Soi học

Bài học Chủ nhật: Thần tiên cũng có “Olympia’s Got Talent” 01. 07. 12 - 5:30 am

Pha Lê

.

 

Như đã hứa ở tuần trước, tuần này xin kể với mọi người tích Apollo và Pan so tài âm nhạc. Đây là một tích vui, thú vị, với nhiều tranh ảnh để ngắm nghía. Nhưng trước khi vô thẳng chủ đề so tài, hãy lùi thời gian về thêm chút nữa và học một câu chuyện nhỏ khác, vì nó liên quan nhiều đến tích chính.

Tại xứ Phrygia có một ông vua tên là Midas, ông này cực kỳ ái mộ bợm nhậu Dionysus, và theo nhà thơ Philostratus thì Midas rất ẻo lả. Các họa sĩ chả mấy khi chú ý tới chi tiết này, dù vào thời Hy Lạp đây là một chi tiết cực kỳ hài hước, vì đối với họ “vua” hay “đàn ông trưởng thành” mà ẻo lả thì kém tự nhiên cũng như buồn cười vô cùng.

Một hôm nọ, Silenus lảo đảo đi lạc vào xứ Phrygia, ông này là thầy của bợm nhậu Dionysus (theo lời bạn Bacchus có nhã ý bổ sung trong bài về Dionysus, Silenus già nhất, thông thái nhất nhưng cũng say bét nhè nhất, nên thường phải cưỡi lừa hoặc có ai đó dìu vì ông lết không nổi). Lúc nào cũng bí tỉ thế thì không biết Silenus dạy gì trừ dạy nhậu. Chẳng hề ngạc nhiên mà Silenus đi lạc do xỉn. Dân chúng của Phrygia biết vua Midas của mình ái mộ Dionysus nên đã dẫn Silenus đến cung điện. Vị vua mừng húm, ông chăm sóc, chiêu đãi Silenus cực kỳ chu đáo rồi tìm đường dẫn Silenus về với học trò.

Tác phẩm “Silenus say”, Rubens, 1617. Silenus là ông mập phệ đi lảo đảo ở giữa tranh, Rubens cũng vẽ thêm cành nho để nhấn mạnh danh tính của Silenus. Xung quanh ông là một hội ăn chơi, họa sĩ còn vẽ thêm cả con nít vô tranh, không biết đây là ý gì? Tác hại của việc nhậu? Bố mẹ nhậu thì con cũng nhậu?

 

Thấy ông thầy đi lạc của mình được phục vụ đến nơi đến chốn, Dionysus rất cảm kích và hỏi Midas xem ông muốn mình trả ơn thế nào. Midas – chắc theo chủ nghĩa tư bản – nói rằng ông muốn tất cả những gì ông chạm vào biến thành vàng. Dionysus đồng ý và ban cho Midas điều ước này.

Tác phẩm “Midas, Dionysus và Silenus”, Poussin, 1629. Vua Midas (đội vương miện) qùy xuống xin Dionysus (quấn lá nho trên đầu, đang chìa tay cho Midas) điều ước. Silenus chắc là cái ông xỉn đang ngủ ngồi cạnh thần rượu. Midas này nhìn cơ bắp lắm chứ không ẻo lả gì hết. Xung quanh thần rượu là các bà các ông (lẫn con nít) say xỉn.

 

Thế nhưng “tất cả mọi thứ” có nghĩa là “tất cả mọi thứ”, thức ăn Midas chạm vô biến thành vàng, người Midas chạm vô cũng chết và hóa thành vàng. Thế là vị vua đi tìm thần rượu để rút lại điều ước. Vị thần thể theo nguyện vọng, biến Midas trở lại như bình thường.

Bản trên này là của các nhà thơ như Herodotus, Hyginus, Strabo, Xenophon, Philostratus v.v…

*

Còn phần sau này là do Ovid kể:

Sau khi trở lại bình thường, Midas thở phào nhẹ nhõm, nhưng cũng từ lúc này ông bắt đầu ghét tiền, ghét vàng. Thế là ông rời vương quốc, chui vô rừng sống. Midas gặp Pan trong rừng, và hai người trở thành bạn thân, ngày đêm đi săn, đàn hát cho nhau nghe. Pan có tài thổi sáo rất hay, và chắc vì Pan vừa có thêm bạn mới để chia sẻ, ông thần đâm hứng chí, phán rằng tài năng âm nhạc của mình vượt trội Apollo, rồi thách Apollo thi tài với mình.

Apollo đồng ý, và cuộc thi “Tài năng âm nhạc Olympia” (nếu sính tiếng Anh thì có thể viết: Olympia’s got talent) bắt đầu. Pan cũng như Apollo chọn núi Tmolus để thi thố. Pan thổi sáo, Apollo trình diễn một bài gảy từ đàn lia, thần núi Tmolus (ông này là một trong hàng tá con của Mars) làm giám khảo cùng Midas, và các tiên rừng, tiên cây… đua nhau đến xem “sô diễn”.

Tác phẩm “Cuộc so tài giữa Apollo và Pan”, Johann Rottenhammer, 1599. Apollo cầm đàn lia, đứng bên trái, thần núi Tmolus quấn khăn đỏ ngồi cạnh, trong tranh còn có Athena, chắc vì họa sĩ muốn ngụ ý “công bằng trong thi thố” nên vẽ thần công lý Athena vào, chứ trong tích không thấy Athena xuất hiện. Bên phải là Midas (mặc áo vàng quần đỏ) và Pan (đang thổi sáo) cùng đám Satyr và tiên rừng. Apollo trong bức này nhìn y như con gái, không viết Johann có vẽ lộn hay dùng sai người mẫu không đây.


Tác phẩm “Pan và Apollo”, Palma Giovane, không rõ năm. Vua Midas ngồi bên phải, trông già khú, Pan cầm ống sáo ngồi bên trái. Ở giữa là Apollo (có cả vú mới sợ chứ!), nhưng hơi lạc đề vì Apollo cầm violin, đáng ra phải là đàn lia mới đúng. Tranh này vắng mất Tmolus rồi.


Tác phẩm “Apollo và Pan”, Johann Cari Loth, thế kỷ 17. Pan thổi sáo, còn Apollo gảy đàn, vầng hào quang trên đầu Apollo nhấn mạnh chức “thần mặt trời”. Midas đứng bên Pan còn Tmolus đứng bên Apollo.

 

Kết quả thế nào? Pan dùng sáo thổi một bản nhạc mộc mạc, đậm chất đồng quê, khiến ai cũng thích. Đến lượt Apollo, vị thần này bước lên ‘sân khấu’ dáng đứng vô cùng thanh thoát tao nhã, điệu đà nâng đàn lia lên, nói chung Apollo toát ra một vẻ gì đó cực kỳ “qúy tộc”. Khi chàng gảy nhạc, không chỉ tiên thích, thần thích, mà cây cối cũng phải xào xạc theo. Tmolus phán Apollo thắng, và ai cũng phải đồng ý. Nhưng Midas, vốn thân quen Pan và đã từ bỏ những thứ quý phái, cho rằng Pan thổi sáo hay hơn, nên phản đối kịch liệt.

Apollo bực bội, cho rằng Midas tai điếc, không biết gì về nghệ thuật mà dám bình bậy bạ, nên biến tai của Midas từ tai người thành tai lừa. Quá xấu hổ, Midas suốt đời trùm một dải khăn tím lên đầu để che hai tai.

Tác phẩm “Phán xét Midas”, Abraham Govaerts, không rõ năm. Tmulos đứng giữa, bên Pan có Midas (đội vương miện, chỉ tay ủng hộ bạn thân) và các Satyrs, bên Apollo thì có các nàng tiên xinh đẹp (hoặc đây là các nàng thơ chăng?). Nhạc cụ của Pan lẫn Apollo đều sai, Apollo cầm violin còn sáo của Pan không phải sáo nhiều ống mà nhìn như kèn.


Tác phẩm “Trừng phạt Midas”, Hendrik de Clerck, 1620. Athena đứng cạnh Apollo, coi như thể theo công lý thì chàng này thắng. Tmolus là cái ông râu ria xồm xoàm ngồi bên trái, cạnh Tmolus là Midas (đội vương miện) với hai tai đang biến thành tai lừa. Pan thì cầm sáo, đứng cùng hội Satyr đầy tớ. Chín nàng thơ đứng lòng vòng xung quanh hai bên rìa tranh. Giống nhiều họa sĩ khác, Hendrick cũng lộn, vẽ đàn lia thành violin.


“Apollo, Pan, và Midas”, Frans Floris, thế kỷ 16. Trong bức này Zeus (ngoài cùng bên trái) và Hera (ngoài cùng bên phải) cũng làm khán giả cho cuộc thi tài năng giữa Apollo và Pan. Vua Midas ngồi cạnh Pan, tai đã hóa tai lừa, còn Tmolus râu ria thì ngồi bên Apollo. Nhạc cụ trong bức này thì đúng rồi.


Tác phẩm “Phán xét Midas”, Francesco Primaticcio, 1540. Apollo ngồi bên trái, cầm đàn lia, còn Pan ngồi bên phải, cầm sáo. Vua Midas mọc tai lừa vì dám bênh bạn, còn Tmolus thì ra sức ngăn Midas lại, giống kiểu “làm ơn đừng bênh nữa, mọc tai rồi kìa”. Chàng trai và vị bô lão đứng phía sau thì không rõ danh tính. Có thể là một Satyr và một thần rừng khác chăng?


Tác phẩm “Apollo và Pan thi tài”, Jacob Jordaens, thế kỷ 17. Bên phải là Apollo (cây đàn lia nằm dưới đất), và Pan (thổi sao, nhưng sáo này không phải chiếc sáo nhiều ống biểu tượng). Đằng sau là một Satyr và một tiên nữ. Bên trái là Tmolus và Midas (tai lừa). Ngồi cạnh Tmolus là hai nàng nào đấy, chắc là thê thiếp, nàng ngoài cùng có tỷ lệ và trục cơ thể sai nên nhìn hơi giống yêu quái ngoẹo đầu.

 

Chàng Apollo xem ra rất cay cú nếu có ai đó không biết thưởng thức tài năng của mình. Điều thú vị là, Apollo lẫn Artemis trông riêng biệt vậy chứ các họa sĩ rất hay nhầm tích của hai vị thần khác thành tích của hai anh em sinh đôi này. Tại sao vậy? Chịu khó chờ đến bài học tuần sau nhé.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Pan – ông 35 của tích Hy Lạp cổ
– Bài học Chủ nhật: Pan và Syrinx – thêm một cô biến thành cây vì ghét trai

– Bài học Chủ nhật: Thần tiên cũng có “Olympia Got Talent”

 

Ý kiến - Thảo luận

14:18 Thursday,21.3.2013 Đăng bởi:  dilettant

À từ đây có một tích là người ta hễ có bí mật gì là phải truyền đi (không thể sống để dạ, chết mang đi như ở các nước phong kiến toàn tập đến bây giờ...) - có thần dân đào hố thì thào: vua Mi đát có đôi tai dê, sau cái cây lớn lên cứ "hát
...xem tiếp

14:18 Thursday,21.3.2013 Đăng bởi:  dilettant

À từ đây có một tích là người ta hễ có bí mật gì là phải truyền đi (không thể sống để dạ, chết mang đi như ở các nước phong kiến toàn tập đến bây giờ...) - có thần dân đào hố thì thào: vua Mi đát có đôi tai dê, sau cái cây lớn lên cứ "hát câu này" lộ hết bem. Dilettant đọc tâm lý học thấy nói con người nhận thông tin gì bí mật là có nhu cầu phát đi ngay, càng thâm cung, nhu cầu phát càng lớn, không cưỡng được.
Ảnh dưới cùng thấy Pha Lê chú là "tiên nữ" với một Satyr... Bàn tay của Satyr cho thấy vị thần rừng này không xứng được giấy mởi đến dự công cua về nghệ thuật. Ai lại thiếu tập trung thế, ông này chắc thuộc diện tai trâu - đi hát ca ra ô kê mỏi tay. Chắc là bố thần dâm (satyr) này cứ đến bừa, bất chấp danh sách đại biểu đã được trên duyệt kỹ.

 
15:14 Sunday,1.7.2012 Đăng bởi:  admin
Grammar Nazi ơi, cảm ơn bạn, Soi sửa lại tít bài và cả trong bài rồi :-)
...xem tiếp
15:14 Sunday,1.7.2012 Đăng bởi:  admin
Grammar Nazi ơi, cảm ơn bạn, Soi sửa lại tít bài và cả trong bài rồi :-) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả