho tôi một số ấn tượng và cảm xúc nhất định, nhưng cũng còn những tình cảm và sự kiện khác đằng sau trải nghiệm cá nhân của tôi mà không liên quan nhiều tới Tokyo…“.

Còn Jamie viết: “... Trong sáu tuần ở Tokyo, ngay sau thảm họa động đất tháng 3 – 2011, tôi đã trải nghiệm một không khí thực sự thú vị. Phải chăng đó là do những phóng xạ trong không khí từ vụ rò rỉ hạt nhân ở Fukushima? Chắc chắn. Liệu có thể bỏ qua nó và cuộc sống thường nhật vẫn tiếp diễn. Có vẻ như vậy. Tôi đi khắp thành phố cùng vợ và con gái và chụp những bức ảnh thể hiện cùng một lúc sự nhận thức đồng thời là sự bàng quan về vấn đề đó và rất nhiều những điều khác.”

Hãy tưởng tượng một trăm, một nghìn thành phố khác nhau trên thế giới được thể hiện trong tác phẩm của họ một cách “trừu tượng” như vậy, bàng quan như vậy… hẳn sẽ thấy nhân loại sống mơ hồ, vụn vặt, rời rạc với nhau xiết bao… Và bàng quan thế, lờ nhờ thế, việc gì phải đến tận Tokyo và dùng những khái niệm lớn lao để nói về tâm hồn đáng chán của mình? Hay đây cũng là một phần bản chất của con người đương đại?

 

Ý kiến - Thảo luận

18:57 Wednesday,24.12.2014 Đăng bởi:  ong Bắp
người Hy Lạp cổ dùng từ "rác" để nói về "nghệ thuật đương đại"
...xem tiếp
18:57 Wednesday,24.12.2014 Đăng bởi:  ong Bắp
người Hy Lạp cổ dùng từ "rác" để nói về "nghệ thuật đương đại" 
8:49 Wednesday,30.5.2012 Đăng bởi:  Mai Minh
@ Khong So Ma: Tôi thấy là những người như bạn rất nhiều -- những người không có ý tưởng gì nhiều vào trong đây cmt những câu cụt lủn không có bằng chứng, lý thuyết, lập luận.
Khi có người đề nghị giải thích thì nói "Sao tôi phải viết cho bạn xem?!"
Đề nghị admin Soi giữ đúng tinh thần mọi khi các bạn vẫn đề ra, ai vào chê mà không có chứng cứ thì không đưa
...xem tiếp
8:49 Wednesday,30.5.2012 Đăng bởi:  Mai Minh
@ Khong So Ma: Tôi thấy là những người như bạn rất nhiều -- những người không có ý tưởng gì nhiều vào trong đây cmt những câu cụt lủn không có bằng chứng, lý thuyết, lập luận.
Khi có người đề nghị giải thích thì nói "Sao tôi phải viết cho bạn xem?!"
Đề nghị admin Soi giữ đúng tinh thần mọi khi các bạn vẫn đề ra, ai vào chê mà không có chứng cứ thì không đưa lên. Trường hợp của Khong So Ma nếu bạn ấy không giải thích được bài viết dở chỗ nào thì cũng nên đưa ý kiến của bạn ấy xuống.
Admin nên giữ đúng nguyên tắc để đảm bảo công bằng trong tranh luận trên SOI.
Cảm ơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả